Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Clarence Thomas phủ nhận hành vi sai trái
Ông Thomas nói rằng ông được tư vấn là sự hiếu khách từ những người bằng hữu thân thiết thì ‘không cần báo cáo’
Sau khi một bản tin nêu bật những kỳ nghỉ sang trọng mà Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas bị cáo buộc đã nhận từ một người bằng hữu giàu có, ông Thomas cho biết ông được tư vấn rằng không cần phải báo cáo các chuyến đi này. Trong một tuyên bố mới, ông Thomas phủ nhận mọi hành vi sai trái và cam kết sẽ tuân theo các yêu cầu báo cáo mới áp đặt cho cơ quan tư pháp liên bang.
Những người chỉ trích ông Thomas tại Quốc hội đã nhanh chóng bình luận về tin tức kỳ nghỉ này vào tuần trước, cho rằng điều đó làm trầm trọng thêm hành vi không chuẩn mực này.
Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) yêu cầu luận tội ông Thomas, nói rằng hành động của ông chứng minh mức độ tham nhũng “gần như điển hình.” Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island), chủ tịch ủy ban của Ủy ban Tư pháp Thượng viện về các tòa án liên bang, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vị thẩm phán này, người từ lâu đã là một mục tiêu của cánh tả.
Tòa Bạch Ốc và các nhà phê bình khác cũng nói rằng các thẩm phán có vợ hoặc chồng tham gia hoạt động chính trị, như ông Thomas, có vợ là bà Ginni Thomas, một người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, hoạt động chính trị bảo tồn truyền thống, nên phải tự rút lui khỏi các vụ án liên quan đến hoạt động đó. Bất chấp áp lực, vị thẩm phán này đã từ chối rút khỏi những thách thức pháp lý khác nhau đối với cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2020 vốn được đệ trình lên Tối cao Pháp viện.
Doanh nhân tỷ phú và nhà tài trợ của Đảng Cộng Hòa Harlan Crow, người đã tặng quà cho ông Thomas, được cho là không có vụ kiện nào tại Tối cao Pháp viện, vì vậy mọi cáo buộc về xung đột lợi ích đều dựa trên các cơ sở không có tính thuyết phục.
Cũng không rõ liệu ông Thomas có vi phạm quy tắc đạo đức tư pháp khi không khai báo những kỳ nghỉ đó hay không. Các chuyên gia pháp lý cho biết quy định này không áp dụng cho Tối cao Pháp viện. Trước đây, Pháp viện đã nói rằng các thẩm phán tự nguyện tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.
Được biết, ông Crow nói rằng những kỳ nghỉ với vợ chồng ông Thomas “không khác gì sự hiếu khách mà chúng tôi dành cho nhiều bằng hữu thân thiết khác.”
“Thẩm phán Thomas và bà Ginni chưa bao giờ yêu cầu bất kỳ sự hiếu khách nào như thế này,” ông nói.
Chi tiết về những kỳ nghỉ này xuất hiện trong một bài báo hôm 06/04 được ProPublica – một tổ chức bất vụ lợi thiên tả phát hành. ProPublica được nhà tài trợ nổi tiếng của Đảng Dân Chủ, nhà tài phiệt George Soros, tài trợ thông qua Quỹ Thúc đẩy Xã hội Mở. Ông Soros đã bị những người bảo tồn truyền thống chỉ trích vì đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử của nhiều công tố viên cấp quận, những người mềm mỏng với tội phạm.
Bài báo của ProPublica nói rằng ông Thomas đã chấp nhận những chuyến du lịch xa xỉ gần như mỗi năm trong hai thập niên qua mà không tiết lộ công khai. Theo bài báo: “Mức độ và tần suất của những gì như món quà của ông Crow dành cho ông Thomas là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.”
Ông Thomas cho biết trong một tuyên bố do Văn phòng Thông tin Công cộng của Tối cao Pháp viện đưa ra hôm 07/04 rằng ông Harlan Crow và vợ của ông, bà Kathy Crow, đã là bằng hữu của vợ chồng ông Thomas “trong hơn 25 năm”.
“Như những bằng hữu vẫn làm, chúng tôi đã cùng họ tham gia một số chuyến du lịch gia đình trong hơn một phần tư thế kỷ quen biết họ,” vị thẩm phán nói.
“Đầu nhiệm kỳ của tôi tại Pháp viện, tôi đã tìm kiếm sự tư vấn từ các đồng nghiệp của mình và các thành viên khác của ngành tư pháp, và tôi được cho biết rằng kiểu lòng hiếu khách cá nhân này từ những người bằng hữu thân thiết, những người không có vụ kiện nào trước Tòa án, là không cần báo cáo.”
“Tôi đã nỗ lực tuân theo lời tư vấn này trong suốt nhiệm kỳ của mình và luôn tìm cách tuân thủ các hướng dẫn về tiết lộ thông tin. Các hướng dẫn đó đang trong quá trình thay đổi, vì ủy ban Hội nghị Tư pháp chịu trách nhiệm tiết lộ tài chính cho toàn bộ ngành tư pháp liên bang đã công bố các hướng dẫn mới hồi tháng trước.”
“Và, tất nhiên, ý định của tôi là tuân theo hướng dẫn này trong tương lai,” ông Thomas nói.
Nhận xét của vị thẩm phán này được đưa ra một tuần sau khi có tin tức rằng một ủy ban của Hội nghị Tư pháp Hoa Kỳ, cơ quan hoạch định chính sách cho các tòa án liên bang, đã ban hành các quy định mới yêu cầu các thành viên của cơ quan tư pháp liên bang cung cấp thêm thông tin về chiêu đãi, quà tặng, và lợi ích mà họ nhận được từ các nguồn bên ngoài.
Các thẩm phán Tối cao Pháp viện cho biết họ tự nguyện tuân thủ quy tắc ứng xử chính thức, nhưng không rõ liệu họ có bắt buộc phải làm như vậy hay không. Mặc dù họ là thành viên của cơ quan tư pháp liên bang, nhưng họ được hưởng một mức độ độc lập mà phần còn lại của cơ quan tư pháp liên bang không có. Điều này là do Tối cao Pháp viện được hưởng một vị thế đặc biệt bởi vì Pháp viện được Hiến pháp Hoa Kỳ tạo ra, trái ngược với Quốc hội. Các chuyên gia pháp lý nói rằng điều đó có nghĩa là chỉ Tối cao Pháp viện mới có thể điều chỉnh Tối cao Pháp viện.
Trước đây, các chuyên gia pháp lý đã nói với The Epoch Times rằng vấn đề là ở chỗ Hội nghị Tư pháp được Quốc hội tạo ra chứ không phải Tối cao Pháp viện.
Luật sư J. Christian Adams, chủ tịch Tổ chức Pháp lý vì Lợi ích Công cộng (PILF), cho biết ông nghi ngờ các quy định đạo đức mới áp dụng cho Tối cao Pháp viện.
“Tôi nghĩ rất có thể những quy định này là vi hiến,” ông Adams nói.
Ông nói: “Hiến pháp không trao cho Quốc hội quyền điều chỉnh hành vi của Tối cao Pháp viện.”
Quan sát viên kỳ cựu của Tối cao Pháp viện Curt Levey, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp theo phái bảo tồn truyền thống, cũng hoài nghi về khả năng của Hội nghị Tư pháp trong việc điều chỉnh hành vi của các thẩm phán Tối cao Pháp viện.
“Tối cao Pháp viện có thể tự nguyện tuân theo điều này, nhưng Hội nghị Tư pháp chắc chắn không có quyền áp đặt điều này lên họ.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times