Hoa Kỳ: Ủy ban Hạ viện tiến hành thắt chặt vấn đề quà tặng của ngoại quốc cho các trường đại học, cao đẳng
Một ủy ban Hạ viện đã tán thành một dự luật, mà nếu được thông qua, sẽ hạ thấp ngưỡng giá trị quà tặng ngoại quốc mà các trường đại học phải báo cáo khi nhận được.
Một ủy ban của Hạ viện đã tán thành một dự luật sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các khoản quà tặng tài chính của ngoại quốc dành cho các trường đại học ở Mỹ quốc và áp dụng các mức phạt nặng đối với những ai không tuân thủ.
Hôm 07/11, đa số thành viên lưỡng đảng trong Ủy ban Giáo dục và Lực lượng Nhân sự của Hạ viện đã bỏ phiếu tán thành Đạo luật Bảo vệ Tính minh bạch trong Giáo dục và Chấm dứt các Chế độ Gian lận Tham gia vào các Giao dịch Bất chính (DETERRENT).
Chủ tịch ủy ban Virginia Foxx (Cộng Hòa-North Carolina) nói rằng dự luật này là cần thiết để chống lại ảnh hưởng xấu ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các thế lực thù địch khác.
Bà Foxx nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống của The Epoch Times: “Những gì chúng ta biết đang xảy ra ở các tổ chức trên khắp cả nước là việc những quốc gia như Trung Quốc, Qatar, thậm chí có thể là Iran … cấp tiền cho các trường đại học.”
“Và khi họ làm điều đó, chúng ta biết họ sẽ không làm điều đó một cách vô tư hoặc không được đền đáp gì.”
Cảnh giác với các nguồn tài trợ của Trung Quốc
Nguồn tài trợ ngoại quốc tại các trường đại học ở Mỹ quốc đã trở thành chủ đề chính được quan tâm kể từ năm 2019 khi một cuộc điều tra của Bộ Giáo dục phát hiện đã có hơn 6.5 tỷ USD quà tặng ngoại quốc dành cho các trường đại học ở Mỹ quốc chưa được báo cáo trước đây.
Nhiều món quà trong số đó đến từ các tổ chức có mối liên hệ với các cường quốc thù địch bao gồm Trung Quốc, Iran, và Nga.
Đôi khi, các khoản tiền này nằm trong một chiến lược rộng lớn hơn nhằm mục đích thâm nhập vào các trường đại học Hoa Kỳ để tiếp cận nghiên cứu có giá trị nếu không thì là gây ảnh hưởng đến nhận thức chung trong giới tinh hoa của Mỹ quốc.
Đó là trường hợp của các Viện Khổng Tử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được tài trợ một phần bởi bộ phận tuyên truyền của chính quyền cộng sản này và đóng vai trò như một biện pháp cửa hậu để phát triển tình cảm thân cộng sản trong các trường đại học dưới chiêu bài trao đổi văn hóa.
Các trường đại học khác vẫn kiên trì nỗ lực kiếm lợi từ các khoản tài trợ nghiên cứu béo bở của chính phủ trong khi vẫn duy trì mối quan hệ mập mờ với các chế độ độc tài.
Đó là trường hợp của Đại học Alfred ở New York mà, cho đến đầu năm nay, đã nhận được tài trợ từ Ngũ Giác Đài để nghiên cứu vũ khí siêu thanh, đồng thời vẫn hợp tác với một trường đại học ở Trung Quốc vốn thực hiện nghiên cứu tương tự cho ĐCSTQ.
Dân biểu Burgess Owens (Cộng Hòa-Utah) nói rằng giới lãnh đạo học thuật cho đến thời điểm này đã không thể chống lại một “cuộc tấn công nội bộ” bên trong tổ chức của họ đối với người nộp thuế ở Mỹ quốc.
Ông Owens cho biết: “Kể từ năm 2015, các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ đã nhận được hơn 1 tỷ USD quà tặng và hợp đồng từ các nguồn liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
“Chính quyền [cộng sản] Trung Quốc đang phát tán những tuyên truyền chống dân chủ và chống Mỹ bằng cách rót những khoản tiền lớn vào giáo dục đại học.”
Hạ ngưỡng báo cáo
Đạo luật DETERRENT nhằm mục đích đón đầu xu hướng nói trên bằng cách sửa đổi Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965.
Dự luật này sẽ hạ ngưỡng bắt buộc các trường phải báo cáo về các khoản tiền của ngoại quốc từ 250,000 USD xuống 50,000 USD. Tương tự, dự luật này sẽ yêu cầu [các trường đại học và cao đẳng] phải báo cáo tất cả các quà tặng mà họ nhận được từ một quốc gia nằm trong diện quan tâm, dù là nhỏ đến đâu.
Tương tự như vậy, dự luật sẽ yêu cầu tiết lộ các khoản quà tặng ngoại quốc tại một số tổ chức nghiên cứu quan trọng cho đến cấp độ các cá nhân là giảng viên.
Thành viên ủy ban Michelle Steele (Cộng Hòa-California) nói rằng dự luật này là cần thiết để hạn chế ảnh hưởng xấu của các cường quốc thù địch trong các trường học ở Mỹ quốc.
“Dự luật này sẽ bảo vệ sinh viên và các tổ chức học thuật khỏi ảnh hưởng xấu của ngoại quốc. Chúng ta biết các đối thủ ngoại quốc của chúng ta thích ẩn mình trong bóng tối,” bà Steele cho biết.
“Phớt lờ ảnh hưởng của ngoại quốc tại các tổ chức của chúng ta sẽ gây tổn hại không chỉ cho sinh viên ngày nay mà còn cả thế hệ tương lai.”
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hài lòng với dự luật.
Một số người trong khối thiểu số Đảng Dân Chủ bày tỏ lo ngại rằng ngôn ngữ của dự luật này có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào cộng đồng người Mỹ gốc Á hoặc nếu không thì có thể gây nghi ngờ về danh tiếng của những người làm công ăn lương bình thường.
Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington) mô tả dự luật này là “nguy hiểm, bài ngoại, và không khả thi,” nói rằng dự luật sẽ “làm tăng sự phân biệt chủng tộc và sự căm ghét” người Mỹ gốc Á.
Bà cũng bày tỏ lo ngại rằng các giảng viên đại học nhận quà từ ngoại quốc sẽ có các giao dịch của họ hòa lẫn cùng với những giao dịch liên quan đến những hoạt động xấu, làm mất danh tiếng của họ bất kể họ có làm gì sai hay không.
Bà Jayapal nói: “Nếu một nhà nghiên cứu của Mỹ quốc chấp nhận một thứ tầm thường như một tách cà phê từ một nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, thì họ sẽ phải đưa tên và địa chỉ của mình vào cơ sở dữ liệu trực tuyến.”
Về phần mình, bà Foxx cho rằng các trường đại học cần phải tuân thủ tiêu chuẩn giống như bất kỳ công dân Mỹ nào, tức là phải báo cáo tất cả các món quà của ngoại quốc nếu tổng trị giá lớn hơn khoảng 18,000 USD.
Bà Foxx nói: “Việc các trường đại học phải tuân theo tiêu chuẩn giống như người dân Mỹ quốc không phải là một ý tưởng cực đoan. Chúng ta xứng đáng được biết quốc gia nào đang trả tiền để có được ảnh hưởng trong các trường đại học.”
Bản tin có sự đóng góp của Steve Lance và Melina Wisecup của NTD
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times