‘Hãy cho tôi một con đường sống’: Nữ nhà văn Trung Quốc khẩn nài được mua thuốc và thực phẩm
Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp zero COVID nghiêm ngặt, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc vào thời điểm hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đang học cách sống chung với virus.
Một nhà văn kiêm nhà hoạt động xã hội 62 tuổi người Trung Quốc, người sống dựa vào thuốc chữa bệnh thận, đã cạn kiệt thuốc men và thức ăn. Bị giam hãm trong nhà vì các biện pháp cách ly COVID, bà đã đăng một lá thư cầu cứu lên mạng, van nài được phép ra khỏi nhà mua thực phẩm và thuốc men.
Bà Phạm Yến Quỳnh (Fan Yanqiong) sống một mình ở quận Thương Sơn thuộc thành phố Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến miền đông nam Trung Quốc. Theo hãng truyền thông nhà nước Phúc Châu Tân Văn, hôm 28/10, chính quyền Phúc Châu đã áp đặt một đợt phong tỏa trên quy mô toàn thành phố, ra lệnh cho các quan chức “gõ cửa từng nhà” để bảo đảm rằng toàn bộ người dân đều phải làm xét nghiệm PCR.
Mã sức khỏe đổi màu sau khi lên tiếng
Ở Trung Quốc, người dân được yêu cầu tải xuống một ứng dụng trên điện thoại thông minh, hiển thị mã màu xanh lá cây, vàng, hoặc đỏ. Mã màu xanh lá cây cho phép người dân đi lại tự do. Mã màu vàng cho phép di chuyển trong khu dân cư, trong khi cư dân có mã màu đỏ bị nghiêm cấm rời khỏi nơi cư trú của mình.
Mã sức khỏe của bà Phạm đã được cơ quan phòng chống và kiểm soát đại dịch địa phương chuyển sang màu vàng sau khi bà từ chối làm xét nghiệm PCR mà chính quyền yêu cầu. Bà ấy đã từ chối làm xét nghiệm PCR do tình trạng sức khỏe của bà không đủ để đáp ứng — bà bị bệnh thận và hiếm khi ra ngoài mua sắm, do đó ít tiếp xúc với mọi người.
Ngoài ra, bà nghi ngờ rằng mã đã bị chuyển đổi sau khi bà gọi đến đường dây nóng của thành phố để yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 19/11, bà Phạm nói rằng bà đã gọi đến số điện thoại đường dây nóng của thành phố yêu cầu chính quyền dừng xét nghiệm PCR hàng loạt và dỡ bỏ phong tỏa. Vì cuộc phong tỏa đã khiến con gái bà không thể tiếp tế đồ cho bà cũng như đình chỉ mọi dịch vụ chuyển phát nhanh, vậy nên bà không thể nhận được thực phẩm và những loại thuốc điều trị thận có tầm quan trọng sống còn [đối với bà].
Bà Phạm đã gọi đến đường dây nóng hôm 06/11. Ngay sau đó, bà không khỏi bàng hoàng khi mã sức khỏe của bà bị chuyển sang màu vàng.
Dẫn lời chuyên gia chính phủ cũng vô dụng
Khi bà Phạm gọi đến đường dây nóng, bà dẫn lời chuyên gia y tế Trung Quốc Vương Phúc Sinh (Wang Fusheng), người nói rằng COVID là một “căn bệnh tự giới hạn”, một căn bệnh có xu hướng tự khỏi mà không cần điều trị.
Ông Vương, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và là một viện sĩ tại Học viện Khoa học Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo hồi tháng 02/2020.
“Nếu những bệnh nhân có các triệu chứng COVID nhẹ có thể chất tốt, nghỉ ngơi đầy đủ, giữ cho tinh thần vui vẻ, và ăn uống hợp lý thì sau khi khởi phát, hệ thống miễn dịch của con người nhìn chung sẽ phát huy lợi thế, và họ có thể dần hồi phục,” ông Vương cho biết, đáp lại câu hỏi của một phóng viên Trung Quốc về các bệnh tự giới hạn.
Hôm 09/11, công an và các nhân viên chính quyền đã tập trung trước nơi ở của bà Phạm, cảnh báo rằng bà sẽ “bị truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu không làm xét nghiệm PCR.”
Tùy tiện thi hành luật pháp
Trường hợp này minh họa điều mà bộ ngoại giao Hoa Kỳ gọi là bản chất “tùy tiện” trong các quy định zero COVID của Trung Quốc — các quy định mà chính quyền Trung Quốc nói là “dựa trên khoa học.”
Nếu bà có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID, bà Phạm sẽ bị cách ly ở nhà trong mười bốn ngày. Mặc dù không làm xét nghiệm PCR, bà đã bị cách ly ở nhà lâu hơn nhiều so với thời gian cách ly bắt buộc.
Nếu bà ra ngoài để làm xét nghiệm PCR, bà Phạm sẽ đứng xếp hàng cùng một đám đông chật ních với hàng ngàn người chờ xét nghiệm, khiến bà dễ bị nhiễm virus hơn rất nhiều.
Lên mạng cầu cứu
Dường như bà Phạm sẽ tiếp tục bị cách ly ở nhà cho đến khi bà ấy chịu đầu hàng số phận và nộp kết quả xét nghiệm PCR.
Bà Phạm đã đăng lời cầu cứu lên mạng.
“Tôi đã bị nhốt ở nhà hơn nửa tháng,” bà viết hôm 19/11, “Từ hôm 28/10 đến nay, không còn thức ăn hay thuốc men. Tôi cần ra ngoài để đi mua thuốc gấp. Xin hãy chuyển ngay mã sức khỏe của tôi từ vàng sang xanh và cho tôi một con đường sống.”
Những cuộc gọi của The Epoch Times đến cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Phúc Châu đã không được hồi đáp.
Hôm 21/11, ủy ban y tế thành phố Phúc Châu đã báo cáo 22 ca nhiễm COVID mới ở thành phố hơn 38 triệu cư dân này.
Thẳng thắn chỉ trích chính quyền Trung Quốc
Theo tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, bà Phạm bắt đầu xuất bản các bài báo vào năm 1978, đến năm 1980, bà trở thành một thành viên chính thức của Hiệp hội Văn học và Nghệ thuật Nam Bình của tỉnh Phúc Kiến. Bà đã tích cực vận động cho quyền lợi hợp pháp của dân oan từ năm 1985 sau khi ngôi nhà của mẹ bà bị cưỡng chế phá dỡ.
Bà đã bị kết án hai năm tù vào năm 2010 sau khi công khai vụ án về cô Nghiêm Hiểu Linh (Yan Xiaoling), người bị những người đàn ông được cho là có mối quan hệ với công an địa phương hãm hiếp và sát hại.
Năm 2011, tổ chức Human Rights Watch đã thay mặt cô Nghiêm trao cho bà Phạm giải thưởng Hellman/Hammett vì hành động trên của bà.
Nạn nhân của sơ suất y tế
Nói chuyện với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 19/11, bà Phạm cho biết sức khỏe của bà đã bị hủy hoại vĩnh viễn do sơ suất y tế vào năm 2015.
Sau khi nhập viện vì đau lưng hồi tháng 06/2015, bà Phạm tin rằng bà sẽ được chụp động mạch, một kỹ thuật kiểm tra hình ảnh thận. Thay vào đó, bà ấy nói, bà đã được phẫu thuật mà không có sự đồng ý của mình. Bác sĩ đã đặt một stent thận được sản xuất bất hợp pháp vào thận của bà. Giá đỡ stent này sau đó đã bị hư hỏng, tạo thành tổn thương không thể chữa lành cho thận của bà.
Mặc dù một tòa án ủng hộ bà Phạm nhưng bà vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ bệnh viện hoặc nhà sản xuất loại stent nói trên. Kể từ đợt phẫu thuật đó, ngày nào bà cũng phải dùng đến thuốc.
The Epoch Times không thể kiểm chứng tính xác thực của giấy cam kết này.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Hi
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times