Học tất cả những bài học sai lầm từ cuộc khủng hoảng năng lượng của Mỹ
Những vết thương do tự mình gây ra tạo nên những khoảnh khắc đáng học hỏi, nhưng các kiến trúc sư của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của Mỹ đang học được tất cả những bài học sai lầm.
Chi phí năng lượng tăng vọt là một trong những thực tế khắc nghiệt hậu COVID của Mỹ. Và với ¼ số gia đình Mỹ đang gặp khó khăn trong việc chi trả cho nhu cầu năng lượng của họ trước COVID, các nhà hoạch định chính sách nên đặt mục tiêu khiến giá cả năng lượng trở nên phải chăng hơn cho nhiều người Mỹ hơn.
Thay vào đó, như ông Joseph Toomey chỉ ra trong báo cáo RealClearEnergy mới đây của mình, “Lạm phát Năng lượng là do Thiết kế” (“Energy Inflation Was by Design”), các nhà hoạch định chính sách đã siết chặt nguồn cung ở mọi nơi mà họ có thể, vì vậy việc đáp ứng nhu cầu sẽ là bất khả thi.
Ngay từ đầu, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã ưu tiên hạn chế tiếp cận các loại nhiên liệu cung cấp năng lượng cho gần 80% nền kinh tế Mỹ và khoảng ¾ số gia đình ở Mỹ. Thu hồi giấy phép đối với Đường ống Keystone XL gặp khó khăn bấy lâu nay là một trong những sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Biden, khiến việc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch của Canada đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Quyết định này càng trở nên đạo đức giả hơn khi vài tuần sau, TT Biden đã chấp thuận cho đường ống Nord Stream 2 của Nga tới Đức.
Theo một cách tương tự, chính phủ TT Biden đang giúp đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy lọc dầu chế biến dầu thành xăng. Các yêu cầu về nhiên liệu sinh học đang leo thang báo hiệu cho các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa hoạt động, vì mức độ pha trộn đang đạt đến mức cao không bền vững. Hơn nữa, việc Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) thu hồi các miễn trừ nhiên liệu sinh học đối với các nhà máy lọc dầu nhỏ sẽ chỉ khiến công suất lọc dầu giảm xuống dưới sức nặng tốn kém của các yêu cầu đó. Công suất lọc xăng và dầu diesel đã giảm trong nhiều thập niên, và không có khả năng đảo ngược tình thế.
Chính phủ TT Biden đang đồng thời ngăn chặn việc khoan tìm các loại nhiên liệu cung cấp năng lượng cho cuộc sống hàng ngày. Một phần tư lượng dầu và xăng của Mỹ được sản xuất từ tài sản liên bang bằng cách cho các công ty thuê quyền được khoan. Tuy nhiên, gần đây chính phủ TT Biden đã cắt giảm 80% hợp đồng cho thuê khoan trên bờ, cũng như cắt giảm đáng kể hoạt động khoan ngoài khơi. Đối với các hợp đồng thuê không bị cắt giảm, Bộ Nội vụ đã tăng đáng kể phí bản quyền, khiến các khu đất liên bang trở thành một lựa chọn khoan kém hấp dẫn hơn, cũng như cho phép các vụ kiện trì hoãn một số hợp đồng cho thuê khoan đã hoàn thành việc mua dựa trên các chỉ số biến đổi khí hậu khắt khe về môi trường và kinh tế.
Trên các vùng đất tư nhân, tình hình cũng không khác gì, vì EPA đang cố gắng quản lý chặt hoạt động khoan dầu khí đến mức họ phải ngừng hoạt động. EPA không có thẩm quyền cấm cấm khai thác mỏ bằng thủy lực cắt phá (fracking) trên các vùng đất tư nhân, nhưng họ đang xem xét sử dụng các tiêu chuẩn ozone nặng nề để ngăn chặn việc khoan ở Vùng châu thổ Permian. Vùng Châu thổ Permian ở Texas và New Mexico là mỏ dầu và khí đốt năng suất nhất của Mỹ, chiếm 40% sản lượng dầu và 20% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Mỹ. Cân nhắc đến việc sử dụng cuối cùng của các sản phẩm này, các quy tắc của EPA có thể gây nguy hiểm cho 25% nguồn cung xăng của đất nước.
Các quy định nghiêm ngặt hơn về nhà máy điện của chính phủ TT Biden cũng sẽ gây hại cho sự ổn định của lưới điện. Một số công ty vận hành lưới điện của quốc gia đã phản đối các quy định về nhà máy điện mang tính công kích do EPA đề nghị, vì buộc phải ngừng hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch đáng tin cậy dẫn đến rủi ro đối với sự ổn định của lưới điện. Trên thực tế, các nhà điều hành lưới điện đã thúc đẩy việc duy trì lâu hơn các nhà máy than sắp-ngừng-hoạt-động chính vì lý do này.
Áp lực cũng không phải chỉ phát sinh từ một chiến dịch kiên quyết chống lại nhiên liệu hóa thạch giới hạn trong chính sách nội địa. Thay vì tăng sản lượng dầu của Mỹ, TT Biden đã tiếp cận Venezuela và OPEC với mục tiêu thúc đẩy sản xuất dầu. Mặc dù mục tiêu đã nêu của việc hạn chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch là để giảm lượng khí thải CO2, nhưng các chính sách này đã bỏ qua vai trò của nhiên liệu hóa thạch do Mỹ sản xuất trong việc giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu. Dầu và xăng của Mỹ có lượng khí thải trong vòng đời thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh hàng đầu, và việc thúc đẩy xuất cảng có thể làm giàu cho người Mỹ trong khi rút cạn năng lực chiến tranh của các nhà độc tài.
Trong hành động mới nhất của mình, một lần nữa chính phủ TT Biden phải dùng đến việc rút cạn kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, lần này là mức thấp nhất trong 40 năm, trong nỗ lực cuối cùng để hạ giá xăng trước cuộc bầu cử tháng Mười Một. Định kỳ xuất dầu từ các nguồn dự trữ chiến lược của đất nước để ghi điểm chính trị không phải là một chiến lược chính sách năng lượng, đặc biệt là khi lượng dầu đó rốt cuộc lại có đích đến là Trung Quốc.
Sự bối rối trên phạm vi quốc tế và khó khăn trong nước do các quyết định của chính phủ TT Biden nên là một manh mối để thay đổi đường hướng, nhưng việc học được bài học phù hợp không nằm trong đề cương dành cho các nhà hoạch định chính sách gây ra những vấn đề này. Như ông Toomey chỉ ra trong báo cáo của mình, việc tạo ra một môi trường chính sách thù địch dẫn đến sự kết thúc của nhiên liệu hóa thạch là động cơ thực sự đằng sau mạng lưới chính sách năng lượng mà chính phủ TT Biden đang xoay vần.
Thật vậy, ông Marlo Lewis cũng xác nhận tất cả điều này trên RealClearEnergy: kết quả thảm hại của các chính sách khí hậu vội vã này là một đặc điểm của hệ thống đó, chứ không phải là một lỗi bug (bug là lỗi nhu liệu trong chương trình hoặc hệ thống máy điện toán khiến cho kết quả trả về không được chính xác hoặc không đạt hiệu quả như mong muốn).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times