Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc cộng sản đang được nhân rộng ra khắp nơi
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhất quyết muốn đạt được một phiên bản hiện đại của nhà nước giám sát được miêu tả trong kiệt tác “1984” của nhà văn George Orwell, cho phép nhà nước kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh, giới truyền thông, các tổ chức khác, và mọi cá nhân thông qua việc giám sát 24/24 các hoạt động của công dân Trung Quốc.
Thành phần chính của nhà nước giám sát đang phát triển của ông Tập liên quan đến sự phát triển mang tính đột phá của một hệ thống tín dụng xã hội tự động cho phép nhà nước khen thưởng hoặc trừng phạt hành vi của người dân và doanh nghiệp theo cách thức mà các quan chức chính quyền cộng sản cho là thích đáng.
Các quốc gia khác đang thèm khát hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc. Bằng những cách tiếp cận của riêng mình, họ đang lao vào các biện pháp kiểm soát xã hội được mô phỏng theo những gì mà những người cộng sản Trung Quốc đã có thể đạt được (cho đến nay).
Hãy cùng chúng tôi nghiên cứu về chủ đề này.
Hệ thống tín dụng xã hội nghĩa là gì?
Tầm nhìn về “Hệ thống Tín dụng Xã hội Trung Quốc (CSCS)” đã được trình bày trong một tài liệu chính thức do Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hồi năm 2014. Tài liệu này có nhan đề “Cẩm nang Xây dựng Hệ thống Tín dụng Xã hội (2014–2020).”
Mục đích của hệ thống tín dụng xã hội ở Trung Quốc là theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm soát, và định hình hành vi cũng như “mức độ tin cậy” của mọi công dân và doanh nghiệp ở Trung Quốc cộng sản. Mức độ tin cậy được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) định nghĩa là hành vi phục tùng và tự kỷ luật bản thân để không làm ra việc gì có thể thách thức các mệnh lệnh độc đoán của ĐCSTQ. Quá trình này bao gồm giám sát các hoạt động thường nhật của công dân thông qua camera an ninh và hệ thống camera giám sát (CCTV) để thiết lập “các điểm tín dụng xã hội” cá nhân mà nhà nước có thể sử dụng để hạn chế và khen thưởng hành vi “đúng đắn.” Những điểm số này là một sự mở rộng đáng kể của điểm số tín dụng mà hầu hết mọi người đều quen thuộc.
Điểm số cho các cá nhân được tổng hợp dựa trên việc tuân thủ các hành vi cụ thể do chính quyền quy định. Ví dụ: chích liều bổ sung COVID-19 đúng hạn (“tốt”) nhưng không xét nghiệm PCR thường xuyên (“xấu”), tuân thủ lệnh giới nghiêm (“tốt”) và không tuân theo luật đi bộ (“xấu”), mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất (“tốt”) hoặc hàng ngoại quốc (“xấu”), thường xuyên đi làm hoặc đi học trễ (“xấu”), tuân thủ các quy định của chính quyền về nội dung truyền thông xã hội (“tốt”), hoặc chia sẻ những video và cuộc trò chuyện bị cấm (“xấu”), v.v.
Điểm số cho các doanh nghiệp kinh doanh được tổng hợp dựa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh của một công ty nhất định, có thể bao gồm chất lượng hàng hóa và dịch vụ được cung cấp, giao hàng đúng hạn (hoặc không), mức độ đáp ứng khách hàng, trả lương cho nhân viên đúng hạn (hoặc không), nộp thuế đúng hạn (hoặc không), đánh giá xếp hạng của khách hàng, khả năng sinh lời, v.v.
Đạt được một điểm số tín dụng xã hội cao có nghĩa là thể hiện hành vi được nhà nước chấp thuận và nhận được các đặc quyền do nhà nước cấp cho “hành vi tốt” đó. Ví dụ, một điểm số tốt có thể cho phép một công dân đi đến một thành phố khác để thăm thân nhân, trong khi một điểm số xấu có thể ngăn cản cơ hội đó. Hoặc một điểm số tốt có thể tạo điều kiện thuận lợi để thuê một căn hộ cao cấp, trong khi một điểm số xấu có thể hạn chế các lựa chọn của một người vào những lựa chọn kém mong muốn hơn. Và trong hoàn cảnh “zero COVID” hà khắc hiện nay, việc có một điểm số COVID xấu (do chính quyền này xác định) có thể hạn chế không cho một người đi đến cửa hàng bách hóa hoặc chợ ngoài trời để mua thực phẩm.
Đối với các doanh nghiệp, họ cũng có khen thưởng và xử phạt. Phần thưởng có thể bao gồm quyền tiếp cận với một cơ sở khách hàng lớn hơn, giảm thuế cho hành vi tốt (do chính quyền này xác định), và sự bảo chứng công khai từ Bắc Kinh. Các hình phạt có thể bao gồm thuế phạt, phí phạt, và danh sách đen.
Hệ thống đang được khai triển ở Trung Quốc kết hợp các công nghệ tân tiến như nhận dạng khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo, camera thông minh để giám sát, giải quyết dữ liệu lớn (big-data), và Internet Vạn Vật (Internet of Things) để giám sát việc tuân thủ bằng kỹ thuật số. Những công nghệ này đang được tích hợp để trợ giúp giám sát tự động và ấn định điểm tín dụng xã hội cho mọi cá nhân và doanh nghiệp trong nước.
Mặc dù việc khai triển công nghệ này ở Trung Quốc cho đến nay là từng phần, nhưng không có gì là không thể đối với các loại hành vi mà nhà nước rốt cuộc có thể theo dõi và kiểm soát theo thời gian. Quyền tư ẩn thậm chí chỉ có thể bị hạn chế thành chỉ nội trong phòng ngủ nếu những người cộng sản này được làm theo cách của mình, nhưng ngay cả điều đó cũng có thể sẽ bị tước mất trong tương lai!
Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc cũng là một công cụ kiếm tiền tiềm năng cho những người cộng sản, bởi vì các nhà độc tài trên khắp thế giới đang theo dõi việc Trung Quốc khai triển hệ thống của họ với sự ghen tị. Tốt hơn là mua một khả năng căn bản từ ĐCSTQ và điều chỉnh nó cho phù hợp với nhu cầu quốc nội hơn là xây dựng một hệ thống phức tạp tương tự ngay từ đầu.
Sự nhiệt tình của ngoại quốc đối với các hệ thống tín dụng xã hội
Sự tiến bộ của các công nghệ thông tin liên quan đến internet và các công nghệ thông tin khác đã mở ra những triển vọng mới cho những người có tư tưởng độc tài, những người tìm cách theo dõi và kiểm soát hành vi của người dân vì nhiều mục đích khác nhau. Nghệ thuật của trường phái chính trị thực dụng (không còn giới hạn trong lý thuyết mà điều gì cũng có thể) này đang được thúc đẩy trong một số lĩnh vực công nghệ: điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, học máy (machine learning), nhận dạng giọng nói, nhận dạng khuôn mặt, thiết bị thông minh, điện toán biên, và internet.
Đối với các nhà độc tài, việc theo dõi và kiểm soát cũng giống như việc rượt đuổi và vồ lấy của những loài săn mồi. Thứ đó nằm sẵn trong DNA của họ. Do đó, các chính trị gia có tư tưởng độc tài trên toàn thế giới đã theo dõi chặt chẽ những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc tích hợp các công nghệ này để đạt được một hệ thống giám sát và kiểm soát tín dụng xã hội trên toàn quốc. Một số quốc gia đang khai triển các phần của khả năng này cho mục đích sử dụng của riêng họ.
Vương quốc Anh
Tháng Mười Hai năm ngoái (2021), Thủ tướng đương thời Boris Johnson đã công bố các kế hoạch thực hiện những yếu tố đầu tiên của một hệ thống tín dụng xã hội ở Anh quốc. Ông Johnson tuyên bố: “Chương trình này sẽ giám sát chi tiêu ở siêu thị, khen thưởng cho những người giảm lượng calo nạp vào và mua nhiều trái cây và rau củ hơn. Những ai tăng cường tập thể dục bằng cách tham gia các sự kiện có tổ chức hoặc tản bộ đến trường cũng sẽ tích lũy được nhiều ‘điểm’ hơn trong ứng dụng mới này.”
Vương quốc Anh cũng đang xem xét khai triển “giấy thông hành COVID” nhằm hạn chế việc đi lại của những người chưa chích ngừa. Mặc dù kế hoạch này đã bị gác lại, song hiện tại, “đại dịch” tiếp theo có thể sẽ chứng kiến một đợt khai triển nhanh chóng yếu tố kiểm soát xã hội quan trọng này.
Đức
Hiện nay Đức vẫn chưa có kế hoạch chính thức để thực thi một hệ thống tín dụng xã hội. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chính thức đã được tiến hành để đánh giá khả năng ứng dụng của chúng đối với xã hội Đức. Theo bài báo của trang web Fully Human, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) đã công bố một nghiên cứu hồi tháng 08/2020 “đánh giá giá trị và khả năng tương thích của hệ thống tín dụng xã hội dựa trên mô hình Trung Quốc đối với nền dân chủ Đức” (nghiên cứu này có sẵn trong tiếng Đức (pdf)).
Điều đáng quan tâm là nghiên cứu này đã được thúc đẩy bởi “những động lực của biến đổi khí hậu” và “sự phân tán của những người xin tị nạn và sự hội nhập của họ vào thị trường lao động,” vốn là những vấn đề chính đối với những người theo chủ nghĩa toàn cầu có mong muốn thực hiện một nền kinh tế mệnh lệnh từ trên xuống bằng một hệ thống kiểm soát và tín dụng xã hội toàn cầu.
Ý
Như The European Union Times đã đưa tin hồi đầu năm nay, “Ý sẽ là nước đầu tiên ở EU, và ở phương Tây, khai triển một hệ thống tín dụng xã hội do chính phủ tài trợ với việc khai triển chương trình dựa trên phần thưởng mới của họ nhằm mục đích sửa đổi hành vi biến đổi khí hậu của người dân bằng cách cho điểm dựa trên sự tuân thủ của họ.”
Các nhà quan sát kỳ vọng rằng hệ thống “Chứng chỉ Xanh” cuối cùng sẽ là bắt buộc và được kết hợp với Danh tính Kỹ thuật số Âu Châu và Chứng chỉ COVID Kỹ thuật số EU để tạo thành một nền tảng căn bản cho hệ thống chấm điểm tín dụng xã hội tích hợp dành cho người Ý và công dân các nước EU khác. ID kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện giám sát và theo dõi tất cả các giao dịch kinh doanh, trong khi Chứng chỉ COVID Kỹ thuật số sẽ được sử dụng để kiểm soát các hoạt động di chuyển của công dân dựa trên tình trạng chủng ngừa.
Thụy Điển
Thụy Điển đã chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt thông qua việc khai triển rộng rãi các ứng dụng BankID và Swish cho mục đích thanh toán tức thời, cũng như sử dụng ví kỹ thuật số hoặc thẻ tín dụng để thanh toán qua điện thoại thông minh. Tất nhiên, khả năng giám sát và theo dõi tất cả các giao dịch thanh toán chỉ cách việc khai triển một hệ thống giám sát tín dụng xã hội một bước nhỏ, đặc biệt là khi kết hợp với Danh tính Kỹ thuật số Âu Châu và Chứng chỉ COVID Kỹ thuật số EU kể trên.
Canada
Vision Times đưa tin rằng, chính phủ liên bang Canada đã làm ra một tài liệu tầm nhìn có nhan đề “Tham vọng Kỹ thuật số của Canada năm 2022”, trong đó đề ra “một kế hoạch để số hóa tất cả các dịch vụ nội bộ và công cộng của chính phủ, chẳng hạn như an sinh tuổi già và cục thuế, bằng một hệ thống trí tuệ nhân tạo dựa trên đám mây.” Các yếu tố chính là khai triển ID kỹ thuật số, một loại tiền tệ kỹ thuật số, và một hệ thống giấy thông hành COVID.
Singapore
Singapore đã phát triển một trong những hệ thống theo dõi và giám sát phức tạp nhất thế giới. Theo cổng thông tin Kuanyewism của Singapore, “ví dụ rõ ràng và gây tranh cãi nhất về giám sát nhà nước ở Singapore là việc giới thiệu TraceTogether hồi năm 2020. Đây là một hệ thống kỹ thuật số được chính phủ khai triển ban đầu như một công cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực truy vết tiếp xúc, nhưng sau đó trên thực tế đã âm thầm biến thành một loại giấy thông hành vaccine và công cụ theo dõi mỗi công dân theo thời gian.” Một hệ thống tín dụng xã hội dường như sẽ có trong tương lai đối với người dân Singapore.
Hoa Kỳ
Fox Business đưa tin, các cuộc thăm dò đã cho thấy rằng Đảng Dân Chủ ủng hộ giấy thông hành COVID. Điều này đã dẫn đến việc chính phủ Tổng thống Biden “làm việc với ngành” để giúp “xây dựng giấy chứng nhận — được gọi là các tấm hộ chiếu, giấy chứng nhận sức khỏe, hoặc giấy thông hành — hiển thị bằng chứng chủng ngừa với tư cách cá nhân và doanh nghiệp.”
Các thành viên Đảng Dân Chủ (và những người khác) cũng ủng hộ việc khai triển các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) như một bước tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt (giúp chính phủ giám sát tất cả các giao dịch tiền tệ dễ dàng hơn nhiều).
Hồi tháng Ba, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh để khởi động việc nghiên cứu, thiết kế, và “các tác động xã hội” của một CBDC Hoa Kỳ. Chính phủ ông đang tìm cách khai triển một hệ thống tín dụng xã hội về môi trường-xã hội-quản trị (ESG) để buộc doanh nghiệp tuân thủ các mục tiêu xã hội của cánh tả.
Cuối cùng, câu chuyện thông đồng giữa Twitter và Đảng Dân Chủ đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về việc Đảng Dân Chủ đàn áp những người bất đồng chính kiến chính trị (và Tu chính án thứ Nhất) thông qua phiên bản Hoa Kỳ của “Vạn Lý Tường Lửa” Trung Quốc, hình thành từ Twitter, Google, Facebook, và các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ như thế nào!
Kết luận
Trung Quốc cộng sản là quốc gia đi đầu thế giới trong việc thực thi một hệ thống tín dụng xã hội toàn diện. Các động lực thúc đẩy độc tài tương tự nhằm giám sát và kiểm soát dân số đang gia tăng trên khắp thế giới, thể hiện qua việc khai triển từng phần nhiều thành phần khác nhau của hệ thống kiểm soát và tín dụng xã hội ở các quốc gia khác, cũng như việc hoàn thành các nghiên cứu và kế hoạch do chính phủ tài trợ để xem xét các khả năng trong tương lai.
Những nguyên tắc bảo vệ căn bản chống lại việc khai triển một hệ thống tín dụng xã hội do chính phủ tài trợ ở Hoa Kỳ là tổng hợp các quyền tư ẩn được thông qua thành luật trong vài thập niên qua nhằm bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân khỏi bị tiết lộ công khai và lạm dụng. Những nguyên tắc này bao gồm Đạo luật về Quyền tư ẩn năm 1974 (bảo vệ việc giải quyết thông tin cá nhân), Đề mục 5 của Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang (hạn chế đối với các công ty giải quyết dữ liệu cá nhân), Đạo luật Graham-Leach-Bliley (bảo vệ dữ liệu của các tổ chức tài chính), Đạo luật Báo cáo Tín dụng Công bằng (bảo vệ thông tin tín dụng của người tiêu dùng), và Đạo luật về Trách nhiệm giải trình và Cung cấp Thông tin Bảo hiểm y tế (HIPAA, bảo vệ thông tin sức khỏe).
Người Mỹ cần cảnh giác để bảo đảm những nguyên tắc bảo vệ này, cũng như những nguyên tắc bảo vệ được Tuyên ngôn Nhân quyền bảo đảm, không bị phá hoại bởi những kẻ độc tài trong Quốc hội và Tòa Bạch Ốc, những người vốn tìm cách áp dụng một hệ thống tín dụng xã hội kiểu Trung Quốc ở Hoa Kỳ.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times