Hành động tạm dừng phê chuẩn các dự án xuất cảng LNG của TT Biden khiến ngành dầu khí Mỹ chỉ trích gay gắt
Các nhà hoạt động khí hậu cho rằng đây là một chiến thắng cho các gia đình Mỹ.
Hôm 26/01, Tổng thống (TT) Joe Biden và chính phủ của ông đã gây ấn tượng với các nhà hoạt động khí hậu, đồng thời khiến cựu Tổng thống Donald Trump và ngành năng lượng khó chịu khi tuyên bố tạm dừng phê chuẩn các dự án xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang chờ giấy phép cũng như các dự án trong tương lai.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc muốn bắt tay vào tiến hành một đợt đánh giá kéo dài nhiều tháng về tác động kinh tế và môi trường của các chuyến hàng LNG. Quyết định này đã trở thành một vấn đề chính trị nóng hổi trước chiến dịch bầu cử năm 2024, với việc cựu TT Trump hứa sẽ chấp thuận các dự án mới vào “ngày đầu tiên trở lại” và ngành dầu khí cảnh báo về hậu quả của hành động dừng phê chuẩn này.
Kinh tế đằng sau việc xuất cảng LNG
Kể từ khi thông báo này được đưa ra, đã có sự khác biệt trong phản ứng của các lãnh đạo ngành năng lượng và các tổ chức khí hậu.
Các lãnh đạo ngành năng lượng cho biết việc Tòa Bạch Ốc đình chỉ phê chuẩn giấy phép cho các dự án LNG mới mang lại lợi ích cho các địch thủ của Mỹ và gây tổn hại đến việc làm của Hoa Kỳ, các đồng minh của quốc gia cũng như những tiến bộ quốc tế trong vấn đề khí hậu.
Ông Mike Sommers, Giám đốc điều hành của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết trong một tuyên bố: “Chẳng cần phải đánh giá để hiểu được lợi ích rõ ràng của LNG Mỹ trong việc ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, trợ giúp cho hàng ngàn việc làm của người Mỹ, và làm giảm khí thải trên toàn thế giới bằng cách chuyển đổi các quốc gia sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Hành động này không gì khác hơn là một sự thất hứa với các đồng minh của Hoa Kỳ và đã đến lúc chính phủ này ngừng chơi trò chính trị với an ninh năng lượng toàn cầu.”
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, châu Âu đã chuyển sang nhờ Hoa Kỳ hỗ trợ việc loại bỏ sự phụ thuộc vào Moscow. Năm 2022, Hoa Kỳ xuất cảng khoảng 800 chuyến hàng LNG sang châu Âu, tăng 141% so với năm trước.
Cho đến nay, châu Âu đã có thể ngăn chặn tình trạng thiếu hụt mùa đông trong hai năm liên tiếp nhờ sự kết hợp của lượng nhập cảng lớn và nhiệt độ ôn hòa. Tuy nhiên, theo phân tích gần đây của Rystad Energy, lục địa này vẫn có thể gặp khó khăn với tình trạng thiếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trong những thập niên tới.
Nhưng trong khi các chuyên gia cảnh báo rằng quyết định vì biến đổi khí hậu gần đây có thể buộc Hoa Kỳ không thực hiện được lời hứa vận chuyển khoảng 5 tỷ feet khối (khoảng 141.5 triệu mét khối) khí đốt mỗi ngày cho đến năm 2030, thì những người khác lại cho rằng việc hạn chế xuất cảng LNG có thể giúp ích cho các gia đình Mỹ.
Ông Tyson Slocum, giám đốc chương trình năng lượng của Public Citizen, lập luận rằng hành động của chính phủ không ảnh hưởng đến nguồn cung hiện tại và có thể là một chiến thắng cho các gia đình trên toàn quốc.
“Việc trao lợi nhuận bất ngờ cho các đại công ty dầu (Big Oil) trong khi các gia đình Mỹ đang phải chật vật để thanh toán các hóa đơn năng lượng của họ không có lợi cho công chúng,” ông Slocum nói. “Hành động của Tổng thống Biden hôm nay đánh dấu bước đầu tiên hướng tới việc bảo đảm các gia đình Mỹ được bảo vệ trước gánh nặng năng lượng cao hơn do xuất cảng kỷ lục gây ra.”
API không đồng ý, lưu ý rằng vào năm ngoái (2023), xuất cảng LNG của Hoa Kỳ đã tăng vọt lên mức cao chưa từng có, sản lượng trong nước tăng lên mức kỷ lục, và giá trong nước giảm hơn 60%.
Năm ngoái, sản lượng khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ là khoảng 100 tỷ feet khối (khoảng 2.83 tỷ mét khối) mỗi ngày. Điều đó đã giúp đất nước vượt qua đợt lạnh kỷ lục hồi tháng Một. Dữ liệu lưu trữ gần đây từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ đã đạt tổng cộng 2.856 ngàn tỷ feet khối (khoảng 80.8 tỷ mét khối) trong tuần kết thúc hôm 19/01. Con số này cao hơn 110 tỷ feet khối (3.11 tỷ mét khối) so với cùng thời kỳ năm trước và cao hơn 142 tỷ feet khối (4.02 tỷ mét khối) so với mức trung bình năm năm.
Giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn tháng Ba đã giảm gần 10% từ đầu năm đến nay, giao dịch ở mức khoảng 2.10 USD/một triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU) trên Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX).
Về môi trường
Sau thông báo của chính phủ TT Biden, Câu lạc bộ Sierra đã ăn mừng tin này khi các nhà hoạt động công bằng về khí hậu và môi trường gọi đây là một “chiến thắng to lớn.”
Bà Cathy Collentine, phó giám đốc chiến dịch Beyond Dirty Fuels của Sierra Club, cho biết trong một tuyên bố: “Tại thời điểm xuất cảng đạt kỷ lục, bên cạnh việc gây ô nhiễm cộng đồng và khiến cho cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn, các dự án này đang đẩy chi phí năng lượng tại quê nhà của chúng ta lên cao.”
Những người ủng hộ ngành khẳng định rằng khí đốt tự nhiên là nhiên liệu cầu nối với năng lượng sạch vì LNG có thể trợ giúp cho các nỗ lực quốc gia và trên toàn thế giới nhằm giảm lượng khí thải cho đến khi quang năng và phong năng chiếm tỷ trọng đáng kể hơn trong lưới điện. Dữ liệu của Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng cho thấy khí đốt tự nhiên thải ra ít hơn 30% so với dầu thô và ít chất gây ô nhiễm hơn trên mỗi đơn vị.
Ngày nay, ở Hoa Kỳ, 40% sản lượng điện được sản xuất từ khí đốt tự nhiên. Để so sánh, quang năng và phong năng lần lượt chiếm 10.3% và 3.4% lưới điện.
Ngoài ra, ông Rob Thummel, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Tortoise, cho biết, nếu Hoa Kỳ không vận chuyển thêm LNG, thì các quốc gia khác có thể tăng cường xu hướng quay trở lại với việc tiêu thụ than của họ.
“Xuất cảng LNG của Hoa Kỳ giúp giảm lượng khí thải carbon toàn cầu vì khí đốt tự nhiên thường thay thế than để tạo ra điện ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ,” ông cho biết trong một ghi chú. “Xuất cảng LNG của Hoa Kỳ cải thiện an ninh năng lượng toàn cầu khi khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ đang trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính của châu Âu thay thế cho Nga.”
Vào năm 2022 và 2023, các quốc gia khắp nơi đều tăng tốc sản xuất than, dẫn đến giá than cao kỷ lục.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 1.4% trong năm nay và không dự kiến nhu cầu sẽ giảm cho đến năm 2026. Để so sánh, nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu ước tính sẽ tăng gần 3% vào năm 2024.
Nhóm này dự đoán châu Á sẽ chiếm phần lớn lượng tiêu thụ than trên toàn thế giới.
“Báo cáo cho thấy sự chuyển dịch nhu cầu và sản xuất than sang châu Á đang tăng tốc. Năm nay, Trung Quốc, Ấn Độ, và Đông Nam Á dự kiến sẽ chiếm ¾ lượng tiêu thụ toàn cầu, tăng từ mức chỉ khoảng ¼ vào năm 1990,” IEA cho biết trong báo cáo. “Mức tiêu dùng ở Đông Nam Á dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu vào năm 2023.”
Ông Keisuke Sadamori, giám đốc thị trường năng lượng và an ninh của IEA, cho biết than có thể sớm phải đối mặt với “một bước ngoặt”, nhưng tốc độ áp dụng năng lượng tái tạo của các quốc gia Á Châu “sẽ quyết định điều gì xảy ra tiếp theo.”
Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác đang thúc đẩy các quốc gia Á Châu áp dụng nhiều năng lượng xanh hơn.
Ví dụ: vào tháng 11/2022, các nước G7 đã chuyển 20 tỷ USD đến Indonesia như một phần của thỏa thuận tài trợ khí hậu. Số tiền này khuyến khích Jakarta từ bỏ năng lượng than và chuyển sang năng lượng tái tạo.
‘Cái tát vào mặt’
Theo ông Phil Flynn, chiến lược gia năng lượng tại The Price Futures Group, cuối cùng, quyết định của chính phủ TT Biden là một “cái tát vào mặt” đối với ngành năng lượng Hoa Kỳ.
“Chính phủ Tổng thống Biden đang nhượng bộ các nhóm như Câu lạc bộ Sierra và các nhà tài trợ chính trị xanh lớn trong việc tạm dừng phê chuẩn các dự án xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới,” ông Flynn nêu rõ trong một ghi chú phân tích. ”Đây là một cái tát nữa vào ngành năng lượng Hoa Kỳ.”
“Hành động này là thiển cận và sẽ gây tổn hại cho ngành công nghiệp dầu khí của Hoa Kỳ, đồng thời có thể khiến nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn phá sản, những người đã nhân cơ hội này và giữ ấm cho Mỹ trong cơn lốc vùng cực gần đây. Bởi vì khi tình hình trở nên khó khăn, thì ngành dầu khí Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển.”
Cựu Phó Tổng thống Al Gore viết trên X rằng hành động này gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo thế giới rằng Tổng thống Biden đang thực hiện “cam kết COP28 một cách nghiêm túc.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times