Giám đốc điều hành Gettr: Metaverse của Zuckerberg là cánh cổng dẫn đến ‘Chủ nghĩa siêu nhân học’

Metaverse (Vũ trụ ảo) của Mark Zuckerberg khuyến khích mọi người xa rời hiện thực và dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo, Giám đốc điều hành Gettr, ông Jason Miller cho biết.

Vào tháng 07/2021, ông Miller, người sáng lập mạng xã hội Gettr, đáp lại sự kiểm duyệt từ các dịch vụ truyền thông xã hội cánh tả rằng nỗ lực tạo ra một thế giới ảo của Meta là một cố gắng của gã khổng lồ công nghệ nhằm thu hút nhiều hơn những người dùng trẻ tuổi đang dần chuyển sang những nền tảng khác.

Metaverse gợi nhớ đến nền tảng trực tuyến Second Life trước đó, cho phép người dùng tạo ra một hình đại diện để sống “cuộc đời thứ hai” trong thế giới ảo.

Metaverse của Zuckerberg cố gắng xây dựng dựa trên khái niệm này và tích hợp trải nghiệm của từng cá nhân một cách sâu sắc hơn trong khi đầu tư hàng tỷ USD vào dự án. Gần đây, ngay cả Đại sứ quán của Israel tại Seoul cũng đã mở một phiên bản kỹ thuật số về sứ mệnh của mình trên Metaverse.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc một Metaverse quy mô lớn thu hút hàng tỷ người dùng sẽ mang đến tác động tích cực hay tiêu cực cho xã hội. Một số chuyên gia cho biết nhiều vấn đề đã trở nên phổ biến như: bắt nạt trực tuyến và nghiện mạng xã hội — một loại “thuốc phiện đối với đa số mọi người.”

Ông Miller đã chia sẻ quan điểm tương tự.

Ông nói với The Epoch Times: “Đây dường như là phần mở rộng được vi tính hóa của nền chính trị căn tính**. ‘Tôi sẽ sống với một nhân dạng hoặc phiên bản khác về con người tôi ở trên mạng. Nhân tiện, tôi có thể đi và mua mọi thứ khi tôi vào mạng, để làm con người trên mạng của tôi trở nên thú vị và khác biệt hơn.’”

“Đó không phải cuộc sống thực tại và tôi nghĩ rằng bạn sẽ bắt đầu bước vào chủ nghĩa siêu nhân học* với vô số những thứ kỳ quặc ở một mức độ nào đó. Đó không phải là một bước nhảy vọt,” ông nói.

Giám đốc điều hành Gettr: Metaverse của Zuckerberg là cánh cổng dẫn đến 'Chủ nghĩa siêu nhân học'
Ông Mark Zuckerberg (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Phơi bày mặt trái trong bản tính con người

Bác sĩ tâm lý lâm sàng Tanveer Ahmed cho biết nền tảng này có thể ảnh hưởng “khá mạnh mẽ” đến những người bị hạn chế trong cuộc sống thông thường, bằng cách để họ xây dựng cuộc sống “phi thường” ở trên mạng. Đồng thời, ông cho biết cũng có những ứng dụng tiềm năng giúp điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và liệu pháp phơi nhiễm để giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ hãi.

“Nhưng với một số người, thay vì có cuộc sống ý nghĩa trong thế giới thực, họ có thể lạc mình trong thế giới ảo. Bởi vì ở một số khía cạnh, họ có thể che giấu con người thật của mình và điều này trở thành lối thoát cho bản thân họ” ông nói với The Epoch Times. “Vì vậy, đôi khi sống trong thế giới ảo đã trở thành cách để trốn tránh hiện thực, các mối quan hệ thực và các vấn đề thực, v.v.”

“Khi ‘cuộc sống thứ hai’ trở nên phổ biến, nền tảng này đã bộc lộ mặt trái trong bản tính con người. Mọi người bắt đầu thổi phồng mọi thứ hoặc mong muốn tình dục ảo — một điều gần như phơi bày hoàn toàn mặt trái này.”

Ông cũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện mạng xã hội.

“Mạng xã hội có thể phóng đại các vấn đề với những người dễ bị tổn thương mức độ nhẹ. Nếu bạn bị chứng hoang tưởng như tâm thần phân liệt — tình trạng này thực sự có thể bị phóng đại lên,” ông nói thêm. “Đó là quan điểm rộng hơn về internet và phương tiện truyền thông xã hội. Những điều này không thực sự là nguyên nhân chính gây ra vấn đề tâm lý, nhưng có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương ở mọi người.”

Trong khi đó, ông Miller không tin rằng Meta đang dành hàng tỷ USD để thay đổi nhân loại, mà chỉ đơn thuần là cố gắng đổi mới để thoát khỏi các vấn đề đang tồn tại với Facebook.

“Zuckerberg biết rằng chỉ có 2% trẻ em dưới 18 tuổi dùng Facebook và hiểu rằng đây là một nền tảng đang bị lãng quên,” ông nói. “Đó là lý do tại sao Zuckerberg về căn bản đang cố gắng hợp nhất Facebook với Instagram thuộc quyền sở hữu của Meta.”

“Nếu bạn truy cập Facebook vào thời điểm này, sau khi nhấp chuột một vài lần, bạn gần như không thể phân biệt với Instagram. Zuckerberg gần như đã bắt đầu kết hợp hai nền tảng này lại với nhau,” ông nói thêm.

Năm nay, giá cổ phiếu của Facebook tiếp tục giảm một cách ổn định, trong bối cảnh số lượng người dùng bị đình trệ.

Một phần nguyên nhân là do Facebook có thể đã đạt đến điểm bão hòa ở các quốc gia và đối tượng khả thi mà họ có thể mở rộng đến, trong khi người dùng đang chọn các nền tảng có nhiều dịch vụ chuyên dụng hơn như YouTube, TikTok và Instagram.

Ghi chú của dịch giả:

(*) Chủ nghĩa siêu nhân học (transhumanism): là phong trào ủng hộ sự tiếp cận liên ngành, được coi như cuộc cách mạng cuối cùng của quá trình tiến hóa.

(**) Chính trị căn tính (chính trị bản sắc): là phương cách tiếp cận chính trị trong đó những người thuộc cùng một giới tính, tôn giáo, chủng tộc, nền tảng xã hội, giai tầng cụ thể hoặc nhiều yếu tố nhận dạng khác, phát triển các nghị trình chính trị dựa trên các hệ thống tương tác lý thuyết về áp bức có thể ảnh hưởng đến đời sống của họ và xuất phát từ những căn tính khác nhau của chính họ. 

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Daniel Y. Teng
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và bang giao Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn