Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật bổ nhiệm chức vụ đặc phái viên cho Hiệp định Abraham
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 13/06, Hạ viện đã thông qua một dự luật lưỡng đảng nhằm bổ nhiệm một chức vụ đặc phái viên mới để thực thi Hiệp định Abraham — các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và cho đến nay là bốn quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.
Dự luật Đặc phái viên cho Đạo luật Hiệp định Abraham, do hai dân biểu Ritchie Torres (Dân Chủ-New York) và Mike Lawler (Cộng Hòa-New York) đồng bảo trợ, đã được thông qua với tỷ lệ 413 phiếu thuận và 13 phiếu chống, đáp ứng mức đa số cần thiết để được thông qua.
Những dân biểu bỏ phiếu chống cho dự luật này gồm có Jamaal Bowman (Dân Chủ-New York), Cori Bush (Dân Chủ-Missouri), Jesus “Chuy” Garcia (Dân Chủ-Illinois), Barbara Lee (Dân Chủ-California), Summer Lee (Dân Chủ-Pennsylvania), Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky), Betty McCollum (Dân Chủ-Minnesota), Rich McCormick (Cộng Hòa-Georgia), Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York), Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota), Ayanna Pressley (Dân Chủ-Massachusetts), Delia Ramirez (Dân Chủ-Illinois), và Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan). Tám dân biểu đã không bỏ phiếu.
Đặc phái viên cho Hiệp định Abraham là một chức vụ trong Bộ Ngoại giao, báo cáo với Bộ trưởng Ngoại giao. Vai trò cấp đại sứ này sẽ là cố vấn chính và điều phối các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến việc mở rộng và củng cố Hiệp định Abraham. Đặc phái viên này được tổng thống bổ nhiệm, nhưng cũng cần sự xác nhận của Thượng viện.
Theo dự luật, đặc phái viên này sẽ chịu trách nhiệm “khuyến khích các quốc gia không có quan hệ bang giao với Israel thiết lập quan hệ chính thức về ngoại giao, kinh tế, an ninh, và giao lưu giữa người dân hai nước” và “tìm cách mở rộng và củng cố các mối bang giao hiện có giữa Israel và các quốc gia có đa số người Hồi giáo, bao gồm cả những quốc gia nằm ngoài phạm vi địa lý của Cục Sự vụ Cận Đông thuộc Bộ Ngoại giao, để bảo đảm rằng tất cả các bên đều gặt hái được những lợi ích kinh tế và an ninh thực chất cho công dân của họ.”
Dự luật cũng kêu gọi đặc phái viên này xây dựng “dựa trên những nỗ lực hiện có, bao gồm cả Diễn đàn Negev, để giúp thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Israel và các quốc gia có đa số người Hồi giáo về các ưu tiên chung, bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại, nông nghiệp, và an ninh nguồn nước.” Diễn đàn Negev được thành lập vào tháng 03/2022 tại Israel và đã họp nhóm hồi tháng Một vừa qua tại Abu Dhabi nhằm cố gắng thúc đẩy Hiệp định Abraham và hòa bình Trung Đông.
Hồi năm 2020, Hoa Kỳ, dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã làm trung gian cho Hiệp định Abraham khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Maroc, và Sudan bình thường hóa quan hệ với Israel. Đó là thỏa thuận hòa bình đầu tiên giữa Israel và các quốc gia khác trong 25 năm. Tên của hiệp định này đã được đặt theo các tín ngưỡng liên quan tổ phụ Abraham ở Trung Đông và Bắc Phi: Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo, và Hồi Giáo. Chính phủ Tổng thống Biden đã cam kết phát triển các hiệp định này.
Hơn nữa, theo dự luật này, vị trí đặc phái viên sẽ chịu trách nhiệm “cung cấp sự trợ giúp ngoại giao cho sự hội nhập của Israel vào các nỗ lực hợp tác liên quan đến an ninh khu vực” và “điều phối các nỗ lực trong Chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm các cơ quan khu vực và các cơ quan chức năng trong Bộ Ngoại giao, đồng thời tiến hành công việc ngoại giao phù hợp với các chính phủ ngoại quốc, các tổ chức phi chính phủ, và các bên liên quan khác được Đặc Phái viên xác định là phù hợp để mở rộng và củng cố Hiệp định Abraham.”
Cuối cùng, dự luật này sẽ quy định rằng đặc phái viên đầu tiên, một năm sau khi được xác nhận, phải nộp một báo cáo không cơ mật cho Ủy ban Ngoại giao và Phân bổ ngân sách của Hạ viện và Ủy ban Ngoại giao và Phân bổ ngân sách của Thượng viện nhằm “mô tả tất cả các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm mở rộng Hiệp định Abraham, bao gồm các cam kết ngoại giao cụ thể và tình trạng nỗ lực đối với các quốc gia cụ thể.” Một báo cáo như vậy sẽ được yêu cầu sau đó hàng năm.
Chuyên gia chính sách ngoại giao Irina Tsukeman đã khen ngợi dự luật này.
Bà nói với The Epoch Times hôm 12/06: “Đó là một hành động tích cực muộn màng nhưng đáng hoan nghênh trong việc ủng hộ thực thi Hiệp định Abraham và là dấu hiệu cho thấy Quốc hội cam kết giúp đỡ và mở rộng phạm vi cũng như quy mô của thành tựu ngoại giao to lớn này.”
Bà tiếp tục, “Sự ủng hộ và tham gia của Quốc hội là rất quan trọng trong việc bảo đảm bản chất lâu dài của Hiệp định Abraham; trước đây, sự ủng hộ của Quốc hội đối với các hiệp ước và các thành tựu ngoại giao quan trọng là sự bảo đảm cho việc Hoa Kỳ tham gia và cam kết bất kể chính phủ nào cầm quyền, nhấn mạnh bản chất lưỡng đảng của các sáng kiến như vậy và tầm quan trọng lâu dài của những sáng kiến này đối với các lợi ích của Hoa Kỳ, mà trong trường hợp này là về các mối bang giao ngày khăng khít của Israel với các nước láng giềng, quá trình bình thường hóa với các quốc gia [Trung Đông và Bắc Phi] cũng như an ninh, thịnh vượng, hòa bình, và ổn định của Trung Đông.”
Tuy nhiên, bà Tsukeman cho biết, điều quan trọng sau cùng là ai sẽ giữ vai trò đặc phái viên này.
Bà nói: “Chúng ta cũng không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của bất kỳ vị trí chính trị nào. Bất kỳ vị trí nào trong Bộ Ngoại giao chỉ hữu ích khi người đảm nhận vị trí đó cũng tích cực như sự ủng hộ mà chính phủ dành cho vị trí đó để hoàn thành chức năng của mình.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times