Hoa Kỳ chấp thuận thương vụ vũ khí trị giá 1 tỷ USD cho Qatar
Hôm 29/11, chính phủ Tổng thống Biden đã chấp thuận một thương vụ tiềm năng bán hệ thống đánh chặn thiết bị bay không người lái và các loại vũ khí khác cho Qatar trị giá ước tính 1 tỷ USD, trong một giao dịch được tiết lộ trong trận đấu bóng đá World Cup ở Doha, Qatar, giữa Hoa Kỳ và Iran.
Thông báo về thương vụ tiềm năng này là bắt buộc theo luật. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chính phủ Qatar đã yêu cầu mua 10 hệ thống đánh chặn phi cơ không người lái — được gọi là “Hệ thống Phi cơ Không người lái Cỡ nhỏ, Bay chậm, Tầm thấp Cố định Tích hợp Hệ thống Đánh chặn (FS-LIDS) hay Hệ thống Đánh chặn trong Hệ thống Phương tiện bay Không người lái” (Fixed Site-Low, Slow, Small Unmanned Aircraft System Integrated Defeat System (FS-LIDS) System of Systems)
Chính phủ Qatar cũng đề nghị cung cấp 200 phi cơ đánh chặn Coyote Block 2, được sử dụng để đánh bại phi cơ không người lái, cũng như một loạt thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần liên quan.
Qatar, cùng với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác, phải đối mặt với các mối đe dọa từ các lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, “Thương vụ được đề nghị này sẽ hỗ trợ các mục tiêu chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách giúp cải thiện an ninh của một quốc gia thân thiện, hiện vẫn đang đóng vai trò là một lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở Trung Đông.”
Họ tuyên bố rằng thương vụ được đề nghị này cũng sẽ “cải thiện khả năng của Qatar để đáp ứng các mối đe dọa hiện tại và tương lai bằng cách cung cấp khả năng đánh bại bằng điện tử và động học đối với Hệ thống Phi cơ Không người lái.”
“Qatar sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tiếp nhận các khí tài và/hoặc dịch vụ này cho các lực lượng vũ trang của mình,” Bộ Ngoại giao cho biết. “Việc đề nghị bán thiết bị và hỗ trợ này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự căn bản trong khu vực.”
Theo bộ, 5 đại diện của chính phủ Hoa Kỳ và 15 nhà thầu Hoa Kỳ sẽ được cử đến Qatar trong 5 năm “để hỗ trợ các hoạt động ngoài thực địa, đào tạo, và bảo trì.”
Các nhà thầu chính sẽ là Raytheon, SRC, và Northrop Grumman.
Trước đây, Hoa Kỳ và Qatar đã ký một thỏa thuận vũ khí trị giá 12 tỷ USD hồi năm 2017 để quốc gia vùng Vịnh này mua tới 36 chiến đấu cơ F-15 và các vũ khí khác của Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng tuyên bố rằng thương vụ này “sẽ mang lại cho Qatar khả năng tối tân và tăng cường hợp tác an ninh cũng như khả năng phối hợp giữa Hoa Kỳ và Qatar.”
Hồi tháng 11/2016, chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn thương vụ tiềm năng nói trên, được ước tính vào thời điểm đó là 21 tỷ USD. Trước khi ký thỏa thuận trị giá 12 tỷ USD, Tổng thống đương thời Donald Trump đã lên án Qatar là một nhà tài trợ khủng bố “cấp cao” và kêu gọi chính phủ nước này “có đường hướng cứng rắn” trong việc tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan.
Trong khi Qatar phủ nhận việc hậu thuẫn chủ nghĩa cực đoan, thì các nước láng giềng của họ, bao gồm cả Ả Rập Xê Út, đã cáo buộc nước này tài trợ cho các tổ chức khủng bố, trong đó có nhánh al-Qaida ở Syria, và trợ giúp các nhóm Hồi giáo, gồm cả Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập. Do Qatar bị cáo buộc tài trợ khủng bố, nên Ả Rập Xê Út, Bahrain, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ai Cập đã cắt đứt bang giao với nước này vào năm 2017.
Hồi tháng Ba, Tổng thống Joe Biden đã chỉ định Qatar là một đồng minh lớn không thuộc NATO của Hoa Kỳ — một tư cách đặc biệt được cấp cho các đồng minh thân cận, không thuộc khối NATO có mối liên kết hợp tác chiến lược với quân đội Hoa Kỳ. Sự kiện này cho phép Qatar được cung cấp một số lợi ích quốc phòng và an ninh từ Hoa Kỳ.
Qatar là nơi đặt Căn cứ Không quân Al Udeid, một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở Trung Đông, nơi đặt trụ sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ và trung tâm chỉ huy tác chiến không quân của Ngũ Giác Đài cho khu vực đó. Căn cứ này được coi là nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times