Họ đã chiến đấu vì điều gì?
Những Câu Chuyện về Người Dân Hoa Kỳ Tham Gia Chiến Tranh Cách Mạng
Xã hội Hoa Kỳ ngày nay vẫn luôn bàn luận và đề cập đến Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng của đất nước. Những chiến trường của cuộc chiến này đều được ghi dấu và bảo tồn rất tốt, những áng văn chương về nó vẫn luôn được sử dụng trong các chiến dịch chính trị và các bài diễn văn ngày nay, những nhân vật lỗi lạc của cuộc chiến được tạc tượng hoặc được in trong sách – ít nhất là cho đến hiện tại. Có lẽ là động cơ thúc đẩy người ta tham gia trận chiến bạo lực này cũng nhiều như số lượng người tham gia vậy. Chúng ta thắc mắc rằng “Họ đã chiến đấu vì điều gì?” hay chỉ là một sự lôi kéo không thể chối từ? Cho dù vậy, cố gắng giải thích những điều gì khiến mọi người tàn sát lẫn nhau (hoặc trợ giúp cho những người khác bắn giết nhau) có thể sẽ chỉ ra phần nào đó trong rất nhiều lý do chi phối Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ. Chiến tranh, cũng tương tự như các hiện tượng lịch sử khác, là rất phức tạp. Đó là một mớ hỗn độn lầy lội.
Những người đã tham gia
Hãy xem xét những lá thư viết tay qua lại trong suốt cuộc chiến giữa ông Joseph Hodgkins – người thợ đóng giày ở Massachusetts, một thủ lĩnh dân quân và là cựu binh của Trận Chiến Đồi Bunker – với người vợ tên Sarah của ông. Vào Tháng Tư năm 1776, ông đã viết thư cho bà Sarah như sau, “Anh sẵn lòng phục vụ đất nước theo cách thức và năng lực tốt nhất mà anh có thể có được, và khi kẻ địch thoát khỏi anh, anh cần phải truy đuổi họ … mọi người sẽ không thể lý giải được tại sao anh chọn tiếp tục hành quân; nhưng vì anh đã tham gia vào sự nghiệp vinh quang này; anh sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào cần đến anh.” Hodgkins tiếp tục lên đường đến các Chiến Trường như Long Island, Harlem Heights, White Plains, Trenton, và Trận Saratoga. Ông Hodgkins để lại vợ và con một mình và thường là cả sự phiền muộn của bà Sarah – để “phục vụ đất nước [của ông]”, Massachusetts.
John Greenwood là một cậu bé 15 tuổi ở Boston, khi đó đã bắt đầu học việc với người chú là thợ đóng tủ khi Trận Chiến Lexington và Concord diễn ra. Những sự kiện này, đã được anh viết lại sau đó, khiến anh “sợ hãi rằng (cả gia đình anh ở quê nhà Boston) tất cả sẽ bị tàn sát bởi người Anh” – vì vậy anh đã đi bộ hơn 150 dặm băng qua hầu như toàn là vùng đất hoang dã để trở về nhà, dọc đường đi anh được tặng thức ăn và chỗ ở miễn phí khi giải thích rằng anh “dự định chiến đấu cho đất nước”. Khi anh về đến nơi thì không thể vào Boston, và chàng Greenwood trẻ tuổi đã gia nhập Trung Đoàn Massachusetts thứ 26 để bảo vệ sự nghiệp “Yêu Nước”. Trên đường đến tham gia Trận Chiến Đồi Bunker, sau này Greenwood đã nhớ lại, “một người đàn ông (da đen), bị thương ở phía sau cổ, đi ngang qua tôi; cổ áo của anh phanh rộng, và anh không có bất cứ hành trang gì ngoại trừ bộ quần áo đang mặc. Tôi thấy rất rõ vết thương của anh, và máu cứ liên tục chảy xuống lưng anh. Tôi đã hỏi anh liệu có đau lắm không, và dường như anh không hề quan tâm đến nó. Anh ấy nói rằng không đau, và anh chỉ đắp lên một lớp thuốc cao và cố gắng quay trở lại chiến trường. Bạn không thể nào tưởng tượng được sự việc này ngay tức khắc khích lệ tôi mạnh mẽ như thế nào. Tôi bắt đầu cảm thấy can đảm và giống như một chiến binh ngay từ giây phút ấy; nỗi sợ hãi không bao giờ làm phiền tôi kể từ đó trong suốt cuộc chiến này.” Greenwood đã chiến đấu cho gia đình và đất nước của mình – Massachusetts.
Margaret Corbin, mang dòng máu Ireland, đến từ biên giới Pennsylvania. Lúc 5 tuổi, cô đã sống sót sau vụ đột kích vào nhà cô của Thổ Dân Hoa Kỳ, và đã chứng kiến cái chết của cha mình; mẹ cô thì bị bắt cóc (sau đó cô không được nhìn thấy bà nữa). Từ đó, cô và anh trai của mình trở thành trẻ mồ côi. Mười sáu năm sau đó, Margaret đã kết hôn với anh John Corbin, một người nông dân ở Virginia, người lính pháo binh trong đội quân Cách Mạng. Không muốn ở lại nhà, Margaret (cũng giống như những người vợ quân nhân khác) trở thành một “người đi theo doanh trại”. Cô đặc biệt có ích cho doanh trại vì là một y tá. Những người đi theo doanh trại như cô chăm sóc cho những bệnh nhân cũng như những người lính bị thương, nấu ăn, giặt giũ, và giúp đỡ tất cả những gì họ có thể làm. Trong suốt trận chiến, một vài người trong đó trở thành “Molly Pitchers” – một biệt danh dành cho người đem nước đến cho những chiến binh đang khát (hoặc là làm nguội các nòng súng thần công) ở giữa trận chiến. Là một y tá, Margaret đã được chấp thuận cùng chồng tham gia trận Pháo Đài Washington (nằm ở phần cuối ở phía Bắc của Đảo Manhattan). Tại đây, cô đã chứng kiến chồng mình qua đời trong khi đang điều khiển một khẩu pháo chống lại cuộc tiến công của người Anh. Theo báo cáo được ghi lại, Margaret ngay lập tức nhảy vào vị trí của chồng mình và tiếp tục điều khiển khẩu đại pháo – cho đến khi chính cô cũng bị bắn vào tay, ngực, và quai hàm. Margaret đã bị quân Anh bắt đi, nhưng khi đó cô đang bị thương nên được thả. Cô không bao giờ có thể phục hồi hoàn toàn; sau này cô được cấp lương hưu quân đội. Margaret Corbin đã chiến đấu cho gia đình và đất nước của mình.
Những người nhìn xa trông rộng
Trong bài diễn văn ở Boston đánh dấu lễ tưởng niệm lần thứ tư của Cuộc Thảm Sát Boston, John Hancock đã tiết lộ động lực của bản thân khi nhắm vào những kẻ đã gây ra “hành động vô nhân đạo” đó. Ông đã hỏi, “Những vong linh của Maverick, Gray, Caldwell, Attucks và Carr (năm nạn nhân bị sát hại trong cuộc thảm sát), không đi theo ngươi trên con đường cô độc của ngươi ư, họ không túm lấy ngươi khi đang trong cuộc truy hoan của mình, và họ không phủ kín giấc mơ của ngươi bằng tất cả sự oán hờn chăng?” Nhận thức rõ về những hành động bạo lực bất công, và mục đích của ông là “tự do”. Người dân của 13 thuộc địa Hoa Kỳ “họ chiến đấu vì gia đình của họ, đất đai của họ, những người vợ của họ, những đứa con của họ, và cho tất cả những ai có danh xưng và được yêu quý trong trái tim họ; họ chiến đấu…cho tự do của họ, cho chính họ, và cho Đức Chúa của họ…Tôi có niềm tin một cách mãnh liệt rằng cuộc đấu tranh giành tự do cao quý hiện nay, sẽ kết thúc một cách vẻ vang cho Hoa Kỳ.”
Bản Tuyên Ngôn về Quyền của Virginia (được thông qua vào 12/06/1776), sau này được Tổng Thống Jefferson sử dụng khi ông soạn thảo phần mở đầu cho Bản Tuyên Ngôn Độc Lập – và cũng được các thuộc địa khác sử dụng để đưa ra các tuyên bố tương tự, và cũng dùng để viết các dự thảo luật riêng về quyền của họ – chủ yếu được soạn thảo bởi ông George Mason, một chủ đồn điền ở Virginia. Sau này nó trở thành cơ sở cho Tuyên Ngôn về Nhân Quyền của liên bang. “Chính phủ được hoặc phải được thành lập vì những lợi ích chung, để bảo vệ sự an toàn của người dân, quốc gia, và cộng đồng,” Tuyên Ngôn Virginia đã tuyên bố, “[và] bất cứ khi nào, bất cứ chính phủ nào bị phát hiện là không phù hợp hoặc đi ngược lại với những mục đích này, thì đa số cộng đồng có quyền hiển nhiên, không thể tước bỏ, và bất khả xâm phạm để cải tổ, thay đổi hoặc là loại bỏ nó theo phương thức mà sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho công chúng.” Người dân “phải có quyền lực đồng dạng như chính phủ; và từ đó, sẽ không có chính phủ riêng lẻ hoặc độc lập; chính phủ Virginia, phải được dựng lên hoặc thành lập trong những giới hạn của chúng.” Các “phước lành của tự do”, ông Mason đã nhấn mạnh, “chỉ có thể được bảo tồn chỉ khi nào được tuân thủ một cách vững chắc đối với công lý, tiết chế, điều độ, cần kiệm, đức hạnh, và thường xuyên được nhắc nhở về các nguyên tắc căn bản”. Với ông Mason, Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng là để thành lập một chính phủ tự do cho Virginia.
Chiến đấu cho Chính Phủ Tự Quản
Có lẽ là hơn bất cứ điều gì khác, khi đó, những người dân tham gia cách mạng đã chiến đấu cho một chính phủ tự quản. Và thực tế, trên bình diện lịch sử, chính quyền địa phương tự quản có ý nghĩa to lớn đối với các thuộc địa (ngày nay là “Liên Bang”). Họ đã phát triển lên một cách riêng biệt và tách biệt, mỗi thuộc địa phát triển thành một cộng đồng riêng biệt hoặc một mạng lưới các cộng đồng. Sự khác biệt này được đánh dấu bởi các vùng miền. Trong gần 200 năm, bất cứ khi nào Quốc Hội Vương Quốc Anh hoặc Vua nước Anh, cố gắng để hợp nhất, thì các thuộc địa đều nổi loạn. Người dân Boston không bao giờ mong muốn bị kìm hãm trong một chính thể với người dân New York, không muốn bị thống trị bởi những người Virginia – và chắc chắn không phải là người Anh bên kia đại dương. Người dân South Carolina mong muốn có luật pháp riêng của họ, thay vì bị sai khiến bởi một chính phủ xa xôi nào đó. Những thuộc địa khác cũng đều mong muốn những điều tương tự. Người ta có thể lập luận rằng chủ nghĩa địa phương như vậy (nguồn gốc của chủ nghĩa liên bang trong tương lai) đã phát triển kể từ khi người thực dân Anh đầu tiên lên đường tới “Thế giới mới”.
Có hơn mười ngàn người lựa chọn chiến đấu, để báo thù cho những tội ác trong quá khứ, để bảo vệ “đất nước” mình một lần nữa trước kẻ thù “bên ngoài”, để thoát khỏi chế độ chuyên chế (hoặc đơn giản bởi vì họ đã phản đối tất cả các chế độ chuyên chế). Một số trong đó chiến đấu vì gia đình họ, vì nhà cửa, vì đất đai, một số thì “cho tự do”, một số khác là vì “sứ mệnh”, một số khác là vì tiền, cũng có người là để phiêu lưu. Một số hy vọng bảo tồn quyền sở hữu đất đai được ban cho bởi Đế Quốc, trong khi một số khác hy vọng tước đoạt quyền sở hữu của hàng xóm. Một số người thì chiến đấu để chống lại thói quan liêu ngày càng gia tăng của Vương Quốc Anh, hoặc là sự xâm lấn thuộc địa cũng ngày càng tăng, hoặc là để bảo vệ những quyền lợi “vốn có” và không thể chuyển nhượng của họ, hoặc là để phục hồi đất đai của các bộ lạc. Một số thì chiến đấu để dành tự do và thoát khỏi sự nô lệ, hoặc để giải phóng những người nô lệ, hoặc là để báo thù cho những tội ác của chế độ nô lệ. Một số họ thì chiến đấu vì viễn cảnh một đất nước Hoa Kỳ huy hoàng trong tương lai, trong khi những người khác tìm thấy những đức hạnh trong việc “phục vụ” sự tự do, “sống hoặc chết vì nó”.
Có lẽ trên hết, các nhà cách mạng Hoa Kỳ đã chiến đấu để thành lập một chính quyền địa phương tự trị với tư cách là công dân của “Các quốc gia tự do, có chủ quyền và độc lập”.