Hiệp hội giáo dục báo động khi giáo viên hàng đầu và học sinh không ngừng rời khỏi Hồng Kông
Nhiều người đang rời khỏi Hồng Kông, trong đó có nhiều giáo viên cảm thấy áp lực khi phải tự kiểm duyệt quan điểm chính trị của mình cả trong và ngoài lớp học. Điều này đã khiến Hiệp hội Hiệu trưởng Trung học Hồng Kông (HKAHSS) bày tỏ lo ngại về tình trạng hao hụt nhân tài. Họ đã kêu gọi chính quyền địa phương tạo ra một môi trường tốt hơn cho nhà giáo và học sinh.
Theo các cuộc khảo sát do hiệp hội này thực hiện, số lượng giáo viên nghỉ việc trong niên học 2020-2021 tăng gấp đôi so với các niên khóa 2019-2020 và 2018-2019.
Trong số 140 trường được khảo sát, trung bình mỗi trường có 7.1 giáo viên nghỉ dạy, bao gồm cả những giáo viên được săn đón có kinh nghiệm giảng dạy ở trình độ trung cấp và cao cấp.
Học sinh cũng đang rời đi với số lượng lớn. Các cuộc khảo sát được thực hiện cho năm học 2020-2021 cho thấy trung bình mỗi trường có 32 học sinh bỏ học, gần bằng sĩ số của một lớp. Trong số đó, 60% học sinh đã rời Hồng Kông.
HKAHSS cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 30/05, “Làn sóng [di tản] ồ ạt này khác với làn sóng di tản trong quá khứ. Theo quan sát của chúng tôi, những giáo viên ra đi đều đang mang theo cả gia đình và thậm chí họ còn khóa Tài khoản quỹ [hưu trí] của mình. Có vẻ như họ quyết tâm ra đi vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi rất lo lắng không biết khi nào dòng chảy ròng tài năng giáo dục con người này sẽ dừng lại.”
Hiệp hội này tiếp tục cho biết rằng trước đây, những giáo viên có kinh nghiệm thường không nghỉ việc cho đến tuổi về hưu, vì vậy các trường học có nhiều thời gian để giúp các giáo viên trẻ tích lũy kinh nghiệm. Nhưng điều đang diễn ra hiện nay là nhiều giáo viên có kinh nghiệm quyết định nghỉ việc với thời gian báo trước rất ngắn, thậm chí có người còn quyết định nghỉ giữa năm học. Việc tuyển dụng giáo viên cũng đang ở mức thấp, trong khi trước đây, các trường sẽ nhận được hàng trăm bộ hồ sơ cho một vị trí giảng dạy.
Hiệp hội này cho hay, lương cao sẽ không giúp giữ chân nhiều người trong số những giáo viên này, vì những gì họ đang tìm kiếm là một nền văn hóa, nơi họ cảm thấy được tôn trọng và có thể làm công việc của mình một cách chuyên nghiệp và độc lập, không có sự can thiệp của chính quyền.
Thông cáo báo chí của hiệp hội cũng bình luận về việc nhiều học sinh đang rời thành phố này cùng với cha mẹ của họ khi thành phố đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâu tóm quyền lực trong các cơ quan quản lý của Hồng Kông. Điều này cảnh báo rằng tình trạng thất thoát chất xám (brain drain) hiện nay và trong những năm tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trong tương lai của Hồng Kông.
Thông cáo báo chí của HKAHSS kết thúc bằng câu nói: “Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền sẽ có chính sách đối phó với những tổn thất này, để giáo viên có thể yên tâm thực hiện công việc giảng dạy của mình.”
Áp lực chính trị
Kể từ khi ĐCSTQ áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên Hồng Kông hồi năm 2020, nhiều giáo viên đã phải đối mặt với áp lực chính trị. Ví dụ, các giáo viên thảo luận về chính trị trong lớp học phải đối mặt với việc tố giác lên chính quyền của nhân viên thân ĐCSTQ, điều này có thể khiến họ bị mất chứng chỉ giảng dạy.
Theo một thông báo công khai gần đây, trong ba năm qua, có 502 trường hợp giáo viên bị phát hiện vi phạm “đạo đức nghề nghiệp.” Trong số này, 344 trường hợp liên quan đến việc tham gia các cuộc biểu tình “chống dẫn độ” năm 2019.
Từ năm 2019 đến tháng Tư năm nay, 27 giáo viên đã bị mất chứng chỉ giảng dạy và 69 giáo viên khác đã nhận được thư khiển trách vì đã thảo luận về “các biến cố chính trị gây tranh cãi” trong lớp học. Một số giáo viên cũng nhận được thư khiển trách từ sở giáo dục vì đã đăng những lời bình luận ủng hộ những người biểu tình trên mạng xã hội.
Phát ngôn viên về chính sách giáo dục của Đảng Dân Chủ Chu Tử Lạc (Chu Tsz-lok) tuyên bố rằng giáo viên nên có quyền tự do cá nhân để có thể bày tỏ quan điểm của mình trên mạng xã hội và việc thảo luận về các sự cố gây tranh cãi có thể khuyến khích học sinh suy nghĩ từ nhiều khía cạnh.
Anh Chu nói: “Việc phê bình tạo ra một hiệu ứng nhụt khí khiến giáo viên không thể dạy kiến thức và lý luận ngoài sách vở. Đảng Dân Chủ Hồng Kông lo ngại rằng việc chính quyền can thiệp quá nhiều vào cuộc sống hàng ngày của giáo viên có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất giáo viên địa phương.”
Chính quyền Hồng Kông cũng bắt đầu thúc đẩy “giáo dục an ninh quốc gia” trong chương trình giảng dạy hồi năm ngoái (2021), yêu cầu giảng dạy chương trình “an ninh quốc gia” của ĐCSTQ trong tất cả các môn học ở các trường tiểu học và trung học. Xem đây là nỗ lực tẩy não con em mình của chính quyền Trung Quốc, nhiều bậc cha mẹ Hồng Kông đã quyết định rời đi.
Ông Mạc Nghi Đoan (Zandra Mok Yee-Tun), một cựu trợ lý chính trị tại Cục Lao động và Phúc lợi, là một ví dụ. Gần đây, ông tiết lộ rằng ông đã chuyển đến Vương quốc Anh cùng với gia đình, chủ yếu là do lo lắng cho thế hệ tiếp theo vì ông không muốn con mình trở thành những người “hai mặt” do cái gọi là nhồi nhét “an ninh quốc gia” vốn chỉ bảo vệ an ninh và lợi ích của ĐCSTQ.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Hồng Kông được thực hiện từ ngày 21-24 tháng Ba năm nay, 24% người được hỏi cho biết họ có kế hoạch di cư. Hơn một nửa trong số này xác định rằng môi trường giáo dục cho con em và tương lai của gia đình họ là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định rời khỏi Hồng Kông vĩnh viễn.
Cô Anne Zhang là một nhà văn chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014.