Cách thức mạng xã hội ‘chi phối não bộ’ gây hại cho người dùng, đặc biệt là trẻ em
Các phương thức “chi phối não bộ” có tính gây nghiện được những đại công ty mạng xã hội sử dụng để giữ chân người dùng trên nền tảng của họ có những tác động có hại, đặc biệt là đối với trẻ em, theo người trong ngành Rex Lee. Ông cho biết các công ty này có thể đang vi phạm luật bảo vệ trẻ em và luật bảo vệ người tiêu dùng bằng cách sử dụng các kỹ thuật như vậy.
Ông Lee, người có hơn 35 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ và viễn thông, gần đây đã điều trần trước Quốc hội, trình bày trước các thành viên của quốc hội về một số hành vi lừa dối [người dùng] được các mạng truyền thông xã hội sử dụng — cụ thể là hành vi “chi phối não bộ”.
Gần đây, trong lần xuất hiện cùng chương trình “Crossroads” của EpochTV, ông nói, “Lần đầu tiên tôi nghe nói đến việc chi phối não bộ, tôi cứ nghĩ đó là một thứ chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng.”
Ông cho biết các ứng dụng mạng xã hội, bao gồm cả những ứng dụng do Google, Meta, và Bytedance phát triển, đều được tạo ra một cách có chủ đích để gây nghiện.
Ông giải thích rằng một phần nguyên nhân khiến các nền tảng này trở nên gây nghiện là do các công nghệ chi phối não bộ, vốn liên quan đến hoạt động quảng cáo có tính dẫn dắt gợi ý và chào mời lôi cuốn.
Ông Lee, người làm việc trong lĩnh vực công nghệ cho một nhà phát triển ứng dụng và nền tảng doanh nghiệp, cho biết ông đã bị thực sự chấn động sau khi nghe ông Sean Parker, người từng là chủ tịch đầu tiên của Facebook, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn Axios năm 2017.
Trong cuộc phỏng vấn này, ông Parker nói rằng Facebook được phát triển có chủ đích bằng cách sử dụng các công nghệ gây nghiện liên quan đến thứ mà ông mô tả là “vòng phản hồi xác thực xã hội” (“social validation feedback loop”)(*).
Ông Lee nói: “Bản thân điều này chính là trọng tâm của việc chi phối não bộ. Và điều đó làm cho người dùng cuối an tâm và hài lòng rằng những gì họ đăng trên nền tảng đang được rất nhiều người đón nhận. Nói cách khác, một vòng phản hồi xác thực xã hội sẽ liên quan tới một biểu tượng thích, hoặc hiệu ứng tung hoa hoặc biểu tượng cảm xúc, và những thứ kiểu như vậy sau khi họ đăng bài viết lên.”
Ông Lee cho biết đây là những nét đặc trưng gây nghiện mà các nhà phát triển đưa vào thiết kế ứng dụng và nền tảng của họ, mà cuối cùng sẽ gây hại cho người dùng.
“Ông Sean Parker thực sự đã thừa nhận điều này trong cuộc phỏng vấn với Axios khi ông ấy nói, ‘Chỉ có Chúa mới biết họ đang làm gì với bộ não của con em chúng ta,’” ông Lee tâm sự. “Nhưng đó không chỉ là bộ não của trẻ em, đó còn là bộ não của người dùng cuối, cho dù đó là người lớn, thanh thiếu niên, trẻ em hay doanh nghiệp.
“Đây là lý do tại sao mọi người kiểm tra điện thoại thông minh của họ tới 150 lần một ngày.”
Ông Lee nói thêm rằng ông Parker đã nói rõ ràng với Axios rằng vòng phản hồi này “chính xác là thứ mà một hacker như tôi sẽ nghĩ ra, bởi vì bạn đang khai thác những điểm yếu trong tâm lý con người.”
Ông Lee đã cung cấp cho các ủy ban quốc hội, cũng như các thượng nghị sĩ và thành viên Hạ viện, thông tin nội bộ về cách các nền tảng này được phát triển.
Cố vấn về quyền riêng tư và an ninh mạng này cũng nhấn mạnh những tác động có hại mà các nền tảng mạng xã hội này gây ra đối với thanh thiếu niên trẻ tuổi, mô tả các nền tảng này “không khác gì các công ty thuốc lá sản xuất thuốc lá có mùi kẹo cao su rồi bán cho trẻ em.”
Ông Lee cho hay, “Các vòng phản hồi xác thực xã hội này là những gì cốt lõi [của vấn đề] và tại sao các cô bé cũng như các cậu bé tuổi teen sử dụng công nghệ này có thể bị nó làm tổn hại — các em dính chặt lấy nó, các em không bao giờ có thể cảm thấy thỏa mãn trong đó.”
“Và sau đó, các em cũng sẽ chán nản và luôn phải liên tục tìm kiếm sự xác nhận đó, không chỉ từ công nghệ này mà còn từ những người dùng cuối khác trên nền tảng.”
“Điều này cũng nguy hiểm vì nó góp phần vào việc bắt nạt trên mạng,” ông Lee nói, đồng thời giải thích rằng bản thân những người bắt nạt trên mạng có thể bị nghiện đi bắt nạt người khác trên mạng.
“Họ [những người bắt nạt trên mạng] nhận được một vài lượt thích từ bài đăng khi họ đang bắt nạt ai đó và rồi nhiều lượt thích hơn nữa xuất hiện. Và sau đó, kẻ bắt nạt thực sự trở nên nghiện làm hại người khác, cũng như người tiếp nhận bắt đầu bị hại,” ông giải thích. “Và tất cả chúng ta đều biết điều gì dẫn đến sự lo lắng, tự làm hại bản thân, cũng như các vụ tự tử. Và tất cả những điều đó đều nằm trong số những người dùng thanh thiếu niên và thanh niên trưởng thành, đặc biệt là các cô gái trẻ sử dụng nền tảng này.”
“Trẻ em đang bị lợi dụng,” ông cáo buộc, đồng thời lưu ý rằng những đại công ty truyền thông xã hội có thể đang vi phạm luật bảo vệ trẻ em trên mạng — Đạo luật Bảo vệ Quyền Riêng tư Trên mạng cho Trẻ em (COPPA) của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) được ban hành từ năm 1998.
Ông Lee nói về luật này, “Thực sự là bất hợp pháp nếu cho trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng bất kỳ loại công nghệ nào được hỗ trợ bởi các ứng dụng săn mồi vốn được phát triển để khai thác người dùng nhằm thu lợi tài chính thông qua các phương pháp như khai thác và giám sát dữ liệu.”
Ông Lee cho biết ông đã phân tích ngôn ngữ pháp lý trên điện thoại thông minh Samsung Galaxy Note được cài đặt sẵn hơn 175 ứng dụng do 18 công ty xây dựng hoặc phát triển, trong đó có công ty công nghệ Trung Quốc Baidu.
Ông giải thích rằng những gì thường bị che khỏi tầm mắt người dùng trong chính các thiết bị này là “phần quan trọng nhất trong điều khoản sử dụng của quý vị.”
Điều này bao gồm các điều khoản cho phép ứng dụng và cảnh báo sản phẩm của ứng dụng “vốn mô tả rất chi tiết mức độ giám sát và khai thác dữ liệu mà các công ty công nghệ có thể tiến hành đối với quý vị.”
Ông cho hay, “Nhưng họ không muốn công khai trên mạng. Họ giấu điều đó trong các thiết bị, và một số điều khoản cho phép ứng dụng đó thực sự chứa các cảnh báo về sản phẩm.”
Ông giải thích: “Một lần nữa, một ví dụ tương tự khác của thuốc lá, nó sẽ giống như lời cảnh báo về thuốc lá được in bên trong bao thuốc. Để sau khi quý vị tiêu thụ sản phẩm, quý vị hiểu rằng sản phẩm này cam kết rằng nó có thể gây ung thư, điều này là giống nhau.”
“Họ đang giấu các cảnh báo sản phẩm trong các điều khoản cho phép ứng dụng, chỉ có thể được truy cập từ bên trong thiết bị và không được công khai,” ông cho biết thêm.
Ông Lee cho biết FTC nên bắt tay vào việc điều tra các công ty này về tác hại liên quan do người tiêu dùng của họ báo cáo, và thực thi luật khách hàng hiện hành, đặc biệt là kể từ khi các cựu giám đốc điều hành cao cấp, chẳng hạn như ông Parker, đã thừa nhận rằng họ đã phát triển các công nghệ này để gây nghiện, “thậm chí gây nguy hại cho sự an toàn của người dùng cuối.”
“Chúng ta không chỉ có những nền tảng này bị vũ khí hóa nhắm vào người dùng cuối nhằm khai thác họ để thu lợi tài chính thông qua công nghệ có hại, chẳng hạn như các ứng dụng gây nghiện, mà giờ đây các nền tảng đó đang lợi dụng công nghệ này để đàn áp mọi người và truyền bá thông tin sai lệch, kiểm duyệt, phá hủy quyền tự do báo chí, và còn nhiều thứ khác,” ông Lee nói thêm. “Thật không thể nào tin được.”
The Epoch Times đã liên lạc với Meta, ByteDance, và Google để xin ý kiến bình luận.
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp không cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.
Chú thích của người dịch:
(*) social validation feedback loop: sự phản hồi của nhóm người dùng trên mạng tác động đến trạng thái tinh thần của người đăng bài.
Do Isabel van Brugen và Joshua Phillips thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: