Tối cao Pháp viện giáng đòn mạnh lên nghiệp đoàn và phán quyết một công ty có thể kiện vì thiệt hại do đình công
Hôm 06/01, trong một phán quyết với 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã quyết định việc một nghiệp đoàn cố ý phá hoại tài sản của công ty như một chiến thuật gây áp lực trong một vụ tranh chấp lao động là không được luật liên bang bảo vệ.
Các nhà hoạt động vì người lao động đã nói rằng việc gây nguy hiểm và phá hủy tài sản của công ty trong một cuộc tranh chấp là trò chơi công bằng vốn từ lâu đã được luật pháp bảo vệ, nhưng các công ty chẳng hạn như người khởi kiện trong vụ này — Glacier Northwest, một công ty cung cấp bê tông trộn sẵn có trụ sở tại Seattle hoạt động kinh doanh dưới một cái tên nữa là CalPortland — đã phản đối.
Phán quyết mới này sẽ cho phép các công ty kiện các nghiệp đoàn đình công để buộc họ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra trong các hành động của người lao động.
Quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (pdf) trong vụ Glacier Northwest Inc. kiện International Brotherhood of Teamsters Local Union No. 174 (hồ sơ tòa án 21-1449) cho phép công ty này kiện nghiệp đoàn tại tòa án tiểu bang.
Thẩm phán Amy Coney Barrett đã viết bản ý kiến đa số. Các thẩm phán Clarence Thomas và Samuel Alito đều viết các ý kiến đồng tình. Thẩm phán Ketanji Brown Jackson là người bất đồng quan điểm duy nhất.
Vụ việc này bắt đầu từ tháng 08/2017, khi các tài xế xe bồn trộn xi măng quyết định đình công đối với công ty Glacier. Họ đổ đầy xi măng lên các xe và bỏ lại những chiếc xe này trong khuôn viên của công ty.
Theo nghiệp đoàn, để tránh xi măng nhanh chóng cứng lại, không dùng được, và có thể làm hỏng thùng trộn của xe bồn, các tài xế đã để các xe bồn vẫn hoạt động.
Công ty cho biết trong đơn kiện của mình rằng nghiệp đoàn đã cố tình phá hoại hoạt động kinh doanh của Glacier và “phối hợp với các tài xế xe bồn để cố tình sắp đặt thời điểm cho [một vụ] đình công khi bê tông đang được trộn và đem đi giao” với một nỗ lực “nhằm phá hoại bê tông.”
Ngừng làm việc đột ngột
Vào buổi sáng đầu tiên của cuộc đình công đã được dự trù, “Các đại diện của nghiệp đoàn biết rằng có một lượng lớn bê tông đã trộn trong các thùng trộn, phễu đổ bê tông, và xe bồn trộn sẵn của Glacier, [và] họ đã kêu gọi ngừng làm việc.”
Một quan chức nghiệp đoàn đã thực hiện một động tác cắt cổ họng để ra dấu hiệu “ngừng làm việc đột ngột.”
Công ty cho biết chiến thuật lao động này đã gây ra “sự hỗn loạn hoàn toàn” khi họ vội vã lao tới “để kịp thời đổ bê tông đi nhằm tránh thiệt hại lớn cho xe trộn và tránh tạo ra một thảm họa môi trường.”
Cuộc đình công diễn ra trong một tuần trước khi đạt được một thỏa thuận thương lượng chung mới.
Trích dẫn luật của tiểu bang Washington, công ty nói trên đã kiện nghiệp đoàn về tội cố ý phá hoại tài sản. Nghiệp đoàn phản bác rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ Hội đồng Thương mại Xây dựng San Diego kiện Garmon (1959) ngụ ý cấm các khiếu nại dựa trên luật tiểu bang.
Công ty Glacier Northwest Inc. lập luận rằng mặc dù Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRA) của liên bang bảo vệ “các biện pháp ôn hòa của … việc gây áp lực về kinh tế,” nhưng không cho phép một nghiệp đoàn “thực thi” các yêu cầu lao động của mình bằng cách “gây tổn hại cho tài sản.”
Tòa án xét xử cấp tiểu bang đứng về phía nghiệp đoàn, nhận thấy rằng tiền lệ trong vụ Garmon đã bảo vệ Teamsters khỏi trách nhiệm bồi thường thiệt hại cấp tiểu bang đối với hành vi cố ý hủy hoại tài sản.
Tòa phúc thẩm Washington đã lật ngược quan điểm đó, nhận thấy rằng “việc cố ý phá hoại tài sản trong thời gian ngừng việc hợp pháp không phải là hoạt động được bảo vệ” theo NLRA.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Washington lại bác bỏ phán quyết này, khôi phục phán quyết bác bỏ vụ kiện của công ty này của tòa sơ thẩm. Tòa này cho rằng việc nghiệp đoàn cố tình phá hoại tài sản của công ty là một “chiến thuật thương lượng hợp pháp” vốn vượt trên tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản trong luật tiểu bang.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đảo ngược quyết định này của Tòa án Tối cao Washington và gửi trả lại vụ kiện này “để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo phù hợp với bản ý kiến này.”
‘Ý định phá hoại’ tài sản
Thẩm phán Barrett viết trong bản ý kiến của Tối cao Pháp viện, công ty Glacier phụ thuộc vào các tài xế của mình để giao bê tông cho các khách hàng một cách kịp thời, nhưng mối quan hệ trở nên xấu đi và các tài xế đã đình công.
Nghiệp đoàn lao động “được cho là đã sắp đặt cuộc đình công với mục đích phá hoại tài sản của Glacier” nhưng công ty này đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại cho các xe bồn. Lượng bê tông đó đã bị bỏ phí, và Glacier đã kiện nghiệp đoàn lên tòa án tiểu bang về tội hủy hoại tài sản.
Vụ kiện đã bị tòa án tiểu bang bác bỏ, với lý do là các khiếu nại của công ty đã bị vô hiệu bởi NLRA.
Tuy nhiên, bà Barrett viết rằng lẽ ra tòa án tiểu bang không nên bác bỏ vụ kiện này vì lo ngại rằng khiếu nại của công ty không phù hợp với NLRA.
Bà còn viết: “Bởi vì nghiệp đoàn đã thực hiện các hành động rõ ràng để gây nguy hiểm cho tài sản của Glacier thay vì sử dụng các biện pháp phòng ngừa hợp lý để giảm thiểu rủi ro đó, nên NLRA không thể bảo vệ hành vi của nghiệp đoàn này.”
Theo ý kiến bất đồng của mình, bà Jackson, một người tả khuynh, cho rằng Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) đã chính thức cáo buộc công ty này về các hoạt động lao động không công bằng, khẳng định rằng hành động đó của người lao động “được cho là được bảo vệ.”
‘Xói mòn quyền đình công’
Bà Jackson đã viết rằng bản ý kiến đa số không “lưu tâm đến ý định của Quốc hội về vai trò chính của [NLRB] trong việc xét xử các tranh chấp lao động, mặc dù bề ngoài thì có áp dụng vụ Garmon, vụ kiện nền tảng về vấn đề đó.”
“[Quyết định này] có khả năng gây ra sự nhầm lẫn lớn giữa các tòa án cấp dưới về những gì vụ Garmon yêu cầu. Và bất kỳ sự nhầm lẫn nào như vậy không chỉ đe dọa xâm phạm các đặc quyền của [NLRB], như Quốc hội đã ấn định cho họ, mà còn có nguy cơ làm xói mòn quyền đình công.”
“Vụ Garmon nói rõ rằng chúng ta không có quyền đi sâu vào vụ tranh chấp lao động cụ thể này vào thời điểm này.”
“Tuy nhiên, thay vì khiêm tốn dừng lại, thì đa số lại háo hức tham gia vào cuộc xung đột này, tiếp tục đưa ra ý kiến về tính đúng đắn của hoạt động đình công của nghiệp đoàn dựa trên các tình tiết được nêu trong đơn khiếu nại của người chủ doanh nghiệp trước tòa án cấp tiểu bang.”
“Sự can thiệp sai lầm của [đa số] này càng cho thấy sự khôn ngoan trong quyết định của Quốc hội về việc thành lập một cơ quan có vị trí duy nhất để đánh giá các tình tiết và áp dụng luật trong các vụ án như vụ việc này.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times