Hoa Kỳ: Thẻ tín dụng, số dư nợ cá nhân đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng
Một báo cáo mới đây cho thấy khi người tiêu dùng đối mặt với lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng, ngày càng có nhiều người Mỹ phải gánh thêm nợ để giảm bớt áp lực tài chính gia đình.
Theo Báo Cáo Thông Tin Chi Tiết Về Ngành Tín Dụng Quý 3/2022 (CIIR) của TransUnion, số dư thẻ tín dụng tăng 19% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong quý 3, lên mức cao nhất mọi thời đại là 866 tỷ USD. Sự tăng trưởng này là do những người đi vay thế hệ Z và thế hệ millennial thúc đẩy mạnh mẽ, với số dư trong các nhóm tuổi này tăng lần lượt là 72% và 32%.
Khoản nợ thẻ tín dụng trung bình cho mỗi người đi vay là 5,474 USD, tăng 12% so với năm ngoái (2021). Tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng lên 1.94% trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín, tăng từ 1.13% vào cùng thời điểm một năm trước.
“Trong môi trường lạm phát này, người tiêu dùng ngày càng chuyển sang tín dụng, bằng chứng là tổng số dư thẻ ngân hàng kỷ lục trong quý này,” ông Paul Siegfried, phó chủ tịch cao cấp kiêm lãnh đạo kinh doanh thẻ tín dụng tại TransUnion nói. “Điều này đặc biệt đúng đối với phân khúc người tiêu dùng dưới chuẩn. Tình trạng nợ quá hạn đang gia tăng, điều này là có thể lường trước trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng hơn tiếp cận với tín dụng, với nhiều người tiếp cận lần đầu tiên.”
Quý trước đã đạt kỷ lục 22 triệu người tiêu dùng duy trì một khoản vay cá nhân không có thế chấp, với tổng số dư tăng 34% so với cùng thời kỳ năm ngoái, lên 210 tỷ USD. Tỷ lệ nợ quá hạn đã tăng lên 3.89%, tăng từ 2.52% trong quý 3/2021. Khoản nợ trung bình cho mỗi người đi vay là 10,749 USD, tăng hơn 14% so với năm ngoái.
Cô Liz Pagel, phó chủ tịch cao cấp về cho vay tiêu dùng của TransUnion, cho biết: “Đúng như dự kiến, việc tăng cho vay đối với các cấp độ rủi ro cao hơn đã làm tăng tổng tỷ lệ nợ quá hạn, với tỷ lệ nợ quá hạn nghiêm trọng hiện đã vượt quá mức trước đại dịch.”
Trong khi đó, nhiều chủ nhà đang vay mượn với tài sản bảo đảm là các ngôi nhà của họ. Dữ liệu của TransUnion cho thấy số lượng hạn mức tín dụng có nguồn gốc bảo đảm là nhà ở tăng với tốc độ hàng năm là 47%, lên hơn 409,000, và số lượng khoản vay có nguồn gốc bảo đảm là nhà ở tăng thêm 42%, lên 296,723.
Nhưng tỷ lệ nợ quá hạn đã ở mức thấp, đạt mức 0.6% so với 1.02% trong quý 3/2019.
Trong khi số lượng các khoản cho vay mua xe hơi đã giảm hơn 2% so với năm ngoái, xuống còn 81.2 triệu, thì tỷ lệ nợ quá hạn vẫn đang tăng dần lên, đạt mức 1.65%. Ông Satyan Merchant, phó chủ tịch cao cấp kiêm lãnh đạo mảng kinh doanh xe hơi tại TransUnion, cho biết điều này rõ ràng nhất ở những người đi vay dưới chuẩn.
Ông Merchant cho biết: “Tình trạng nợ quá hạn đang tăng, đặc biệt là ở những người tiêu dùng dưới chuẩn, một xu hướng mà chúng tôi mong đợi sẽ tiếp tục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ quá hạn nói chung vẫn tương đối phù hợp với các tiêu chuẩn trong quá khứ.”
Ngoài ra, các khoản thanh toán trung bình hàng tháng cho xe mới và xe cũ đã tăng lên lần lượt là 679 USD và 517 USD. Hơn nữa, số dư trung bình tăng gần 14%, lên 29,169 USD, và khoản nợ trung bình trên mỗi tài khoản tăng 9%, lên 18,405 USD.
Điều này xảy ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang và văn phòng tín dụng Equifax cho biết tổng tín dụng tiêu dùng đã tăng 25 tỷ USD hồi tháng Chín, dẫn đến tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 6.4%. Trong tháng Tám, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là 30.2 tỷ USD và tốc độ hàng năm là 7.8%. Tín dụng quay vòng, chẳng hạn như thẻ tín dụng, tăng 8.7%, giảm từ 18.1% trong tháng Tám.
Nhìn chung, trong quý 3, tín dụng quay vòng tăng 12.9%. Tín dụng không quay vòng, trong đó có các khoản vay mua xe hơi và vay sinh viên, tăng 5.7%.
Sự gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn?
Theo trang blog Liberty Street Economics của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, mối lo ngại đáng chú ý nhất là xu hướng tỷ lệ nợ quá hạn thấp trong quá khứ sẽ kết thúc.
Các kinh tế gia Andrew Haughwout, Donghoon Lee, Daniel Mangrum, Joelle Scally, và Wilbert van der Klaauw đã viết trong bài đăng trên trang blog này hồi tháng Tám: “Với những chính sách hỗ trợ đại dịch chủ yếu đã thuộc về quá khứ, có những người đi vay bắt đầu tỏ ra túng quẫn về khoản nợ của họ. Nhìn chung, sự gia tăng tỷ lệ chuyển đổi nợ quá hạn khá rõ rệt.”
“Khi chúng tôi phân chia những khoản nợ này theo thu nhập của các khu vực bằng cách sử dụng mã zip code từ người đi vay, chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ chuyển đổi nợ quá hạn đối với thẻ tín dụng và các khoản vay mua xe hơi đang tăng lên, đặc biệt là ở các khu vực có thu nhập thấp hơn. Các tỷ lệ này dường như đang tiếp nối một xu hướng gia tăng nợ quá hạn trong số những người đi vay dưới chuẩn mà chúng tôi đã bắt đầu thấy kể từ năm 2019 trong các khoản đi vay mua xe hơi, trong đó những người đi vay dưới chuẩn giữ lại một phần lớn trong số dư chưa thanh toán.”
Liên quan đến các xu hướng nợ tư nhân, không phải là tất cả đều là tin xấu trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Dữ liệu của CoreLogic cho thấy 2.8% số các khoản vay thế chấp của Hoa Kỳ đang ở trong một số giai đoạn nợ quá hạn hồi tháng Tám, giảm so với mức 4% của một năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ trước đại dịch virus corona.
Tỷ lệ nợ quá hạn giai đoạn đầu (quá hạn 30–59 ngày) là 1.2% trong tháng Tám, tăng từ 1.1%. Tỷ lệ nợ quá hạn bất lợi (quá hạn 60–90 ngày) không thay đổi ở mức 0.3%. Tỷ lệ nợ quá hạn nghiêm trọng (quá hạn 90 ngày trở lên) là 1.2%, giảm từ mức 2.6% của tháng 08/2021. Tỷ lệ hàng tồn kho bị tịch biên nhích lên 0.3%, tăng từ 0.2%.
“Tỷ lệ những người đi vay ở Hoa Kỳ chậm thanh toán nợ thế chấp từ sáu tháng trở lên đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm hồi tháng Tám và thấp hơn so với ⅓ mức cao của đại dịch được ghi nhận trong tháng 02/2021,” cô Molly Boesel, kinh tế gia chính tại CoreLogic, cho biết trong một tuyên bố. “Hơn nữa, tỷ lệ tài sản bị tịch biên vẫn ở gần mức thấp nhất mọi thời đại, điều này cho thấy rằng những người đi vay thoát khỏi tình trạng nợ quá hạn ở giai đoạn cuối đã tìm thấy các giải pháp thay thế để không bị vỡ nợ các khoản vay thế chấp của họ.”
Người Mỹ đang gặp khó khăn với chi phí sinh hoạt
Một báo cáo gần đây của Câu lạc bộ Cho vay cho thấy có 63% người Mỹ kiếm được đồng nào tiêu hết đồng ấy hồi tháng Chín, thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục 64% hồi tháng Ba.
Nhiều gia đình đang phải chật vật để theo kịp với chi phí sinh hoạt ở Hoa Kỳ. Hồi tháng Chín, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức 8.2%, trong khi thu nhập trung bình thực tế theo giờ (đã điều chỉnh theo lạm phát) là âm 3%, theo Cục Thống kê Lao động (BLS). Thêm vào đó, lãi suất đã cao hơn trên toàn bộ thị trường tín dụng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times