Học giả cổ điển: Bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’ chính là điều xã hội hiện đại đang cần
“Tôi đang được diện kiến một quý ông tốt bụng,” cựu hiệu trưởng trường Cao đẳng Campion Sydney bày tỏ.
“Tôi nhận ra một tâm hồn tri kỷ, tôi nhận ra một người, mà chúng ta thường nói là ‘Ở phía chính Thần.’” Ông David Daintree, hiện là giám đốc của Trung tâm Christopher Dawson, cho hay trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Ngài Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, xuất hiện vào thời điểm không thể tốt hơn khi thế giới đang bị mê mờ trước của cải vật chất, sự tiến bộ công nghệ, và kim tiền, vị học giả [chuyên nghiên cứu ngôn ngữ Hy Lạp và Latinh] cổ điển cho hay.
“Tình trạng các nước Tây phương đã đang đánh mất đức tin thật thê thảm, và chúng ta đang trở thành những người duy vật hoàn toàn. Chúng ta không còn giá trị tinh thần nào cả. Hầu hết chúng ta, tuyệt đại đa số chúng ta, [đều] không có,” ông Daintree cảm thán.
Trên thực tế, kết quả Khảo sát Xã hội Tổng quát do Đại học Chicago thực hiện hai năm một lần, cho thấy chỉ số hạnh phúc ở người Mỹ đã giảm dần kể từ những năm 1980 dù chất lượng cuộc sống về tổng thể đã được cải thiện. Viện nghiên cứu Melbourne, Úc cũng nhận thấy chỉ số hạnh phúc cũng đang [giảm dần] hướng về phía nam, đặc biệt là từ năm 2009.
Một số nghiên cứu kết luận rằng sự sụt giảm này là do [ảnh hưởng của] đại dịch, sự thiếu hụt nhận thức về mức độ phát triển xã hội, hoặc đơn giản là thiếu an ninh tài chính.
Nhưng ông Daintree tin rằng đó là do yếu tố tín Thần đang ngày càng rời xa cuộc sống của nhiều người.
Điều tra dân số năm 2021 ở Úc cho thấy 38.9% dân số cho biết [họ] không theo tôn giáo nào, tăng so với năm 2016 (30.1%) và năm 2011 (22.3%).
“Chúng ta là một thế hệ may mắn hơn nhiều thế hệ từng sống trên trái đất. Chúng ta có tuổi thọ dài hơn. Chúng ta được chăm sóc tốt về mặt thể chất. Ý tôi là, hãy nghĩ về các thiết bị điện tử, xe hơi, máy điều hòa không khí, và tủ lạnh. Tất cả những điều này khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên rất dễ dàng và dễ dàng hơn bao giờ hết đối với con người.
“Trong môi trường đó, thật dễ để khiến chúng ta quên mất những khía cạnh tinh thần của cuộc sống và tưởng rằng những gì mà chúng ta đang có hiện nay là tất cả và rằng đó mới là thứ quan trọng,” ông Daintree nói thêm.
Học giả: Chúng ta cần thêm sự chân thật trong xã hội này
Ông ca ngợi Đại sư Lý vì đã nói lên sự thật về việc cần phải trân trọng các giá trị đạo đức truyền thống, tu dưỡng nhân cách, và tìm kiếm sự cứu rỗi — [ông] lưu ý rằng một thông điệp như vậy sẽ có được sự thấu hiểu của mọi người.
“Mọi việc tốt trên thế gian đều tạo nên hiệu ứng gợn sóng. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo,” ông Daintree bày tỏ. “Kết quả của bất cứ việc tốt nào sẽ không nhất thiết đo lường được ngay tại thời điểm đó, nhưng tác động của nó có thể đến — vài ngày hoặc thậm chí nhiều năm sau đó.”
“Mọi lời tốt đẹp được cất lên sẽ vang vọng trong trái tim mỗi người và tác động đến người nghe theo chiều hướng tốt hoặc xấu,” ông nói thêm. “Ví dụ, những lời nhận xét khơi dậy sự hận thù sẽ ảnh hưởng đến một số người. Còn những lời nói yêu thương và tử tế sẽ có tác động tốt đến mọi người.”
“Nếu [Nhà sáng lập Pháp Luân Công] đã nói lên sự thật, thì đó hẳn là một điều tốt. Bởi vì ngày nay có rất nhiều người không sẵn sàng nói lên sự thật. Họ nói những điều thật vô nghĩa.”
Tác giả bài viết này là Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần giảng dạy về các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn. Kể từ khi được phổ truyền ra công chúng vào những năm 1990, pháp môn này đã được hồng truyền tới hơn 100 quốc gia, và cuốn sách chính của môn tu luyện này là “Chuyển Pháp Luân”, đã được dịch sang 40 ngôn ngữ.
Khoảng trống đạo đức chiêu mời chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx
Ông Daintree cho hay ở phương Tây, sức hấp dẫn của tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Marx — cũng như các học thuyết dựa trên nó như chủ nghĩa hậu hiện đại và văn hóa thức tỉnh thời nay — đều bắt nguồn từ lời hứa về phúc lợi và những tiện nghi vật chất cho tất cả mọi người trong xã hội.
Trên thực tế, nhiều chính sách phổ biến của chính phủ ở các quốc gia phát triển thời nay [đều] bắt nguồn từ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, như nhà nước phúc lợi trọn đời và bình đẳng dưới mọi hình thức.
“Chủ nghĩa cộng sản đưa ra những lời hứa hẹn về vật chất vốn rất hấp dẫn với những ai chỉ tin vào đó. Vì vậy, nó sẽ luôn luôn thu hút rất nhiều người,” ông Daintree nói.
Nhưng ông [cũng] cảnh báo rằng những tư tưởng này tạo nên sức hút là vì nó thiếu chú trọng về mặt đạo đức.
“Nếu chúng ta không có tiêu chuẩn đạo đức, thì chúng ta sẽ chỉ mất công tìm kiếm Thần ở những nơi mà Thần không tồn tại. Chúng ta sẽ chỉ có thể tìm kiếm tình yêu trong phim ảnh khiêu dâm hoặc bằng việc ăn cắp những khoản tiền lớn.”
Câu châm ngôn “‘Để kẻ trộm đi tìm kiếm sự hoàn hảo, thì sẽ chỉ tìm sai đường’,” ông nói. “Một khi chúng ta để mất [các giá trị đạo đức], thì thứ gì cũng sẽ trở thành hợp pháp.”
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times