Giám đốc điều hành TikTok né tránh các câu hỏi về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc trong phiên điều trần tại Thượng viện
Ông Châu Thụ Tư (Shou Chew) không đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho một số câu hỏi của Thượng nghị sĩ Cotton, bao gồm cả suy nghĩ của ông về nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hôm 31/01, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện với các giám đốc điều hành của một số nền tảng truyền thông xã hội, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) đã gặng hỏi Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư rằng liệu chính phủ Trung Quốc có tham gia vào hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ hay không. Ông Châu đã không đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho một số câu hỏi của nhà lập pháp này, bao gồm cả suy nghĩ của ông về nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các câu hỏi của ông Cotton cũng có nhắc đến một bình luận trước đây của ông Châu, trong đó ông gọi các sự kiện tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 06/1989 là một “cuộc biểu tình.” Nhà lập pháp Arkansas này hỏi ông Châu rằng liệu “có chuyện gì khác đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn không?”
Sau khi ông Châu xác nhận rằng “có tài liệu rõ ràng về một vụ thảm sát,” ông tiếp tục khẳng định rằng chủ đề về Quảng trường Thiên An Môn và nhiều chủ đề khác được cho là nhạy cảm với ĐCSTQ đã được hoan nghênh trên nền tảng TikTok. Tuy nhiên, ông không sẵn lòng đưa ra ý kiến của mình về việc liệu ông có đồng tình với chính phủ Tổng thống Trump và chính phủ Tổng thống Biden rằng chính quyền Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ hay không.”
Ông Cotton gặng hỏi thêm liệu ông Châu có đồng ý với đánh giá từ năm ngoái của Tổng thống Joe Biden rằng Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình là một nhà độc tài hay không. Ông Châu trả lời rằng ông “sẽ không bình luận về bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào.”
Nhà lập pháp này tiếp tục thúc ép CEO TikTok đưa ra câu trả lời của mình, và đặt câu hỏi liệu ông có sợ bị mất việc nếu nói ra bất cứ điều gì tiêu cực về ĐCSTQ hay lo ngại mình sẽ “bị bắt và biến mất” vào lần tới khi đến Hoa lục hay không. Vị Giám đốc điều hành này khẳng định rằng ông ở đó là để nói về công ty của mình và các cá nhân có thể lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trên TikTok.
Tại một phần khác trong quá trình chất vấn, ông Cotton hỏi ông Châu rằng liệu công ty mẹ ByteDance của TikTok có phải tuân theo Luật An ninh Quốc gia năm 2017 hay không, luật này yêu cầu các công ty Trung Quốc phải giao nộp thông tin cho chính phủ Trung Quốc và che giấu thông tin đó với phần còn lại của thế giới. Ông Châu trả lời rằng bất kỳ công ty nào kinh doanh tại Trung Quốc đều phải “tuân theo luật pháp địa phương.”
Ngoài các câu hỏi về chức vụ hiện tại của ông Châu tại TikTok, ông Cotton còn hỏi về thời điểm ông Châu lên nắm quyền ở đó, nói rằng đó là thời điểm ngay sau khi ĐCSTQ đầu tư vào công ty này. Ông Châu cho biết thời điểm đó là “sự trùng hợp ngẫu nhiên.” Ông Cotton cũng đặt câu hỏi về công việc trước đây của ông Châu tại một công ty có tên Xiaomi, công ty này đã bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt hồi năm 2021 vì là một công ty quân sự của Trung Cộng.
Nội dung của TikTok
Các thành viên Đảng Cộng Hòa khác cũng đặt câu hỏi về mối liên hệ của công ty này với ĐCSTQ, trong đó có cả Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) muốn biết kết quả tìm kiếm được lập chỉ mục trên ứng dụng này như thế nào.
Ông Cruz trích dẫn một báo cáo khẳng định có sự khác biệt “đáng chú ý” giữa kết quả tìm kiếm bằng các hashtag như Taylor Swift, so với kết quả tìm kiếm bằng các cụm từ như Quảng trường Thiên An Môn, khi so sánh với kết quả tìm kiếm từ các nền tảng như Instagram của Meta. Theo ông Cruz, đối với các hashtag như “Taylor Swift,” người tìm kiếm đã tìm thấy khoảng hai bài đăng trên Instagram cho mỗi bài đăng trên TikTok, so với tỷ lệ 8 trên 1 đối với hashtag “người Duy Ngô Nhĩ.”
Sự khác biệt này được cho là trở nên rõ ràng hơn với các chủ đề khác, chẳng hạn như tỷ lệ 57 trên 1 cho hashtag Quảng trường Thiên An Môn, và tỷ lệ 174 trên 1 cho hashtag “biểu tình ở Hồng Kông.”
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times