Hoàng đế Charles của nước Áo cố gắng ngăn chặn Đệ nhất Thế chiến
Chàng quỳ ở đó bên cạnh giường đức vua, trán áp vào lòng bàn tay, khi những lời cầu nguyện thầm thì dành cho người sắp rời xa nhân thế lấp đầy sự tĩnh lặng của căn phòng. Và khi đôi môi chàng mấp máy lời cầu nguyện cho người ông của mình, tâm trí chàng miên man suy nghĩ về những gì sắp xảy ra.
Khi bệnh tình của vua Franz Joseph I ngày một trầm trọng, gánh nặng trọng trách đè lên vai của người thừa kế 29 tuổi như một cái bóng [khổng lồ]. Vị hoàng tử trẻ nghiêm nghị phải vật lộn với thực tế rằng chàng sẽ sớm trở thành hoàng đế của đế chế Áo-Hung.
Khi đứng dậy bên cạnh giường bệnh của quốc vương đang hấp hối, chàng bắt đầu phải đối mặt với một thế giới đổ nát gồm những tai ương và thách thức dường như không thể vượt qua được: Quốc gia của chàng bị xâu xé bởi những căng thẳng từ chủ nghĩa dân tộc và sắc tộc, trong khi thế giới rộng lớn ngoài kia đang vật lộn với cuộc chiến tàn khốc và đẫm máu nhất mà nhân loại từng chứng kiến, Đệ nhất Thế chiến — hay như cách gọi đơn giản khi đó là, “Trận Đại Chiến.”
Một chuỗi các trọng trách
Hoàng tử Charles von Habsburg (1887–1922) chưa từng được chỉ định sẽ trở thành vua. Khi trưởng thành, chàng vẫn nhiều lần bị tước khỏi ngôi vị, nhưng một loạt bi kịch đã nhanh chóng đưa chàng đến lại với ngai vàng. Đầu tiên, Thái tử Rudolf (con trai của đương kim hoàng đế Franz Joseph) tự sát vào năm 1889, do đó, anh họ của chàng là Archduke Franz Ferdinand đã trở thành người thừa kế. Tuy nhiên, ông Franz Ferdinand lại có một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối, điều này nghĩa là các con của ông không thể thừa kế ngai vàng. Thay vào đó, một khi đức vua tương lai Franz Ferdinand băng hà, cháu trai của ông là Charles, sẽ trở thành người kế vị.
Nhưng hoàng tử Charles tin rằng mình vẫn còn nhiều năm [tự do] trước khi được suy tôn để trị vì đế chế Áo-Hungary, vì người chú Franz Ferdinand vẫn còn là người đàn ông khá trẻ. Nhưng rồi, viên đạn từ khẩu súng của người Serbia, mang theo sức nóng của nó đã đốt cháy cả thế giới và làm thay đổi cuộc đời Charles cũng như cuộc sống của hàng triệu người khác — mãi mãi. Thái tử Franz Ferdinand bị sát hại, Đệ nhất Thế chiến bùng nổ, và sức khỏe của vua Franz Joseph ngày một yếu đi. Khi đó, hoàng tử Charles bỗng nhiên đứng trước nguy cơ phải đảm nhận vương quyền của người dân Áo và Hungary, cùng với những truyền thống cổ xưa, sự kỳ vọng, và trách nhiệm của họ.
Điều ước vĩ đại nhất của Hoàng đế
Năm 1916, hoàng đế Franz Joseph băng hà, và hoàng tử Charles trở thành Charles I, hoàng đế của nước Áo và vua của Hungary. Đó là một năm không dễ dàng để trở thành người đứng đầu vương quốc. Vua Charles không chỉ kế thừa ngai vàng mà còn đảm trách việc lãnh đạo một cuộc chiến mà ông từng có kinh nghiệm khi ở tiền tuyến. Ngay từ giây phút đầu tiên trị vì, với ước muốn hòa bình của mình, vua Charles gần như đơn độc giữa các nhà lãnh đạo Âu Châu vào thời điểm đó.
Như trang web chính thức về lễ phong thánh cho vua Charles đã viết: “Là hoàng đế, ông hiểu rằng hòa bình là nghĩa vụ tuyệt đối của một bậc đế vương. Do đó, trong bản tuyên bố đăng quang của mình, ông đặt hòa bình là mục tiêu chính. Chỉ có vua [Charles] là tiếp nhận đề nghị hòa bình của Giáo hoàng Benedict XV, hợp nhất các nguyên tắc này trong một loạt các hiệp định hòa bình được đề xướng (mà các sử gia đã đánh giá là hoàn toàn thực tế và có tiềm năng to lớn).” Thông qua anh rể của mình là hoàng tử Sixtus của xứ Bourbon-Parma, vua Charles tiếp tục thực hiện đàm phán hòa bình với Khối Đồng minh.
Đáng tiếc thay, những nỗ lực này tỏ ra không mấy thành công do chính sách “hòa bình thông qua chiến thắng” (peace-through-victory) của đồng minh Đức và do các phe phái chống hòa bình trong phe Hiệp ước Entente (liên minh quân sự quốc tế do các nước Pháp, Vương quốc Anh, Nga, Hoa Kỳ, Ý, và Nhật Bản dẫn đầu). Như tác giả, nhà sử học kiêm giảng viên Charles Coulombe mô tả về vị vua này trong cuốn tiểu sử năm 2020 của ông: liên lạc viên Sixtus của vua Charles đã đợi một thời gian ở [khu chính phủ] Westminster [gần Cung điện Buckingham] để nhận phản hồi từ người Anh, nhưng không có hồi đáp. Cuối cùng, ông phải trở về trung đoàn của mình.
Liên quan đến tác phẩm “A Heart for Europe” (Trái tim vì châu Âu) của tác giả Joanna và James Bogle, sau này ông Sixtus hồi tưởng lại: “Vị hoàng đế trẻ tuổi vô tội trước những sai lầm của người tiền nhiệm và lên ngôi chỉ với một khát vọng duy nhất, đó là chấm dứt sự tàn sát toàn cầu … Ngài không thể hy sinh người dân một cách vô ích trước sự ngoan cố của đồng minh [Đức], kẻ mà vì lòng kiêu hãnh đang gây ra sự hủy diệt cận kề cho [quốc gia] ngài.” Nếu những nỗ lực vì hòa bình của vua Charles thành công, “Thì mạng sống của hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người lính đã được cứu,” ông Sixtus viết.
Vượt trên những nỗ lực hòa bình, mong muốn của vua Charles là vì lợi ích của bách tính. Ông Coulombe tiết lộ rằng vị quốc vương trẻ tuổi này đã thành lập một bộ phúc lợi xã hội trong các vùng lãnh thổ của mình để đối phó với nạn đói và bệnh tật, cũng như bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, [gìn giữ] quyền gia đình, và bảo hiểm xã hội. Bộ phúc lợi xã hội này là cơ quan đầu tiên thuộc loại này ở châu Âu. Theo ông Coulombe, vua Charles cũng dự trù biến một phần của đế chế này thành một quốc gia liên bang để mang lại cho người dân của mình nhiều quyền độc lập hơn, đồng thời giúp giải quyết các vấn đề về chủ nghĩa dân tộc trong một đế quốc đa sắc tộc, nhưng ông đã vấp phải quá nhiều sự phản đối từ nội các của mình.
Vị hoàng đế và quân vương này cũng là một đấng phu quân và phụ vương tận tụy. Ông vẫn yêu thương sâu sắc vợ mình, hoàng hậu Zita hoạt bát và chung thủy của vương tộc Bourbon-Parma. Họ có với nhau tám người con. Ông thường thảo luận những vấn đề quan trọng của quốc gia với ái hậu, dựa vào lời khuyên và sự hỗ trợ của bà để tận tâm phụng sự cho bá tánh. Sau khi vua Charles qua đời, vương hậu Zita đã mặc đồ đen trong suốt quãng đời còn lại.
Cũng theo ông Coloumbe, vị hoàng đế trẻ tuổi này có một tính cách cuốn hút:
“Ông vừa logic vừa thực tế, với một nhận thức rõ ràng về đúng và sai … Ông không phải là ‘kiểu người thiên về lý trí,’ vương hậu của ông nhớ lại, ông sẽ đưa ra kết luận theo thiên tính và lương tri … Thị hiếu của hoàng đế Charles khá đơn giản; ông thích âm nhạc dân gian hơn các bản giao hưởng và vở opera, thích sách lịch sử và du ký hơn là tiểu thuyết hư cấu … Vua Charles là một thợ săn và kỵ sĩ cuồng nhiệt. Ông đặc biệt chú tâm đến quan điểm của người khác, cố gắng hiểu họ ngay cả khi ông không đồng tình.”
Năm 1918, sau hiệp định đình chiến, quốc hội Áo yêu cầu vua Charles thoái vị. Tuy nhiên ông từ chối, thay vào đó, ông ngừng tham gia vào các sự vụ của quốc gia mà không chính thức thoái vị. Ban đầu, các nước Đồng minh lưu đày ông đến Thụy Sĩ. Rồi, sau hai lần cố gắng giành lại ngai vàng, ông đã bị lưu đày đến đảo Madeira. Đôi vợ chồng hoàng gia và các con của họ đã sống trong điều kiện nghèo khó và tồi tàn trên hòn đảo này. Vua Charles mắc bệnh viêm phổi và qua đời vào ngày 01/04/1922, ở tuổi 34. Những lời cuối cùng mà ông nói với vương hậu Zita là “Ta yêu nàng thiên trường địa cửu.”
Nhìn nhận về vua Charles và nhiều thành tựu khác của ông, một số người cho rằng ông yếu đuối và bất tài. Một số người xem ông là nhân vật phản diện. Nhưng cũng có những người xem ông như một vị anh hùng đã cố gắng cứu quốc gia khỏi nỗi kinh hoàng của chiến tranh; chẳng hạn như trong Giáo hội Công giáo, ông đã được phong “Chân phước.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times