Hạ viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết khẳng định ủng hộ Israel, lên án chủ nghĩa bài Do Thái
Hôm 18/07, Hạ viện đã thông qua một nghị quyết khẳng định Quốc hội đứng về phía Israel và lên án chủ nghĩa bài Do Thái.
Nghị quyết này do Dân biểu August Pfluger (Cộng Hòa-Texas) giới thiệu và đã được thông qua với tỷ lệ 412 phiếu thuận, 9 phiếu chống, và 1 phiếu có mặt.
Các Dân biểu bỏ phiếu chống là: Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York), Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota), Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan), Delia Ramirez (Dân Chủ-Illinois), Jamaal Bowman (Dân Chủ-New York), Summer Lee (Dân Chủ-Pennsylvania), Andre Carson (Dân Chủ-Indiana), Cori Bush (Dân Chủ-Missouri), và Ayanna Pressley (Dân Chủ-Massachusett).
Dân biểu Betty McCollum đã bỏ phiếu “có mặt.”
Nghị quyết nêu rõ rằng Quốc hội tin rằng: “Nhà nước Israel không phải là một nhà nước phân biệt chủng tộc hay tách biệt chủng tộc,” và rằng “Quốc hội bác bỏ mọi hình thức bài Do Thái và bài ngoại,” và rằng “Hoa Kỳ sẽ luôn là một đối tác và là người ủng hộ trung thành của Israel.”
Nghị quyết được đưa ra sau khi Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington), Chủ tịch Nhóm Cấp tiến của Quốc hội (CPC), gọi Israel là một “nhà nước phân biệt chủng tộc.”
Hôm 16/07, bà Jayapal nói với những người biểu tình ủng hộ Palestine tại hội nghị thường niên của tổ chức cấp tiến Netroots Nation: “Là một người đã xuống đường và tham gia rất nhiều cuộc biểu tình, tôi muốn quý vị biết rằng chúng tôi đã và đang tranh đấu để làm rõ rằng Israel là một nhà nước phân biệt chủng tộc.”
Bà tiếp tục: “Rằng người dân Palestine xứng đáng có quyền tự quyết và quyền tự trị, rằng giấc mơ về một giải pháp hai nhà nước đang rời xa chúng ta, rằng điều đó thậm chí có cảm giác như không thể thực hiện được.”
Tuy nhiên, sau đó bà Jayapal đã thay đổi quan điểm khi cho biết không phải nhà nước Do Thái mà là thủ tướng Benjamin Netanyahu và chính phủ của ông mới là những kẻ phân biệt chủng tộc.
Bà nói trong một tuyên bố: “Tại một hội nghị, tôi đã cố gắng xoa dịu một tình huống căng thẳng trong một phiên thảo luận nơi các nghị sĩ Quốc hội đang bị phản đối. Lời nói rất quan trọng và vì vậy điều quan trọng là tôi phải làm rõ tuyên bố của mình.”
“Tôi không tin vào ý tưởng Israel là một nhà nước phân biệt chủng tộc,” bà Jayapal tiếp tục. “Tuy nhiên, tôi thực sự tin rằng chính phủ cánh hữu cực đoan của ông Netanyahu đã tham gia vào các chính sách phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc rõ ràng, đồng thời có những kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan thúc đẩy chính sách đó trong giới lãnh đạo của chính phủ đương nhiệm.”
“Tôi tin rằng tất cả chúng ta, những người đang cố gắng biến thế giới của chúng ta thành một nơi công bằng và bình đẳng hơn, có bổn phận phải lên tiếng và lên án những chính sách này cũng như vai trò của chính phủ ông Netanyahu đương nhiệm trong việc thúc đẩy những chính sách này.”
Bà Jayapal đã nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Bà giải thích rằng phản ứng của bà tại hội nghị là “đáp lại nỗi đau sâu sắc và sự tuyệt vọng của người Palestine và cộng đồng hải ngoại của họ khi nói đến cuộc tranh luận này, nhưng tôi không có ý định phủ nhận nỗi đau và sự tổn thương sâu sắc của người Israel và cộng đồng người Do Thái hải ngoại vẫn còn khắc khoải bởi vết thương lòng từ những cuộc tàn sát và bức hại người Do Thái, cuộc diệt chủng Holocaust cũng như chủ nghĩa bài Do Thái đang tiếp diễn và bạo lực do thù ghét vẫn đang lan tràn hiện nay.”
Các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện — gồm có Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), Phó Lãnh tụ Thiểu số Katherine Clark (Dân Chủ-Massachusett), Chủ tịch Hội nghị Dân biểu Đảng Dân Chủ tại Hạ viện Pete Aguilar (Dân Chủ-California), và Phó Chủ tịch Ted Lieu (Dân Chủ-California) — đã bác bỏ tuyên bố ban đầu của bà Jayapal trong khi không gọi tên hoặc lên án bà Jayapal.
Họ nói trong một tuyên bố, “Israel không phải là một nhà nước phân biệt chủng tộc. Là một nhà nước Do Thái và Dân chủ, Israel được thành lập cách đây 75 năm trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng về các quyền chính trị và xã hội cho tất cả công dân của mình không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay giới tính, như đã được đưa vào Tuyên ngôn Độc lập của nhà nước này.”
Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Hạ viện tiếp tục cho biết, “Mỹ và Israel có một mối bang giao đặc biệt duy nhất dựa trên các giá trị dân chủ chung và lợi ích chiến lược của chúng ta.”
“Với tư cách là các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền của Israel được tồn tại như một quê hương của người Do Thái. Chúng tôi cũng cam kết chắc chắn về một giải pháp hai nhà nước mạnh mẽ, nơi người dân Israel và Palestine có thể chung sống trong hòa bình và thịnh vượng.”
Mặc dù các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện tiếp tục thừa nhận rằng có những thành viên trong liên minh của ông Netanyahu và của Quốc hội mà họ không đồng tình, những họ vẫn nhắc lại cam kết bảo đảm sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với nhà nước Do Thái.
Ngoài ra, một tuyên bố do 43 dân biểu Đảng Dân Chủ tại Hạ viện (trong đó có 9 dân biểu trong CPC) ký tên nhằm khiển trách đích danh bà Jayapal đã được lan truyền vào tối ngày 06/07.
Những dân biểu này viết: “Israel vẫn là nền dân chủ năng động, tiến bộ, và toàn diện duy nhất trong khu vực. Các đảng Arabia phục vụ trong Knesset (Quốc hội Israel), phụ nữ phục vụ ở các cấp cao nhất trong quân đội và đất nước này vẫn là ốc đảo cho người LGBT trong một khu vực thù địch với cộng đồng này. Chủ nghĩa đa nguyên phát triển mạnh ở Israel.”
“Chúng tôi vô cùng lo ngại về những bình luận không thể chấp nhận được của Dân biểu Pramila Jayapal liên quan đến Israel, một nước đồng minh dân chủ trong lịch sử của chúng ta và chúng ta đánh giá cao việc bà rút lại những nhận định đó.”
Những dân biểu Đảng Dân Chủ này tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa của Israel.
Họ viết: “Israel là quê hương hợp pháp của người Do Thái và những nỗ lực bôi nhọ và khiến quốc gia này không được công nhận không chỉ nguy hiểm và mang tính bài Do Thái mà còn làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.”
“Israel đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta, và sự hợp tác quốc phòng và tình báo giữa hai nước tiếp tục củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới. Israel vẫn là đối tác lớn nhất của chúng ta vì hòa bình ở Trung Đông.”
“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử và nghi ngờ quyền tồn tại của Nhà nước Do Thái, hoặc mối quan hệ lưỡng đảng trong lịch sử của chúng ta, sẽ không bao giờ thành công tại Quốc hội. Chúng tôi vẫn cam kết hòa bình giữa Israel và Palestine để thiết lập hai quốc gia tồn tại bên cạnh nhau trong hòa bình, thịnh vượng, và an ninh chung”.
Những dân biểu này đã cam kết sẽ “không bao giờ cho phép những tiếng nói chống chủ nghĩa Phục quốc vốn kích động chủ nghĩa bài Do Thái nhằm làm suy yếu và phá vỡ sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng trong việc ủng hộ mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Israel đã tồn tại trong nhiều thập niên.”
Tuyên bố ban đầu của bà Jayapal được phân loại là các ví dụ về bài Do Thái theo định nghĩa về chủ nghĩa bài Do Thái của Liên minh Tưởng niệm Holocaust Quốc tế, đã được hàng chục quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ áp dụng. Trong đó, một ví dụ về sự thù hận đối với người Do Thái bao gồm “việc tuyên bố rằng sự tồn tại của một Nhà nước Israel là một nỗ lực phân biệt chủng tộc.”
Trong các bình luận với các phóng viên hôm 17/07, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã chỉ trích bà Jayapal.
Ông nói: “Đây không phải là người đầu tiên trong hội nghị Đảng Dân Chủ tiếp tục đưa ra những bình luận bài Do Thái. Chúng tôi đã theo dõi những gì họ phải liên tục làm. Có một số người trong số họ ở đó.”
“Tôi nghĩ nếu Đảng Dân Chủ muốn tin rằng họ không có một hội nghị tiếp tục đưa ra những nhận xét bài Do Thái thì họ cần phải làm gì đó vì họ đã hết lần này đến lần khác bảo vệ những người này.”
“Lần duy nhất mà hành động như vậy được thực hiện là lần mà chúng tôi đã phải ra tay,” ông McCarthy tiếp tục, dường như đề cập đến việc Hạ viện đã loại bỏ Dân biểu Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota) khỏi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vì bà từng đưa ra những nhận định bài Do Thái.
Ông McCarthy tiếp tục nói rằng hội nghị của Đảng Dân chủ Hạ viện phải có trách nhiệm loại bỏ vấn đề bài Do Thái của mình.
“Tôi nghĩ trong vụ việc này, lãnh đạo Hakeem phải đóng một vai trò để chứng minh rằng không, họ không bài Do Thái và họ không thể cho phép các thành viên của mình tiếp tục nói những gì họ đã từng nói trước kia,” ông nói. “Ý tôi là, hãy suy nghĩ về những gì chúng ta sẽ nói.”
“Quý vị vừa nêu vấn đề duy nhất về cái mà bà ấy gọi Israel vào một tuần khi chúng ta có tổng thống Israel, ông Herzog, đến dự một phiên họp chung nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Israel, quốc gia đồng minh thân cận nhất.”
“Trong những thời khắc kỷ niệm Israel trở thành một quốc gia được Mỹ công nhận. Nhưng bây giờ chúng ta có các nhà lãnh đạo trong Đảng Dân Chủ — bà ấy không chỉ được bầu làm một dân biểu Đảng Dân Chủ trong hội nghị của họ, bà ấy còn là một người lãnh đạo các cuộc họp kín của họ vậy mà bà ấy đang đưa ra những nhận định như thế này.”
Vụ việc này xảy ra trong bối cảnh một phiên họp chung của Quốc hội để nghe Tổng thống Israel Isaac Herzog diễn thuyết đã được ấn định vào ngày 19/07.
Trong khi bà Jayapal chưa cho biết liệu bà ấy có tẩy chay bài diễn văn của ông Herzog hay không, thì một số đồng nghiệp cấp tiến như bà — bà Omar và ông Bowman, bà Ocasio-Cortez, bà Tlaib, bà Bush, và Dân biểu Raul Grijalva (Dân Chủ-Arizona) — đã nói rằng họ sẽ tẩy chay.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times