Học viên Pháp Luân Công gửi danh sách thủ phạm bức hại tới 44 quốc gia, yêu cầu thực hiện chế tài
Gần đây, các học viên Pháp Luân Công đã đệ trình một danh sách các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ của 44 quốc gia, yêu cầu xử phạt họ theo quy định của pháp luật. Các học viên cũng yêu cầu chính phủ các quốc gia cấm thủ phạm và gia đình họ nhập cảnh, thậm chí đóng băng tài sản của họ.
Ông Lương Quế Úc (Liang Guiyu), một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, nhiều học viên Pháp Luân Công mà ông quen biết đã bị bức hại đến thiệt mạng; thậm chí một số người có thể đã bị thu hoạch nội tạng sống. Theo ông, hành động yêu cầu thực hiện chế tài này sẽ khiến những thủ phạm bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, trong đó có cựu Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông Lưu Gia Nghĩa (Liu Jiayi) phải “tim đập chân run.”
Ông Marco Respinti, phóng viên kiêm giám đốc điều hành của tạp chí về tự do và tôn giáo Bitter Winter, nói với The Epoch Times rằng ông đánh giá cao phương thức yêu cầu thực hiện chế tài. Ông nói, cộng đồng quốc tế phải nhớ rằng: Vĩnh viễn không thể thỏa hiệp với cái ác.
44 quốc gia được đệ trình lần này bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand thuộc Liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes); và tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Bỉ, Ireland, Áo, Đan Mạch, Romania, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Bulgaria, Luxembourg, Croatia, Lithuania, Slovenia, Latvia, Estonia, Cộng hòa Cyprus và Malta; cũng như 12 quốc gia khác ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ: Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Mexico, Argentina, Colombia, Chile và Cộng hòa Dominica. Trong số đó, quốc gia Lithuania lần đầu tiên tham gia hoạt động chung này.
Ông Lưu Gia Nghĩa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông bị liệt vào danh sách
Ông Lưu Gia Nghĩa, từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông từ tháng 04/2017 đến tháng 09/2021. Ông Lưu bị đưa vào danh sách yêu cầu trừng phạt.
Ông Lưu Gia Nghĩa là một trong những người chỉ huy và lập kế hoạch hàng đầu cho cuộc bức hại Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông, cũng là người thúc đẩy chủ yếu chính sách bức hại. Trong nhiệm kỳ của ông Lưu, các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông đã bị bức hại nghiêm trọng. Vì vậy, ông Lưu phải chịu trách nhiệm chính về việc này.
Trang web Minghui.org đưa tin cho hay, chỉ riêng năm 2019, có 1,392 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại ở tỉnh Sơn Đông, 124 người bị kết án phi pháp và 16 người bị bức hại tử vong.
Sau đây là một số trường hợp bị bức hại tử vong trong thời gian ông Lưu Gia Nghĩa nắm quyền:
1. Ông Tôn Phi Tiến (Sun Pijin) qua đời vào ngày thứ hai sau khi bị bắt cóc. Học viên Pháp Luân Công Tôn Phi Tiến, nam giới, không rõ tuổi, người huyện Mông Âm, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Ngày 17/06/2021, ông Tôn đang làm công việc đồng áng trên cánh đồng của mình thì bị bắt cóc đến đồn công an, và bị bức hại đến tử vong vào ngày hôm sau. Khi gia đình tiến hành khám nghiệm thi thể ông, họ phát hiện não ông bị tràn dịch, một mắt bị mất, nửa phần đầu bị xẹp và ngực bị xẹp.
2. Cô Lý Linh (Li Ling) bị bí thư thôn dẫn dân quân đến đánh tử vong. Học viên Pháp Luân Công Lý Linh, nữ giới, không rõ tuổi tác, sống ở thôn Đại Trương Gia, thị trấn Long Sơn, thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông. Ngày 28/06/2020, cô Lý Linh bị dân quân do bí thư thôn dẫn đầu bắt cóc, đánh đập dã man và giam giữ trái phép tại một căn nhà trống trên núi. Cô bị đánh tử vong vào ngày 13/07/2020. Di thể của cô vô cùng bi thảm: hai mắt mở to và lồi ra rất lớn, răng bị đánh gãy, miệng bị xé rách và cơ thể đầy vết bầm tím.
3. Bà Lý Trường Phương (Li Changfang), nghi bị thu hoạch gan, thận và giác mạc khi còn sống. Học viên Pháp Luân Công Lý Trường Phương, nữ giới, 57 tuổi, sống ở thôn Tùy Gia, thị trấn Y Mân, huyện Nghi Nam, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Ngày 23/10/2018, bà Lý bị công an bắt cóc với danh nghĩa “quét sạch thế lực đen tối.” Ngày 27/03/2019, bà bị kết án phi pháp hai năm rưỡi tù giam. Bà bị bức hại đến tử vong vào ngày 12/07/2019 và nghi ngờ bị thu hoạch nội tạng sống.
Trong thời gian bị giam giữ, bệnh viện và trại tạm giam đã cưỡng bức bà Lý Trường Phương “phẫu thuật cắt ruột thừa,” trong đó một vết rạch được thực hiện từ ngực đến bụng của bà. Bà đã hôn mê sau ca phẫu thuật. Bác sĩ cho biết bà bị suy gan và thận. Ngày 09/07/2019, người nhà phát hiện mí mắt trên và dưới của bà Lý bị dán băng dính. Ngày 12/07, bà Lý vẫn tỉnh táo, nhưng bác sĩ đã đuổi người nhà đi. Sau đó, trong lúc người nhà vắng mặt, cảnh sát đã tháo máy thở và dụng cụ y tế trên người bà Lý khiến bà tử vong, sau đó đưa thi thể đi.
4. Ông Hà Lập Phương (He Lifang), nghi bị thu hoạch nội tạng khi còn sống. Ông Hà Lập Phương, nam giới, học viên Pháp Luân Công ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, 45 tuổi, bị bức hại đến tử vong vào ngày 02/07/2019 khi bị giam giữ tại Trại giam Phổ Đông ở thành phố Tức Mặc, Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.
Người nhà ông Hà nghi ngờ ông bị thu hoạch nội tạng khi còn sống. Thi thể của ông có những vết rạch trên ngực và sau lưng. Khuôn mặt ông biểu lộ vẻ đau đớn, miệng há hốc, có máu ở mũi và miệng, kẽ răng cũng có máu rỉ ra, chân và tay đầy vết bầm tím và chuyển sang màu đen.
Cựu học viên Pháp Luân Công tỉnh Sơn Đông: Những thủ phạm bức hại sợ hãi khi hành động tà ác của họ bị phơi bày
Ông Lương Quế Úc là người biết rất rõ vụ việc ông Hà Lập Phương bị bức hại đến tử vong. Ông Lương nói rằng hai người họ sống ở hai thị trấn rất gần nhau. Năm 1997, nhờ tu luyện Pháp Luân Công, hai người quen biết và trở nên thân thiết.
Ông Lương nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, vào ngày 05/05/2019, đồn công an địa phương lấy cớ ông Hà Lập Phương bị mất sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân, nên cần phải đi làm lại chứng minh nhân dân.
“Ngay khi ông Hà Lập Phương bước vào đồn công an, ngay lập tức ông bị bắt cóc, giam giữ và đưa đến Trại giam Phổ Đông,” ông Lương kể lại. Trong thời gian này, ông bị chích những loại thuốc không rõ nguồn gốc. “Sau khi bị giam trong trại giam khoảng hai tháng, ông Hà Lập Phương đã bị tra tấn đến tử vong,” ông Lương cho biết.
Ông Lương Quế Úc cho biết, vì vết thương được khâu trên ngực của thi thể ông Hà và các nguyên nhân khác, nên người nhà của ông Hà nghi ngờ ông đã bị thu hoạch nội tạng khi còn sống.
Ông Lương nói: “Trong vòng ba ngày sau khi ông Hà Lập Phương qua đời, công an đã điều động khoảng 20 xe cảnh sát và hơn 200 cảnh sát để phong tỏa toàn bộ bệnh viện.”
Ông còn cho biết, cuộc bức hại Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông rất nghiêm trọng. Nhiều học viên Pháp Luân Công mà ông biết đã bị bức hại đến thiệt mạng, chẳng hạn như:
Học viên Pháp Luân Công Lư Tú Phương (Lu Xiufang) ở thị trấn Hoa Sơn, thành phố Tức Mặc, Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã bị bức hại đến tử vong vào tháng 07/2003.
Ông Lương cho biết, để trốn tránh trách nhiệm, nhà tù nữ Sơn Đông đã trả bà Lư Tú Phương, người đang cận kề cửa tử vì bị bức hại, về nhà. Khi bà Lư về đến nhà thì một tiếng sau bà đã tử vong.
Bà Lưu Nguyệt Thụy (Liu Yuerui), một học viên Pháp Luân Công ở thị trấn Lý Quyền Trang, thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông, qua đời do bị sách nhiễu và đe dọa vào năm 2006. Con trai của bà là anh Lý Tác Khanh (Li Zuo Qing) bị tố cáo vì đã in ấn “Cửu Bình Cộng sản Đảng” (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản) vào năm 2005. Anh bị kết án tù và bị bức hại đến tử vong vào ngày 18/11/2016.
Bà Vương Thục Hoa (Wang Shuhua), học viên Pháp Luân Công ở thôn Khúc Cách, thị trấn Hạ Cách, thành phố Lai Tây, qua đời vào ngày 18/10/2017 trong cuộc bức hại.
Chị gái của ông Hà Lập Phương, bà Hà Thục Anh (He Shuying), đã bị đưa đến trại lao động cưỡng bức hai lần và qua đời vào năm 2014 do bị bức hại.
Cô Vu Xuân Hoa (Yu Chunhua), học viên Pháp Luân Công ở thôn Khúc Cách, thị trấn Hạ Cách, thành phố Lai Tây, đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 09/2000. Ngày 07/02/2001, cô lại đến Bắc Kinh lần nữa để thỉnh nguyện, nhưng sau đó đã mất tích. Suốt 22 năm nay chưa từng có tin tức về cô.
Ông Lương Quế Úc cho rằng, việc yêu cầu 44 quốc gia áp dụng các biện pháp chế tài đối với các quan chức, trong đó có cựu Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông Lưu Gia Nghĩa, sẽ khiến những thủ phạm bức hại của ĐCSTQ sợ hãi.
Sau khi ông Lương đến Hoa Kỳ, hàng ngày sau giờ làm việc, ông đã gọi điện về Hoa lục để nói rõ sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công cho các quan chức cảnh sát, công tố viên và cơ quan pháp luật của ĐCSTQ.
Ông Lương nói: “Họ sợ hãi, vô cùng sợ hãi. Mỗi lần tôi gọi điện cho họ, muốn dành chút thời gian để nói chuyện, nhưng họ đều rất sợ hãi, vô cùng sợ và không dám trả lời điện thoại.”
“Những người tham gia vào cuộc bức hại đã rất hoảng sợ sau khi những việc làm tà ác của họ bị phơi bày. Họ cũng cố gắng che đậy nó, tìm ra nhiều lý do và lời bào chữa cho cuộc bức hại. Trên thực tế, họ đều biết rất rõ rằng ĐCSTQ sắp kết thúc. Trong nội bộ họ càng hiểu rõ hơn về vấn đề này.”.
Danh sách những người trong lần đệ trình này:
Danh sách những thủ phạm bức hại Pháp Luân Công bị gửi đến 44 quốc gia yêu cầu thực hiện chế tài bao gồm:
- Phạm Lý Bằng (Fan Lubing), Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù, Bộ Tư pháp ĐCSTQ;
- Lý Như Lâm (Li Rulin), Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Pháp chế Liêm chính ĐCSTQ, nguyên Phó Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Cải tạo Lao động, Bộ Tư pháp;
- Diệp Hàn Băng (Ye Hanbing), Phó Tỉnh trưởng tỉnh Tứ Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy;
- Lý Thành Lâm (Li Chenglin), Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây, Phó Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh;
- Du Khuyến Vinh (You Quanrong), Bí thư Đảng khối Pháp viện cao cấp tỉnh Hồ Bắc, Phó Viện trưởng, Quyền Viện trưởng, Viện trưởng, nguyên Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát Hồ Nam;
- Trương Nghị (Zhang Yi), Bí thư Đảng khối Viện kiểm sát tỉnh Hải Nam, Kiểm sát trưởng, Phó Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy, nguyên Bí thư khối Tư pháp tỉnh Cát Lâm, Giám đốc Sở Tư pháp, và nguyên Chính ủy thứ nhất Cục quản lý trại giam tỉnh Cát Lâm;
- Đàm Tôn Hoa (Tan Zunhua), thanh tra cấp 1 Cục quản lý trại giam tỉnh Hắc Long Giang, nguyên Ủy viên Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Hắc Long Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cục Quản lý trại giam tỉnh;
- Y Kiến Dân (Yi Jianmin), Ủy viên Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Hắc Long Giang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cục Quản lý trại giam tỉnh;
- Lý Nghĩa Long (Li Yilong), Phó Bí thư Thành ủy Vũ Hán, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Bí thư Thành ủy, Giám đốc Sở Công an thành phố Vũ Hán;
- Tiết Trường Nghĩa (Xue Changyi), Thành viên Đảng khối Viện Kiểm sát tỉnh Hà Nam, Phó Kiểm sát trưởng, nguyên Kiểm sát trưởng Viện kiểm sát thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam;
- Lý Cường (Li Qiang), Phó châu trưởng châu Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Cục Công an tỉnh, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật châu, nguyên đội trưởng Đội An ninh Quốc gia của Công an tỉnh Tứ Xuyên;
- Đổng Khai Đức (Dong Kaide), Phó Bí thư Thường vụ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Thẩm Dương, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Thẩm Dương và Giám đốc Cục Quản lý trại giam;
- Tư Chí (Tian Zhi), cai ngục Trại giam Đông Lăng, thành phố Thẩm Dương;
- Tần Khắc Bình (Qin Keping), cai ngục và chính ủy Trại giam Ga Châu, tỉnh Tứ Xuyên;
- Lạc Giang Đào (Luo Jiangtao), Giám đốc Chính trị Trại giam Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên;
- Thiệu Lăng (Shao Ling), Trưởng phòng Giáo dục cải tạo Trại giam Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên.
Cho đến nay, trang web Minh Huệ đã thu thập tổng cộng 117,193 danh tính của những người tham gia cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công, đồng thời thông tin cá nhân và hành vi xấu của họ cũng đã được ghi lại.
Cộng đồng quốc tế nên ghi nhớ: không thể thỏa hiệp với cái ác
Về việc các học viên Pháp Luân Công đệ trình danh sách mới những người đàn áp Pháp Luân Công lên chính phủ của 44 quốc gia và yêu cầu áp dụng chế tài, ông Marco Respinti, phóng viên kiêm giám đốc điều hành của tạp chí Bitter Winter, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times:
“Tôi nghĩ đây là một cách làm tốt. Những người phạm tội phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”
“Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã công khai và long trọng tuyên bố rằng, tự do tôn giáo cá nhân là nguyên tắc cốt lõi định hướng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.”
“Trên thực tế, nếu cộng đồng quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ không tăng cái giá phải trả đối với ĐCSTQ, yêu cầu [đảng này] tôn trọng đầy đủ nhân quyền; nếu chúng ta không tuyên chiến với ĐCSTQ, nếu chúng ta không truy cứu trách nhiệm của những thủ phạm bức hại, cuối cùng (điều đó sẽ khiến) chúng ta có vẻ như đã chấp nhận (sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc).”
Ông Respinti nói rằng, khi cộng đồng quốc tế giao thiệp với ĐCSTQ, “vĩnh viễn không nên xóa bỏ tội ác và bản chất tàn ác của những thủ phạm bức hại. Cộng đồng quốc tế phải luôn ghi nhớ rằng, không thể có bất kỳ sự thỏa hiệp nào với cái ác”.
Hoa Kỳ công khai áp dụng chế tài đối với quan chức ĐCSTQ vì đàn áp Pháp Luân Công
Ngày 31/05/2019, trang web Minghui.org đã đăng tải một “Thông Báo” cho biết: Chính phủ Mỹ dự định siết chặt hơn kiểm tra khi cấp chiếu khán, cự tuyệt cấp chiếu khán cho người bức hại nhân quyền và tôn giáo, gồm cả chiếu khán di dân và chiếu khán phi di dân (như chiếu khán du lịch, thăm thân nhân, công tác, v.v.) Kể cả những ai đã được cấp chiếu khán (gồm cả người có “thẻ xanh”) cũng có thể bị từ chối nhập cảnh.
Nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho hay các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ có thể đệ trình danh sách những người bức hại Pháp Luân Công.
Chính phủ cựu Tổng thống Trump trước đây và chính phủ Tổng thống Biden đương nhiệm ở Hoa Kỳ đã công khai áp dụng chế tài đối với các quan chức ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công.
Kiều Tùng thực hiện
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ