Hoa Kỳ giới thiệu con đường nhập cư mới cho những người đến từ Trung Mỹ, Colombia
Các chương trình tạm tha đoàn tụ gia đình được áp dụng cho Colombia, El Salvador, Guatemala, và Honduras
Mimi Nguyen Ly
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã giới thiệu một chương trình nhập cư mới cho phép một số công dân Trung Mỹ và Colombia được vào Hoa Kỳ.
Hôm 07/07, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã thông báo rằng họ sẽ thực hiện “quy trình tạm tha đoàn tụ gia đình mới (FRP)” đối với Colombia, El Salvador, Guatemala, và Honduras. Chương trình này đã được công bố lần đầu tiên hồi tháng Tư.
Các quy trình FRP cho phép một số người di cư có người thân ở Hoa Kỳ được nhập cảnh và làm việc hợp pháp trong khi chờ thị thực nhập cư Hoa Kỳ.
Hôm 07/07, DHS tuyên bố rằng: “Cụ thể, công dân của [bốn] quốc gia này có thể được xem xét tạm tha tùy theo từng trường hợp trong thời hạn tối đa ba năm trong khi họ chờ nộp đơn xin trở thành một thường trú nhân hợp pháp.”
Những người di cư có khả năng đủ điều kiện là những người đến từ bốn quốc gia kể trên và có thành viên gia đình là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Theo DHS, sáng kiến mới nhất này là một phần của các biện pháp toàn diện mà DHS và Bộ Ngoại giao đã công bố hồi tháng Tư “nhằm giảm hơn nữa tình trạng di cư bất hợp pháp trên khắp Tây Bán cầu, mở rộng đáng kể các con đường hợp pháp để bảo vệ và tạo thuận tiện cho việc giải quyết người di cư một cách an toàn, trật tự, và nhân đạo.”
Các quy trình FRP dành cho người Cuba đã bắt đầu có từ năm 2007 và năm 2014 đối với người Haiti. Chính phủ ông Trump đã tạm dừng các chương trình này, nhưng sau đó chính phủ ông Biden đã khởi động lại chúng.
Hoa Kỳ dự định chào đón tới 100,000 người
Công dân hoặc thường trú nhân ở Hoa Kỳ phải nộp Mẫu đơn I-30 — còn được gọi là Đơn Bảo lãnh Thân nhân Ngoại kiều — thay mặt cho thân nhân người Colombia, Salvador, Guatemala, hoặc Honduras của họ.
Nếu đơn yêu cầu này được chấp thuận, thì Bộ Ngoại giao sẽ gửi một lời mời tới công dân hoặc thường trú nhân ở Hoa Kỳ đang yêu cầu. Sau đó, người này có thể bắt đầu quy trình FRP bằng cách gửi một yêu cầu thay mặt cho người thân di cư để được xem xét cấp phép đi lại trước và tạm tha.
Hôm 07/07, DHS cho biết rằng nếu công dân ngoại quốc được cấp tình trạng tạm tha, cho phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ, thì người đó có thể yêu cầu giấy phép lao động trong khi chờ cấp thị thực nhập cư. Khi đã có thị thực nhập cư, người đó có thể nộp đơn xin thường trú — còn được gọi là thẻ xanh.
Quy trình FRP có thể là một con đường nhanh hơn để vào Hoa Kỳ so với quy trình thông thường của công dân Hoa Kỳ và những người có thẻ xanh đang xin và chờ cấp thị thực nhập cư cho các thành viên gia đình của họ.
Hôm 02/05, chính phủ TT Biden đã thông báo rằng Hoa Kỳ “dự định chào đón khoảng 100,000 cá nhân từ Honduras, Guatemala, và El Salvador” theo quy trình FRP. Tuy nhiên, họ không đưa ra thời hạn khi nào và cũng không đề cập đến giới hạn số lượng người di cư từ Colombia.
‘Các con đường hợp pháp’
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết rằng các quy trình mới sẽ “thúc đẩy sự đoàn tụ gia đình và đem đến các con đường hợp pháp phù hợp với luật pháp và các giá trị của chúng ta.”
Ông nói: “Bộ đã chứng minh rằng việc mở rộng các con đường an toàn, có trật tự, và hợp pháp, kết hợp với việc thực thi pháp luật chặt chẽ, đang có hiệu quả trong việc giảm thiểu tình trạng di cư nguy hiểm, bất thường đến Hoa Kỳ.”
Theo dữ liệu từ Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, tính đến năm tài khóa 2023, có hơn 126,200 người Colombia, 40,700 người Salvador, 115,100 người Guatemala, và 110,000 người Honduras đã được giải quyết tại biên giới phía tây nam.
DHS tuyên bố rằng các quy trình FRP mới “chỉ cho phép tạm tha trên cơ sở suy xét cá nhân, tùy từng trường hợp, và tạm thời dựa trên việc chứng minh các lý do nhân đạo khẩn cấp hoặc lợi ích công cộng đáng kể, cũng như chứng minh rằng những người thụ hưởng này xứng đáng nhận được sự suy xét có lợi cho họ.”
Các quy định trên phù hợp với Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (INA), được ban hành vào năm 1952. INA trao cho Bộ trưởng An ninh Nội địa — hiện là ông Mayorkas — quyền quyết định có cho phép một công dân ngoại quốc vào Hoa Kỳ hay không.
Tình trạng tạm tha hiếm khi được đưa ra trước đây
Năm 2022, một chuyên gia về nhập cư nói với The Epoch Times rằng việc tạm tha nên là một “điều rất, rất đặc biệt” và chỉ nên được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi một thành viên trong gia đình cần nhập cảnh vào Hoa Kỳ để hiến thận cho anh trai của mình, hoặc khi một nhân chứng được yêu cầu làm chứng trong một vụ án hình sự.
Ông Andrew Arthur, thành viên thường trực về luật và chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư (CIS) và là một thẩm phán nhập cư đã về hưu, nói rằng khi ông còn là phó tổng cố vấn trong cơ quan nhập cư liên bang trước đây, ông sẽ chỉ xem xét một số rất ít trường hợp tạm tha mỗi năm.
Bên cạnh các quy trình FRP, chính phủ ông Biden có ít nhất hai cách khác để cấp tình trạng tạm tha cho người di cư.
Đầu tiên là quy trình tạm tha nhân đạo, dành cho một số người di cư từ Cuba, Haiti, Nicaragua, và Venezuela. Chương trình này đã bắt đầu vào tháng 10/2022 đối với người Venezuela và vào tháng 01/2023 đối với người Cuba, Nicaragua, và Haiti.
“Các quy trình này cho phép tới 30,000 công dân mỗi tháng đến từ cả bốn quốc gia này mà đủ điều kiện, sẽ được cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ trong tối đa hai năm và được phép làm việc tại đây trong thời gian đó,” DHS thông báo hồi tháng Một. Điều này có nghĩa là hàng năm có tới 360,000 người nhận được giấy phép đi lại trước để vào Hoa Kỳ.
Hồi tháng Một, 20 tiểu bang đã đệ đơn kiện DHS của chính phủ ông Biden, với mong muốn đình chỉ chương trình này với lý do Quốc hội đã không thông qua việc tạo ra “một chương trình mới trái pháp luật trắng trợn.”
Cách thứ hai là thông qua ứng dụng CBP One; Tòa Bạch Ốc và DHS đã công bố hồi tháng Một rằng những người di cư có thể đặt lịch hẹn tại các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ để xin tị nạn.
Nhưng ngoài ra, thay vì họ xin tị nạn, họ có thể xin tạm tha với lý do nhân đạo. Theo Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ, tạm tha nhân đạo cho phép mọi người tạm thời nhập cảnh vào Hoa Kỳ nếu có “trường hợp khẩn cấp bắt buộc và có một lý do nhân đạo khẩn cấp hoặc lợi ích công cộng đáng kể.”
Hồi tháng Năm, một lãnh đạo nghiệp đoàn Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng những người nhập cư bất hợp pháp đang được huấn luyện để họ tự nguyện rút đơn xin tị nạn, quay trở lại Mexico, và sau đó tìm cách vào Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo.
Ông Manny Bayon, một phát ngôn viên của nghiệp đoàn Hội đồng Tuần tra Biên giới Quốc gia ở San Diego, nói với The Epoch Times rằng theo ứng dụng CBP One, những người nhập cư bất hợp pháp được khuyến khích từ bỏ các yêu cầu xin tị nạn của họ và thay vào đó nộp đơn xin “tạm tha nhân đạo” để làm cho việc này “trông giống như họ đang nhập cảnh hợp pháp.”
Ông nói rằng mặc dù có vẻ như “những người di cư bất hợp pháp” đang bị trục xuất về Mexico, nhưng thực ra họ đang rút lại đơn xin tị nạn của mình, đến Mexico, và sau đó quay trở lại Hoa Kỳ một cách hợp pháp thông qua một cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ bằng cách sử dụng ứng dụng CBP One.
Hồi tháng Năm, chính phủ ông Biden đã hoàn thiện một quy định mới về việc từ chối tị nạn đối với những người nhập cư bất hợp pháp nếu họ đi qua một quốc gia khác mà không tìm kiếm sự bảo vệ ở đó trước hoặc nếu họ không sử dụng các con đường hợp pháp khác để đến Hoa Kỳ. Theo luật nhập cư Đề mục 8 — điều mà các cơ quan quản lý biên giới đã chuyển sang sau khi Đề mục 42 hết hạn — những người vượt biên trái phép có thể bị “khẩn trương trục xuất” và bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong 5 năm.
Ông Bayon lưu ý: “Giờ đây, họ đang được giải quyết hợp pháp thông qua cảng nhập cảnh thay vì theo Đề mục 8, tức là nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.”
Trước đây, bà Erin Heeter, một phát ngôn viên của DHS, đã nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng kể từ hôm 01/06, DHS đã tăng số lượng cuộc hẹn CBP One từ 1,000 lên 1,250 mỗi ngày — số lượng này sẽ lên tới khoảng 30,000 đến 37,500 cuộc hẹn mỗi tháng.
Bản tin có sự đóng góp của Charlotte Cuthbertson, Savannah Pointer, và Brad Jones
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times