Hoa Kỳ: 24 tiểu bang cấm các khoản tài trợ ‘Zuckerbucks’ sau cuộc bầu cử năm 2020
Sau cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Cộng Hòa trên toàn quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tiết lộ cho rằng một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Chicago đã phân phối gần 420 triệu USD cho việc tài trợ, trợ giúp kỹ thuật, và các khoản đóng góp bằng tiền khác để trợ giúp các quan chức địa phương điều hành các cuộc bầu cử.
Ít ai biết rằng Trung tâm Công nghệ và Đời sống Công dân (CTCL) không có tiếng tăm gì đã cấp các khoản tài trợ cho gần 2,500 văn phòng bầu cử quận trên 47 tiểu bang và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn trước cuộc bầu cử năm 2020, đồng thời sử dụng 350 triệu USD do nhà sáng lập Facebook — nay là Meta — Mark Zuckerberg quyên góp cho Dự án Bầu cử An toàn (Safe Elections Project) của công ty mạng xã hội này.
Các khoản tài trợ và giải thưởng của CTCL đa phần đều được trao cho các quan chức bầu cử địa phương để quản lý các tiện ích trợ giúp bỏ phiếu do các quan chức y tế công cộng ủy quyền trong thời kỳ đại dịch 2020.
CTCL còn cung cấp tiền cho các nhà điều hành bầu cử của quận để hợp tác với các thành viên tổ chức cộng đồng cho việc đào tạo mở rộng ghi danh cử tri, sửa chữa lá phiếu (ballot curing), và bỏ phiếu qua thư cùng với các sáng kiến tiếp cận cộng đồng khác.
Mặc dù CTCL tự mô tả mình là một tổ chức bất vụ lợi lưỡng đảng, nói rằng họ cấp tài trợ cho bất kỳ quan chức bầu cử nào tìm kiếm sự trợ giúp, nhưng Đảng Cộng Hòa vẫn cho rằng trung tâm này đã tích cực tuyển dụng các quan chức ở các quận và khu vực bầu cử có truyền thống theo Đảng Dân Chủ — đáng chú ý nhất là ở các khu vực đô thị đông đúc.
Những người theo phái bảo tồn truyền thống đã phản đối cái mà họ gọi là “Zuckerbucks” hay “Zuck bucks” (Đồng dollar Zuck) cho rằng các khoản tài trợ và các khoản đóng góp cá nhân khác của CTCL cho các văn phòng bầu cử được ngụy trang dưới hình thức cứu trợ COVID-19, nhưng trên thực tế, lại là một nỗ lực được dàn dựng nhằm thúc đẩy túc số cử tri Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 2020 và ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden vào Tòa Bạch Ốc.
Ảnh hưởng nổi bật của ‘Zuckerbucks’
Mức độ ảnh hưởng của “Zuckerbucks” đối với cuộc bầu cử năm 2020 vẫn còn là một cuộc tranh luận sôi nổi, song, không có lửa thì làm sao có khói.
Nhiều phân tích về cuộc bỏ phiếu năm 2020 đã ghi lại những khác biệt so với túc số cử tri đi bỏ phiếu truyền thống ở các quận nhận được tài trợ “Zuckerbucks.” Trong đó, những phân tích của Dự án Bầu cử Trung Thực, do Hiệp hội Liên bang thành lập hồi tháng 02/2020, đã bác bỏ tuyên bố của CTCL cho rằng các khoản trợ cấp này là dành cho việc cứu trợ COVID-19.
“Dữ liệu này cho thấy khác đi,” họ nói.
Một phân tích của Real Clear Investigations đã xác định rằng một phần lớn đáng kể các khoản trợ cấp CTCL được chuyển đến các quận có “tỷ lệ theo đảng phái trung bình nghiêng về ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden hơn ông Donald Trump của Đảng Cộng Hòa là 33 điểm — có nghĩa là khoản viện trợ này có thể được kỳ vọng sẽ kích thích nhiều phiếu bầu của Đảng Dân Chủ hơn.”
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Thủ đô, một tổ chức bất vụ lợi theo phái bảo tồn truyền thống có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã ghi lại các tác động đảng phái của CTCL ở 9 tiểu bang trong bảy nghiên cứu: Texas, Virginia, North Carolina, Pennsylvania, Georgia, Arizona/Nevada, và Michigan/Wisconsin.
The Epoch Times đã từng đưa tin về kế hoạch “Zuckerbucks” này và những phản ứng của các thành viên Đảng Cộng Hòa trong các cơ quan lập pháp của tiểu bang, bao gồm cả các cuộc tranh luận nảy lửa ở Missouri và Wisconsin.
Hầu hết độc giả — giống như hầu hết người Mỹ — đều không biết rằng văn phòng bầu cử địa phương của họ có thể nhận một cách hợp pháp các khoản tài trợ từ các nguồn tư nhân để giúp điều hành các cuộc bầu cử. Một bài phân tích hồi tháng 11/2022 của ông Benjamin Weingarten trên The Epoch Times giải thích mức độ phổ biến của hoạt động này.
Hoặc, đã là như vậy. Kể từ cuộc bầu cử năm 2020, các nhà lập pháp tiểu bang — hầu hết là thành viên Đảng Cộng Hòa — đã xem xét kỹ lưỡng các khoản đóng góp của tư nhân cho các văn phòng bầu cử.
Loại bỏ tiền tư nhân khỏi các cuộc bầu cử quan chức chính phủ
Trong hai năm qua, 24 cơ quan lập pháp của tiểu bang đã thông qua luật cấm hoặc hạn chế việc sử dụng các khoản trợ cấp tư nhân, bên thứ ba và các khoản đóng góp được cho là phi đảng phái khác để “trợ giúp” các quan chức địa phương điều hành các cuộc bầu cử.
Hiện tại, 45 cơ quan lập pháp tiểu bang của quốc gia đã nhóm họp trong các phiên họp năm 2023. Trong đó, ít nhất hai tiểu bang đã nhận được các đề nghị cấm tiền tư nhân trong việc điều hành các cuộc bầu cử quan chức chính phủ và ít nhất hai tiểu bang nữa cũng có thể nhận được đề nghị này.
Dự luật Thượng viện 117 của Montana sẽ cấm các văn phòng bầu cử nhận bất kỳ khoản tài trợ tư nhân nào. Một dự luật tương tự đã thất bại hồi năm 2021 khi Cơ quan Lập pháp này họp phiên cuối cùng. Montana là một trong bốn tiểu bang nơi mà các nhà lập pháp chỉ nhóm họp vào những năm lẻ.
Dự luật Hạ viện 11 của Idaho sẽ cấm nhân viên và quan chức của tiểu bang nhận tài trợ tư nhân để điều hành các cuộc bầu cử. Năm 2021, các nhà lập pháp Idaho đã thông qua một dự luật vốn chỉ áp dụng lệnh cấm này đối với các quan chức bầu cử địa phương.
Các dự luật tương tự dự kiến sẽ được đưa ra ở các tiểu bang Wisconsin, Wyoming, và Louisiana. Các nhà lập pháp Louisiana sẽ nhóm họp vào ngày 10/04, ngày mà cơ quan lập pháp cuối cùng bắt đầu các phiên họp lập pháp năm 2023; đến ngày đó, 10 tiểu bang sẽ phải dừng các phiên họp cho năm nay.
Cơ quan Lập pháp Louisiana đã thông qua một lệnh cấm tài trợ công cho hoạt động bầu cử vào năm 2021 vốn đã bị Thống đốc Đảng Dân Chủ John Bel Edwards phủ quyết. Một dự luật năm 2022 cấm bất kỳ quan chức tiểu bang hoặc địa phương chuyên trách giám sát các cuộc bầu cử nhận các khoản đóng góp tư nhân nào mà không được đưa ra trước ủy ban. Một dự luật năm 2023 chưa được đệ trình trước nhưng có khả năng sẽ được nộp lên.
Ông Bel Edwards là một trong sáu thống đốc Đảng Dân Chủ đã phủ quyết các dự luật được cơ quan lập pháp do Đảng Cộng Hòa kiểm soát thông qua vào năm 2021 và 2022 về việc cấm các khoản đóng góp tư nhân cho các văn phòng điều hành bầu cử địa phương.
Những người còn lại bao gồm bà Gretchen Whitmer của Michigan, ông Roy Cooper của North Carolina, bà Laura Kelly của Kansas, ông Tom Wolf của Pennsylvania, và ông Tony Evers của Wisconsin, cùng với ông Evers cũng đã phủ quyết các dự luật vào năm 2021 và một lần nữa vào năm 2022.
Sự phủ quyết của bà Kelly đối với hai dự luật của Kansas, vốn cấm các quan chức bầu cử nhận và chi tiêu tiền tài trợ của tư nhân, đã bị Cơ quan lập pháp tiểu bang này bác bỏ bằng 2/3 phiếu đa số và có hiệu lực vào ngày 01/07/2021.
Ông Wolf đã phủ quyết một dự luật Pennsylvania năm 2021, vốn không cấm các khoản đóng góp tư nhân cho các văn phòng bầu cử, nhưng yêu cầu tất cả các khoản tài trợ phải được phân bổ đồng đều trên tất cả các quận. Tuy nhiên, ông đã ký thành luật SB 982, cấm mọi khoản tài trợ tư nhân, phi chính phủ dành cho việc tổ chức các bầu cử vào tháng 07/2022.
Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Thủ đô, hồi năm 2020 CTCL đã cấp các khoản tài trợ cho 10 trong số 13 quận mà ông Biden chiến thắng ở Pennsylvania, bao gồm cả Quận Erie mà ông Trump đã chiến thắng vào năm 2016.
“Tổng cộng 10 quận này đã nhận được 20.8 triệu USD, tương đương hơn 83% tổng số khoản tài trợ mà CTCL cấp cho Pennsylvania,” phân tích này xác định. “Ngược lại, CTCL đã tài trợ cho 12 trong số 54 quận mà ông Trump đã chiến thắng trên toàn tiểu bang. 12 quận này chỉ nhận được 1.73 triệu USD, chỉ chiếm 7% tổng số quỹ CTCL ở tiểu bang Keystone.”
Luật mới của Pennsylvania thay thế các khoản đóng góp tư nhân cho các văn phòng bầu cử quận bằng tiền công. Luật này bao gồm một “chương trình tài trợ liêm chính trong bầu cử” cho phép Bộ Phát triển Kinh tế và Cộng đồng của tiểu bang cung cấp 45 triệu USD một năm — 5.15 USD cho mỗi cử tri đã ghi danh — để hoàn trả cho các quận có chi phí bổ sung trong việc tổ chức một cuộc bầu cử.
Số tiền này có thể được sử dụng để “thanh toán cho nhân viên cần vận động trước và vận động các lá phiếu gửi qua thư cũng như các lá phiếu khiếm diện” và “chi phí an ninh vật chất và minh bạch cho việc vận động trước và vận động tranh cử tập trung” theo luật này.
“Bất kể ai ở bên ngoài đang đóng góp, bất kể động cơ rõ ràng của họ là gì, hàng triệu dollar đến từ các nhân vật hoặc tổ chức quốc gia đương nhiên làm dấy lên nghi ngờ về các nghị trình bị che giấu,” nhà tài trợ chính của SB 92, Thượng nghị sĩ Lisa Baker (Cộng Hòa-Dallas) cho biết trong một tuyên bố.
Không chắc liệu các thành viên Đảng Cộng Hòa Wisconsin vào năm 2023 có cố gắng thông qua một dự luật thứ ba qua quyền phủ quyết của ông Evers hay không, với việc thống đốc này giành được một nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 11/2022.
Nhưng họ có thể không cần làm như vậy.
Hồi năm 2022, cả hai viện của Cơ quan Lập pháp này đã thông qua một nghị quyết nhằm đưa ra trước cử tri một đề nghị sửa đổi Hiến Pháp của tiểu bang, về việc cấm tư nhân tài trợ cho các cuộc bầu cử. Nghị quyết này phải được thông qua lại vào năm 2023 để được đưa vào bỏ phiếu — rất có thể là vào năm 2024.
Hồi năm 2021, các nhà lập pháp Wisconsin đã thông qua một dự luật không cấm tài trợ tư nhân cho các văn phòng bầu cử nhưng yêu cầu Ủy ban Bầu cử của tiểu bang này phải phê chuẩn và phân bổ khoản tài trợ đó cho các quận dựa trên dân số trong một quy trình do Ủy ban Tài chính Chung của Cơ quan lập pháp giám sát. Năm 2022, Cơ quan lập pháp do Đảng Cộng Hòa kiểm soát này đã đưa một lệnh cấm tài trợ công hoàn toàn vào một dự luật bầu cử rộng lớn hơn.
Ông Evers đã phủ quyết cả hai dự luật trên.
“Tôi hoàn toàn phản đối dự luật này bởi vì tôi phản đối lệnh cấm các chính phủ sử dụng quỹ tài trợ tư nhân để điều hành bầu cử,” ông viết trong phiếu phủ quyết vào tháng 04/2022 của mình. “Bất kể nguồn ngân quỹ bổ sung cho việc điều hành bầu cử là gì, các nhà điều hành bầu cử phải luôn điều hành các cuộc bầu cử theo luật tiểu bang và liên bang. Bằng cách cấm quyên góp hoặc tài trợ cho các cơ quan bầu cử, dự luật này hạn chế một cách không cần thiết việc sử dụng các nguồn lực có thể cần thiết để bảo đảm các cuộc bầu cử được tổ chức hiệu quả.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times