Báo cáo của DHS: ‘Nhiều sai sót’ đã dẫn đến việc thả người nhập cư trái phép nằm trong danh sách theo dõi khủng bố
Tổng Thanh tra Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã phát hiện ra “nhiều sai sót” dẫn đến việc thả một người nhập cư trái phép có tên trong danh sách theo dõi khủng bố của FBI.
Trong một báo cáo hôm 28/06 (pdf), Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG) của DHS đã nêu chi tiết về vụ bắt giữ một người nhập cư bất hợp pháp và gia đình của người này tại Yuma, Arizona vào ngày 17/04/2022, và hai ngày sau đó lực lượng Tuần tra Biên giới đã thả một trong những người này. Việc thả người diễn ra sau khi Trung tâm Sàng lọc Khủng bố (TSC) của FBI xác định người này chưa rõ có nằm trong danh sách theo dõi khủng bố hay không.
Hai ngày sau, vào ngày 21/04 tại Palm Springs, California, người nhập cư bất hợp pháp này cùng gia đình mình đã làm xong thủ tục lên chuyến bay đến Tampa, Florida.
Sau đó, FBI đã nhận được thêm thông tin từ Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ (TSA) và xác định người nhập cư bất hợp pháp đó chắc chắn nằm trong danh sách theo dõi khủng bố. FBI đã thông báo điều này cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) và cơ quan này đã liên lạc với văn phòng chi nhánh của mình ở Tampa.
Theo báo cáo nói trên, người nhập cư bất hợp pháp đó đã lỡ chuyến bay từ California nhưng đã đặt lại chuyến bay đến Florida vào ngày hôm sau. Vào ngày 06/05, kẻ bị tình nghi khủng bố này đã bị ICE bắt giữ ở Florida.
OIG giải thích về cuộc điều tra này, nói rằng, “Chúng tôi đã tiến hành đánh giá này để tra xét quá trình sàng lọc của [Cục Hải quan và Biên phòng] đối với một kẻ bị tình nghi là khủng bố và thời điểm bắt giữ sau đó của ICE sau khi nghi phạm khủng bố được thả vào Hoa Kỳ.”
Báo cáo do Tổng Thanh tra công bố đã phát hiện ra rằng Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã không cung cấp cho TSC thông tin cần thiết để chứng thực sự hiện diện của người nhập cư bất hợp pháp đó trong danh sách theo dõi.
Báo cáo cũng nêu bật [những vấn đề như] một yêu cầu phỏng vấn người nhập cư bất hợp pháp đó đã được gửi đến địa chỉ không chính xác, những thông tin được thu thập nhưng không được chia sẻ bởi các quan chức, và việc trả tự do sớm cho cá nhân đó trước khi có sự phối hợp đầy đủ giữa các cơ quan.
Báo cáo cho biết: “Sự việc xảy ra là do các hoạt động và quy trình không hiệu quả của CBP trong việc giải quyết những người chưa rõ có nằm trong Danh sách Theo dõi Khủng bố hay không, từ đó dẫn đến nhiều sai sót.”
Sự tham gia của CBP
Báo cáo cũng nhắc đến lời khai của một nhân viên Tuần tra Biên giới tại trung tâm giải quyết người nhập cư ở Yuma. Nhân viên này cho biết anh và các đồng nghiệp của mình lúc đó đang cố gắng hồi âm các thư điện tử từ Trung tâm Nhắm mục tiêu Quốc gia của CBP nhưng không thể làm được vì họ quá bận giải quyết một lượng lớn người nhập cư trái phép.
Các nhân viên nói với các nhà điều tra rằng trung tâm ở Yuma đã quá tải, khiến họ chịu áp lực phải nhanh chóng giải quyết xong người di cư và giảm thời gian họ phải xem xét từng hồ sơ.
Việc thả cá nhân nói trên xảy ra trong tháng mà diễn ra hơn 235,000 cuộc chạm trán với những người nhập cư bất hợp pháp.
Trong khi đó, báo cáo cho biết các quan chức ICE đã giải thích rằng mặc dù cơ quan này ưu tiên việc bắt giữ, nhưng bộ phận phụ trách Tội phạm Trốn thoát (Fugitive Operations) của ICE đã không nhận được hồ sơ của người nhập cư bất hợp pháp đó trong tám ngày sau khi yêu cầu này được đưa ra.
Theo dữ liệu mà các quan chức trích dẫn trong báo cáo của Tổng Thanh tra, cứ một hoặc hai lần mỗi tuần, văn phòng Yuma của ICE nhận được khoảng 1,000 hồ sơ về người ngoại quốc và văn phòng này phải phân loại, đóng gói, và gửi đến các văn phòng Thực thi và Trục xuất (ERO) trên toàn quốc.
Tổng Thanh tra đề nghị DHS nên khai triển các quy trình để duy trì các danh sách phân loại thư điện tử tốt hơn, xác định và chia sẻ các phương pháp tốt nhất để giải quyết những người chưa rõ có nằm trong danh sách theo dõi khủng bố hay không và cung cấp cho ICE quyền truy cập tức thì vào dữ liệu GPS.
“Chúng tôi đã đưa ra ba khuyến nghị để bảo đảm CBP giải quyết hiệu quả những trường hợp chưa rõ có nằm trong Danh sách Theo dõi Khủng bố hay không và ICE có quyền truy cập tức thì vào dữ liệu Hệ thống định vị toàn cầu liên quan đến các hoạt động thực thi pháp luật của mình,” báo cáo của IG cho biết.
Phản ứng của DHS
DHS đã phản ứng dữ dội trước báo cáo trên, và cáo buộc Tổng Thanh tra đã làm vụ việc trở nên giật gân.
Một phát ngôn viên của DHS nói với The Epoch Times rằng, “Báo cáo OIG này mang tính giật gân và mô tả sai một vụ việc phức tạp, trong đó nhân viên của CBP và ICE đã thực hiện các bước thích hợp để bảo đảm không có mối đe dọa nào đối với công chúng.”
“Những người không phải là công dân [Hoa Kỳ] mà CBP bắt gặp đều được sàng lọc và kiểm tra kỹ lưỡng, và bất kỳ cá nhân nào được xác định là gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng đều bị giam giữ.”
Theo một quan chức của DHS cung cấp bối cảnh của vụ việc này, thì tiêu đề và cấu trúc của báo cáo nói trên là sai lệch. Vào thời điểm thả cá nhân đó, CBP chưa nhận được thông báo rằng người này đã được xác nhận có tên trong Bộ Dữ liệu Sàng lọc Khủng bố (TSDS).
Tuy nhiên, sau khi tình trạng của cá nhân được xác nhận, DHS đã hợp tác với các cơ quan chấp pháp liên bang và địa phương để thực hiện hành động thích hợp.
Quan chức này giải thích rằng trung tâm sàng lọc đã thông báo cho CBP rằng họ không thể xác định được cá nhân đó có nằm trong danh sách TSDS hay không dựa trên thông tin sinh trắc học và tiểu sử.
Để tiếp tục nắm bắt được thông tin và giám sát liên tục về vị trí của cá nhân đó, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) đã đưa những người đó vào chương trình Các lựa chọn thay thế cho Giam giữ (ATD), bao gồm việc yêu cầu người đó phải đeo máy theo dõi ở mắt cá chân.
Theo phát ngôn viên của DHS, sau đó, khi đã xác thực được người đó có tên trong TSDS, FBI đã thông báo cho ICE, dẫn đến việc cơ quan này tiến hành bắt giữ nghi phạm khủng bố.
DHS cũng khẳng định rằng báo cáo kể trên mô tả không chính xác thời gian bắt giữ, đồng thời cho biết vị trí của cá nhân đó liên tục được theo dõi thông qua thiết bị ATD của người này, và người này đã được các nhân viên văn phòng Thực thi và Trục xuất địa phương của ICE giám sát sau khi phát hiện ra người này nằm trong danh sách theo dõi khủng bố.
Nhắc lại sự cống hiến của DHS, một phát ngôn viên của cơ quan này tiếp tục nói với The Epoch Times, “Bộ An ninh Nội địa cam kết bảo vệ người dân Mỹ và bảo vệ biên giới của chúng ta, và Bộ không ngừng nỗ lực để cải thiện việc chia sẻ thông tin và thực thi sứ mệnh quan trọng của chúng tôi.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times