Hạ viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu cập nhật hướng dẫn của Bộ Ngoại giao về việc kết giao với Đài Loan
Hôm 22/03, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao xem xét và cung cấp định kỳ các báo cáo cập nhật về hướng dẫn chỉ thị của Bộ này đối với việc kết giao của Hoa Kỳ với Đài Loan.
Đạo luật Thực thi Bảo đảm Đài Loan, được Dân biểu Ann Wagner (Cộng Hòa-Missouri) giới thiệu hôm 24/02, đã được thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối là 404–7.
Bảy thành viên đã bỏ phiếu chống lại dự luật này là Dân biểu Jamaal Bowman (Dân Chủ-New York), Dân biểu Greg Casar (Dân Chủ-Texas), Dân biểu Summer Lee (Dân Chủ-Pennsylvania), Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York), Dân biểu Ilhan Omar (Dân biểu-Minnesota), Dân biểu Ayanna Pressley (Dân Chủ-Massachusetts), và Dân biểu Delia Ramirez (Dân Chủ-Illinois).
Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có bang giao chính thức với Đài Loan.
Đài Loan là một nền dân chủ tự trị kể từ khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc vào năm 1949, nhưng chính quyền Trung Quốc xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và phải được hợp nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Dự luật của bà Wagner được đưa ra vào thời điểm căng thẳng ngày càng leo thang giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh sau sự kiện bắn hạ khinh khí cầu giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên bầu trời Hoa Kỳ. Những căng thẳng đó càng trở nên trầm trọng hơn do Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan.
Bà Wagner nói trong một tuyên bố do văn phòng của bà đưa ra, “Đài Loan đối mặt với mối đe dọa chưa từng có từ một nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày càng trở nên khó đoán. Trung Quốc đang vun bồi một mối bang giao nguy hiểm với Nga và, nếu chúng ta muốn đánh bại mưu sách của Trung Quốc nhằm thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc bá chủ trên thế giới, thì chúng ta không thể để nỗi sợ hãi này chế ngự.”
“Điều đó có nghĩa là [chúng ta phải] can đảm đứng về phía bằng hữu và đối tác của mình, đặc biệt là Đài Loan. Chúng ta phải tăng cường quan hệ kinh tế, quan hệ quốc phòng, và trợ giúp chính trị cho hệ thống dân chủ của Đài Loan, và dự luật này sẽ giúp đỡ các mục tiêu này,” bà Wagner, người cũng là phó chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện cho biết.
Thông tin khác về dự luật
Theo dự luật này (pdf), Đạo luật Bảo đảm Đài Loan năm 2020 sẽ được sửa đổi nhằm yêu cầu ngoại trưởng tiến hành đánh giá định kỳ và cung cấp các báo cáo cập nhật liên quan đến Hướng dẫn chỉ thị về việc Kết giao với Đài Loan của Bộ Ngoại giao ít nhất hai năm một lần.
Đạo luật Bảo đảm Đài Loan, một dự luật lưỡng đảng do Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) giới thiệu vào năm 2019, yêu cầu Bộ Ngoại giao đánh giá lại các hạn chế tự áp đặt đối với mối bang giao của Hoa Kỳ với Đài Loan. Đạo luật này có hiệu lực vào năm 2020, dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump.
Bộ Ngoại giao đã dỡ bỏ toàn bộ những hạn chế đó vào tháng 01/2021 trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, lưu ý rằng vào thời điểm đó, mặc dù quốc gia tự trị này là một “nền dân chủ sôi động và đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ,” nhưng trong mấy chục năm qua Bộ Ngoại giao đã tạo ra “những hạn chế nội bộ phức tạp để kiểm soát … hoạt động giao thiệp của các nhà ngoại giao, quân nhân, và các quan chức khác với các đối tác Đài Loan của họ.”
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết vào thời điểm đó rằng điều này được thực hiện trong một “nỗ lực nhằm xoa dịu nhà cầm quyền Cộng sản ở Bắc Kinh” và rằng “mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan không cần, và không nên bị trói buộc bởi những hạn chế tự áp đặt của bộ máy quan liêu thường trực của chúng ta.”
Theo dự luật của bà Wagner, các đánh giá và cập nhật định kỳ phải giải thích cách hướng dẫn của Bộ Ngoại giao làm sâu sắc và mở rộng mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan, đồng thời “phản ánh giá trị, ưu điểm, và tầm quan trọng” của mối bang giao song phương này.
Hoa Kỳ cũng phải xem Đài Loan là một “đối tác dân chủ cũng như là một xã hội tự do và cởi mở vốn tôn trọng các giá trị dân chủ và nhân quyền phổ quát”, đồng thời bảo đảm rằng cách ứng xử trong mối bang giao với Đài Loan “phản ánh mối quan hệ lâu dài, toàn diện, và dựa trên các giá trị mà Hoa Kỳ chia sẻ với Đài Loan, đồng thời đóng góp vào việc giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên Eo biển.”
Ngoài ra, dự luật này yêu cầu ngoại trưởng xác định các cơ hội để dỡ bỏ “mọi giới hạn tự đặt ra còn lại đối với mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan và đưa ra kế hoạch chi tiết để làm như vậy.”
Khi công bố dự luật này, bà Wagner nói rằng trong nhiều thập niên, phần lớn các thành viên cao cấp của chính phủ liên bang, bao gồm cả các sĩ quan quân đội cấp bậc cao, đã bị cấm đến thăm Đài Loan vì áp lực từ Bắc Kinh.
Tổng thống Đài Loan đến thăm Hoa Kỳ
Nhà lãnh đạo hàng đầu của Đài Loan cũng không thể công du đến Hoa Kỳ, và các cuộc họp giữa hai quốc gia phải “đáp ứng một danh sách dài các yêu cầu phức tạp và tùy tiện” chẳng hạn như tổ chức các cuộc họp trong khách sạn thay vì các tòa nhà chính thức của chính phủ.
Bà nói, trong một số trường hợp, các quan chức Đài Loan không thể mặc quốc phục hoặc đeo huy hiệu chính thức.
“Nhiều hạn chế trong số này đã được Chính phủ Tổng thống Biden áp dụng trở lại. Hành động nhút nhát của Tổng thống Biden là một cái tát vào mặt các đối tác của chúng ta ở Đài Loan, những người lẽ ra phải được phép tự hào trưng bày cờ và biểu tượng của đất nước họ khi giao tiếp với Hoa Kỳ,” bà Wagner chia sẻ.
Dự luật của bà Wagner vẫn cần sự phê chuẩn của Thượng viện trước khi được chuyển đến bàn của Tổng thống Biden.
Dự luật này được đưa ra khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn dự kiến đến thăm Hoa Kỳ một cách không chính thức như một phần của chuyến công du Trung Mỹ, mặc dù cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy vẫn chưa được xác nhận.
Năm ngoái, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn lên đến đỉnh điểm sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) tới hòn đảo tự trị này hồi tháng 08/2022.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích chuyến thăm được trù hoạch này của Đài Loan tới Hoa Kỳ trong một tuyên bố hôm 21/03.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times