Hoa Thịnh Đốn hạn chế xuất cảng của Hoa Kỳ đối với 28 tổ chức Trung Quốc được cho là có các mối quan hệ với Iran
Hôm 02/03, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các hạn chế xuất cảng đối với một loạt tổ chức Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã bổ sung 28 công ty và cá nhân Trung Quốc vào Danh sách Tổ chức (pdf), với lý do lo ngại về các rủi ro an ninh quốc gia, trong đó có việc thông qua các giao dịch hoặc cố gắng giao dịch được cho là của họ với một công ty điện tử của Iran, Paradazan System Namad Arman (PASNA). Công ty này đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì có các mối quan hệ được cho là với quân đội của Tehran.
Bộ này cho biết, “Những hành động này bao gồm việc mua hoặc cố gắng mua các mặt hàng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ để trợ giúp các chương trình cho Quân Giải phóng Nhân dân cũng như cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các khách hàng trong Danh sách Tổ chức của BIS, dẫn đến khả năng chuyển hướng [điểm đến].”
BIS là chữ viết tắt của Bureau of Industry and Security, nghĩa là Cục Công nghiệp và An ninh, thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Đáp lại, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh (Mao Ning) đã kêu gọi Hoa Thịnh Đốn “chấm dứt việc lạm dụng những cái cớ khác nhau nhằm đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc một cách vô lý.”
Bà Mao cho biết Bắc Kinh sẽ “kiên quyết bảo vệ những quyền hợp pháp” của các công ty của họ nhưng đã không nói rõ hơn về những hành động mà Bắc Kinh có thể thực hiện.
Giám sát Trung Quốc
Các mối đe dọa an ninh khác được Bộ Thương mại nêu ra bao gồm các khoản đóng góp được cho là dành cho chương trình hỏa tiễn đạn đạo và thiết bị giám sát của Pakistan đối với nhà cầm quyền quân sự của Miến Điện, vốn đã bị trừng phạt, cho phép nhà cầm quyền này “thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền thông qua việc theo dõi cũng như xác định các cá nhân và các nhóm mục tiêu.”
Các công ty Hoa Kỳ bị cấm xuất cảng hàng hóa cho những tổ chức nằm trong danh sách này nếu không được chính phủ chấp thuận trước, có hiệu lực từ hôm 02/03.
Những tổ chức được liệt kê này gồm có hãng sản xuất máy chủ Inspur Group Co., Công ty công nghệ AI 4Paradigm Technology Co, Công ty Công nghệ Long Tâm (Loongson), Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Kỹ thuật và Công nghệ Máy điện toán Song Song, Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Hàng hải Quốc gia Thanh Đảo, Viện Công nghệ Tân tiến Vô Tích, cùng một số công ty điện tử khác.
Những tổ chức này cũng bao gồm công ty di truyền học BGI Research của Trung Quốc và công ty công nghệ sinh học BGI Tech Solutions Co., mà bộ này cho biết dựa trên “thông tin cho thấy việc thu thập và phân tích dữ liệu di truyền của họ gây ra một nguy cơ góp phần đáng kể vào việc theo dõi và giám sát của chính quyền Trung Quốc, đã được sử dụng trong việc đàn áp các nhóm thiểu số dân tộc ở Trung Quốc.”
Trước đây, BGI đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đã cung cấp công nghệ được sử dụng để giám sát người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở tây bắc Trung Quốc.
The Epoch Times đã liên lạc với BGI để đề nghị bình luận.
Các mối bang giao căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh
Hành động này diễn ra trong bối cảnh các mối bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh ngày càng rạn nứt sau vụ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hồi tháng trước (tháng 02/2023). Khinh khí cầu này đã bị Lực lượng Không quân bắn rơi ngoài khơi bờ biển thuộc tiểu bang South Carolina hôm 04/02.
Trung Quốc phủ nhận rằng khí cầu này đã được dùng để giám sát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kiềm chế hoạt động được cho là giám sát của Trung Quốc, trước đó trong tuần này (27/02-05/03), Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua một dự luật nhằm trao quyền cho Tổng thống Joe Biden cấm TikTok — ứng dụng chia sẻ video do Trung Quốc sở hữu — tại Hoa Kỳ.
Các chuyên gia tin rằng ứng dụng này có thể được Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng để theo dõi người Mỹ hoặc để thúc đẩy các chiến dịch gây ảnh hưởng hoặc thông tin sai lệch có lợi cho Trung Quốc. Chủ sở hữu của TikTok là công ty ByteDance phủ nhận điều này.
Ở những nơi khác, các mối căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh hồi tháng trước (tháng 02/2023), Bắc Kinh đã cam kết về một “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” sâu sắc hơn với Nga trong chuyến thăm của nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tới Điện Kremlin.
Trong một cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 23/02, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia đã bỏ phiếu chống lại một nghị quyết kêu gọi binh sĩ Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times