Giáo dục phẩm đức: Mỗi ngày tự xét ba việc
Thời Trung Quốc cổ đại, câu nói “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” (mỗi ngày tự xét ba việc) là trình độ cơ bản học làm người của Nho sinh. Triết gia người Hy Lạp cổ đại Socrates từng nói, “Trí tuệ thực sự chính là hiểu rằng mình không biết gì”.
Mỗi người trưởng thành đều cần khiêm tốn, biết cách nhìn lại lỗi lầm của mình. Một người có thể hàng ngày tự xét lại bản thân mình nhất định là người có nhân cách cao thượng, một dân tộc khéo xét lại mình thì chính là một dân tộc ưu tú.
Mỗi ngày không quên tu hành
Câu nói “ngô nhật tam tỉnh ngô thân” xuất phát từ “Luận ngữ – Học nhi”, nguyên văn viết rằng: Tăng Tử nói: ‘Ngô nhật tam tỉnh ngô thân; vi nhân mưu nhi bất trung hồ? dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? truyện bất tập hồ?’ . Ý tứ rằng: Mỗi ngày ta nhất định dùng ba việc để xét bản thân mình: trù tính công việc cho người có hết lòng hay không? Giao thiệp với bằng hữu có thành tín không? Có chuyên tâm học tập hay không?
Những câu châm ngôn này của Tăng Tử đã từng là bài học bắt buộc cho các đệ tử Nho gia trong các triều đại, là điều cần phải ghi nhớ và thực hành.
“Tự xét ba việc” mà Tăng Tử đã nói chủ yếu thể hiện ở hai mặt: một là tu thân, hai là đối đãi với người khác. Đối với người khác cần phải thành tín, thành tín là thể hiện nhân cách ngay thẳng, không dối người cũng không dối mình. Khi mưu sự cho người cần tận tâm tận lực; tận tâm suy nghĩ cho người khác, đây là đạo đức cơ bản để làm người.
Tu thân không thể chỉ là chuyện nhất thời, mà cần xuyên suốt cả cuộc đời, mỗi ngày đều phải không quên tu hành.
Bồi dưỡng thói quen tự xét mình
Trong số các dân tộc trên thế giới, người Pháp chú trọng nhất về việc bồi dưỡng thói quen tự xét lại mình ngay từ khi còn nhỏ. Có một lưu học sinh người Trung Quốc đã từng nhìn thấy cảnh tượng như thế này ở nước Pháp:
Trong bữa ăn của một gia đình người Pháp, cậu con trai 8 tuổi dùng một miếng bánh mì chơi đùa với chú chó nhỏ, đang chơi thì đụng rơi cái đĩa trên tay khiến nó vỡ thành mấy mảnh.
Cậu bé nói với cha mẹ mình rằng: “Ba mẹ nhìn thấy rồi đó, là con chó làm vỡ cái đĩa, chứ không phải lỗi của con đâu nhé.”
Mẹ của cậu đáp lại: “Cái đĩa quả thực là do con chó đụng vào mà rơi, thế nhưng con có lỗi hay không?”
Cậu bé hét to lên: “Là lỗi của con chó, không phải lỗi của con.”
Cha của cậu bé bảo cậu rời khỏi bàn ăn và trở về phòng của mình để tự suy nghĩ một chút xem bản thân có lỗi hay không. Chừng mười mấy phút sau, cậu bé đi ra khỏi phòng và nói: “Con chó có lỗi, con cũng có lỗi, con không nên giỡn với con chó khi ăn cơm, điều này ba mẹ đã nhiều lần nhắc con rồi.”
Cha cậu bé vui vẻ cười nói: “Vậy hôm nay con cũng nên chịu trách nhiệm về lỗi của mình, dọn sạch bàn ăn, đồng thời bỏ tiền tiêu vặt của mình ra để đền cái đĩa.”
Trong cuộc sống hối hả náo nhiệt ngày nay, lòng người dễ bị danh lợi lôi kéo, nếu không chú ý tu dưỡng bản thân mình thì sẽ đánh mất chân ngã. Thánh hiền thời cổ đại tu thân, cũng là tu tâm dưỡng tính. Mỗi ngày tự xét ba việc, cẩn thận tự xét sai lầm. Cứ như vậy, lâu dần, sẽ có thể tu thành chính quả. Nho gia tu thân, ý tại tề gia. Thánh nhân sở dĩ được gọi là Thánh nhân, là bởi họ có đủ cảnh giới cao thâm viên mãn, hiểu rõ ràng chân lý của vũ trụ.
Lê Vi biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ