Hoài nghi về chính mình có thể có lợi?
Trong tác phẩm “Once an Eagle” viết về một người lính Mỹ, tiểu thuyết gia Anton Myrer đã trích dẫn lời của Tướng quân Joseph Stilwell như sau:
“Nếu một người đàn ông có đủ phẩm chất để trở thành một chỉ huy cừ khôi, anh ta có bao giờ hoài nghi chính bản thân mình không? Rõ ràng là không. Còn tôi, tôi đang nghi ngờ chính mình. Do đó, trong tất cả mọi xác suất, tôi không phải là một chỉ huy giỏi giang.”
Câu hỏi và câu trả lời đó mang một sức nặng lớn. Quý vị hãy thử thay thế từ ‘chỉ huy’ bằng hầu hết những danh từ chỉ nghề nghiệp hoặc vị trí mà quý vị yêu thích, chẳng hạn như Cha, Mẹ, Linh mục, Giáo viên, Giám đốc điều hành hoặc một cái tên bất kỳ mà quý vị tự đặt ra — và phẩm chất hoài nghi chính mình dường như cho thấy, như tướng Stilwell ngụ ý – sự kém cỏi. Nhưng điều này có phù hợp không?
Ví dụ, nếu các bậc cha mẹ tốt thỉnh thoảng vẫn đặt câu hỏi về những lựa chọn và quyết định mà họ đưa ra khi nuôi dạy con cái, thì cuộc chiến nội tâm này có nghĩa là “trong mọi xác suất,” họ là những bậc cha mẹ kém cỏi ư?
Thực tế là nhiều người trong chúng ta có luôn nghi ngờ với bất kỳ công việc nào, từ kết hôn đến đầu tư vào thị trường, từ quyết định đi học đại học đến lựa chọn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, những điều không chắc chắn này có nhất thiết gây hại không? Hay là nghi ngờ bản thân có thể là một điểm cộng?
Đối với tôi, dường như đó là vấn đề về mức độ, mức độ về sự hoài nghi và mặt trái của hoài nghi là sự tự tin.
Cách đây rất lâu, một người quen của tôi muốn mở một nhà hàng phục vụ bữa sáng tại thị trấn nhỏ nơi tôi sống. Ông ấy sở hữu một tòa nhà cũ tại vị trí đắc địa có thể sửa sang được và rất nhiều tài sản. Ông tìm cách chiêu mộ tôi tham gia cùng – tôi được làm chủ và điều hành một B&B* tại địa phương — nhưng sau khi tôi chỉ cho ông ấy một số bí quyết và một số lời khuyên mà phần lớn đã bị ông gạt qua, ông ta đã sa thải tôi và cắt tôi ra khỏi dự án này.
Sau đó, tôi sớm phát hiện ra rằng tôi quá may mắn vì ông bạn này đã lộ ra sự tự mãn quá lớn trong những công việc tiếp theo của dự án. Ông ấy đã trả hàng chục ngàn đô la để lắp đặt một hồ bơi phía sau tòa nhà ở một thị trấn miền núi, nơi mà khí hậu không thuận lợi cho hoạt động bơi lội ngoài trời suốt 9 tháng trong năm. Ông ấy đã mở một nhà hàng phục vụ rượu vang và các món ăn tinh tế với mức giá [cao ngất ngưỡng] mà hầu hết người dân địa phương không trả nổi. Ông ấy cho thuê phòng với giá cắt cổ trong mùa cao điểm, nhưng khoảng thời gian còn lại của năm thì nơi này gần như trống rỗng.
Công việc kinh doanh này đã đóng cửa sau khoảng ba năm. Vài năm sau đó, tòa nhà hoang vắng đã bị san ủi và được thay thế bằng một cửa hàng phụ tùng xe hơi.
Đây là một người đàn ông có bản ngã rất mạnh và không có chút hoài nghi nào vào bản thân, hay nói cách khác, kiêu ngạo một cách tệ hại nhất.
Tự tin, thay vì sự vênh váo mù quáng, là một yếu tố cần thiết trong bất kỳ thành công nào. Tự tin còn là cách chúng ta tự bảo đảm rằng chúng ta không chỉ nhận thức được điểm mạnh mà còn cả điểm yếu của chúng ta nữa. Tự tin cho chúng ta rất nhiều không gian để nghi ngờ. Chúng ta có thể coi những nghi ngờ này là hồi chuông cảnh báo trong tâm về những thứ mà chúng ta có thể lường trước được và chuẩn bị cho những thứ mà chúng ta không mong đợi.
Tuy nhiên, hoài nghi quá mức khiến chúng ta chìm đắm trong bất ổn cũng có thể mở đường cho thất bại. Việc liên tục thay đổi suy nghĩ và kế hoạch của chúng ta có thể phá hủy một mối quan hệ hoặc một công việc kinh doanh, khiến người khác bối rối và làm mất đi sự nhiệt tình và hỗ trợ của họ, đồng thời khiến chúng ta bất lực trong khi thương lượng. “Anh bạn ơi,” Hamlet đã nói với anh bạn thân thiết Horatio của mình, “trong tim tôi có thứ gì đó cứ mãi đánh nhau khiến tôi không ngủ được.” Những người bị cản trở bởi quá nhiều nghi ngờ thường biết rõ rằng những sinh vật bị mất ngủ thì thường hay thay đổi.
Như vậy chúng ta rút ra điều gì? Chúng ta nên tránh xa cả hai thái độ quá tự tin và không nghi ngờ gì cả. Để thành công, chúng ta cần có tự tin lẫn một chút hoài nghi về bản thân.
Tướng quân Stilwell đã cho chúng ta nhiều món quà, nhưng trong trường hợp này, ông ấy đã nhầm. Bởi vì cân bằng là chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp, luôn luôn là như vậy.
Chú thích của dịch giả:
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.