Tổ chức nhân quyền đánh dấu năm thứ 7 học viên Pháp Luân Công người Canada bị giam giữ ở Trung Quốc
Vào năm thứ bảy kể từ khi chính quyền Trung Quốc bắt cóc cô Tôn Thiến (Sun Qian), học viên Pháp Luân Công người Canada, một tổ chức nhân quyền do cựu Bộ trưởng Tư pháp Irwin Cotler lãnh đạo đang kêu gọi chấm dứt việc giam giữ cô một cách bất hợp pháp.
Hôm 19/02, Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg đã đưa ra một tuyên bố đánh dấu ngày cô Tôn bị bắt giữ. Là một công dân Canada, cô Tôn đã bị bắt giữ tùy tiện tại nơi cư trú của mình ở Bắc Kinh vào tháng 02/2017. Đến tháng 06/2020, một tòa án Bắc Kinh đã kết án cô 8 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.
“Chúng tôi đồng hành với cô Tôn và tất cả [các học viên Pháp Luân Công], và chúng tôi kêu gọi trả tự do cho cô ngay lập tức. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi cô ấy được trả tự do,” tuyên bố viết. “Văn hóa miễn trừ trừng phạt và kết án người vô tội ở Trung Quốc phải chấm dứt.”
Tổ chức có trụ sở tại Montreal này lưu ý rằng cô Tôn đã bị từ chối tư vấn pháp lý và phải chịu “sự tra tấn và tình cảnh vô nhân đạo” trong thời gian bị giam giữ. Vào năm 2020, cô Tôn được cho là đã từ bỏ quốc tịch Canada và bị nghi ngờ là đã bị ép buộc nhận tội dưới sự tra tấn kéo dài khi còn ở trong tù.
Ông Cotler, người từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp và Tổng chưởng lý từ tháng 12/2003 đến tháng 02/2006, đã kêu gọi chính phủ Canada tiếp tục xem cô Tôn là một công dân Canada.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với The Epoch Times, ông mô tả sự bức hại nhắm vào cô Tôn là “một trường hợp kinh điển của việc kết án người vô tội … không phải vì bất cứ điều gì cô ấy đã làm, mà là vì cô ấy là ai: một người mang lại các giá trị chân, thiện, và nhẫn vốn phản ánh và đại diện cho các giá trị của cộng đồng Pháp Luân Công.”
Cuộc đàn áp
Trong 24 năm qua, các học viên theo tập Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh bắt nguồn từ tín ngưỡng truyền thống Phật gia, đã trở thành mục tiêu của cuộc đàn áp tàn bạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chiến dịch này, nhằm mục đích tiêu diệt Pháp Luân Công, đã thực hiện một số hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, bao gồm tra tấn, lạm dụng tình dục, và thu hoạch nội tạng sống.
Theo báo cáo của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada (FDAC), cô Tôn đã phải chịu đựng sự tra tấn kéo dài về thân thể và tinh thần, như bị cùm vào ghế thép, xịt hơi cay vào mặt, và bị tẩy não và thao túng tâm lý liên tục.
Vào tháng 07/1999 cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công này. Ông Giang xem sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công cũng như các giáo lý tinh thần và đạo đức của môn này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của chế độ. Mặc dù ông Giang qua đời vào năm 2022, nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chế độ cộng sản này vẫn còn tiếp diễn.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng Mười năm ngoái, FDAC đã cảnh báo rằng ĐCSTQ đã tích cực mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Công sang Canada.
Các chiến thuật của chế độ này, chủ yếu do các cơ quan ngoại giao Trung Quốc dàn dựng, bao gồm việc lôi kéo hoặc ép buộc các chính trị gia, cộng đồng người Hoa hải ngoại, và những người có cảm tình với ĐCSTQ, để sách nhiễu, tấn công, và đe dọa các học viên Pháp Luân Công ở Canada. ĐCSTQ còn sử dụng thông tin giả hoặc mạo danh để làm mất uy tín của cộng đồng này, tìm cách loại trừ họ khỏi xã hội Canada.
Bản tin có sự đóng góp của Justina Wheale và Omid Ghoreishi.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times