Hoa Kỳ: Các cuộc biểu tình ở trường học khiến Đảng Dân Chủ chia rẽ hơn, làm lung lay lá phiếu của giới trẻ
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden giải quyết tình trạng bất ổn của sinh viên, nhưng lại bác bỏ mọi ảnh hưởng tiềm tàng đối với cơ hội có thể tái đắc cử vì xem đó là một biến cố tạm thời trong ‘chu kỳ khủng hoảng’ vốn sẽ không có ý nghĩa đáng kể nào vào tháng Mười Một này.
Các trường đại học và cao đẳng đang trong tình trạng hỗn loạn, nhưng khi các học kỳ sắp kết thúc và lễ khai giảng mới chuẩn bị diễn ra, sinh viên—và “những kẻ kích động bên ngoài” điều khiển họ—sẽ sớm trở về nhà, các khuôn viên trường trở nên trống vắng, và các vấn đề khẩn cấp khác sẽ chiếm trọn màn hình TV, thu hút sự chú ý của cả nước cho đến khi “cuộc khủng hoảng” tiếp theo xảy ra, cứ lặp lại như vậy.
Đó dường như là câu trả lời của chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống (TT) Joe Biden trước các câu hỏi liên quan đến phản ứng từ chính phủ của ông đối với làn sóng biểu tình lớn nhất trong khuôn viên trường học kể từ khi nổ ra những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc vào những năm 1980 và phản đối Chiến tranh Việt Nam những năm 1960 và 1970.
Các nhóm ủng hộ Palestine, thường ở trong các khu trại tạm thời [tại khuôn viên trường], đang yêu cầu chấm dứt chiến sự ở Gaza và các trường đại học phải thoái vốn khỏi Israel. Họ đã lôi kéo ít nhất 50 trường đại học và cao đẳng trên 30 tiểu bang vào tình trạng đối đầu với cảnh sát. Tính đến ngày 03/05, đã có hơn 2,200 người đã bị bắt trong khuôn viên trường ở ít nhất 22 tiểu bang kể từ ngày 18/04.
“Bất đồng quan điểm là điều cần thiết cho nền dân chủ,” ông Biden nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc hôm 02/05. Đây là những bình luận đầu tiên của ông về các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường kể từ giữa tháng Tư.
“Nhưng bất đồng chính kiến tuyệt đối không nên dẫn đến sự hỗn loạn hoặc phủ nhận các quyền của người khác để các sinh viên có thể hoàn tất học kỳ và chương trình đại học của mình,” ông Biden bày tỏ.
Ông Biden xác nhận rằng ông không có kế hoạch thay đổi chính sách ở Trung Đông, rút lại viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Israel, triệu tập Lực lượng Vệ binh Quốc gia, hoặc chỉ trích—bất chấp áp lực từ một số người cấp tiến—ban giám hiệu các trường đại học đã kêu gọi cảnh sát đến dọn dẹp các khu trại tạm thời khỏi khuôn viên trường.
Điều này rồi cũng sẽ trôi qua, dường như đây là thông điệp từ chính phủ và chiến dịch tranh cử của ông Biden.
“Khi nói đến vấn đề như thế này, ông ấy không cần phải làm theo ai hay bất kỳ người nào khác,” Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre chia sẻ với các phóng viên. “Tôi tin rằng chúng tôi đã rất nhất quán trong việc khẳng định rằng đối với bạo lực, bạo lực sẽ không được bảo vệ.”
‘Lời nói suông’
Các cuộc biểu tình trong tháng Tư này có thể không mang lại số phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu vào tháng Mười Một, nhưng tất nhiên, mỗi chu kỳ “khủng hoảng” lặp đi lặp lại trong năm bầu cử đều phải có một đánh giá tức thời để đo lường xem liệu cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng như thế nào đến các ứng cử viên và cuộc đua vào chức tổng thống ngay lúc này.
Anh Yossi Hertz, 32 tuổi, nói với The Epoch Times vào ngày 02/05 khi anh quan sát những người biểu tình ủng hộ Palestine tại The New School ở Manhattan: “Việc ông Biden đã lên tiếng phản đối các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong tuần này là có giá trị, nhưng đó chỉ là những lời nói suông.”
Người dân Brooklyn này, sinh viên theo học cao học, tại trường Đại học Hebrew ở Jerusalem và là thành viên dự bị đang hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho biết các cử tri trẻ muốn nhiều hơn từ TT Biden.
“Tổng thống có quyền lực của vị trí lãnh đạo và tiếng nói của ông rõ ràng là tiếng nói quan trọng nhất trong nước nhưng đồng thời, cần nhiều hơn thế,” anh nói. “Khi quyền của sinh viên gốc Do Thái bị áp bức nhưng Tổng thống Biden lại chọn không bảo vệ họ bằng những biện pháp thực tế, điều đó không chỉ đáng thất vọng mà còn là vấn đề nghiêm trọng.”
Anh Hertz nói rằng lời nói cần phải đi đôi với hành động.
Anh bày tỏ: “Tôi muốn thấy ông ấy ủng hộ việc sử dụng quân đội để bảo vệ quyền công dân của người dân gốc Do Thái và các sinh viên ủng hộ Israel, những người đơn giản chỉ muốn thể hiện sắc tộc và tính chất dân tộc của họ.”
Ngay trước các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường, các thành viên Đảng Dân Chủ đã lo ngại rằng sức thu hút của Tổng thống Biden với các cử tri trẻ tuổi đã giảm đáng kể so với năm 2020. Các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống Biden khó có thể giữ được mức độ ủng hộ từ các cử tri dưới 30 tuổi như đã từng giúp ông giành chiến thắng vào 4 năm trước.
Các cử tri dưới 30 tuổi đã ghi danh bỏ phiếu đã dành cho Tổng thống Biden tỷ lệ tán thành là 17% về cách chính phủ của ông giải quyết về cuộc chiến Israel-Hamas ở Dải Gaza với 70% cho biết họ không tán thành.
Hôm 01/05, Hội Sinh viên Dân chủ Hoa Kỳ đã cảnh báo chiến dịch tranh cử của ông Biden trên mạng xã hội rằng sự ủng hộ của họ dành cho TT Biden là không có gì bảo đảm.
“Những phiếu bầu của Hội Sinh viên Dân chủ không phải là một điều nghiễm nhiên đối với Đảng Dân Chủ,” hội này nói. “Chúng tôi có quyền chỉ trích đảng của chúng tôi khi họ không lắng nghe chúng tôi.”
TT Biden dự trù sẽ có bài diễn văn khai giảng tại trường Đại học Morehouse, một trường đại học có bề dày lịch sử dành cho người Mỹ gốc Phi Châu ở Atlanta, vào ngày 19/05 tới. Ban giám hiệu trường đại học đang phải đối mặt với áp lực bắt phải rút lại lời mời này.
“Bất kỳ trường cao đẳng hoặc đại học nào mời Tổng thống Biden đến lễ khai giảng vào thời điểm này đều đang tán thành nạn diệt chủng,” một nhóm giảng viên và nhân viên giấu tên viết trong một bức thư công khai ngày 03/05. “Bây giờ là lúc để Đại học Morehouse đứng về lẽ phải của lịch sử.”
Các cuộc biểu tình này cũng đã gây chia rẽ trong Đảng Dân Chủ.
Dân biểu Jared Moskowitz (Dân chủ-Florida), từng là một nhà lập pháp tiểu bang được Thống đốc Đảng Cộng Hòa Ron DeSantis bổ nhiệm làm lãnh đạo quản lý tình trạng khẩn cấp của tiểu bang, đã tranh cãi với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập-Vermont) về việc bảo vệ những người biểu tình thay vì giải quyết vấn đề chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường, khiến Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) phải lên tiếng quở trách vì những lời chỉ trích “đáng xấu hổ” của ông đối với thượng nghị sĩ này.
Đảng Cộng Hòa đang tận hưởng — và tận dụng — cảnh tượng này.
“Tổng thống Biden ‘vẫn’ sẽ không lên án mạnh mẽ đám đông ủng hộ Hamas trong khuôn viên trường,” Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) cho biết trong một tuyên bố hôm 02/05. “Hoàn toàn thiếu khả năng lãnh đạo từ một tổng thống bất lực.”
“Chủ nghĩa bài Do Thái là một loại dịch bệnh. Bởi vì chính phủ và các hiệu trưởng trường đại học không can thiệp, chúng ta sẽ thấy chủ nghĩa này lan rộng,” Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng hòa-Louisiana) cho biết hôm 02/05. “Chúng ta phải hành động và các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ lên tiếng về vấn đề định mệnh này với sự minh bạch về mặt đạo đức.”
Chiến dịch tranh cử của cựu TT Donald Trump gọi tình trạng bất ổn này là “sự hỗn loạn trong khuôn viên trường của ông Biden.” Trong cuộc tập hợp hôm 01/05 ở Waukesha, Wisconsin, cựu TT Trump ca ngợi cảnh sát thành phố New York vì đã giải tán các cuộc chiếm đóng tại bốn trường đại học trong thành phố và kêu gọi những hành động tương tự trên khắp đất nước.
“Đối với mọi hiệu trưởng trường đại học, hãy dỡ bỏ các khu trại ngay lập tức,” ông nói. “Hãy đánh bại những kẻ cực cấp tiến và lấy lại khuôn viên của chúng ta cho tất cả những sinh viên bình thường.”
‘Chúng tôi viết nên câu chuyện’
Tất nhiên, việc chỉ trích một tổng thống về phản ứng của liên bang đối với các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường hoặc tình trạng bất ổn dân sự — một vấn đề mà chính quyền địa phương và tiểu bang hiếm khi chứng kiến hoặc nghe thấy trên các tin tức truyền hình quốc gia hóa — là một vấn đề tế nhị đối với một cựu lãnh đạo từng có chính phủ cũng bị hủy hoại bởi các cuộc bạo loạn nảy lửa trên đường phố trong các cuộc tập hợp của khoảng 26 triệu người Mỹ suốt các cuộc biểu tình Black Lives Matter vào năm 2020.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, TT Trump cáo buộc TT Biden sẽ cho phép “những kẻ vô chính phủ, côn đồ, và những kẻ kích động” được tự do muốn làm gì thì làm nấy. Phản ứng của TT Biden là [nói rằng] bằng cách bầu ông ta, ít nhất “những kẻ vô chính phủ, côn đồ, và những kẻ kích động” sẽ không có mặt trong Tòa Bạch Ốc. Thông điệp đó không thay đổi.
Có lý do chính đáng để thông điệp đó không thay đổi.
Cuộc thăm dò do Viện Chính trị tại Trường Harvard Kennedy thực hiện hồi tháng Tư cho thấy vấn đề “Israel/Palestine” xếp hạng thứ 15 về mối quan tâm của cử tri từ 18 đến 29 tuổi, xếp sau lạm phát, nhà ở, biến đổi khí hậu, tự do ngôn luận, quyền phá thai, và “bảo vệ nền dân chủ.”
Một cuộc thăm dò tuy nhỏ nhưng có tiềm năng đáng kể của Nhóm Tập trung vào Những Người Quyết định của NBC News trong cuộc khảo sát với hai nhóm sinh viên Đại học Wisconsin cho thấy rằng có một sự ủng hộ gần như toàn cầu đối với các cuộc biểu tình và chỉ trích chính sách Hoa Kỳ-Israel, nhưng ít ai cho biết chính sách này sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu của họ dành cho TT Biden và nói rằng họ sẽ ủng hộ ông Robert F. Kennedy Jr. hoặc một ứng cử viên “bên thứ ba” nào đó thay vì cựu TT Trump.
Nhưng đừng nhầm lẫn, sự ủng hộ của cử tri dưới 30 tuổi chưa chắc đã dành cho TT Biden và các ứng cử viên Đảng Dân Chủ. Và chính những người biểu tình hiện đang chiếm đóng tại các khu trại trong khuôn viên trường này sẽ trở thành khối bỏ phiếu quan trọng.
Bản tin có sự đóng góp của Juliette Fairley và Stacy Robinson.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times