Đài Loan: TT Thái Anh Văn thăm Hoa Kỳ, trong khi cựu TT Mã Anh Cửu đến Trung Quốc
Giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào năm 2024
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn của Đảng Tiến bộ Dân Chủ đang thực hiện chuyến thăm Hoa Kỳ, trong khi cựu Tổng thống Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng đối lập lại thực hiện hành trình xuyên eo biển đến Trung Quốc đại lục để thờ phụng tổ tiên.
Giới quan sát cho rằng trong mười ngày tới, Đảng Tiến bộ Dân Chủ (DPP) và Quốc Dân Đảng (Kuomintang, KMT) của Đài Loan sẽ tranh luận gay gắt về các chủ đề thân Hoa Kỳ và thân Trung Quốc, trong bối cảnh các đảng này đang rục rịch khởi động cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2024.
Hôm 29/03, bà Thái đã lên đường đến thăm các đồng minh Trung Mỹ, và dừng chân tại New York trong chiều đi. Khi đi qua New York hôm 30/03, bà đã nhận được Giải thưởng Lãnh đạo Toàn cầu từ Viện Hudson. Bà dự kiến sẽ quá cảnh qua Los Angeles hôm 05/04 ở chiều về, khi bà sẽ đọc một bài diễn văn tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan và cũng được cho là sẽ gặp mặt Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
Tại Bắc Kinh, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, đã đe dọa ngay trước khi bà Thái rời đi rằng họ sẽ đưa ra biện pháp đáp trả nếu bà Thái gặp mặt Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ có các biện pháp đáp trả kiên quyết,” nhưng không đi vào chi tiết liệu nhà cầm quyền nước này sẽ thực hiện những hành động gì.
Chuyến đi đến Hoa lục của ông Mã Anh Cửu
Hôm 27/03, cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đã rời Đài Loan đến Trung Quốc đại lục để viếng Lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Tôn Trung Sơn là Quốc Phụ — người khai sinh ra nước Trung Hoa Dân Quốc (1911–nay). Hôm 28/03, ông Mã đã đặt hoa trước bức tượng đồng của Tôn Trung Sơn, người đã qua đời vào năm 1925 tại Bắc Kinh.
Nhà Thanh của Trung Quốc buộc phải nhượng lại đảo Đài Loan cho Nhật Bản sau khi quân Thanh thất bại trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất vào năm 1895. Đài Loan nằm dưới sự cai trị của thực dân Nhật Bản cho đến năm 1945, khi Nhật Bản đầu hàng và trao trả Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc (ROC).
Năm 1949, khi những người cộng sản giành chính quyền ở Trung Quốc đại lục và thành lập nhà nước cộng sản dưới tên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), chính phủ Quốc Dân Đảng của ROC đã rút về Đài Loan — lãnh thổ cuối cùng của ROC, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đài Loan có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc.
Truyền thông quốc tế đưa tin, ĐCSTQ ở Trung Quốc đại lục đã tiếp đón chuyến thăm của ông Mã với nghi lễ cấp thấp — cấp phó tỉnh, khác xa cách đối xử cấp phó nguyên thủ quốc gia mà cựu Chủ tịch Quốc Dân Đảng Liên Chiến (Lian Zhan) đã nhận được trong chuyến thăm năm 2005 của mình; điều đó phản ánh rằng ĐCSTQ muốn nhấn mạnh hơn nữa yêu sách của mình rằng Đài Loan là một tỉnh nằm dưới sự cai trị của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
Trong chương trình đàm luận trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) đã khẳng định rằng, Trung Hoa Dân Quốc đã tồn tại được 112 năm, kể từ năm 1911, và tính hợp pháp của quốc đảo này là bất biến.
“Cho đến nay, lý do lớn nhất dẫn đến sự chia rẽ của Trung Quốc là ĐCSTQ đã tạo ra xung đột dân sự và thiết lập một chế độ riêng biệt. Về mặt bản chất mà nói, không có sự khác biệt giữa tình trạng ‘lấy biển để chia quyền cai trị’ hiện nay giữa hai bên Eo biển Đài Loan với việc ‘lấy sông để chia quyền cai trị’ trong lịch sử, vốn đã chia cắt hai miền bắc nam của Trung Quốc thành các quốc gia khác nhau.”
Trong chuyến thăm của ông Mã, ông đã đề cập đến Đài Loan với tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc hôm 01/04 trong một bài diễn văn tại nơi chôn cất tổ tiên ông ở thành phố Tương Đàm của tỉnh Hồ Nam.
Tuy nhiên, khi gặp bí thư đảng cộng sản tỉnh Giang Tô, ông Tín Trường Tinh (Xin Changxing), ông Mã bày tỏ rằng ông sẽ “tuân thủ bản đồng thuận năm 1992.” Năm 1992, Quốc Dân Đảng cầm quyền lúc bấy giờ của Đài Loan đã ký một thỏa thuận với ĐCSTQ, trong đó cả hai bên đều thừa nhận rằng chỉ có một nước Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này không rõ ràng, vì trong đó không định nghĩa thế nào là “Trung Quốc”. ĐCSTQ khẳng định rằng “một Trung Quốc” có nghĩa là một đất nước do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nắm quyền. Một số người ở Đài Loan bác bỏ bản đồng thuận năm 1992 này.
“Tôi hy vọng rằng cả hai bên Eo biển Đài Loan sẽ theo đuổi hòa bình và tránh chiến tranh,” ông Mã cũng nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc đại lục.
“ĐCSTQ có hai chiến lược. Một mặt, họ hoan nghênh chuyến thăm của ông Mã,” ông Trần Văn Giáp (Chen Wen-Chia), cố vấn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc gia và Khu vực của Đại học Khai Nam, nói với The Epoch Times hôm 29/03. “Mặt khác, họ cố tình hạ thấp nghi lễ tiếp đón ông Mã xuống mức của cựu trưởng khu nhằm dấy khởi bất mãn trong nhân dân Đài Loan.”
“Đối với người dân Đài Loan, nói chung họ có cái nhìn lạc quan về chuyến thăm Trung Quốc của ông Mã. Nhưng nếu ông không thể thể hiện đúng chủ quyền và phẩm giá của Đài Loan, thì chuyến đi của ông có thể gây ra một tác động tiêu cực (đối với chiến dịch bầu cử của Quốc Dân Đảng).”
Ông Ngô Sùng Hàm (Wu Chonghan), giáo sư phụ tá tại Khoa Ngoại giao thuộc Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, cho biết hôm 28/03, “Giờ đây, khi cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang rất khốc liệt và Tổng thống Mã hiện đang thăm Trung Quốc, ông ấy muốn đóng một vai trò tích cực và hòa giải hơn trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.”
“Cũng có những ý kiến khác nhau trong Quốc Dân Đảng về Bản đồng thuận năm 1992. Lần này ông Mã đến thăm Trung Quốc, ông ấy chủ yếu muốn hướng luận điệu xuyên eo biển của phe ‘phiếm Lam’ (phe ủng hộ hợp nhất với Đại lục trong Quốc Dân Đảng) theo hướng thân Trung Quốc.”
Mọi ánh nhìn đều đổ dồn về cuộc bầu cử năm 2024
Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 13/01/2024. Chủ tịch hiện tại của đảng DPP cầm quyền đồng thời là đương kim phó tổng thống của quốc gia, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), đã ghi danh và sẽ là ứng cử viên đại diện cho DPP ra tranh cử tổng thống; bà Thái không thể tái tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vì giới hạn nhiệm kỳ. Quốc Dân Đảng vẫn chưa công bố ứng cử viên tổng thống của mình.
“Lần này, cảm giác giống như một cuộc cạnh tranh, vì bà Thái thì đến thăm Hoa Kỳ còn ông Mã thì đến thăm Trung Quốc đại lục,” ông Ngô nói. “Họ cũng đang đặt định cho lập trường của đảng mình về mối quan hệ xuyên eo biển hoặc mối quan hệ với Hoa Kỳ.”
Ông Trần tin rằng xét đến tình hình căng thẳng trên Eo biển Đài Loan hiện thời, ông Mã đã có ý định sử dụng “chuyến đi hòa bình” của mình để giúp Quốc Dân Đảng giành được nhiều phiếu bầu hơn và thúc đẩy chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng mình.
“Biểu hiện thân Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu có thể có tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử của Quốc Dân Đảng vì sau năm 2020, quan điểm [tiêu cực] của công chúng Đài Loan đối với Trung Quốc không thay đổi nhiều,” ông Trần Phương Ngung (Chen Fang-yu), giáo sư phụ tá tại Khoa Chính trị thuộc Đại học Đông Ngô ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 28/03. “Mặc dù DPP thua trong cuộc bầu cử địa phương năm 2022, nhưng quan điểm của công chúng về vấn đề Trung Quốc vẫn không thay đổi.”
Theo một cuộc khảo sát do Hội đồng Các vấn đề Đại lục (MAC) của Đài Loan công bố hôm 23/03, 83.7% người Đài Loan được khảo sát đồng ý với việc nối lại hoạt động trao đổi có trật tự giữa hai bờ eo biển sau đại dịch COVID-19. Về mối quan hệ xuyên eo biển, 88.9% người dân ủng hộ “duy trì hiện trạng theo nghĩa rộng” nhưng đối với đề xướng “một quốc gia, hai chế độ” của ĐCSTQ, 83.6% số người được hỏi không tán thành.
Ngoài ra, 84.3% số người được hỏi không đồng ý với việc ĐCSTQ liên tục thúc đẩy các quốc gia khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và cản trở sự tham gia của Đài Loan vào các vấn đề quốc tế.
Ông Trần nói với The Epoch Times hôm 29/03 rằng quan hệ xuyên eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục khó có thể cải thiện trong tương lai gần.
“Dưới sự quản lý của DPP, Đài Loan đang tham gia liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản để kiềm chế ĐCSTQ. Trong khi đó, ĐCSTQ vừa đối đầu với Hoa Kỳ, vừa hợp tác với Nga. Vì vậy, họ sẽ không thể hiện thiện chí chính thức đối với Đài Loan,” ông nói. “Điều duy nhất đang diễn ra giữa hai bên bờ eo biển là các cuộc trao đổi và liên lạc mang tính phi chính phủ.”
Nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times rằng các hành động của Quốc Dân Đảng và DPP về căn bản là thử thách dư luận ở Đài Loan khi cả hai bên tranh giành quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024 ở Đài Loan.
“Hiện tại, ĐCSTQ chủ yếu sử dụng các biện pháp gián tiếp để liên kết với các lực lượng thân cộng trên hòn đảo này nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến dư luận ở Đài Loan,” ông nói. “Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp để chống lại ĐCSTQ, dựa trên các hành động của ĐCSTQ đối với Đài Loan.”