‘Hàng triệu gia đình tan nát’: Nhiều người kêu gọi Canberra yêu cầu ĐCSTQ thả các tù nhân lương tâm
Công dân Úc Lưu Lợi cho biết: ‘Trong 25 năm qua, đại gia đình của tôi chưa bao giờ được đoàn tụ.’
Công dân Úc Lưu Lợi (Liu Li) không thể nhớ lần cuối các thành viên trong gia đình cô được đoàn tụ bên nhau là khi nào.
Năm 1999, mẹ của cô Lưu, bà Lý Ngọc Hoa (Li Yuhua), đã bị bắt khi bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tự do tín ngưỡng của mình.
Cảnh sát đã bắt giữ người phụ nữ 60 tuổi này, đánh bà bằng dùi cui điện và trói bà trên ghế hổ trong ba ngày.
Ghế hổ là một phương pháp tra tấn từng được sử dụng trong lịch sử ở Trung Quốc, trong đó một người bị trói trong tư thế ngồi với hai chân duỗi thẳng ra phía trước và bị buộc chặt bằng nhiều dây thừng hoặc dây đai. Sau đó, các vật nặng như gạch được xếp chồng lên nhau dưới chân nạn nhân để tạo áp lực lên đầu gối của họ cho đến khi dây bị đứt.
Phương pháp tra tấn này đã được áp dụng rộng rãi đối với các học viên môn tu luyện thiền định ôn hòa Pháp Luân Công, môn tu luyện đã và đang chịu đựng cuộc đàn áp kéo dài 25 năm dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một gia đình bị áp bức
Một năm sau, chị của cô Lưu, cô Lưu Xuân Hà (Liu Chunxia), đã trở thành mục tiêu. Sau khi bị sa thải bất hợp pháp và bị đưa vào một trung tâm tẩy não, cô Xuân Hà cuối cùng đã trốn thoát được, nhưng để tránh không bị bắt giữ thêm lần nữa cô buộc phải chịu cảnh lưu lạc nay đây mai đó.
Năm 2002, cô Xuân Hà lại bị bắt và bị kết án 5 năm tù dù không có tội gì. Vì cô từ chối mặc đồng phục tù nhân nên lính canh đã lột bỏ y phục của cô và ép cô đứng trơ trụi ở bên ngoài, chịu đựng sự khắc nghiệt của mùa đông Thiểm Tây.
Trong khi đó, chồng của cô Lưu, anh Cổ Diệp (Jia Ye), bị kết án tám năm tù vào năm 2008. Để thoát khỏi cuộc đàn áp, anh bị buộc phải sống lang thang trong sáu năm. Con trai của cô Lưu, năm nay tròn 25 tuổi, đã không được gặp mặt cha từ khi ba tuổi.
Trong thời gian này, vì quá chấn động và tổn thương trước những khổ nạn mà gia đình ông phải chịu, cha của cô Lưu đã bị mất ngủ kinh niên. Ông thường gặp ác mộng về việc thân nhân của mình bị bắt và mỗi khi nghe thấy tiếng gõ cửa hoặc tiếng chuông điện thoại là ông sẽ hốt hoảng giật mình. Tháng 02/2010, ông đột ngột qua đời.
“Trong 25 năm qua, đại gia đình của tôi chưa bao giờ được đoàn tụ,” cô Lưu nói trong bài diễn thuyết trước Nghị viện Úc ở Canberra vào cuối tháng Ba.
“Những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời họ đã bị lãng phí trong tù.”
“Có hàng triệu gia đình đang phải chịu cảnh nhà tan cửa nát trong cuộc đàn áp này, giống như gia đình chúng tôi.”
“Hôm nay tôi có thể đứng trên vùng đất tự do của nước Úc này, để lên tiếng thay cho những người không thể lên tiếng được.”
Lời kêu gọi hành động gửi tới Canberra
Cô Lưu, người đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2012, là một trong bảy công dân Úc đang cố gắng kêu gọi sự ủng hộ để giải cứu những người thân yêu của mình khỏi cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.
Ở Canberra, cô Lưu đã cùng khoảng 100 học viên Pháp Luân Công khác tham gia một cuộc mít-tinh trước Tòa nhà Nghị viện.
Họ kêu gọi chính phủ Úc yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt cuộc đàn áp và trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, đặc biệt là người thân của các công dân và cư dân Úc.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện bắt nguồn từ nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, có lịch sử rất xa xưa. Môn tu luyện này tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Vào những năm 1990, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Pháp Luân Công đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Trung Quốc do những lợi ích về sức khỏe và tinh thần mà môn tập này mang lại.
Vì lo sợ rằng sự phổ biến của Pháp Luân Công sẽ đe dọa đến quyền lực của mình và hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ, nên vào ngày 20/07/1999, lãnh đạo Đảng khi đó là ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh xóa sổ pháp môn này.
Nhà cầm quyền cộng sản cũng sử dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ của mình để phát hành các tài liệu phỉ báng môn tu luyện, đồng thời sử dụng các ưu đãi tài chính và lợi ích ngoại giao để gây áp lực buộc các tổ chức, cơ quan truyền thông, và chính phủ ngoại quốc tuân theo đường lối của đảng.
Một sự khác biệt trong cách đề cập
Trong khi chính phủ Úc đang tìm cách nối lại hợp tác thương mại với Trung Quốc, thì Đảng Lao Động cũng trấn an rằng điều này sẽ không ngăn cản chính phủ nêu lên những lo ngại về nhân quyền với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hôm 20/03, cơ quan của Ngoại trưởng Penny Wong đã không thể xác nhận liệu vấn đề này có được nêu lên với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Bắc Kinh, người đang có chuyến thăm tới Úc, hay không, mặc dù bộ có khẳng định rằng các vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông đã được nêu lên.
Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cho biết:
“Chính phủ Úc lo ngại sâu sắc rằng các tôn giáo và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công, vẫn không ngừng bị nhắm đến vì đức tin của họ và đã nêu lên những lo ngại này với Trung Quốc,” một phát ngôn viên viết trong thư điện tử gửi tới The Epoch Times.
“Ngoại trưởng đã bày tỏ mối lo ngại của chính phủ Úc về quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc với Ngoại trưởng Vương Nghị, trong phiên Đối thoại Chiến lược và Ngoại giao Úc-Trung vào ngày 20/03/2024.”
Giáo sư Lucy Triệu (Lucy Zhao) là giảng viên tại Đại học Công nghệ Sydney, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc.
Cô cho biết cô “lo ngại sâu sắc” rằng trường hợp của Pháp Luân Công không được đề cập với đại diện của ĐCSTQ.
Cô nói: “Nếu cuộc đàn áp Pháp Luân Công không được đề cập đến và giải quyết thì sẽ không có giải pháp thực sự nào để cải thiện nhân quyền một cách thực sự ở Trung Quốc.”
“Chúng tôi hy vọng Nghị viện Úc có thể thông qua kiến nghị công khai kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, đặc biệt là thân nhân của các công dân và cư dân Úc.”
Sự tự do của ký giả Thành Lôi thắp lên tia hy vọng
Trong khi đó, một công dân Úc khác, cô Trang Vĩ (Zhuang Wei), có chồng bị giam giữ và tra tấn trái phép ở Trung Quốc, cho biết việc ký giả Úc Thành Lôi (Cheng Lei) được trả tự do đã mang lại cho cô hy vọng.
Cô cho biết chồng cô, một học viên Pháp Luân Công, đã bị “lôi đến đồn công an và bị cưỡng bức lấy máu xét nghiệm,” điều này khiến cô lo sợ rằng “bất chợt một ngày nào đó anh ấy sẽ bị thu hoạch nội tạng và tôi sẽ không bao giờ có thể gặp lại anh ấy một lần nữa.”
“Tuy nhiên, khi tôi chứng kiến cách chính phủ Úc và Ngoại trưởng Penny Wong chủ động giải cứu cô Thành Lôi với niềm tin rằng ‘Người Úc muốn mọi người mẹ đều được đoàn tụ với gia đình,’ thì trái tim tôi bừng lên hy vọng,” cô Trang nói trong bài diễn văn của mình tại cuộc mít-tinh.
Thanh Nhã và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times