Hoa Kỳ trở nên phụ thuộc vào OPEC một lần nữa như thế nào?
Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh OPEC+, đã gây bất ngờ cho thị trường năng lượng toàn cầu hôm 05/10 khi đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô 2 triệu thùng/ngày. Để ứng phó với mối lo về nhu cầu suy giảm trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, tổ chức độc quyền này cho rằng cần phải giảm sản lượng và giúp thiết lập mức sàn cho giá dầu.
Quyết định của OPEC đã giúp nâng giá năng lượng, khi giá dầu thô West Texas Intermediate và dầu Brent giao sau lần lượt đạt mức 87 USD và 93 USD/thùng. Biện pháp này cũng có thể góp phần làm cho giá cao hơn ở trạm xăng, với mức trung bình tại Hoa Kỳ cho một gallon xăng vượt quá 3.86 USD.
Phản hồi về việc OPEC cắt giảm sản lượng, Tòa Bạch Ốc thông báo rằng họ sẽ xuất 10 triệu thùng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của quốc gia vào tháng 11. Hành động này báo hiệu rằng kế hoạch xuất xưởng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng sáu tháng của Tổng thống Joe Biden sẽ được gia hạn sau ngày 31/10.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese cho biết trong một tuyên bố: “Tổng thống sẽ tiếp tục chỉ thị việc xuất kho SPR khi thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ và thúc đẩy an ninh năng lượng, và ông ấy đang ra lệnh cho Bộ trưởng Năng lượng tìm hiểu thêm bất kỳ hành động có trách nhiệm nào để tiếp tục tăng sản lượng trong nước trong thời gian tới.”
“Tổng thống cũng kêu gọi các công ty năng lượng Hoa Kỳ tiếp tục hạ giá tại trạm xăng bằng cách thu hẹp khoảng cách lớn trong lịch sử giữa giá xăng bán buôn và bán lẻ — để người tiêu dùng Hoa Kỳ trả ít hơn tại trạm xăng.”
Theo ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, thách thức là “OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng trong khoảng thời gian lâu hơn thời gian mà Hoa Kỳ có thể khai thác SPR của mình.”
Dự trữ dầu khẩn cấp của Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1975 để giảm thiểu gián đoạn nguồn cung, đã giảm khoảng 34% kể từ tháng Một năm 2021, xuống mức thấp nhất trong gần bốn thập niên là 416 triệu thùng.
Vậy thì, làm thế nào mà Hoa Kỳ lâm vào tình trạng này?
Ông Biden với OPEC: Hãy khoan dầu, khoan dầu đi
Hồi tháng Tám năm 2021, chính phủ Tổng thống Biden yêu cầu OPEC và các đồng minh mở rộng sản xuất để kiềm chế giá xăng cao hơn, vốn đã vượt qua mức trung bình quốc gia là 3 USD/gallon.
Ông Sullivan lên án OPEC, bao gồm cả Ả Rập Xê Út , về mức sản lượng dầu mờ nhạt sau đại dịch virus corona.
Ông nói trong một tuyên bố: “Tại một thời điểm quan trọng trong sự phục hồi toàn cầu, sản lượng như thế này chỉ đơn giản là chưa đủ.”
Ông Biden sau đó đã nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã trình bày quan điểm của mình với OPEC rằng “việc cắt giảm sản lượng được thực hiện trong thời kỳ đại dịch nên được đảo ngược” để người tiêu dùng có thể được hưởng mức giá thấp hơn trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng COVID-19, OPEC đã áp dụng mức cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 10% nhu cầu quốc tế. Tổ chức này đã tăng đều đặn mức sản lượng trong những tháng tiếp theo, nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu hoặc để thu hẹp thâm hụt.
Trong vài tháng nữa, chính phủ liên tục phàn nàn về các hành động của OPEC.
Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố sau khi OPEC duy trì kế hoạch tăng sản lượng 400,000 thùng/ngày: “Quan điểm của chúng tôi là sự phục hồi toàn cầu không nên bị ngăn trở bởi sự không tương xứng giữa cung và cầu. OPEC+ dường như không muốn sử dụng năng lực và sức mạnh hiện có vào thời điểm quan trọng này cho sự phục hồi toàn cầu đối với các nước trên thế giới.”
Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã cố gắng kiềm chế sự gia tăng của giá dầu thô. Ví dụ, Cục Dự trữ Lương thực và Vật tư Quốc gia Trung Quốc (NFSRA) tuyên bố hồi tháng Chín năm 2021 rằng sẽ bắt đầu cuộc bán đấu giá công khai đầu tiên về dự trữ dầu thô nhà nước cho một số lượng nhỏ các nhà máy lọc dầu trong nước để “ổn định thêm cung cầu thị trường trong nước và bảo đảm hiệu quả an ninh năng lượng.”
Trong một thông báo hôm 23/11, ông Biden đã chính thức viện đến SPR như một phần của chiến dịch đa phương nhằm hạn chế tăng giá nhiên liệu. Biện pháp này bao gồm việc Hoa Kỳ xuất 50 triệu thùng trong vài tháng.
Tòa Bạch Ốc tuyên bố: “Tổng thống sẵn sàng thực hiện các hành động bổ sung, nếu cần, và sẵn sàng sử dụng toàn quyền của mình, phối hợp với phần còn lại của thế giới, để duy trì nguồn cung đầy đủ khi chúng ta thoát khỏi đại dịch.”
Tổng thống Hoa Kỳ Biden thông báo hành động của chính phủ để giảm giá xăng dầu tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn.
Hồi tháng Hai, ông Biden nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ và các đối tác sẽ bơm thêm từ nguồn dự trữ khẩn cấp của mình để chống lại giá năng lượng gia tăng. Một tháng sau, tổng thống tiết lộ mức xuất kho lớn nhất từ trước đến nay của ông từ SPR trong hơn sáu tháng: 180 triệu thùng.
Vào thời điểm đó, các nhà phân tích năng lượng đã bác bỏ chiến lược này, cho rằng Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 18 triệu thùng mỗi ngày, trong khi toàn bộ nền kinh tế toàn thế giới sử dụng ước tính khoảng 90 triệu thùng mỗi ngày. Hơn nữa, ông Biden đổ lỗi cho các bên khác về việc giá dầu tăng vọt, bao gồm các trạm xăng, các công ty dầu mỏ, Đảng Cộng Hòa, và “sự tăng giá của ông Putin.”
Một tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine, giá dầu Brent đã tăng vọt lên 130 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures của London. Nhưng đây là đỉnh điểm, vì điểm chuẩn quốc tế và chỉ số tương ứng của Hoa Kỳ đã bỏ đi lợi nhuận sau cuộc xâm lược và giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Một. Giá xăng cũng đạt mức 5 USD/gallon vào tháng Sáu trước khi giảm mạnh hơn 25%.
Hồi tháng Bảy, ông Biden đã đến thăm Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman Al Saud để khuyến khích nước này sản xuất sản lượng lớn hơn. Nhưng thay vào đó, Riyadh chỉ tăng sản lượng 100,000 thùng mỗi ngày trong khi cũng chỉ trích chương trình năng lượng xanh của ông Biden.
Thái tử cho biết trong một bài diễn văn: “Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy và khuyến khích đầu tư vào năng lượng hóa thạch và các công nghệ sạch của nó trong hai thập niên tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu, với việc quan trọng là bảo đảm với các nhà đầu tư rằng các chính sách được áp dụng không gây ra mối đe dọa cho các khoản đầu tư của họ để tránh việc họ lưỡng lự trong việc đầu tư và bảo đảm rằng không để tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng nào ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc tế.”
Ông Phil Flynn, nhà chiến lược thị trường và là cây viết của The Energy Report, không ngạc nhiên khi Ả Rập Xê Út đang thách thức áp lực từ chính phủ.
“Người ta có thể nói rằng ông Biden đã rút lui và sau đó thua cuộc trong cuộc cách mạng đá phiến. Ông ấy đã quay lưng lại với các nhà sản xuất dầu khí của Hoa Kỳ, hủy bỏ Đường ống Keystone, áp dụng các quy định về khoan và không khuyến khích đầu tư vào tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch,” ông FLynn viết. “Sau đó, ông ấy đã tìm đến các quốc gia khác để bù đắp cho sự thâm hụt nguồn cung của chúng ta. Ông Biden nghĩ rằng ông ấy có thể sử dụng chính sách ngoại giao vụng về của mình và biến Ả Rập Xê Út trở thành một quốc gia thuộc cấp, đồng thời mong đợi họ sẽ tăng sản lượng bất cứ khi nào ông ấy yêu cầu họ tăng sản lượng dầu.”
Giờ đây khi giá dầu thô và giá xăng đang tăng trở lại, Hoa Kỳ có thể đã quay trở lại nơi bắt đầu, và điều này có thể gây ra những hậu quả chính trị và kinh tế.
Có hậu quả không?
Tháng trước (09/2022), Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) cho biết chỉ số năng lượng đã giảm trong hai tháng liên tiếp: âm 4.6% trong tháng Bảy và âm 5% trong tháng Tám. Theo Cục Thống kê Lao động, xăng giảm lần lượt 7.6% và 10.1% so với tháng trước trong tháng Bảy và tháng Tám. Dầu nhiên liệu cũng giảm khoảng tương tự hàng tháng.
Hè vừa qua, ông Deese tuyên bố rằng năng lượng chiếm phần lớn trong lạm phát. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm đáng kể, nhưng số liệu lạm phát hàng năm của tháng Tám vẫn ở mức nóng hơn dự kiến là 8.3%.
Các nhà kinh tế đang đồng thuận là lạm phát đã cố thủ trong nền kinh tế Hoa Kỳ và sẽ còn dai dẳng. Liệu năng lượng sẽ phục hồi xu hướng tăng của nó, điều này có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát trong các bản báo cáo CPI sắp tới hay không? Nếu vậy, nó có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền vì điều này có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang phải duy trì hoặc đẩy nhanh lập trường thắt chặt của mình đối với chính sách tiền tệ, có khả năng dẫn đến tổn thất kéo dài trên thị trường chứng khoán.
Một cuộc thăm dò mới của Đại học Monmouth cho thấy nền kinh tế là vấn đề hàng đầu của cử tri Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11. Hơn nữa, cuộc khảo sát tương tự đã giúp Đảng Cộng Hòa có lợi thế hơn Đảng Dân Chủ về vấn đề này. Điều này diễn ra sau khi một cuộc thăm dò gần đây của Gallup phát hiện ra rằng 38% cử tri xác định nền kinh tế là vấn đề chính của họ, với 51% tin tưởng Đảng Cộng Hòa hơn Đảng Dân Chủ về chủ đề này.
Nếu giá năng lượng bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt là trong mùa đông, thì hậu quả chính trị có thể gây tổn hại cho ông Biden và Đảng Dân Chủ. Nhưng một số nhà phân tích thị trường không dự đoán mức tăng vọt như những gì đã xảy ra trong nửa đầu năm 2022.
Ông Rob Thummel, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại TortoiseEcofin, không nghĩ rằng hành động của OPEC sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng giá trong ngắn hạn, nhưng dầu thô có thể vẫn tăng trong dài hạn.
“Tôi không kỳ vọng quyết định của OPEC+ sẽ làm tăng đáng kể giá dầu, vốn thường dẫn đến giá xăng cao hơn trong ngắn hạn. Mức tồn kho xăng của Hoa Kỳ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, nhưng sẽ bắt đầu tăng cho đến hết tháng Một năm 2023, điều này sẽ giúp giá xăng tăng vừa phải,” ông cho biết trong một ghi chú hôm 05/10. “Về lâu dài, tôi vẫn kỳ vọng giá dầu vào khoảng 80 USD/thùng, nghĩa là giá xăng trung bình trên toàn quốc là 3.50-3.75 USD/gallon. OPEC+ hiện có nhiều năng lực dự phòng hơn để đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng nhu cầu dầu trong tương lai khi Trung Quốc quay trở lại trạng thái tăng trưởng. Ngoài ra, thế giới cần thêm dầu từ các nguồn cung cấp bảo đảm, vậy nên Hoa Kỳ và Canada cần tăng sản lượng khai thác dầu để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong tương lai.”
Đồng thời, ông Patterson nói, hành động của OPEC sẽ mang lại lợi ích cho Nga hơn bất kỳ ai khác.
Ông nói thêm trong ghi chú của mình: “Nước thắng lớn từ việc cắt giảm nguồn cung này sẽ là Nga. Họ không cần phải cắt giảm sản lượng, vì họ vốn dĩ đã sản xuất dưới mức mục tiêu của họ, nhưng họ sẽ được hưởng lợi từ mức giá cao hơn mà chúng ta có khả năng chứng kiến như là kết quả của việc cắt giảm.”
Theo một bài báo của Energy Intelligence Group, Giám đốc điều hành Amin Nasser của Saudi Aramco gần đây đã nói với Diễn đàn Tình báo Năng lượng rằng các nhà đầu tư đã hiểu sai về thị trường dầu mỏ, tập trung vào “kinh tế học ngắn hạn hơn là các nguyên tắc căn bản về nguồn cung.” Nói cách khác, thế giới đang tập trung quá nhiều vào suy thoái toàn cầu thay vì thâm hụt nguồn cung toàn cầu, cơ sở hạ tầng yếu kém, và những rắc rối về lọc dầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times