Giá dầu vượt 120 USD/thùng khi Âu Châu xem xét các biện pháp trừng phạt Nga
Giá dầu tiếp tục tăng trong đầu phiên giao dịch hôm 30/05 do các thương nhân chờ đợi quyết định của Âu Châu về lệnh trừng phạt nhập cảng dầu của Nga.
Hợp đồng dầu thô Brent giao tháng Bảy đạt 120.02 USD/thùng vào lúc 11 giờ sáng UTC (7 giờ sáng giờ miền Đông) hôm 30/05, mức cao nhất trong hơn hai tháng. Trong khi đó, giá dầu thô kỳ hạn của US West Texas Intermediate (WTI) đạt 115.72 USD/thùng. Liên minh Âu Châu dự kiến nhóm họp vào ngày 30-31/05 để thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga vì hành động xâm lược Ukraine của nước này.
Trong năm gói trừng phạt trước đây, EU đã nhắm vào hơn 1,000 cá nhân, ngân hàng và doanh nghiệp chủ chốt của Nga. Gói thứ sáu này đã được công bố hôm 04/05 nhưng các nước thành viên EU vẫn chưa đi đến thống nhất về việc thực hiện gói này, do nhiều quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập cảng năng lượng của Nga.
Cô Leona Liu, nhà phân tích tại DailyFX có trụ sở tại Singapore, cho biết theo Reuters: “Liên minh Âu Châu vẫn còn khá khó khăn để giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, lệnh cấm nhập cảng ngay lập tức sẽ ít khả thi hơn, và nhu cầu có thể khiến giá dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới.”
Âu Châu là nước mua năng lượng lớn nhất của Nga. Khoảng 27% lượng dầu thô nhập cảng của khối trong năm 2021 đến từ Nga. Con số này là khoảng 2.4 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó 35% được vận chuyển qua các đường ống.
Các nước EU như Hungary, Slovakia, Bulgaria và Cộng hòa Séc không có khả năng thực hiện các bước chống lại dầu của Nga.
Hơn 60% dầu mỏ và 85% khí đốt tự nhiên của Hungary đến từ Nga. Slovakia và Cộng hòa Séc không giáp biển dựa vào đường ống Druzhba từ Nga để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong nước. EU đã đề xướng một quá trình chuyển đổi dài hơn cho ba quốc gia này cũng như tài trợ 2 tỷ euro (2.15 tỷ USD) để thúc đẩy cơ sở hạ tầng dầu mỏ.
Một nhà ngoại giao nói với CNN rằng EU đang ở “giai đoạn cuối cùng” của việc đồng ý với các điều khoản của lệnh cấm vận dầu mỏ nhưng cần thêm thời gian để thuyết phục các quốc gia như Hungary. Liên minh Âu Châu chỉ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu tất cả 27 quốc gia thành viên đồng ý.
Nhà ngoại giao này nói: “Chúng tôi hiểu hoàn cảnh đặc biệt của họ, chúng tôi hiểu vấn đề an ninh về nguồn cung cấp của họ, chúng tôi hiểu việc họ tìm kiếm sự bảo đảm để có thể giải quyết vấn đề đó.”
Ông Tamas Varga của nhà môi giới dầu PVM nói với CNBC, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm khoảng 43% ngân sách liên bang của Nga từ năm 2011 đến năm 2020. Do đó, bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với dầu khí sẽ gây ra “nỗi đau tài chính đáng kể” cho Điện Kremlin.
Mặc dù EU có ý định làm tổn thương Nga vì đã tấn công Ukraine, nhưng việc khối này mua dầu và khí đốt của Nga đang hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến, ông nói.
Ông Varga nói: “Trong trường hợp không có các biện pháp trả đũa bổ sung chắc chắn, EU vẫn tài trợ cho Nga trong cuộc xung đột. Trong ba tháng đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã thu được năng lượng trị giá 60 tỷ USD, hầu như không phải là một công thức gây căng thẳng tài chính cho kẻ xâm lược.”
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press