Hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh: 45 giây cho các quốc gia để phản biện tuyên truyền nhiều năm của Trung Quốc
Bất chấp những nỗ lực to lớn nhằm gây ảnh hưởng của đại diện Trung Quốc trong thời gian chuẩn bị cho cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, vẫn có những lời chỉ trích gay gắt về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc cộng sản trong một phiên điều trần.
Trong khuôn khổ của “Đánh giá Định kỳ Phổ quát” (Universal Periodic Review), một cuộc điều tra đang diễn ra về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) tại Geneva thực hiện hôm 23/01. Một lần nữa, những lời buộc tội nghiêm trọng về việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền đã được nêu lên. Trước đó tại phiên điều trần, đại diện Trung Quốc đã ca ngợi nền dân chủ và thịnh vượng của chế độ toàn trị này.
Sau phần trình bày của phái đoàn Trung Quốc, các đại diện từ các quốc gia khác có 45 giây để phản biện.
Chỉ trích gay gắt về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc
Trong khi các quốc gia hữu hảo với Trung Quốc, cũng như các quốc gia hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa mới” khen ngợi “cuộc chiến chống đói nghèo” bên trong quốc gia đông dân nhất thế giới này, thì Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ý, Vương quốc Anh, và Đức đã đặc biệt chỉ trích mạnh mẽ về tình hình nhân quyền ở đó.
Họ kêu gọi chấm dứt vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông, và Tây Tạng. Họ cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh không nên tiếp tục làm cho người dân chỉ đơn giản là “biến mất” và không nên thi hành án tử hình nữa. Việc cưỡng bức triệt sản nhằm giảm tỷ lệ các nhóm dân tộc khác nhau trong tổng dân số cũng không nên được tiến hành trên các nhóm dân tộc thiểu số.
Các nhà hoạt động nhân quyền ở hải ngoại đang làm rõ những tội ác tại Trung Quốc và đang tranh đấu cho sự thay đổi ở Hoa lục không nên bị truy cứu trách nhiệm nữa. Tương tự, sự tự do báo chí và tự do sử dụng internet nên được áp dụng ở Hoa lục.
Sự đàn áp, lạm dụng, tra tấn và bức hại
Trong nhiều năm qua, có ngày càng nhiều báo cáo cho thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh đang đàn áp, lạm dụng, tra tấn và bức hại đối với các dân tộc thiểu số, cộng đồng tín ngưỡng, và những người đang đấu tranh cho nhân quyền và cải cách dân chủ.
Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương, người dân Tây Tạng, những người Hồng Kông ủng hộ dân chủ, cũng như cả những người theo đạo Cơ Đốc và các học viên Pháp Luân Công tu Phật.
Trong phần trình bày của mình tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc phản bác rằng, họ đã “giải thoát hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.”
Ngoài ra, Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc về vi phạm nhân quyền và tuyên bố rằng họ có “các cuộc bầu cử dân chủ” và đối xử “bình đẳng” với tất cả mọi người. Sẽ không ai bị “bỏ lại phía sau”, và nhân quyền sẽ luôn được tôn trọng, theo tuyên bố của Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Họ cũng khẳng định rằng hệ thống tư pháp của Trung Quốc đang được đánh giá cao trên chính trường quốc tế.
‘1,672 tù nhân chính trị ở Hồng Kông’
Liên quan đến Hồng Kông, đại diện Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho rằng việc thực thi luật an ninh quốc gia của Hồng Kông bảo đảm rằng những ngày tháng bất ổn xã hội và sợ hãi sẽ qua đi. “Sự ổn định cũng như luật pháp và trật tự đã được khôi phục.”
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chỉ bùng nổ sau khi chính phủ thân Bắc Kinh của Hồng Kông sử dụng bạo lực đối với những người biểu tình, những người đang ôn hòa phản đối các hạn chế của Bắc Kinh đối với các quyền dân chủ ở thành phố thuộc địa cũ của Anh này.
Hồi tháng 11/2023, Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR) tuyên bố rằng hiện có 1,672 người đang bị giam giữ ở Hồng Kông vì lý do chính trị. Trong số họ có các lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ, nhân viên nghiệp đoàn lao động, các ký giả, nhà hoạt động, giáo viên, giáo sư, sinh viên, chính trị gia đối lập, luật sư, và những người lãnh đạo biểu tình.
Hầu hết họ đã bị bắt và bị trừng phạt vào năm 2019 vì các cuộc biểu tình phản đối việc ban hành luật hạn chế các quyền căn bản.
Thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống do nhà nước tổ chức
Trong nhiều năm, đã có bằng chứng cho thấy hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống, do nhà nước tổ chức đang được thực hiện đối với người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, và các tù nhân chính trị khác.
Bác sĩ chuyên khoa Andreas Weber từ Düsseldorf, là đại diện của Đức cho tổ chức Các Bác sĩ chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), đã chia sẻ quan điểm của mình với Epoch Times trong một buổi trò chuyện với đại biểu Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác tại Geneva trước cuộc thảo luận tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 22/01.
Ông nói rằng ở Trung Quốc, thời gian chờ đợi để có được nội tạng là rất ít. Ví dụ, trong khi ở Đức người ta phải chờ tới hai năm để có được một lá phổi, thì việc cấy ghép phổi đã được thực hiện trong vòng một ngày ở Trung Quốc trong thời gian đại dịch. “Bác sĩ phẫu thuật ở Trung Quốc cũng được hỏi rằng khi nào ông ấy muốn thực hiện phẫu thuật. Điều này là một dấu hiệu đặc biệt tinh vi về cái gọi là “Quyên góp từ thiện.”
Để có cơ quan nội tạng mới, một người phải tử vong
Lịch phẫu thuật trong trường hợp này gần như trùng với thời điểm tử vong của “người hiến tạng”. Điều khiến ông thực sự lo lắng là trong thực tế người nhận cơ quan thậm chí không biết rằng một người đã phải tử vong để có được cơ quan nội tạng mới cho họ. “Người bệnh đi đến Trung Quốc và nghĩ rằng, với một tỷ người ở đó, tỷ lệ người hiến tạng tự nguyện cao hơn ở Đức.” Nhưng điều đó không đúng, vị bác sĩ này giải thích.
Chỉ cách đây vài năm, Trung Quốc mới bắt đầu xây dựng một mạng lưới người hiến tặng cơ quan tình nguyện. Số lượng người ghi danh làm người hiến tặng cơ quan người ở đó tương đối thấp so với các quốc gia khác, theo thông tin của bác sĩ Weber.
“Trong suốt quãng đời còn lại, người nhận tạng mang theo nội tạng được thanh toán bằng tiền tiết kiệm của mình, nội tạng mà khiến một người vô tội đã bị sát hại.” Bác sĩ tin rằng điều này rất khó chấp nhận với lương tâm.
LHQ: 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ
Trong phiên điều trần, các câu hỏi về Tân Cương đã được phía Trung Quốc trả lời rằng họ “tôn trọng và bảo vệ nhân quyền ở Tân Cương.” Người dân ở đó sẽ được hưởng một “cuộc sống ổn định và tốt đẹp.”
Các báo cáo từ những người tị nạn trong khu vực, các tổ chức nhân quyền và báo cáo nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 2022 lại cho thấy một bức tranh khác.
Các báo cáo này cho biết chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương đã bắt giữ khoảng 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác, phá hủy hàng ngàn nhà thờ Hồi giáo và cấm ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ trong các trường học và văn phòng chính phủ.
Bắc Kinh cho biết Tân Cương phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ các nhóm người Hồi Giáo cực đoan. Chính quyền ở đó phủ nhận việc giam giữ hàng loạt và nói rằng mọi người ở đó đang được dạy trong các trung tâm dạy nghề.
Cố gắng gây ảnh hưởng từ phía đại diện của Trung Quốc
Trong những ngày trước phiên điều trần tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã cố gắng gây ảnh hưởng đến đánh giá của các quốc gia khác về tình hình nhân quyền.
Bốn nhà ngoại giao nói với hãng thông tấn Reuters rằng phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã gửi bản ghi nhớ cho họ trước phiên điều trần và yêu cầu họ ca ngợi thành tích nhân quyền của Trung Quốc.
Phái đoàn ngoại giao của Bắc Kinh cũng cố gắng tránh các cuộc biểu tình và bất đồng quan điểm trong quá trình dự thảo, theo tờ Welt.
Liên Hiệp Quốc nên bảo đảm rằng “những kẻ ly khai chống Trung Quốc” không được tiếp cận cuộc họp và không có khẩu hiệu hay biểu ngữ “chống Trung Quốc” nào được trưng bày trong không gian hội trường.
Ngoài ra, The Geneva Observer đưa tin cho biết các quan chức Liên Hiệp Quốc nên từ chối mọi yêu cầu tổ chức các sự kiện bên lề từ các nhà hoạt động.
Tuy nhiên, đã có những cuộc biểu tình trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba (23/01). Người Tây Tạng, người Hồng Kông, các học viên Pháp Luân Công, và các nhà hoạt động nhân quyền cũng như những người bất đồng chính kiến Trung Quốc đã cùng nhau biểu tình ở Geneva.
Ngoài Trung Quốc, 13 quốc gia khác sẽ được nhóm công tác của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xem xét trong phiên họp từ ngày 22/01 đến ngày 02/02/2024.
Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu về Trung Quốc
Mới đây (18/01), Nghị viện Âu Châu tại Strasbourg, Pháp đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết số 2024/2504(RSP).
Dự thảo nghị quyết nói về cuộc bức hại đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công và các nhóm tín ngưỡng khác.
Chính phủ Trung Quốc đàn áp công dân của mình vì tín ngưỡng của họ, mặc dù theo luật pháp của quốc gia cộng sản này, tự do tín ngưỡng được bảo vệ và được bảo đảm.
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức