Giao tranh chuyển hướng về phía đông sau khi Nga rút khỏi Kherson
Theo các nguồn tin của cả Nga và Ukraine, sau khi Nga rút quân khỏi bờ tây bắc sông Dnipro ở khu vực phía nam Kherson, trọng tâm giao tranh đã chuyển sang phía đông.
Giao tranh được cho là khốc liệt nhất ở khu vực phía đông Donetsk, cùng với Luhansk tạo nên khu vực Donbas nói tiếng Nga.
Hồi cuối tháng Chín, Nga đã chính thức sáp nhập Donetsk và Luhansk, cùng với các vùng phía nam Kherson và Zaporizhzhia. Kể từ đó, Moscow xem cả bốn khu vực này là lãnh thổ Liên bang Nga. Về phần mình, Kiev và các đồng minh phương Tây từ chối công nhận tính hợp pháp của những vụ sáp nhập này.
Hôm 17/11, cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết giao tranh đang diễn ra ở Donetsk hiện tập trung vào các thị trấn Pavlivka, Vuhledar, Maryianka và Bakhmut. Ngoài ra, các thị trấn Avdiivka và Bilohorivka cũng chứng kiến giao tranh.
Các nguồn tin thân Nga cũng báo cáo giao tranh khốc liệt ở Donetsk, nơi họ nói rằng quân đội Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề — cả về nhân lực và thiết bị — trong 24 giờ qua.
Đầu tuần này, Moscow tuyên bố rằng thị trấn Pavlivka của Donetsk đã rơi vào tay quân đội Nga và các đồng minh địa phương của họ sau nhiều ngày giao tranh ác liệt.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, có tới 1,400 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong nhiều ngày giao tranh bên trong và xung quanh thị trấn chiến lược này.
The Epoch Times không thể kiểm chứng các tin tức từ thực địa của cả hai bên.
Tái khai triển đến mặt trận phía Đông
Quân đội Ukraine đã tiến vào Kherson và các vị trí chiến lược khác gần Dnipro. Việc Nga rút quân được coi như một chiến thắng lớn cho Kiev.
Các quan chức Ukraine, kể cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói rằng có bằng chứng cho thấy quân đội Nga đã thực hiện hành vi tàn bạo đối với dân thường địa phương trước khi họ rút khỏi khu vực.
Nhưng Nga đã phủ nhận những tuyên bố này và cáo buộc các lực lượng Ukraine dàn dựng “các cuộc trả đũa ngoài vòng pháp luật” đối với cư dân thân Nga của thành phố Kherson.
Cuộc rút quân cũng giúp giải phóng một lượng đáng kể nhân lực và thiết bị của Nga, được cho là đang tái khai triển tới mặt trận phía đông và khu vực Zaporizhzhia lân cận.
Trong khi đó, quân đội Nga hôm 17/11 tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng sâu bên trong lãnh thổ Ukraine, dẫn đến mất điện trên diện rộng khắp nước này.
Theo Kiev, tuần này đã chứng kiến các cuộc oanh tạc dữ dội nhất vào cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine gần 9 tháng trước, cụ thể là các cơ sở sản xuất khí đốt và công xưởng vũ khí ở thành phố Dnipro, miền trung Ukraine.
Cùng ngày, các nguồn tin Ukraine cũng đưa tin về các vụ nổ lớn ở thủ đô Kiev và thành phố cảng Odesa ở miền nam nước này.
Sự cố hỏa tiễn tấn công Ba Lan
Trong khi đó, trong một sự kiện hiếm hoi thể hiện sự mất đoàn kết giữa Tòa Bạch Ốc và Kiev, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã dứt khoát bác bỏ những khẳng định của ông Zelensky rằng một hỏa tiễn tấn công lãnh thổ Ba Lan khiến hai người thiệt mạng trong tuần này là do Nga bắn.
Vụ việc xảy ra hai ngày trước đó tại một cơ sở sấy ngũ cốc ở làng Przewodow, nơi cách 3 dặm rưỡi từ biên giới Ba Lan với Ukraine.
Trong khi các quan chức Ba Lan và Ukraine nhanh chóng đưa ra các tuyên bố đổ lỗi cho Nga về vụ việc này, thì ngay sau đó đã có thông tin cho rằng vật thể bay đó rất có thể là một hỏa tiễn phòng không của Ukraine.
Đặc phái viên Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya đã cáo buộc Warsaw và Kyiv cố gắng “kích động một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times