Hoa Kỳ ghi nhận thặng dư ngân sách đầu tiên kể từ tháng 08/2023
thâm hụt liên bang
Hôm thứ Sáu (10/05), Bộ Ngân khố công bố dữ liệu mới cho thấy, chính phủ Hoa Kỳ đã ghi nhận thặng dư ngân sách 210 tỷ USD trong tháng 04/2024 khi doanh thu của Hoa Thịnh Đốn gia tăng nhờ việc nộp tờ khai thuế hàng năm của người Mỹ.
Thặng dư liên bang tháng trước, thông thường được công bố vào thời điểm này trong năm, đã tăng 19% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong bảy tháng đầu năm tài khóa 2024, mức thiếu hụt ngân sách đã lên tới 855 tỷ USD.
Chi tiêu tăng 23% so với cùng thời kỳ năm trước lên 567 tỷ USD, trong đó các khoản mục An sinh Xã hội (122 tỷ USD), lãi ròng (85 tỷ USD), và Medicare (74 tỷ USD) là những khoản mục chính thúc đẩy chi tiêu liên bang.
Số tiền thu được đã tăng vọt 22% so với cùng thời kỳ năm ngoái, lên tới 776 tỷ USD trong bối cảnh doanh thu thuế cao hơn từ các cá nhân và doanh nghiệp trong tháng khai thuế.
Theo Đánh giá Ngân sách Hàng tháng mới đây nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), khoản thiếu hụt tài khóa tính đến thời điểm hiện tại đã là 929 tỷ USD nếu không có những thay đổi nhất định về thời điểm thanh toán.
Cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái này cho biết thâm hụt liên bang cũng có thể cao hơn nữa vào cuối năm nay.
Bản đánh giá hàng tháng cho biết, “Mặc dù cho đến nay trong năm tài khóa 2024, mức thâm hụt đang thấp hơn mức thâm hụt trong cùng thời kỳ năm ngoái, nhưng có vẻ như mức thâm hụt trong cả năm sẽ cao hơn.”
Theo Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB), khoản thâm hụt liên bang đang ngày càng tăng đã đạt tổng cộng là 1.7 ngàn tỷ USD trong 12 tháng qua, giảm 32 tỷ USD vào cuối tháng Ba. Mức thâm hụt sẽ dâng lên tới 2 ngàn tỷ USD nếu không tính đến tác động của việc xóa nợ cho sinh viên.
Thâm hụt ngân sách chiếm khoảng 5.8% GDP, hay 7% khi bỏ qua các nỗ lực xóa nợ cho sinh viên như một phần của nền kinh tế Hoa Kỳ.
CRFB cho biết trong một báo cáo: “Các nhà hoạch định chính sách nên làm việc cùng nhau để đưa nền kinh tế và sức khỏe tài khóa của chúng ta đi đúng hướng, và có thể bắt đầu bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa chi tiêu và doanh thu.”
Cảm nhận tác động của lãi suất
Lãi suất đã thu hút nhiều sự chú ý hơn ở Capitol Hill.
Tính đến năm tài khóa 2024, chi tiêu trả lãi suất ròng đã đạt tổng cộng 514 tỷ USD, tăng 36% so với cùng thời kỳ năm trước.
Ngoài ra, các quan chức ước tính rằng tổng lãi suất đối với chứng khoán nợ công khố sẽ vượt quá 1.1 ngàn tỷ USD trong cả năm tài khóa.
Các nhà kinh tế tại Quỹ Peter G. Peterson cho biết các khoản vay liên bang không còn rẻ như trong thời kỳ đại dịch.
“Khi Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất quỹ liên bang, lãi suất ngắn hạn đối với chứng khoán công khố cũng đã tăng—khiến một số khoản vay của liên bang trở nên đắt đỏ hơn,” nhóm lưu ý hôm 08/05. “Những kỳ vọng về lãi suất ngắn hạn và lạm phát cũng đã đẩy cả lãi suất dài hạn tăng lên.”
Khi các khoản thanh toán này tăng tốc trong bối cảnh lãi suất và số nợ được phát hành tăng cao hơn, thì chi phí lãi suất đang chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong doanh thu thuế. Chi phí lãi vay đã ngốn khoảng ⅓ doanh thu thuế thu nhập mà liên bang thu được.
CBO cho biết, với việc số nợ và thâm hụt liên bang dự kiến sẽ tăng cao hơn trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng của các khoản thanh toán lãi vay sẽ chiếm nhiều tỷ lệ trong doanh thu hơn.
Theo Triển vọng Ngân sách Dài hạn năm 2024 của CBO, các khoản thanh toán lãi vay sẽ có tổng trị giá khoảng 77 ngàn tỷ USD trong 30 năm tới và chiếm hơn một phần ba tổng doanh thu liên bang vào năm 2054.
Ngoài ra, chi phí lãi vay sẽ trở thành khoản chi lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ trong ba thập niên tới, vượt xa chi phí quốc phòng và An sinh Xã hội.
Tuy nhiên, trong khi một số chuyên gia khẳng định rằng các chính sách có lợi cho tăng trưởng có thể giúp giảm bớt một số áp lực tài khóa của Hoa Thịnh Đốn, thì CBO lại cảnh báo rằng việc tăng lãi suất có thể đe dọa đến các khoản đầu tư công vào cơ sở hạ tầng phi quốc phòng, giáo dục, cũng như nghiên cứu và phát triển.
Vai trò của Hệ thống Dự trữ Liên bang trong việc điều chỉnh lãi suất
Do các khoản thanh toán lãi vay ngày càng tăng, và đang trên đà đạt 1 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa này, Hệ thống Dự trữ Liên bang có thể muốn cắt giảm lãi suất.
Các quan chức ngân hàng trung ương đã tuyên bố rằng việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra nhưng cảnh báo rằng lãi suất có thể vẫn ở mức cao trong thời gian dài hơn trong bối cảnh lạm phát khó khăn và dai dẳng.
Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari đã lưu ý tại hội nghị năm 2024 của Viện Milken và trong một bài tiểu luận rằng tổ chức này sẽ không loại trừ khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn tiếp tục và dữ liệu lại khẳng định cho chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Ông Kashkari nói: “Giới hạn tăng lãi suất khá cao, nhưng không phải là vô hạn.”
Nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Freddie Lait, nhà quản lý quỹ tại Latitude Investment Management, khẳng định Fed có khả năng sẽ xem xét cắt giảm lãi suất để giảm bớt gánh nặng lãi suất của chính phủ Hoa Kỳ.
“Theo cách chúng tôi đã nghĩ về lãi suất trong 15 năm qua, và tôi cũng nghĩ lâu hơn, không có lý do kinh tế nào cho việc cắt giảm,” ông Lait nói với mạng truyền hình “Squawk Box Europe” hôm 01/05. “Lý do mà Fed có thể cắt giảm là bởi vì chính phủ Hoa Kỳ không thể kham nổi [nếu họ không giảm] lãi suất—và đó là lý do đáng sợ hơn nhiều để phải cắt giảm.”
Theo CME FedWatch Tool, thị trường tương lai đang chuẩn bị cho hai đợt cắt giảm lãi suất hai phần tư điểm phần trăm trong năm nay, bắt đầu từ tháng Chín.
Tranh luận về các quy định cắt giảm thuế thời cựu Tổng thống Trump
Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ cho phép các quy định về cắt giảm thuế của người tiền nhiệm hết hạn vào cuối năm 2025 nếu ông tái đắc cử vào tháng Mười Một.
CRFB khẳng định trong một phân tích riêng rằng việc gia hạn các quy định về thuế cá nhân và thuế tài sản của Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế, hay TCJA, sẽ khiến nợ quốc gia tăng thêm khoảng 3.4 ngàn tỷ USD khi chưa tính đến lãi vay.
Phân tích cho biết: “Số nợ tăng thêm này chưa tính đến tác động kinh tế của việc gia hạn, có thể làm giảm hoặc tăng sản lượng nhưng gần như chắc chắn sẽ gây áp lực tăng lãi suất đáng kể và có thể thúc đẩy một vòng xoáy nợ trong tương lai.”
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tòa Bạch Ốc Lael Brainard nói với một sự kiện của Viện Brookings rằng chính phủ liên bang cần chấm dứt chương trình giảm thuế “tốn kém” năm 2017 dành cho giới siêu giàu và các tập đoàn.
“Ít nhất, chúng ta nên tránh làm sâu thêm lỗ hổng tài khóa do việc cắt giảm thuế của Đảng Cộng Hòa tạo ra,” bà Brainard cho biết hôm thứ Sáu (10/05). “Chúng ta nên tận dụng cuộc tranh luận về thuế năm 2025 như một cơ hội để tăng doanh thu nói chung.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times