Hoa Kỳ: Đảng Dân Chủ thúc đẩy dự luật để đưa ra quy định đối với Tối cao Pháp viện
Hôm 14/06, một Ủy ban Giám sát Quốc hội do Đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông báo rằng Quốc hội phải áp đặt một bộ quy tắc ứng xử đối với Tối cao Pháp viện yêu cầu các thẩm phán cáo tị (rút khỏi các vụ án) nếu có mối liên hệ tài chính giữa thẩm phán hoặc gia đình của thẩm phán và những người đang có vụ kiện tại tòa án.
Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) đã cho biết tại phiên họp của Tiểu ban thuộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện về các Tòa án Liên bang, Giám sát, Hành động của Cơ quan, và Quyền Liên bang rằng nếu Tối cao Pháp viện không hành động thì Quốc hội sẽ vào cuộc.
Tiểu ban này đang xem xét đề nghị Đạo luật về Đạo đức, Cáo tị, và Minh bạch của Tối cao Pháp viện (SCERT) năm 2023 (S.359), mà ông Whitehouse, chủ tịch của tiểu ban này, đã giới thiệu hồi tháng Hai. Cùng thời điểm đó, Dân biểu Hank Johnson (Dân Chủ-Georgia) cũng đã giới thiệu dự luật đồng hành, H.R. 926, tại Hạ viện.
Dự luật của ông Whitehouse đã được 21 thượng nghị sĩ đồng bảo trợ, trong đó có ông Cory Booker (Dân Chủ-New Jerry), bà Dianne Feinstein (Dân Chủ-California), bà Mazie Hirono (Dân Chủ-Hawaii), ông Mark Warner (Dân Chủ-Virginia), và ông Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont), người đứng về nhóm các thành viên Đảng Dân Chủ.
Ông Whitehouse là một người chỉ trích thẳng thắn Tối cao Pháp viện, và đặc biệt là các thẩm phán thuộc phái bảo tồn truyền thống như ông Clarence Thomas.
Đảng Dân Chủ đã phẫn nộ khi nhà tài trợ giàu có của Đảng Cộng Hòa Harlan Crow được cho là đã cung cấp cho ông Thomas những kỳ nghỉ xa hoa, hỗ trợ học phí cho một trong những cháu trai mà ông nuôi dưỡng, và mua một ngôi nhà từ gia đình của vị thẩm phán này. Ông Thomas không công khai những điều đó, nói rằng ông đã được thông báo rằng điều đó không cần thiết.
Ông đã cam kết tiết lộ những sự kiện như vậy trong tương lai.
Trong khi Đảng Dân Chủ nói rằng bản thân những món quà tặng đó là bằng chứng của hành vi tham nhũng, thì các chuyên gia pháp lý lại không đồng tình như vậy. Các chuyên gia pháp lý cũng chỉ ra rằng không có xung đột lợi ích vì ông Crow không có vụ kiện nào tại Tối cao Pháp viện.
Trong khi các phiên điều trần gần đây của quốc hội về đạo đức của Tối cao Pháp viện diễn ra căng thẳng và chứa đầy sự hiềm khích cũng như các cáo buộc, nhưng đã không ai lên tiếng tại cuộc họp này.
Đó có thể là do không có thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa nào diễn thuyết tại phiên điều trần này. Trong các phiên điều trần khác, các thành viên của Đảng Cộng Hòa đã phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Đảng Dân Chủ trong việc sử dụng luật để đưa ra quy định cho Tối cao Pháp viện. Đảng Cộng Hòa lập luận rằng các nguyên tắc của Hiến Pháp về phân chia quyền lực ngăn cản Quốc hội quy định hành vi của các thẩm phán. Đảng Cộng Hòa cho rằng Đảng Dân Chủ chỉ muốn hành động nhắm vào Pháp viện vì khối đa số theo phái bảo tồn truyền thống của Pháp viện đã đưa ra các phán quyết mà Đảng Dân Chủ cho là không phù hợp với họ.
Chẳng hạn như trong phiên điều trần hôm 02/05, cựu Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Michael Mukasey, do Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, đã nói với các nhà lập pháp rằng những lo ngại của Đảng Dân Chủ về đạo đức tòa Tối cao Pháp viện là tư lợi và phóng đại quá mức.
Ông Mukasey nói: “Kết luận không thể tránh khỏi là công chúng đang bị yêu cầu ảo giác về hành vi sai trái nhằm làm suy yếu thẩm quyền của các thẩm phán, những người đưa ra các phán quyết mà những người chỉ trích này không đồng tình, và do đó làm suy yếu thẩm quyền của chính các phán quyết đó.”
Tại phiên điều trần này, ông Whitehouse nói rằng hồi tháng trước, trong một bài diễn văn hôm 23/05, Chánh án John Roberts “đã thừa nhận tòa án còn nhiều việc phải làm, rằng các thẩm phán đang tiếp tục xem xét những điều họ có thể làm để mang lại hiệu quả thiết thực cho cam kết đạo đức đó, và rằng ông ấy tự tin là có nhiều cách để làm điều đó, nhiều cách để làm nhiều hơn nữa.”
“Sự hiếu khách cá nhân giả tạo, xung đột lợi ích rõ ràng, tình trạng hỗn loạn của nhóm bình phong giả. Đây là tất cả những lĩnh vực mà đến lúc cần phải thay đổi và khắc phục,” ông nói.
Ông Whitehouse nói: “Người dân Mỹ đã quá mệt mỏi vì phải chờ đợi.”
“Một cuộc thăm dò mới được công bố cùng ngày với bài diễn văn của vị chánh án cho thấy gần 60% người Mỹ không tán thành cách thức Tối cao Pháp viện đang thực hiện công việc của mình. Và người Mỹ có nhiều khả năng nghĩ rằng các tiêu chuẩn đạo đức và trung thực của các thẩm phán là thấp hoặc rất thấp. Đối với một tổ chức phụ thuộc vào niềm tin của công chúng để thực hiện các chức năng của mình, thì điều đó là lĩnh vực đáng lo ngại. Nếu Tối cao Pháp viện không làm bất cứ điều gì để khôi phục lòng tin của công chúng, thì đó sẽ là quyết định của Quốc hội chúng ta.”
“Chúng ta cần tìm hiểu thêm về các nhóm bình phong đã giúp đề cử các thẩm phán của ông Trump, và sau đó xuất hiện với tư cách là đương sự trước chính các thẩm phán đó,” ông nói.
Ông Whitehouse cũng nhắm vào ông Thomas, người được Tổng thống Đảng Cộng Hòa George H.W. Bush bổ nhiệm hồi năm 1989, nói rằng vị thẩm phán này đã từ chối cáo tị khỏi các vụ án liên quan đến cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2020 hoặc sự kiện ngày 06/01/2021, một hành vi vi phạm an ninh của Quốc hội mà Đảng Dân Chủ cho rằng tạo thành một cuộc nổi dậy.
Ông Thomas “đã bỏ phiếu để ngăn ủy ban 06/01 tiếp cận vào các thông tin liên lạc của Tòa Bạch Ốc vốn có thể bao gồm các tin nhắn của vợ Thẩm phán Thomas gửi cho chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc về việc lật ngược cuộc bầu cử năm 2020,” thượng nghị sĩ nói, đề cập đến vợ của ông Thomas, nhà hoạt động bảo tồn truyền thống và là người ủng hộ ông Trump, bà Ginni Thomas, người đã nói rằng bà đã không thảo luận về các vụ kiện tại tòa án với chồng mình.
“Tính hợp pháp của việc không cáo tị đó phụ thuộc vào một sự thật: Thẩm phán Thomas đã biết những gì về các hoạt động nổi dậy của vợ mình và ông ấy biết điều đó khi nào?” ông Whitehouse cho biết.
Chủ tịch của toàn bộ ủy ban, Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), cũng đã lên tiếng tại phiên điều trần này.
“Chúng ta cần khôi phục niềm tin của công chúng và sự tin tưởng vào Tối cao Pháp viện của chúng ta,” ông nói. “Điều đó không thể thực hiện được khi họ hoạt động ngấm ngầm và bí mật.”
“Phiên điều trần hôm nay sẽ thảo luận về tính minh bạch của việc cáo tị này. Chúng ta đã chứng kiến hành động thú vị về vấn đề này tại Tối cao Pháp viện với ít nhất một thẩm phán, Thẩm phán Elena Kagan,” ông Durbin nói.
“Bà ấy hiện đang đưa ra những lời giải thích công khai cho các quyết định cáo tị của mình — bà ấy đã nhận ra rồi. Bà ấy hiểu rằng khi người dân Mỹ hiểu được quá trình suy nghĩ của bà, thì kết quả cuối cùng của bà sẽ có độ tin cậy cao hơn. Điều này cũng đúng với phần còn lại của tòa án. Câu hỏi rõ ràng là liệu một thẩm phán khác có làm theo không?”
Dự luật của ông Whitehouse sẽ yêu cầu Tối cao Pháp viện ban hành một bộ quy tắc ứng xử quản lý các thành viên của chính họ. Dự luật này yêu cầu rằng Hội nghị Tư pháp Hoa Kỳ, một cơ quan do Quốc hội thành lập, nên công bố quy tắc ứng xử cho các thẩm phán của các tòa phúc thẩm, tòa án địa hạt, và Tòa án Thương mại Quốc tế.
Dự luật này cũng sẽ tạo ra một hệ thống cho phép các thành viên của công chúng nộp đơn khiếu nại các thẩm phán vì vi phạm bộ quy tắc ứng xử đó hoặc tham gia “vào hành vi làm suy yếu sự liêm chính của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.”
Một “ủy ban điều tra tư pháp” bao gồm “5 thẩm phán được chọn ngẫu nhiên từ trong số các chánh án của mỗi khu vực của Hoa Kỳ” sẽ xem xét và điều tra các khiếu nại, đồng thời trình bày các phát hiện và khuyến nghị của mình lên Tối cao Pháp viện, vốn sau đó sẽ bác bỏ các khiếu nại, ra lệnh kỷ luật hành động, hoặc thay đổi các quy tắc hoặc thủ tục của tòa án này. Ủy ban này, có quyền ban hành trát lệnh, cũng sẽ có quyền tổ chức các phiên điều trần và công bố báo cáo công khai về các hoạt động của mình.
Các quy tắc sẽ được thiết lập để yêu cầu công khai quà tặng, thu nhập, và khoản bồi hoàn mà bất kỳ thẩm phán nào và bất kỳ lục sự nào nhận được. Đề nghị này cũng sẽ cho phép một bên khởi kiện nộp đơn kiến nghị loại bỏ tư cách xét xử của một thẩm phán khỏi một vụ án, kiến nghị này sẽ được một hội đồng thẩm phán xem xét.
Dự luật này cũng sẽ buộc một thẩm phán tự rút khỏi một vụ án khi họ biết rằng một bên hoặc tổ chức liên kết của họ trong một thủ tục pháp lý đã chi “rất nhiều tiền” để trợ giúp thẩm phán đó được Thượng viện xác nhận. Nghĩa vụ truất quyền tư cách của người đó cũng sẽ được áp dụng khi một thẩm phán, vợ/chồng, con chưa thành niên của người đó, hoặc một tổ chức tư nhân thuộc sở hữu của người đó đã nhận được thu nhập, quà tặng, hoặc khoản bồi hoàn từ một bên hoặc tổ chức liên kết trong một vụ kiện khoảng thời gian sáu năm trước khi thẩm phán tiếp nhận vụ kiện đó.
Theo dự luật trên, các bên đệ trình các bản tóm tắt về thân hữu của tòa án (*), vốn tìm cách gây ảnh hưởng đến tòa án trong các vụ án cụ thể, sẽ được yêu cầu tiết lộ nhiều hơn. Tối cao Pháp viện và Hội nghị Tư pháp sẽ được hướng dẫn để quy định các quy tắc cấm đệ trình các bản tóm tắt về thân hữu của tòa có thể dẫn đến việc một thẩm phán bị tước quyền xét xử một vụ án cụ thể.
Hiện không rõ khi nào tiểu ban sẽ bỏ phiếu về dự luật này.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times