Hoa Kỳ và Nhật Bản công bố sự nâng cấp quan trọng trong liên minh hai nước để ‘cô lập Trung Quốc’
Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng thuận tăng cường hơn nữa mối liên kết này trên nhiều chủ đề, trong đó có vấn đề quốc phòng và an ninh.
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 10/04, Tổng thống Joe Biden đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Tòa Bạch Ốc để dự một hội nghị thượng đỉnh song phương, mô tả diễn biến này là “sự nâng cấp quan trọng nhất” trong liên minh hai nước kể từ khi thành lập.
“Liên minh giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ là nền tảng của hòa bình, an ninh, và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Liên minh của chúng ta thực sự là một mối quan hệ đối tác toàn cầu,” Tổng thống Biden nói khi chào đón ông Kishida và phu nhân trong một buổi lễ đón tiếp chính thức.
“Giờ đây, hai nước chúng ta đang xây dựng một mối liên kết đối tác quốc phòng bền chặt hơn và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hùng mạnh hơn bao giờ hết.”
Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida đã gặp nhau hơn chục lần ở nhiều cương vị khác nhau. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đánh giá hội nghị thượng đỉnh lần mới nhất này giữa hai nhà lãnh đạo là tham vọng nhất từ trước đến nay, với 70 nội dung có thể đạt được, con số cao nhất được đặt ra cho một cuộc họp mang ý nghĩa như vậy.
Hai nhà lãnh đạo đồng thuận tăng cường hơn nữa mối liên kết này trên nhiều chủ đề, trong đó có vấn đề quốc phòng và an ninh, không gian, an ninh kinh tế, ngoại giao toàn cầu, và biến đổi khí hậu, với mục tiêu chống lại Trung Quốc.
Sau lễ tiếp đón chính thức tại Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc, hai nhà lãnh đạo đã tổ chức một cuộc họp song phương, sau đó là một cuộc họp báo chung.
“Chúng ta đang hiện đại hóa các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát, đồng thời chúng ta đang tăng cường khả năng cùng tác chiến và trù bị cho quân đội của chúng ta để họ có thể làm việc cùng nhau một cách suôn sẻ và hiệu quả,” Tổng thống Biden nói với các phóng viên.
Theo Tòa Bạch Ốc, lần đầu tiên, Hoa Kỳ sẽ thay đổi cơ cấu lực lượng của mình tại Nhật Bản để tối đa hóa các hoạt động chung về năng suất, năng lực vũ khí, và hiệu suất tổng hợp. Hoa Kỳ cũng sẽ thành lập một hội đồng công nghiệp-quân sự để đánh giá xem nơi nào có thể hợp tác sản xuất vũ khí phòng thủ.
Năng lực và sức mạnh ngành [quân sự] của Nhật Bản, vốn đã không được phát triển kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến, cuối cùng sẽ được mở ra trở lại trong một liên minh song phương giúp khắc phục những gì mà Hoa Kỳ coi là một điểm yếu chiến lược về phạm vi năng lực sản xuất quốc phòng của Nhật Bản.
Tổng thống Biden khẳng định Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Úc để tạo ra hệ thống mạng lưới phi đạn phòng không và kiến trúc phòng thủ, cũng như tiến hành một cuộc tập trận quân sự ba bên với Vương quốc Anh.
Ông nói rằng Hoa Kỳ và các đối tác AUKUS của họ đang “khám phá” cách Nhật Bản có thể tham gia công việc của họ” trong một trụ cột thứ hai, tập trung vào các năng lực vũ khí tân tiến bao gồm AI, hệ thống tự động.” Tuy nhiên, chưa có con đường nào được xác nhận để có được sự hợp tác đầy đủ.
Ông Kishida và phu nhân đã được chào đón bằng một buổi lễ chính thức tại Bãi cỏ phía Nam, với sự góp mặt của một số quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và Nhật Bản, các đội quân nhạc, và những hàng quốc kỳ của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida sẽ ở lại Hoa Thịnh Đốn để tham dự một hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 11/04.
Với cuộc gặp ba bên đầu tiên của ba nhà lãnh đạo này, Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ đang tìm cách bảo đảm cho “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, và thịnh vượng.”
Chuyến công du của ông Marcos đến Hoa Thịnh Đốn và hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh đang gia tăng áp lực lên Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ba nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ thảo luận về các hành động khiêu khích đang gia tăng của chính quyền Trung Quốc trong khu vực.
‘Lật ngược tình thế và cô lập Trung Quốc’
Trong một cuộc gọi với các phóng viên hôm 09/04, các quan chức chính phủ cấp cao đã chỉ trích biện pháp và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong việc cô lập Philippines và Nhật Bản khi căng thẳng trong khu vực gia tăng.
“Ý tưởng chuyển sang cấu trúc đa phương giống như mạng lưới là nhằm lật ngược tình thế và cô lập Trung Quốc,” một quan chức đã nói.
Một quan chức chính phủ cấp cao khác nói rằng sự phát triển của Nhật Bản được xem là “sự công nhận căn bản” cho chiến lược của Tổng thống Biden nhằm nâng cao vai trò của các đối tác và đồng minh để bảo vệ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở.
Ông Kishida cho biết tại hội nghị: “Chúng tôi xác nhận rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ kiên quyết bảo vệ và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ và rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ với tư cách là đối tác toàn cầu sẽ hợp tác cùng nhau vì mục đích đó.”
Tuy nhiên, Tổng thống Biden nói rõ rằng liên minh được nâng cấp với Nhật Bản có “tính chất phòng thủ,” và “đơn thuần chỉ là phòng thủ và tư thế sẵn sàng.”
“Điều này không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào hay mối đe dọa nào đối với khu vực. Và điều này không liên quan gì đến xung đột,” Tổng thống nói.
Ông Kishida nói rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với Trung Quốc và hợp tác giải quyết các thách thức chung, đồng thời cả ông và Tổng thống Biden đều nhận thấy tầm quan trọng của việc duy trì việc đối thoại đó. Thủ tướng cũng cho biết ông kỳ vọng vào Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục kêu gọi Trung Quốc hoàn thành trách nhiệm của mình ở vị thế là một cường quốc.”
Hôm 07/04, Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng với Philippines và Úc đã tham gia một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết rằng trong ba năm qua, Nhật Bản đã phát triển từ một quốc gia mà Hoa Kỳ xem là một đồng minh quan trọng trong khu vực trở thành một trong những đồng minh toàn cầu quan trọng nhất của mình. Họ ca ngợi những nỗ lực của quốc đảo này để vượt qua quá trình phát triển cần thiết đó.
Những nỗ lực đó bao gồm thay đổi các chính sách vốn đã có hiệu lực trong 70 năm qua, chẳng hạn như tăng chi tiêu quốc phòng từ 1% lên 2% GDP (đưa nước này vào con đường trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba trên thế giới), mua vũ khí phản công, dỡ bỏ giới hạn xuất cảng kỹ thuật quốc phòng, và ủng hộ mối bang giao của Hoa Kỳ với Nam Hàn. Mối bang giao của Nhật Bản với Nga cũng xấu đi kể từ khi Nhật Bản ủng hộ Kyiv khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
“Ở bất cứ nơi nào mà mục đích của Mỹ bị thách thức, thì Nhật Bản luôn ở bên cạnh chúng ta,” một quan chức chính phủ cấp cao nói.
Trong cuộc họp báo, cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định họ tiếp tục đồng thuận trong một số vấn đề quốc tế, như cuộc chiến của Nga ở Ukraine, sự cần thiết để có một cuộc ngừng bắn ở Gaza, và giải pháp hai quốc gia giữa Israel và Palestine, cũng như cơ hội giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu trong tương lai.
Tổng thống Biden cũng cho biết Hoa Kỳ hoan nghênh Nhật Bản và các đồng minh khác để bắt đầu đối thoại với Bắc Hàn.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ cấp cao lưu ý rằng mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản vượt xa vấn đề sức mạnh quân sự. Cả hai bên tiếp tục nỗ lực tăng cường sự liên kết trong lĩnh vực công nghệ, khai thác, và đầu tư thương mại.
Tổng thống Biden ca ngợi vị thế của Nhật Bản là nhà đầu tư ngoại quốc hàng đầu tại Hoa Kỳ, với gần 1 triệu người Mỹ làm việc cho các công ty Nhật Bản, và rằng Hoa Kỳ là nhà đầu tư ngoại quốc hàng đầu tại Nhật Bản.
Nhật Bản tiếp tục là một trong những đối tác mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực thám hiểm không gian, với năm thỏa thuận không gian khác nhau đã được ký kết thông qua NASA và JAXA, kể cả Trạm Không gian Quốc tế. Trong cuộc họp báo, hai nhà lãnh đạo xác nhận rằng người đầu tiên không phải người Mỹ đặt chân lên mặt trăng sẽ là một phi hành gia người Nhật Bản, người sẽ đảm nhận một trong hai ghế có được trong các sứ mệnh mặt trăng sắp tới của Artemis.
Sự hợp tác sâu rộng hơn về học thuật cũng đã được công bố. Chẳng hạn như, ở cấp đại học, Đại học Carnegie Mellon và Đại học Keio ở Tokyo sẽ tham gia vào nghiên cứu chung về AI, do một số công ty Nhật Bản và Microsoft tài trợ. Cũng sẽ có 12 triệu USD học bổng được công bố để tài trợ cho hoạt động trao đổi xuyên Thái Bình Dương dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của cả hai nước.
Thủ tướng khẳng định ý định thúc đẩy trao đổi du học sinh đôi bên nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều không nói sâu về các chương trình này.
Chính phủ Tổng thống Biden đạt được cột mốc quan trọng này khi nhiệm kỳ đầu tiên của họ sắp kết thúc, cùng lúc với việc cựu Tổng thống Donald Trump rất có thể sẽ tái đắc cử vào tháng Mười Một. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ có vẻ tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác mới [được nâng cấp] với Nhật Bản sẽ không cần đến bốn năm nữa dưới thời Tổng thống Biden thì mới được thiết lập.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times