Hoa kiều tưởng niệm 34 năm vụ thảm sát năm 1989
Người Hồng Kông ở hải ngoại vẫn tổ chức lễ tưởng niệm thường niên về vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06 như những năm trước, trong đó ngày càng có nhiều người đại lục sát cánh cùng với họ. Từ năm 1990 đến năm 2020, Hồng Kông đã có thể tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện và tập hợp quy mô lớn ở nơi công cộng vào ngày 04/06 hàng năm. Tuy nhiên, dưới sự áp bức của Luật An ninh Quốc gia mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp dụng, một số người Hồng Kông buộc phải tổ chức các hoạt động tưởng niệm một cách riêng tư.
Hôm 04/06, với sự ủng hộ của cộng động người Hoa ở hải ngoại, các cuộc biểu tình, thắp nến cầu nguyện, và triển lãm đã được tổ chức tại nhiều thành phố trên thế giới, bao gồm Úc, Nhật Bản, Đài Loan, nhiều quốc gia ở châu Âu, Hoa Kỳ, và Canada.
Ông Triệu, một người gốc Hồng Kông đã tham dự lễ tưởng niệm sự kiện Lục Tứ (một cách gọi khác của Vụ Thảm sát Thiên An Môn) tại Birmingham, Vương quốc Anh, nói với phóng viên của Epoch Times: “Ở Hồng Kông không có nến cho ngày 04/06, nhưng những ngọn nến này có ở khắp nơi trên thế giới.”
Cựu luật sư Hồng Kông Nhâm Kiến Phong (Kevin Yam) nói với CNN: “Những gì Bắc Kinh và Hồng Kông (nhà cầm quyền) đang làm là một nỗ lực nhằm xóa bỏ lịch sử và ký ức, điều này thật đáng buồn.” Ông sẽ tham dự lễ tưởng niệm ở Melbourne, Úc, “đối với những người vẫn còn nhớ, trách nhiệm của chúng tôi là cho thế giới biết rằng chúng tôi sẽ mãi không quên sự kiện này,” ông nói với CNN.
Chiều hôm 04/06, người dân từ mọi giai tầng trong xã hội ở Sydney, Úc, đã tổ chức một buổi tập hợp để đánh dấu 34 năm sự kiện Lục Tứ.
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), một nhân chứng và người sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn, đồng thời là cựu quan chức ngoại giao của ĐCSTQ, đã nói chuyện tại buổi tập hợp rằng ĐCSTQ là một tập đoàn tội phạm phản nhân loại và cả thế giới nên hiệp lực chống lại đảng này.
Một du học sinh Trung Quốc “thế hệ 9x”: “Chúng ta không nên chỉ vì sợ hãi mà không làm gì cả.”
Hôm 02/06, Bảo tàng Tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ được chờ đợi từ lâu đã khai trương tại Manhattan, New York, nơi trưng bày những kỷ vật liên quan đến Vụ Thảm sát Thiên An Môn cho toàn thế giới – sau khi Đài Tưởng niệm Sự kiện Lục tứ ở Hồng Kông buộc phải đóng cửa vào năm 2021.
Được trưng bày là những kỷ vật được thu thập từ những nhân chứng sống sau vụ thảm sát, bao gồm các tờ báo ghi lại sự kiện, chiếc áo sơ mi dính máu của một cựu phóng viên, và một chiếc máy in hàng chục năm tuổi được lén đưa ra khỏi Trung Quốc, được những người biểu tình sử dụng trong thời gian đó.
Vào buổi tối, những người biểu tình đã tuần hành đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở New York. Trong số họ không chỉ có các sinh viên lãnh đạo cốt cán bị ĐCSTQ truy nã, mà còn có nhiều thanh niên Trung Quốc “thế hệ 9x”.
“Cũng ngày hôm nay của hơn 30 năm sau, chúng tôi đến đây để tưởng niệm. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ngày 04/06. Chúng tôi cảm thấy rằng tương lai vẫn sẽ còn thay đổi. Chúng tôi rất hy vọng và mong chờ rằng Trung Quốc sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.” anh Bruce (bí danh) 23 tuổi, một sinh viên Trung Quốc đang du học, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng anh không có ý định trở về Trung Quốc cho đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ.
Cô Tiểu Hoa (Xiao Hua), một du học sinh Trung Quốc khác, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng Phong trào Giấy trắng đã truyền động lực cho cô dũng cảm đứng lên. Cô cho hay mặc dù cô sợ rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến gia đình của cô ở Trung Quốc, nhưng cô vẫn muốn đóng góp một phần nhỏ cho nền dân chủ của Trung Quốc: “Không nên chỉ vì sợ hãi mà chúng ta không làm gì cả.”
Anh Quách Trường Tuấn (Guo Changjun), 22 tuổi, đến Hoa Kỳ để học thạc sĩ về kỹ thuật y sinh tại Đại học Wright State trong vòng chưa đầy một năm, giãi bày với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng trước năm 2019, anh biết được sự thật về ngày 04/06 nhờ đọc báo Anh ngữ và sử dụng VPN để vượt qua “Vạn Lý Trường Thành Internet. Là một người Trung Quốc tôi cảm thấy có trách nhiệm phải tham gia vào sự kiện Lục Tứ, để tưởng nhớ đến những người đã mất đi sinh mạng vào ngày hôm đó.”
Tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vào tối ngày 02/06, trong buổi lễ thắp nến tưởng niệm được tổ chức tại Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ở Hoa Thịnh Đốn, người Mỹ, người Hồng Kông, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ đã tham dự và thắp nến để tưởng niệm các nạn nhân.
Ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người sáng lập tổ chức nhân quyền “Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc” có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, với tư cách là nhân chứng của cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, đã than thở trong sự kiện rằng nỗi đau này không thể nào chua xót hơn, và cảm giác thống khổ đó chưa từng nguôi ngoai. Nhưng tôi thấy vui khi nói rằng phong trào giấy trắng diễn ra hồi năm ngoái có nét tương đồng với phong trào dân chủ Thiên An Môn. Cũng giống như những người trẻ tuổi ở Quảng trường Thiên An Môn hơn 30 năm về trước, thế hệ trẻ bây giờ cũng đòi hỏi một chính phủ minh bạch, có trách nhiệm, và tự do chính trị.
Du học sinh Trung Quốc tại Pháp: Sử dụng VPN, vượt tường lửa tìm sự thật
Hôm 03/06, khi chính phủ thành phố Paris tổ chức sự kiện đêm trắng để chào mừng mùa hè đến, một nhóm người Hoa ở Paris và đại diện của các tổ chức nhân quyền đã lặng lẽ cầm một tờ giấy trắng, trong đó có tên của những người đại diện cho Liên minh Hồng Kông Ủng hộ Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc hiện đang bị giam giữ trong tù, cũng như những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc bị cầm tù. Những người khác giơ các bức ảnh về “Người đàn ông Chặn xe tăng ngày 04/06” và một bản sao của “Skamstøtten (Pillar of Shame)” của nghệ sĩ Đan Mạch Jens Galschiøt.
Một người thuộc thế hệ 9x muốn ẩn danh nói với RFI: “Trước đây tôi không biết gì về ngày 04/06 ở Trung Quốc, nhưng tôi đã biết về sự kiện này nhờ vượt tường lửa và Wikipedia.”
“Ngay từ đầu, tôi đã không thể tin được làm thế nào mà Đảng Cộng sản (ĐCSTQ) vĩ đại, vinh quang, và đúng đắn lại có thể làm một việc như vậy. Phản ứng ban đầu của tôi là các thế lực ngoại quốc đang cố gắng bôi nhọ ĐCSTQ. Sau này, tôi biết được những điều này nhờ nói chuyện với những người thuộc thế hệ trước. Sự việc này thực sự đã xảy ra, và sau đó tôi đã đọc được những lời kể xác thực từ những người chứng kiến sự kiện ngày 04/06 trên mạng Internet, và thế là tôi đã biết sự thật.”
“Cái gọi là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc mà tôi nhận được suốt mấy chục năm qua hóa ra chỉ toàn là dối trá. Tôi chắc chắn rằng tôi không phải là người duy nhất. Đó là cảm giác của nhiều người cùng trang lứa với tôi.”
“Tôi mang theo một tờ giấy trắng để tham gia sự kiện ngày hôm nay nhằm hưởng ứng phong trào giấy trắng diễn ra ở Trung Quốc hồi năm ngoái. Phong trào giấy trắng lan rộng từ Nam Kinh, Thượng Hải, và Bắc Kinh ra hải ngoại. Hoạt động này giống như một cuộc cách mạng thứ hai. Tôi hy vọng rằng thông qua hành động này, tôi có thể đóng góp được phần nào.”
Người Hồng Kông gốc Anh tổ chức lễ canh thức trước các tòa lãnh sự ở các thành phố lớn
Ở Anh, mọi người tổ chức khoảng chục cuộc diễn hành và lễ canh thức ở London, Birmingham, Nottingham, và Manchester. Trong số đó, những người tuần hành ở London đã tập trung tại Quảng trường Trafalgar và sau đó diễn hành đến đại sứ quán Trung Quốc để tổ chức các buổi thắp nến tưởng niệm.
Tại Birmingham, Anh, nơi có nhiều người Hồng Kông sinh sống, một buổi thắp nến tưởng niệm đã được tổ chức ở trung tâm thành phố gần Khu Phố Tàu vào ban đêm. Mặc dù tượng đài Pillar of Shame không được trưng bày bằng hiện vật, nhưng nhà tổ chức đã đặc biệt in một tấm bích chương lớn và dán các bức ảnh liên quan đến 8964 (Sự kiện Lục tứ năm 1989) trên mặt đất, sử dụng nến điện tử viền quanh các số “896434” (34 năm Sự kiện Lục Tứ năm 1989) ở trên đó.
Hơn 100 người Hồng Kông đã tham gia sự kiện này. Cựu ủy viên quận Sa Điền Khâu Văn Tuấn (Yau Man-chun) tin rằng ngay cả đối với những người Hồng Kông không tham dự, miễn là họ có lương tâm, họ sẽ tưởng nhớ sự kiện Lục Tứ theo cách của riêng họ.
Liên quan đến việc chính quyền cộng sản Hồng Kông tiếp tục đàn áp sự kiện Lục Tứ năm nay, ông đề cập đến các chiêu thức nắm đấm sắt mà chính quyền toàn trị của chế độ Cộng sản Hồng Kông khai triển để đàn áp bất kỳ hoạt động tưởng niệm nào; những hành động này chỉ cho thấy họ yếu đuối đến mức nào. Họ càng lo lắng, càng muốn người dân quên đi, thì mọi người càng phải kiên nhẫn đến cùng.”
Sinh viên tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh ở Đức: ĐCSTQ sẽ bị đưa ra xét xử
Hôm 03/06, người Đức tổ chức biểu tình trước Cổng Brandenburg ở Berlin. Một tấm bích chương lớn của tác phẩm điêu khắc “Pillar of Shame” tượng trưng cho vụ thảm sát “ngày 04/06” đã được trưng bày tại địa điểm tổ chức cuộc biểu tình. Một số người nhập cư từ Hồng Kông và Tây Tạng đã tham gia. Những người biểu tình yêu cầu ĐCSTQ trả tự do cho Quách Phi Hùng (Guo Feixiong), Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi) và những người bảo vệ nhân quyền khác.
Anh Hoàng Ý Thành (Huang Yicheng), tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, đã bị công an bắt khi đang tham gia một cuộc biểu tình trên Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề ở Thượng Hải vào tối ngày 27/11/2022. Anh nói rằng một số sinh viên đã tham gia “Phong trào Giấy Trắng” hồi năm ngoái cũng có mặt tại địa điểm tổ chức biểu tình ở Berlin. Anh cho biết giờ đây anh đã thoát khỏi nỗi sợ hãi và hy vọng rằng Trung Quốc sẽ có một chính phủ dân chủ và hợp hiến trong tương lai.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times