Một chiến lược phi quân sự để đối phó với Trung Quốc
Liệu một cuộc chiến tranh hỏa lực với Trung Quốc có sắp xảy ra không? Cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn tiếp tục sôi nổi.
Mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có cách tiếp cận tạo thiện cảm tại hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tháng 11/2023 ở San Francisco nhưng việc Trung Quốc cộng sản ngày càng gây hấn ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan, và Biển Tây Philippines không thể bị những người ủng hộ trở lại chính sách “can thiệp Trung Quốc” phó mặc. Những người theo dõi sát sao tình hình của Trung Quốc nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc chiến không tiếng súng với Hoa Kỳ kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2013 (nếu không muốn nói là trước đó).
Ví dụ, có một trích dẫn từ Viện Gatestone vào ngày 20/12/2023 như sau: “ĐCSTQ do Tổng bí thư nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình lãnh đạo, dưới sự bảo trợ của việc đề xướng một Trật tự Thế giới Mới, trong nhiều năm qua, bằng hoạt động tình báo, trộm cắp tài sản trí tuệ, tấn công mạng (hacking), gián điệp và nói dối, đã gây ra một cuộc xung đột gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Nguy cơ và dự đoán về một cuộc chiến tranh hỏa lực trong tương lai gần với Trung Quốc đang xuất hiện ở khắp nơi (xem tại đây, tại đây, tại đây và tại đây). Do đó, người ta đã tập trung rất nhiều để ngăn chặn cuộc chiến đó, cũng như bảo đảm rằng các liên minh được dự phòng với sức mạnh quân sự đủ để cung cấp nền tảng cần thiết cho chính sách ngoại giao cứng rắn.
Có một chiến lược phi quân sự liên quan đến cái gọi là năng lượng xanh, sẽ mang lại lợi ích trên nhiều phương diện, nếu Hoa Thịnh Đốn có đủ ý chí để thực hiện chiến lược đó. Chúng ta hãy cùng xem xét lý thuyết đó.
Chuẩn bị cho chiến lược mới
Ethanol là một dẫn xuất nhiên liệu sinh học từ trái bắp. Như đã ghi chú trong một báo cáo, các khoản trợ cấp của Quốc Hội dành cho ethanol ban đầu được khởi xướng tại Quốc Hội vào những năm 1970 “như một cách tiến tới độc lập về năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính (GHG).”
Kể từ đó, hàng tỷ dollar trợ cấp của liên bang đã chuyển hướng sản phẩm bắp của Hoa Kỳ vào ngành công nghiệp ethanol ngày càng mở rộng. Điều đó được thực hiện qua quy định Tiêu chuẩn Nhiên liệu Tái tạo (RFS) của liên bang, vốn được Quốc hội tái ủy quyền đều đặn và do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) quản lý. RFS yêu cầu sử dụng ethanol và các nhiên liệu sinh học khác theo thể tích như một chất phụ gia pha trộn vào xăng và dầu diesel theo thể tích hàng năm (chỉ riêng 15 tỷ gallon ethanol vào năm 2022, tất cả đều được người đóng thuế Hoa Kỳ trợ giá).
Kể từ đó, các khoản trợ cấp ethanol liên bang đã được mở rộng để bao gồm tất cả các khía cạnh của hoạt động sản xuất ethanol, trợ cấp bơm trộn nhiên liệu, các khoản thuế cho tài sản là các phương tiện đổ nhiên liệu, và mở rộng các quy định RFS.
Kế hoạch mới nhất là xây dựng những đường ống gọi là đường ống CO2 để thu thập sản phẩm phụ carbon dioxide từ các nhà máy sản xuất ethanol và vận chuyển CO2 này theo mạng lưới đường ống áp suất cao đến một hồ chứa ngầm ở Bắc Dakota. Mục đích là cho phép các nhà sản xuất ethanol đòi hỏi các khoản trợ cấp carbon do liên bang tài trợ để “cô lập carbon dioxide” khỏi khí quyển — một mục tiêu đã được nhiều nhà cảnh báo về khí hậu và các đồng minh của họ trong Quốc Hội theo đuổi từ lâu. Việc cô lập carbon cho phép các nhà sản xuất ethanol tránh được thuế carbon trong tương lai đồng thời cung cấp các ưu đãi về thuế để cô lập CO2.
Chính sách năng lượng của chính phủ Tổng thống Biden được đưa vào một đạo luật được đặt tên sai là “Đạo luật Giảm Lạm phát.” Trong 369 tỷ USD ngân sách từ đạo luật thì có 30 tỷ USD dành cho “năng lượng tái tạo,” 30 tỷ USD chuyển đổi các dịch vụ tiện ích sang năng lượng xanh, 10 năm trợ cấp cho cửa ra vào và cửa sổ “tiết kiệm năng lượng,” và hàng chục tỷ dollar cho các “khoản đầu tư” giao thông vận tải năng lượng xanh.
Đạo luật này cũng mở rộng các khoản trợ cấp ethanol, bao gồm “500 triệu USD cho cơ sở hạ tầng để trợ giúp việc bán loại xăng có hàm lượng ethanol cao hơn tại các trạm xăng.” Tạp chí Time cho biết số tiền 500 triệu USD này nằm ngoài số tiền “700 triệu USD từ quỹ Đạo luật CARES (Đạo luật Trợ giúp, Cứu trợ Chống Virus Corona và An ninh Kinh tế) năm 2020 nhằm trợ giúp các nhà sản xuất ethanol và nhiên liệu sinh học khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch.” Khoản tiền 700 triệu này nằm trong nỗ lực tiếp tục thúc đẩy cái gọi là Nhiên liệu Thế hệ Tiếp theo dựa trên ethanol của Đảng Dân Chủ.
Bật đèn xanh cho Trung Quốc Cộng Sản
Hành động sai lầm hướng tới năng lượng xanh của Mỹ đã bật đèn xanh cho Trung Quốc cộng sản phát triển ngành năng lượng xanh trong thập niên vừa qua. Những quy định chuyển ngành sản xuất năng lượng Hoa Kỳ từ nhiên liệu hóa thạch sang “các nguồn năng lượng tái tạo” của chính phủ Tổng thống Biden đã trở thành điều may mắn bất ngờ cho các nhà sản xuất pin, xe điện, tấm quang điện, và các linh kiện “công nghệ xanh” khác của Trung Quốc.
Theo tờ Financial Times đưa tin, “Trung Quốc sản xuất… ít nhất 80% tất cả các công đoạn chế tạo tấm pin mặt trời cũng như 60% tua-bin gió và pin xe điện.” Ngoài ra, hồi tháng 11/2023, Reuters đưa tin rằng Trung Quốc là “nhà cung cấp các công nghệ năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, và sẽ sở hữu hơn 80% công suất sản xuất điện mặt trời của thế giới cho đến năm 2026.” Hơn nữa, Trung Quốc xử lý gần 90% nguyên tố đất hiếm của thế giới, mà các nguyên tố này lại cần thiết cho nam châm vốn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất động cơ xe điện và tua-bin gió.
Nói tóm lại, các khoản trợ cấp năng lượng xanh của chính phủ Tổng thống Biden thực chất là đang trợ cấp cho các nhà sản xuất công nghệ xanh của Trung Quốc!
Rời bỏ năng lượng xanh
Những dự đoán kinh hoàng khiến Hoa Kỳ và phương Tây phải theo đuổi ảo vọng năng lượng xanh đã hoàn toàn không thành hiện thực. Năm 2019, Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh đã biên soạn “những dự đoán thất bại về ngày tận thế sinh thái” trong 50 năm qua nhưng bản báo cáo này ít được chú ý đến. Hãy mặc kệ rằng những dự đoán về sự ấm lên toàn cầu do con người gây ra này đều dựa trên những lý thuyết chưa được chứng minh và các mô hình khí hậu sai lầm.
Hơn nữa, người Mỹ đang hiểu ra được các vấn đề với xe điện (EV) và các quy định liên quan của liên bang, đặc biệt là liên quan đến các vụ cháy nổ pin, các trục trặc về vận hành trong thời tiết lạnh, và các vấn đề về trạm sạc. Nói về trạm sạc pin cho xe điện, đoạn video ngắn này nêu lên những vấn đề quan trọng mà nhiều người chưa biết.
Ví dụ, một khu vực sạc cho xe điện gồm sáu trạm, với tất cả các trạm sạc hoạt động đồng thời hết công suất, sẽ tiêu thụ năng lượng tương đương với 1,680 ngôi nhà trung bình. Ngay cả khi hoạt động ở 1/3 công suất, khu sạc điện này vẫn tiêu thụ một lượng điện tương đương với 500 ngôi nhà trung bình. Không ngạc nhiên khi các công ty cho thuê xe như Hertz đang bán tháo đội xe điện của họ!
Việc Hoa Kỳ thay đổi chiến lược để rời bỏ năng lượng xanh sẽ thu được nhiều lợi ích, trong đó ít ra sẽ có một đòn bẩy lớn đối với Trung Quốc. Chiến lược đó sẽ bao gồm cả việc chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp xanh khi loại bỏ hoàn toàn năng lượng xanh trong một vài năm. Các yếu tố của chiến lược này bao gồm:
Đầu tiên, chuyển trợ cấp ethanol sang trợ cấp trực tiếp cho sản xuất lương thực. Nông nghiệp là ngành chiến lược quốc gia. Việc cung cấp bữa ăn cho người dân là một đòi hỏi cá nhân và là lời kêu gọi nông dân không nên mờ mắt trước quá trình chuyển từ thực phẩm sang sản xuất nhiên liệu sinh học. Hãy hỏi người dân ở Trung Quốc cộng sản về lương thực, vì an ninh lương thực được Bắc Kinh xem là vấn đề hàng đầu. “Các phương thức sản xuất nông nghiệp kiểu cộng sản” đã không thể cung cấp đủ lương thực để nuôi sống người dân Trung Quốc, và Trung Quốc là nước nhập cảng lương thực nhiều nhất thế giới.
Thứ hai, củng cố lại ngành lương thực như một vũ khí ngoại giao. Các khoản trợ cấp trực tiếp cho nông dân Mỹ (trợ cấp cho ngành canh tác bắp, thay vì cho ngành sản xuất ethanol) sẽ tạo bước đệm cho “ngoại giao lương thực” đồng thời bảo đảm giá cả ổn định cho nông dân Hoa Kỳ. Buộc Trung Quốc chuyển các nguồn lực từ quân sự sang sản xuất và nhập cảng lương thực là đòn bẩy địa chính trị hữu ích nên được sử dụng khi cần thiết.
Thứ ba, chấm dứt phong trào “ăn sâu bọ.” Nông dân Mỹ có năng suất cao nhất thế giới; các khoản trợ cấp trực tiếp cho trang trại sẽ giúp họ nuôi sống thế giới. Sản xuất thực phẩm là hữu ích hơn nhiều so với dùng chúng để nạp cho động cơ — và tốt hơn việc bị những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa khuyến khích ăn sâu bọ.
Thứ tư, chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ xanh và nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc. Điều đó là tốt cho cán cân thương mại Hoa Kỳ–Trung Quốc, đồng thời tạo sức ép nặng nề lên những lo ngại về sản xuất và khai thác của Trung Quốc.
Cuối cùng, hãy quay trở lại việc khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quản lý của Hoa Kỳ. Chủ đề này bao gồm sản xuất nhiên liệu hóa thạch, thăm dò (và khai thác) các nguyên tố đất hiếm trong nội địa Hoa Kỳ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và chấm dứt trợ cấp của người đóng thuế cho hoạt động sản xuất năng lượng xanh kém hiệu quả.
Kết luận
Hoa Kỳ đang nợ 34 ngàn tỷ USD và khoản nợ vẫn tiếp tục tăng. Trợ cấp xanh của liên bang là một yếu tố chủ yếu góp phần vào khoản nợ đó. Cơ sở lý luận cho những khoản trợ cấp đó là dựa trên những tuyên bố sai sự thật. Động cơ thực sự của những khoản trợ cấp đó hoàn toàn mang tính chính trị, chứ không mang tính chiến lược.
Một trong những chiến lược phi quân sự tốt nhất để gây áp lực lên chế độ Trung Quốc mà không liên quan đến việc xây dựng quân đội hoặc gây ra nguy cơ rõ ràng về chiến tranh là phải chấm dứt hoàn toàn trợ cấp xanh. Chiến lược đó sẽ chấm dứt nhu cầu của Hoa Kỳ đối với hàng xuất cảng công nghệ xanh của Trung Quốc, giúp thâm hụt thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc được cân bằng trở lại, giảm thâm hụt liên bang hàng năm, và cung cấp cho Hoa Kỳ đòn bẩy ngoại giao lương thực khi cần thiết.
Giá như Hoa Kỳ có đủ ý chí chính trị cần thiết để biến điều đó thành hiện thực!
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times