“Hãy đạt được điều đó”: Quyền lợi và Tự do của một người Mỹ
Suy ngẫm về những di sản văn hóa của đất nước chúng ta và cách làm thế nào để truyền lại cho thế hệ trẻ.
Trong bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan”, Đội trưởng Miller và một nhóm quân đã được cử đến để tìm kiếm và đưa về một người lính dù tham gia chiến dịch D-Day, binh nhì James Ryan. Ryan có 3 người anh trai đã hy sinh trong tuần đó khi tham gia vào các cuộc giao chiến. Sau khi tìm kiếm rất lâu, cuối cùng nhóm giải cứu cũng đã xác định được vị trí của binh nhì Ryan, nhưng sau đó Ryan lại buộc phải tham gia cùng những người lính Mỹ khác để chiến đấu chống lại quân Đức. Họ đã thắng trận, nhưng chỉ còn hai người trong nhóm giải cứu Ryan sống sót.
Khi Miller hấp hối, ông đã kéo Ryan lại gần và nói thì thào về sự hy sinh của những đồng đội của mình, “ James, hãy đạt được điều đó.” Sau đó, với hơi thở cuối cùng, ông nhắc lại; “Hãy đạt được điều đó.”
Yêu cầu này cũng xưa cũ như chính đất nước chúng ta. Từ những cuốn sách, các bài phát biểu đến những lá thư do Nhóm Các Nhà Lập quốc Hoa Kỳ viết, chúng ta đều nhận biết về dòng chữ, “Hãy đạt được điều đó.” Trên các chiến trường từ Cowpens đến Antietam, từ Châuteau-Thierry đến Iwo Jima và đến tận Khe Sanh, những lời nhắn nhủ của người lính khi ngã xuống nói với chúng ta rằng, “Hãy đạt được điều đó.” Vô số những nhà phát minh, nông dân, thợ mỏ, giáo viên, và hàng triệu người khác đã chung tay định hình giấc mơ Mỹ. Nếu lại gần lắng nghe, chúng ta có thể nghe được câu, “Hãy đạt được điều đó.”
Cuộc sống, Cơ nghiệp và Danh dự thiêng liêng của chúng ta
Đã 246 năm kể từ khi Hoa Kỳ tuyên bố chính thức độc lập với Vương Quốc Anh. Tuyên bố này không giống bất kỳ một tuyên bố nào trong lịch sử nhân loại, với tính đột phá duy nhất chỉ có ở bản tuyên ngôn này là: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hóa ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Mọi người ký vào văn bản đã nguyện ước “Hiến dâng Cuộc sống, cơ nghiệp, và danh dự thiêng liêng của chúng ta.” Nói một cách khác, họ ký vào án tử khi chống lại chế độ chuyên chế.
Từ ngày trọng đại đó, nhiều người đàn ông, phụ nữ, và thậm chí cả trẻ em đã mang cùng một lời nguyện ước này trong tim. Họ là những người đã cho chúng ta “Những con sóng lúa vàng hổ phách” và nỗ lực để mang lại “Tình bằng hữu từ Đại tây dương tới Thái Bình Dương.” Từ những tấm gương yêu nước như Daniel Webster và Theodore Roosevelt đến vô số những người Mỹ đã phải đánh đổi mồ hôi, máu, và nước mắt để xây dựng đất nước này, trong thâm tâm đều biết rằng họ chính là những người thừa hưởng các quyền và sự tự do cho phép họ theo đuổi ước mơ của mình. Nền quân chủ và những kẻ độc tài có thể thống trị các quốc gia khác, nhưng tại đây, mỗi người đàn ông đều là vua và phụ nữ đều là hoàng hậu, mọi cá thể đều được quản lý bằng luật pháp, không phải bởi sự chuyên chế của những kẻ độc tài.
Bằng những lời nói và hành động, tổ tiên của chúng ta đã truyền lại cho con cháu trách nhiệm và phước lành khi sống trên mảnh đất này. Như lời của người bà nhập cư nói trong bộ phim Mỹ “Cái cây lớn lên tại Brooklyn”:
“Tại mảnh đất này, mọi người đều được tự do để có thể phát triển theo cách tốt nhất của mỗi người. Bằng cách này, trẻ con có thể có cuộc sống tốt hơn cha mẹ của các em, và đây là con đường ngay chính để mọi thứ phát triển tốt hơn.”
Di sản của tự do đã được truyền dạy từ gia đình và trường học, và được ủng hộ bởi các chính trị gia và ký giả.
Cho đến bây giờ.
Một lời cảnh tỉnh
Ngài Ronald Reagan thường đề cập đến sự mong manh của tự do và tầm quan trọng của việc gìn giữ tự do. Rất lâu trước khi đảm nhiệm chức vụ tổng thống, ông đã nêu một số nhận định trong một bài phát biểu:
“Tự do không bao giờ tồn tại quá một thế thệ. Chúng ta đã không để cho nó ngấm vào trong máu con cháu mình. Cách duy nhất để con cháu chúng ta có thể thừa hưởng được tự do như ta đã có, là chúng ta cần chiến đấu, bảo vệ, gìn giữ, và truyền lại cho con cháu mình những bài học về việc làm thế nào để chúng cũng có thể thực hiện những điều đó trong suốt cuộc đời. Nếu bạn và tôi không làm việc này, thì chúng ta có lẽ sẽ dành những năm tháng cuối đời để kể cho con cháu rằng người Mỹ đã từng được hưởng tự do như thế nào.”
Ở đây, ngài Reagan nhắc nhở chúng ta rằng chính bản thân ta phải có trách nhiệm để tiếp tục bảo vệ các quyền tự do và theo đuổi sự hạnh phúc của mình, rằng chúng ta chính là những người truyền đạt cho thế hệ trẻ về sự cảm kích và lòng biết ơn khi nhận món quà này. Trong bài diễn thuyết, ông cũng đặt ra một câu hỏi: Chúng ta có gìn giữ đức tin với những người đi trước, tôn vinh tình yêu của họ đối với “tự do và công lý cho tất cả mọi người” bằng cách truyền lại lý tưởng này cho con cái của mình không?
Nếu câu trả lời là chưa, vậy chắc chắn dịp Ngày Độc Lập là thời gian tuyệt vời để truyền đạt những điều này đến thế hệ tương lai.
Một ví dụ điển hình
Để truyền lại những lý tưởng về các quyền và sự tự do cho thế hệ trẻ, chúng ta thật sự cần bắt đầu bằng những điều cơ bản.
Trong bài viết “Ngày treo cờ biến mất dần trong trường công lập giữa các cuộc chiến văn hóa,” đăng trên Thời báo The Washington Times, ký giả Sean Salai đưa ra kết quả khảo sát không chính thức tiết lộ rằng 30% trẻ em trong độ tuổi đi học không hề biết rằng lá cờ Mỹ có 50 ngôi sao. Chỉ 45% các em tham gia khảo sát biết lá cờ đầu tiên có 13 ngôi sao, và ít hơn 20% biết rằng màu đỏ, trắng, xanh lần lượt tượng trưng cho sự dũng cảm, sự thuần khiết, và công lý. (Mặc dù tôi không dám chắc, nhưng tôi suy đoán là nhiều người lớn cũng không biết điều cuối cùng này.)
Ngày Độc Lập là thời điểm hoàn hảo để chia sẻ những kiến thức trên với thế hệ tương lai. Nếu không có đầy đủ thông tin, chúng ta có hàng trăm trang web trực tuyến để hỗ trợ.
Lấy ví dụ, một nghiên cứu về lá cờ có thể đưa chúng ta đến đất nước của mình thời xa xưa. Vậy 13 tiểu bang ban đầu là gì? Ai là Betsy Ross? Vì sao lá cờ của chúng ta có màu đỏ, trắng và xanh? Bài hát nào là bài hát về lá cờ? (Chúng ta có thể lựa chọn một trong số những bài hát, từ “The Star-Spangled Banner” đến bài hát của Johnny Cash “Ragged Old Flag”). Đâu là hai tiểu bang cuối cùng tham gia vào liên bang và có được biểu tượng ngôi sao trên lá cờ?
Trong Ngày Độc lập, chúng ta có thể treo cờ trên hiên nhà hay căn hộ, mặc dù hiện nay như ký giả Salai đã chỉ ra, một số người xem điều đó như “biểu tượng gây tranh cãi.”
Dạy cho trẻ em về sự thật
Chúng ta học càng nhiều những tài liệu cốt lõi về đất nước – như Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp, những phán quyết của tòa án tối cao, càng nghiên cứu nhiều những câu chuyện đằng sau các tài liệu, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng nền dân chủ rất lộn xộn. Chúng ta học, ví dụ như, về luật Jim Crow – điều luật đưa người da đen trở thành tầng lớp xã hội thứ 2, về việc những công dân Nhật Bản bị giam giữ trong Đệ nhị Thế chiến; hoặc về sự dối trá của chính phủ đối với những người Mỹ bản địa. Gần đây hơn nữa, nhiều người thuộc chính phủ và chủ tịch tập đoàn đã gặp rắc rối khi bị vướng vào Đảng cộng sản Trung Quốc, trong một số trường hợp là việc tiếp tay cho chính sách lao động cưỡng bức.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những lỗi lầm này, chúng ta có thể học được rằng, sau nhiều năm, Hoa Kỳ đã cho thấy khả năng tự sửa đổi khi đi sai hướng. Tự nhận ra lỗi sai là một năng lực bẩm sinh trong nền cộng hòa như của chúng ta.
Nhưng dạy về lịch sử chỉ là một nửa của cuộc chiến.
Mỗi ngày đều trở thành Ngày Độc Lập
Điều quan trọng không kém là chúng ta cần thể hiện cho thế hệ trẻ hiểu ý nghĩa của việc sống như một người Mỹ. Họ phải hiểu được sự quan trọng của việc biểu quyết và đưa ra các lập luận trong một cuộc tranh biện công khai. Họ cần bác bỏ những tư tưởng phi Mỹ. Họ cần xem cách cha mẹ thực hiện các công việc trong gia đình, đi làm và tham gia hoạt động tình nguyện cho cộng đồng như thế nào. Họ cần phản đối lại những chính trị gia hứa đánh đổi lợi ích bằng việc hy sinh sự tự do.
Nói chung, thế hệ trẻ cần học để suy nghĩ và cư xử như một người Mỹ.
Linh Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times