Hoa Kỳ: Kết quả khảo sát mới cho thấy niềm tin của các giám đốc điều hành có cải thiện khi năm 2024 đến gần
Các kế hoạch tuyển dụng vẫn mạnh mẽ, nhưng nỗ lực đầu tư vốn lại giảm sút.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã chậm lại nhưng đang tăng trưởng với tốc độ ổn định. Đây là quan điểm được đồng thuận trong các giám đốc điều hành (CEO) của một số công ty lớn nhất đất nước, theo một cuộc khảo sát mới của Hội nghị bàn tròn Kinh doanh (Business Roundtable).
Trong ước tính đầu tiên cho năm tới, các CEO dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1.9%, tránh được một cuộc suy thoái kinh tế và có khả năng hiện thực hóa lời tiên đoán hạ cánh mềm. Kế hoạch đầu tư vốn đã giảm bảy điểm. Bất chấp bối cảnh kinh tế đang chậm lại, nhiều giám đốc điều hành có kế hoạch bổ sung thêm nhân sự trong những tháng tới, mặc dù không phải là với tốc độ được chứng kiến trong thời kỳ bùng nổ việc làm trong vài năm qua.
Giám đốc điều hành Hội nghị bàn tròn Kinh doanh Joshua Bolten cho biết: “Kết quả của cuộc khảo sát trong quý này phù hợp với nền kinh tế đang hạ nhiệt và chiến lược của Hệ thống Dự trữ Liên bang để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu.”
Tại cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2023, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã giữ nguyên lãi suất. Những điều rút ra chính từ cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng Mười Hai là các dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương có ý định cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2024, nới lỏng các điều kiện tiền tệ, và giảm bớt tác động của một môi trường kinh tế thắt chặt hơn.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, cuộc khảo sát của Hội nghị bàn tròn Kinh doanh còn gợi ý rằng các nhà lập pháp có thể khôi phục các quy định để thúc đẩy đầu tư vốn và trợ giúp tăng trưởng, từ chi phí trước mắt cho nghiên cứu và phát triển đến loại bỏ các quy định nặng nề.
Ông Bolten nói: “Chúng tôi kêu gọi Quốc hội khôi phục các chính sách này càng sớm càng tốt để tăng đầu tư trong nước, tạo việc làm cho người Mỹ, và tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.”
Chủ tịch Hội nghị bàn tròn Kinh doanh Mary Barra, Giám đốc điều hành của General Motors, lưu ý rằng các công ty lớn nhất của Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Tòa Bạch Ốc và Quốc hội để thúc đẩy các chính sách “củng cố nền kinh tế, tạo ra tăng trưởng, và mở rộng cơ hội kinh tế cho nhiều người Mỹ hơn.”
Một cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động
Khi các điều kiện của thị trường lao động dần trở nên cân bằng, thì nhiều nhà tuyển dụng trong khu vực tư nhân đang sa thải nhân viên.
Trong những tuần gần đây, nhiều công ty lớn đã cắt giảm số lượng nhân viên của mình, bao gồm Ernst & Young, Hasbro, Spotify, Citi, Amazon, và Chewy.
Theo dữ liệu của Challenger, Gray & Christmas, các nhà tuyển dụng có trụ sở tại Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch cắt giảm 45,510 việc làm trong tháng Mười Một, tăng từ mức 36,836 trong tháng Mười. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 687,000 việc làm đã được công bố cắt giảm, dẫn đầu là các vị trí trong các lĩnh vực công nghệ, bán lẻ, và tài chính.
Ông Andrew Challenger, chuyên gia về thị trường lao động và phó chủ tịch cao cấp của Challenger, Gray & Christmas, Inc., cho biết trong báo cáo: “Thị trường việc làm đang nới lỏng, và các nhà tuyển dụng không tuyển nhanh nữa. Dường như thị trường lao động đang ổn định với một mức rời việc bình thường hơn, mặc dù chúng tôi dự đoán sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng sa thải nhân viên trong năm mới.”
Theo ông Andrew Crapuchettes, Giám đốc điều hành của RedBalloon, trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, chiến dịch tăng lãi suất chống lạm phát của Fed đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nhân.
“Món quà Giáng Sinh của Fed dành cho các chủ doanh nghiệp nhỏ còn đau đớn và khó chịu hơn. Nếu lạm phát là cái móc phù hợp để kéo các chủ doanh nghiệp nhỏ rơi vào tình thế khó khăn, thì quyết định hôm nay của Fed chính là cú đấm nốc ao,” ông Crapuchettes cho biết trong một tuyên bố. “Những gì đang xảy ra bên trong Beltway (giới chính trị và xã hội ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn) không phản ánh tình trạng của phần còn lại của đất nước. Họ đang bóp nghẹt những chủ doanh nghiệp này bằng mức lãi suất cao mà có lẽ sẽ không giảm trong ít nhất một quý nữa.”
Tuy nhiên, sau khi có mức tăng tốt hơn mong đợi, thêm được 199,000 việc làm mới trong tháng Mười Một và tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, các nhà hoạch định chính sách công không quá lo ngại về thị trường lao động vào thời điểm này.
Kỳ vọng trái chiều về năm 2024
Sau báo cáo GDP thành công bất ngờ trong quý 3 vốn cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 5.2%, với dữ liệu việc làm tháng Mười Một vững chắc và tốc độ lạm phát chậm lại, những thảo luận về suy thoái kinh tế đã giảm bớt.
Theo cuộc khảo sát Fed Survey của CNBC gần đây, các nhà kinh tế và nhà phân tích đã giảm xác suất xảy ra suy thoái trong năm tới xuống tám điểm, xuống còn 41%.
Vào tháng Mười, cuộc khảo sát hàng quý của The Wall Street Journal với các nhà kinh tế đã giảm xác suất xảy ra một cuộc suy thoái từ 54% xuống còn 48%. Đây là lần đầu tiên dự đoán suy thoái giảm xuống dưới 50% kể từ giữa năm 2022.
Các nhà kinh tế Doug Porter và Scott Anderson của BMO cho biết trong cuộc khảo sát: “Xác suất suy thoái tiếp tục giảm ở Hoa Kỳ khi những biến động trong ngành ngân hàng lắng xuống và khả năng phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động cũng như thu nhập thực tế tăng lên trợ giúp nhu cầu tiêu dùng.”
Nhưng mặc dù các chuyên gia lập luận rằng không có dữ liệu nào cho thấy đất nước đang mắc kẹt trong tình trạng suy thoái, hầu hết người Mỹ đều cho rằng Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng suy thoái. Khảo sát tỷ giá ngân hàng mới nhất cho thấy 59% người trưởng thành cảm thấy nền kinh tế đang suy thoái và 66% cho biết nền kinh tế hiện tại đã gây tổn hại đến tài chính cá nhân của họ.
Khảo sát Kỳ vọng Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York vào tháng Mười Một cho thấy, gần ⅓ số gia đình ở Hoa Kỳ cho biết tình hình tài chính của họ sẽ tệ hơn trong một năm kể từ bây giờ và hơn 40% cho biết tình hình của họ đã tệ hơn so với một năm trước.
Nói với các phóng viên sau cuộc họp FOMC tháng Mười Hai, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng áp lực tăng giá cao đang tiếp tục tạo ra gánh nặng cho nền tài chính công.
Ông nói, “Mức giá sẽ không giảm. Giá một số hàng hóa và dịch vụ đang giảm nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn chưa phải là tốt. Do đó, người dân vẫn đang phải sống với giá cao.”
Tin tốt là các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy mọi người đang kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ thấp hơn vào năm tới, giúp cho niềm tin của người tiêu dùng đạt được mức cao hơn.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã tăng lên mức cao nhất trong năm tháng vào tháng Mười Hai do kỳ vọng lạm phát trong một năm tới giảm mạnh xuống còn 3.1%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times