Hoa Kỳ: Chánh án John Roberts cho biết Tối cao Pháp viện đang cố gắng giải quyết vấn đề đạo đức tại tòa án
HOA THỊNH ĐỐN — Tối cao Pháp viện đang làm việc để giải quyết những lo ngại về đạo đức của các thẩm phán, Chánh án John Roberts nói với một nhóm luật sư ở thủ đô của quốc gia trong một bài diễn văn thiếu chi tiết cụ thể hôm 23/05.
Ý kiến của ông Roberts được đưa ra tại một bữa tiệc tối do Viện Luật Hoa Kỳ (ALI) tổ chức tại Bảo tàng Tòa nhà Quốc gia (National Building Museum). Đồng sự của ông, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Elena Kagan, đã trao tặng ông Roberts Huân chương Henry J. Friendly của nhóm. Ông Roberts trước đây từng là một lục sự cho Thẩm phán Friendly, người từng là thẩm phán có ảnh hưởng tại Tòa phúc thẩm Khu vực 2 của Hoa Kỳ; Thẩm phán Friendly qua đời năm 1986.
Ông Roberts được cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm.
Mặc dù các cáo buộc đối với Thẩm phán Clarence Thomas, một thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống được cố Tổng thống George H.W. Bush bổ nhiệm, đã được truyền thông đưa tin rầm rộ, nhưng Chánh án Roberts đã không bàn luận về các vấn đề đã được nêu ra đối với các thẩm phán cụ thể.
‘Tiêu chuẩn ứng xử cao nhất’
Gần đây, Thẩm phán Thomas đã trở thành tâm điểm của các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ, những người đã chỉ trích ông — đôi khi bằng những lời lẽ gay gắt — vì, trong số những lý do khác, ông đã nhận những món quà từ bằng hữu của mình, nhà tài trợ Đảng Cộng Hòa (GOP) giàu có Harlan Crow, mà không tiết lộ công khai những món quà đó, vốn phần lớn được trao tặng dưới hình thức những kỳ nghỉ xa hoa.
Ông Crow, Thẩm phán Thomas và vợ của thẩm phán, nhà hoạt động bảo thủ Ginni Thomas, là bạn của nhau trong nhiều thập niên. Thẩm phán Thomas cho biết trước đây ông đã được khuyên rằng không cần phải báo cáo những món quà như vậy, mặc dù ông nói rằng ông sẽ làm như vậy trong tương lai.
Các chuyên gia pháp lý cho biết không có xung đột lợi ích vì ông Crow không có bất kỳ vụ việc nào trước Tối cao Pháp viện và vì việc các thẩm phán có những người bạn giàu có, hào phóng không phải là một điều gì đó bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ và các nhà hoạt động cánh tả cáo buộc ông Thomas tham nhũng và đang gây áp lực buộc Quốc hội áp đặt một bộ quy tắc đạo đức cho Tối cao Pháp viện, điều mà các chuyên gia pháp lý cho rằng Quốc hội không có quyền thực hiện theo Hiến Pháp.
Ông Roberts nói với những người có mặt rằng cá nhân ông rất chú ý đến việc duy trì đạo đức tốt.
“Tôi muốn bảo đảm với mọi người rằng tôi cam kết khiến cho chúng tôi tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử cao nhất với tư cách là một tòa án,” ông nói.
“Chúng tôi đang tiếp tục xem xét những điều chúng tôi có thể làm để mang lại hiệu quả thiết thực cho cam kết đó, và tôi tin rằng có nhiều cách để thực hiện mục tiêu đó sao cho phù hợp với vị thế của chúng tôi trong vai trò là một nhánh độc lập của chính phủ, cũng như phù hợp với sự phân chia quyền lực trong Hiến Pháp.”
Chánh án Roberts đã không nói chi tiết về những gì ông hoặc các thẩm phán khác có thể đang tiến hành trên phương diện đạo đức.
Vụ Roe kiện Wade
Chánh án Roberts cũng cho biết ông thất vọng vì diễn ngôn công khai đã trở nên tồi tệ hơn.
Ông cho biết, các thẩm phán Tối cao Pháp viện đã yêu cầu an ninh “24/7” vì các cuộc biểu tình bên ngoài tư gia của họ, và các thẩm phán đã bị “la ó” khi xuất hiện trước công chúng.
Chánh án Roberts dường như đang đề cập đến một sự kiện tại Trường Luật Stanford hồi tháng Ba, tại đó Thẩm phán Kyle Duncan, người được ông Trump bổ nhiệm tại Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 5, đã phải im lặng khi ông bị các sinh viên cấp tiến làm gián đoạn bằng các hành động hung hăng.
Chánh án cho biết ông cảm thấy phiền lòng khi phải ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh bên ngoài tòa nhà của Tối cao Pháp viện tại Capitol Hill.
Do Pháp viện là một biểu tượng có tầm quan trọng rất lớn nên “quyết định khó khăn nhất mà tôi phải đưa ra là có nên dựng hàng rào và chướng ngại vật bên ngoài Tối cao Pháp viện hay không.”
“Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tiến hành làm như vậy,” ông nói.
Hàng rào được dựng lên vào tháng 05/2022 sau khi một bản thảo phán quyết ban đầu của Pháp viện trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson — vụ án lật ngược phán quyết của vụ Roe kiện Wade — đã bị rò rỉ cho giới truyền thông, vi phạm nghiêm trọng quy định của Pháp viện. Các cuộc biểu tình gia tăng sau vụ rò rỉ này. Hàng rào đã được tháo dỡ vài tháng sau đó. Các quan chức Tối cao Pháp viện đã điều tra vụ rò rỉ nhưng vẫn chưa xác định được thủ phạm.
Các vấn đề gây tranh cãi nhất
Ông Roberts cho biết bất chấp những thách thức này, các thẩm phán vẫn rất lạc quan.
Ông cho biết, “Có lý do cho tinh thần lạc quan” bên trong Pháp viện.
“Tôi rất vui vì có thể tiếp tục nói rằng chưa bao giờ có tiếng nói giận dữ nào trong phòng họp của chúng tôi,” ông Roberts nói, đề cập đến căn phòng nơi các thẩm phán thảo luận và bỏ phiếu về các vụ án đang chờ thụ lý.
“Tòa án của chúng tôi gồm chín người được bốn tổng thống bổ nhiệm. Chúng tôi giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi nhất trong cả nước, nhưng chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ đồng sự thân thiết với nhau,” ông nói.
Ông Roberts nói: “Khi tôi đi lang thang trong hành lang và gặp một đồng nghiệp, tôi luôn rất vui khi có cơ hội trò chuyện.”
“Giờ thì, công bằng mà nói, có nhiều ngày tôi không cảm thấy mình đang đi dạo trong hành lang nữa,” ông đùa.
Thẩm phán Kagan, người đã chỉ trích một số đồng sự của bà sau phán quyết vụ Dobbs mà bà không đồng ý, đã ca ngợi ông Roberts bằng ngôn từ tán dương trong phần nhận xét giới thiệu chánh án. Trong vụ Dobbs, ông Roberts đã bỏ phiếu ủng hộ luật tiểu bang hạn chế phá thai nhưng bỏ phiếu không bác bỏ phán quyết vụ Roe kiện Wade.
Bà Kagan, người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, cho biết: “Chánh án không có khả năng viết một câu văn dở nào.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times