Đẳng cấp là mãi mãi: Cốt cách của các Quý Bà và Quý Ông thời xưa
Ngược dòng thời gian về thời trung học, tôi đã dành trọn một mùa hè để làm phụ việc trong các phòng hồi sức và phẫu thuật của bệnh viện Forsyth Memorial ở Winston-Salem, North Carolina. Trong ngày đầu tiên đi làm, tôi đã xem Tiến sĩ Norfleet phẫu thuật cắt bỏ thận của một bệnh nhân. Cuối buổi chiều hôm đó, tôi đã kể lại với cha, một bác sĩ gia đình, về trải nghiệm này.
Cha tôi thốt lên, “Ồ, Tiến sĩ Norfleet. Một quý ông đầy cốt cách thời trường xưa.”
Sự ngưỡng mộ trong giọng nói của cha đã khiến tôi tò mò. Cụm từ “quý ông đầy cốt cách của thời trường xưa” không phổ biến chút nào trong giới thiếu niên, và kể từ đó tôi thường áp dụng danh xưng “trường xưa” cho những quý ông và quý bà mà tôi gặp. Tuy vậy, tôi cũng không thể xác định cụ thể các tiêu chí của mình khi đưa ra một nhận định như vậy, đối với tôi danh xưng này dường như đề cập đến một người nào đó có phong thái và phẩm hạnh gắn liền với quá khứ hơn là hiện tại, một người có sự tu dưỡng tinh tế như vậy xem chừng đã vắng bóng trong cuộc sống hiện đại này, ai đó phải giống như bác sĩ Norfleet – người đã tác động đến cha tôi, khơi dậy sự tán dương và trân trọng của chúng tôi.
Có lẽ là do tôi đã quá già, có lẽ là do định nghĩa khó nắm bắt của hai chữ “trường xưa”, và có lẽ do nền văn hóa chúng ta đã xua đuổi phần lớn “các quý ông và quý bà” không phù hợp về quan điểm chính trị, nên tôi không thể nghĩ ra được bất kỳ ai mà tôi biết ngày nay phù hợp với hình tượng “trường xưa” của tôi. Tôi khá quả quyết rằng những người như thế vẫn còn tồn tại, cũng giống như việc tôi chắc chắn là các loài khủng long đã từng sải bước trên trái đất này, nhưng tôi lại chưa từng gặp chúng. Tôi không thể nghĩ ra bất cứ người của công chúng nào có thể hội đủ phẩm chất của một người kiểu “trường xưa”, cũng có vài trường hợp ngoại lệ nhưng một số người hiện đang yên nghỉ trong mộ phần của họ xứng đáng với vòng nguyệt quế này.
Trong những năm thiếu thời, tôi biết rõ một số quý ông và quý bà có khí chất, phong thái, và phong cách tao nhã khiến họ khác biệt với những người cùng thời. Sẽ rất khó để đưa những người này vào một công thức mô tả chung, mặc dù tất cả họ đều có chung một số phẩm chất.
Tác phong và trang phục
Tác phong là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của quý ông và quý bà thời xưa.
Đây là những người không chỉ nói suông “vui lòng” và “cảm ơn”. Những người đàn ông đứng dậy khi khách khứa bước vào phòng, nhường ghế trên các phương tiện giao thông công cộng cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi, và bỏ mũ ra trong suốt các cuộc giới thiệu hay buổi chào hỏi. Còn những người phụ nữ thì lịch thiệp chào đón các vị khách, nhã nhặn khi đưa ra ý kiến, và là những người lắng nghe chăm chú và chu đáo.
Trên tất cả, họ muốn các vị khách và bằng hữu cảm thấy được chào đón. Khi trưởng thành, vị giáo sư đại học và sau này là người bạn tốt của tôi, ông Ed Burrows luôn khiến tôi ấn tượng vào bất cứ dịp nào ông đón tiếp vợ chồng tôi trước cửa nhà của ông. Nếu cần, ông sẽ lấy và treo áo khoác ngoài của chúng tôi lên; ân cần hỏi han sức khỏe của chúng tôi; và trong vòng vài phút sau khi chúng tôi đến, ông luôn hỏi xem chúng tôi có muốn uống gì không – nước lọc, cà phê, hay trà lạnh.
Trang phục cũng là một biểu hiện bên ngoài cho thấy một người thuộc tầng lớp này. Mặc dù những người thời xưa có thể ăn mặc giản dị – tôi hiếm khi thấy Ed đeo cà vạt – nhưng họ vận y phục rất chỉn chu. Khi cố nhớ lại, tôi không hề nhìn thấy Ed hoặc bất kỳ ai khác trong nhóm người tao nhã này mặc áo len dài tay với quần jean xẻ. Họ có thể trong trang phục ấy khi làm việc ở sân nhà phía sau, nhưng không bao giờ diện ở nơi công cộng. Khi những người theo phong cách truyền thống rời nhà đi làm, đi mua sắm, hoặc đi cà phê gặp bằng hữu, họ ăn vận tươm tất hơn là xuề xòa.
Quý Ông
Giống như ông Ed, những người bảo lưu cốt cách truyền thống khác mà tôi quen biết có những cách cư xử không hề giả tạo mà lại tự nhiên như vầng ánh dương. Tác phong xã giao nhã nhặn này đi kèm với sự duyên dáng, tinh tế nhưng tự nhiên và đúng mực.
Nhiều năm về trước, Francis Pledger Hulme là một nhà thơ, nhạc sĩ cổ điển, đồng thời là một giáo sư đã về hưu, đã trở thành bạn của tôi trong một thời gian ngắn. Mặc dù tôi không thể nhớ chính xác là chúng tôi đã gặp nhau thế nào, nhưng Frank luôn có dáng dấp đường hoàng, nghiêm trang. Mặc dù tuổi đã cao và phải dùng gậy, nhưng ông luôn đứng thẳng, với bước đi nhanh nhẹn và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt bất cứ khi nào ông nhìn thấy tôi hoặc một người quen khác. Chỉ nhìn cách ông ấy bước ra từ xe hơi của mình trên con đường nhà tôi, ông dắt theo chú chó giống Plott mà tôi đã quên tên rồi, cũng khiến tôi cảm thấy có gì đó đặc biệt.
Khi tìm hiểu thêm về thuở thiếu thời của Frank, tôi biết rằng ông đã trải qua tuổi thơ ở Asheville, cha mất sớm, việc học hành bị gián đoạn vì ông phải làm việc để chu cấp cho mẹ và em gái trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng – sự tôn trọng của tôi dành cho ông ngày càng nhiều. Em gái ông từng chia sẻ một số câu chuyện về lòng bao dung của ông, rằng ông đã chăm lo cho gia đình mình tận tâm thế nào, nhưng tất cả những gì tôi nhận được từ Frank là chỉ những giai thoại hài hước và tự trào về khoảng thời gian chật vật đó.
Đây là một quý ông truyền thống điển hình dễ nhận thấy của thời xưa.
Quý Bà
Đó là Vivien K, tôi biết cô ấy khi vẫn còn là một đứa trẻ sống ở thị trấn nhỏ của Boonville, North Carolina. Giống Ed hay Frank, cô luôn ân cần quan tâm đến người khác. Cô ấy bị trầm cảm nặng và luôn che giấu chuyện này với bạn bè. Theo lời mẹ tôi, Vivien là một thông tín viên tuyệt vời, có tài năng với những bài viết thông minh và hóm hỉnh.
Bà Frieda Speer mẹ của Allen, người bạn học thời niên thiếu của tôi, là một cư dân Boonville khác, cũng hội đủ tiêu chuẩn của một quý bà theo kiểu truyền thống. Lời nói dịu dàng, rộng lượng – bà luôn thúc giục các anh chị em và tôi ăn phần thức ăn thứ hai và thứ ba bất cứ khi nào chúng tôi dùng bữa trưa tại nhà bà – Frieda đã thực hành các giới luật đức tin tôn giáo một cách ôn hòa, khiêm tốn đến cuối đời, chẳng hạn như cung cấp bữa ăn miễn phí Meals on Wheels khi bà gần 90 tuổi. Là một nhà đầu tư thông minh, bà đã dành tiền để xây dựng thư viện đầu tiên tại Boonville.
Và giống như những người sống theo nếp truyền thống khác trong cuộc đời tôi, Frieda và Vivien sở hữu một số phẩm chất thanh tao nào đó khiến họ khác biệt với mọi người xung quanh, một điều chắc chắn “khó tả.” Điều đó, tôi có thể mô tả mơ hồ, nhưng là một sự bí ẩn nào đó, một cơ chế nội tại vô hình nào đó khiến họ duy trì được phong thái của những quý bà truyền thống.
Những người này từ đâu đến?
Chúng ta có thể cho rằng môi trường và thời gian mà họ lớn lên đã hình thành nên những phẩm chất đáng kính này. Tất cả họ đều lớn lên ở miền Nam nước Mỹ, nơi mà xã hội đề cao phong thái nhã nhặn lịch thiệp và chừng mực. Họ là những người sống sót sau thời kỳ Đại Khủng Hoảng và làm việc không mệt mỏi để chăm lo cho gia đình mình. Người nào cũng đều được kính trọng và yêu mến trong cộng đồng của họ.
Tuy nhiên họ là những viên ngọc quý hiếm, khác biệt với rất nhiều người cùng thời. Tôi cho rằng nhiều khả năng là họ đã được nuôi dưỡng trong những gia đình, nơi mà cha hoặc mẹ, hoặc cả hai, đã trao truyền những món quà cho họ, và rồi họ đã biến chúng thành điều dành riêng cho mình. Cả Ed và Frank thường ca ngợi những người mẹ của họ vì sự dạy dỗ của các đấng sinh thành, và với đức tin thành kính của Frieda, chúng ta có thể phỏng đoán rằng cha mẹ bà đã thấm nhuần cô bằng đức tin tín ngưỡng của mình.
Nói cách khác, trên mảnh đất này, những người theo kiểu truyền thống là được rèn luyện mà thành, chứ không phải họ sinh ra đã vậy.
Hồi sinh
Mặc dù là có ngoại lệ, sự tao nhã và sự tinh tế khó tìm được sự gắn kết đồng điệu với nền văn hóa ngày nay. Chẳng hạn, mạng xã hội chúng ta thường có nội dung khá phù phiếm, thô tục, ích kỷ, tự cao tự đại và gay gắt, sự thanh tao và phẩm giá dường như đã cúi đầu rời bỏ vũ đài.
Hãy thấy là mình may mắn nếu bạn quen biết một người vẫn duy trì phong thái truyền thống “trường xưa”. Hãy học hỏi hình mẫu chính trực đó. Mặc dù tôi hoàn toàn chưa hội đủ điều kiện, nhưng tôi đã học hỏi được rất nhiều bài học từ các quý ông và quý bà của giai tầng đó. Chính cuộc đời của họ là tấm gương cho tôi học hỏi.
Và cho dù không có ai cầm tay dẫn dắt chúng ta, thì chúng ta cũng có thể phục hưng những cốt cách của người xưa bằng cách thực hành phép lịch sự, thực hành các quy tắc giao tiếp, tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng người khác.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times