Hoa Kỳ: Lĩnh vực tài chính chuẩn bị cho làn sóng xung kích sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ
Gần 86% tiền gửi của khách hàng trong ngân hàng này được cho là không được bảo hiểm
Chỉ mất 48 giờ để Silicon Valley Bank (SVB) trở thành vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai ở Hoa Kỳ.
Các vấn đề của công ty bắt đầu từ hôm thứ Tư (08/03) khi tổ chức tài chính này thông báo với các nhà đầu tư rằng họ cần tạo ra 2.25 tỷ USD để bù đắp cho một sự sụt giảm tiền gửi bất ngờ và cải thiện bảng cân đối kế toán cũng như toàn bộ tình hình tài chính.
Trong một bức thư gửi các cổ đông, công ty mẹ của ngân hàng này, SVB Financial Group (Tập đoàn Tài chính SVB), đã báo cáo rằng môi trường lãi suất tăng cao và nền kinh tế chậm lại đã gây áp lực lên thị các thị trường công và thị trường tư nhân. Bức thư giải thích thêm rằng các khách hàng phải chịu đựng mức độ đốt tiền mặt rất lớn (cash burn, giảm tiền mặt ròng theo thời gian).
Tiết lộ này đã xóa khoảng 10 tỷ USD vốn hóa thị trường chỉ trong một phiên giao dịch, khi cổ phiếu ngân hàng này giảm 65% xuống còn 106 USD. Trong giao dịch sau giờ làm việc hôm thứ Sáu (10/03), cổ phiếu giảm thêm 60%. Trái phiếu SVB Financial cũng rớt xuống 31 cent trên 1 USD.
Được thành lập vào năm 1983 và có trụ sở tại Santa Clara, California, Silicon Valley Bank là một công ty cho vay hàng đầu ở Thung lũng Silicon. Sự sụp đổ đột ngột của SVB đã tạo ra sự hoang mang cho các nhà đầu tư công nghệ và các công ty mới thành lập, những bên có công việc kinh doanh liên quan nhiều đến ngân hàng này.
Theo các nhà phân tích trong ngành, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank là do ngân hàng này đã đầu tư quá nhiều tiền gửi của khách hàng vào công khố phiếu, vốn là loại trái phiếu rất nhạy cảm với lãi suất.
“Không nghi ngờ gì về việc SVB đang gặp một cuộc khủng hoảng tiền mặt vì liên quan quá nhiều tới lĩnh vực công nghệ,” ông Vương Thần Hy (Chenxi Wang), người sáng lập đồng thời là đối tác quản lý của Rain Capital, cho biết trong một ghi chú. “Ngân hàng này cũng có những lỗi về quản lý bảng cân đối kế toán khi bỏ quá nhiều tiền vào trái phiếu dài hạn, thứ đã trở thành một vấn đề khi lãi suất tăng cao. Vấn đề này, xảy ra ngay sau khi vụ thanh lý Silvergate Bank, đã gây ra sự hoảng loạn không nhỏ.”
Việc thiếu vốn cũng như kêu gọi rầm rộ khắp Thung lũng Silicon cùng các kênh truyền thông xã hội đã khởi xướng một cuộc rút tiền tháo chạy khỏi ngân hàng, khi các khách hàng rút một khoản tiền gửi khổng lồ 42 tỷ USD hôm thứ Năm (09/03). Theo một hồ sơ từ Sở Đổi mới và Bảo vệ Tài chính California (DFPI), khi đóng cửa kinh doanh, SVB duy trì số dư tiền mặt âm 958 triệu USD.
Một hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã tiết lộ, CEO Greg Becker đã rút tiền mặt từ cổ phiếu và các quyền chọn để kiếm được một khoản lợi tức 2.27 triệu USD vài tuần trước vụ sụp đổ hôm thứ Sáu (10/03).
Theo Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng này là ngân hàng lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ, với khối tài sản trị giá 209 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022.
Khi các cơ quan quản lý ngân hàng California đóng cửa SVB, ngân hàng này đã trở thành ngân hàng lớn nhất phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi Washington Mutual sụp đổ.
“Việc rút tiền gửi nhanh chóng đã khiến Ngân hàng này không có khả năng thanh toán các nghĩa vụ của mình khi đến hạn,” cơ quan quản lý tài chính California cho biết. “Hiện giờ Ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán.”
Tiền gửi không được bảo hiểm
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tiếp quản tổ chức tài chính này và đổi tên thành “Ngân hàng Quốc gia Bảo hiểm Tiền gửi Santa Clara.”
FDIC thông báo trong một thông cáo báo chí rằng văn phòng chính của ngân hàng này và toàn bộ 13 chi nhánh ở California và Massachusetts sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai (13/03).
Theo FDIC, Silicon Valley Bank đã có tổng tài sản khoảng 209.0 tỷ USD và tổng số tiền gửi khoảng 175.4 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022.
“Tại thời điểm đóng cửa, số tiền gửi vượt quá giới hạn bảo hiểm vẫn chưa được xác định,” FDIC cho biết. “Lượng tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được xác định sau khi FDIC thu thập thêm thông tin từ ngân hàng và các khách hàng.”
Tuy nhiên, hoạt động của ngân hàng này chiếm một phần đáng kể trong các báo cáo tài chính của SVB Financial Group. Theo báo cáo thường niên năm 2022 (pdf) của công ty mẹ này, ước tính số tiền gửi không được bảo hiểm tại các văn phòng ở Hoa Kỳ vượt quá giới hạn bảo hiểm của FDIC là 151.5 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022. Dựa trên con số này, gần 86% tiền gửi đã không được bảo hiểm tại thời điểm cuối năm ngoái.
Ai sẽ giải cứu SVB?
Các nhà quan sát trong ngành cho biết sự sụp đổ của SVB đã khiến ngành tài chính Hoa Kỳ gặp khó khăn.
Chính phủ sẽ bảo lãnh cho công ty này, hay một ngân hàng tư nhân sẽ đến giải cứu?
Nhà đầu tư tỷ phú kiêm nhà quản lý quỹ phòng hộ Bill Ackman cho rằng một gói cứu trợ của chính phủ “nên được xem xét” để ngăn chặn một hiệu ứng domino trong ngành tài chính.
“Sự sụp đổ của SVB Financial có thể phá hủy một động lực dài hạn quan trọng của nền kinh tế khi các công ty do các quỹ đầu tư mạo hiểm hậu thuẫn (VC-backed) dựa vào SVB để vay và nắm giữ tiền mặt hoạt động của họ,” ông cho biết qua Twitter hôm thứ Năm (09/03). “Nếu vốn tư nhân không thể cung cấp một giải pháp, thì một gói cứu trợ ưu tiên của chính phủ với độ pha loãng cao nên được xem xét.”
Ông tin rằng bất kỳ gói cứu trợ nào do tiểu bang thực hiện nên hướng tới những người gửi tiền hơn là ban quản trị hoặc những người nắm giữ cổ phần, đồng thời nói thêm rằng việc quản lý rủi ro không phù hợp sẽ không mang lại hiệu quả.
Ông nói: “Rủi ro sụp đổ và mất tiền gửi ở đây là ngân hàng tiếp theo, có vốn hóa thấp nhất phải đối mặt với một sự rút tiền ồ ạt rồi sụp đổ và các quân cờ domino tiếp tục sụp đổ. Đó là lý do tại sao sự can thiệp của chính phủ nên được xem xét.”
Nhưng ông Zack Ellison, người sáng lập công ty đầu tư nợ mạo hiểm Applied Real Intelligence, cho rằng một ngân hàng lớn sẽ mua SVB “để khôi phục niềm tin.”
“Bên mua này sẽ được lợi, xét đến sự nổi bật của SVB trong các cộng đồng công nghệ và đổi mới,” ông Ellison nói với The Epoch Times. “SVB có mức độ liên quan ở Thung lũng Silicon lớn hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất của ngân hàng này và có quyền tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và các nhà sáng lập mà mọi ngân hàng đều khao khát.”
Ông Ellison cho biết JPMorgan Chase có thể là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất tham gia và đặt giá thầu cho SVB vì ngân hàng lớn này đã phát triển hoạt động kinh doanh cho vay mạo hiểm của mình.
Những người khác khẳng định đây có thể là một dấu hiệu của rắc rối đang nảy sinh trong lĩnh vực này, đặc biệt là sau khi ngân hàng Silvergate Bank có trụ sở tại California, chuyên cho vay tập trung vào mã kim đã thông báo rằng họ sẽ ngừng hoạt động và bắt đầu quá trình thanh lý do không đủ vốn.
Các ngân hàng khác gánh chịu tổn thất
Các nhà đầu tư cũng đã hoang mang về một số cổ phiếu ngân hàng mà các nhà phân tích thị trường đã cảnh báo có một số điểm tương đồng với SVB. Vào cuối tuần giao dịch này (06-10/03), PacWest Bancorp đã giảm gần 38%, First Republican đã giảm khoảng 14%, và Western Alliance Bancorp đã giảm hơn 20% (trong giao dịch sau giờ làm việc, cổ phiếu giảm thêm 2.7%).
Nhưng rồi, kể cả cổ phiếu của các ngân hàng lớn, chẳng hạn như Bank of America, Citigroup, và Wells Fargo, cũng đã chịu tổn thất đáng kể hôm thứ Năm (09/03), khi xóa sạch hàng chục tỷ USD giá trị thị trường.
Nền tảng phát trực tuyến Roku đã giảm gần 1% sau khi tiết lộ rằng hơn một phần tư số tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt của họ đã được gửi tại SVB, xác nhận rằng họ “không biết Công ty này sẽ có thể thu hồi tiền gửi tại SVB ở mức độ nào.”
Do những lo ngại về hiệu ứng lây lan lan rộng, có một niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản thay vì nửa điểm như dự đoán rộng rãi. Vì các điều kiện tín dụng thắt chặt đã là một trong những lý do đằng sau sự sụp đổ của SVB, nên việc tăng thêm một phần tư điểm đối với lãi suất quỹ liên bang chuẩn có thể trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, theo CME FedWatch Tool, các nhà đầu tư hầu hết đang dự kiến vào một đợt tăng lãi suất nửa điểm.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng chính phủ đang theo dõi tình hình.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã gặp gỡ các quan chức tại Fed, FDIC, và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ hôm thứ Sáu (10/03).
Bộ Ngân khố cho biết trong một tuyên bố: “Bộ trưởng Yellen bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn rằng các cơ quan quản lý ngân hàng sẽ có những hành động thích hợp để ứng phó và lưu ý rằng hệ thống ngân hàng vẫn kiên cường và các cơ quan quản lý có các công cụ hiệu quả để giải quyết loại sự kiện này.”
Bà Cecilia Rouse, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA), bảo đảm với các phóng viên rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đã khác rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Hệ thống ngân hàng của chúng ta đã linh hoạt hơn nhiều so với năm 2008. Chúng ta đã học được rất nhiều điều. Chúng ta có những công cụ tốt hơn,” bà nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu (10/03). “Chúng ta đưa ra các biện pháp bảo vệ, và các cơ quan quản lý của chúng ta có sự hiện diện rõ rệt hơn trong lĩnh vực ngân hàng so với cách đây một thập niên.”
Không phải ai cũng muốn chính phủ liên bang can thiệp và bảo lãnh cho ngân hàng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times