Giá cước vận chuyển trên các tuyến Hoa Kỳ – Trung Quốc tăng cao trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu gia tăng
Với việc giá vận chuyển giảm ở mức kỷ lục, số lượng tàu container chờ đợi ngoài khơi tại Cảng Los Angeles – Long Beach đã giảm xuống còn ít hơn 10 chiếc so với hơn 100 chiếc hồi tháng Một. Theo phân tích từ các chuyên gia, nguy cơ suy thoái toàn cầu đang tăng cao.
Theo Viện nghiên cứu Nomura, trong tuần đầu tiên của tháng Chín, vận chuyển một container từ Thượng Hải, Trung Quốc, đến Bờ Tây Hoa Kỳ có giá 3,959 USD, giảm 23% so với tuần trước đó. Đó là mức giảm hơn 1,000 USD, mức lớn nhất kể từ năm 2009.
Giá cước trên tuyến Hoa Kỳ – Trung Quốc là tiêu chuẩn quốc tế cho ngành vận tải biển. Giá cước trên các tuyến đường biển khác cũng đang giảm. Lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải đến Rotterdam và các nơi khác ở Âu Châu đã giảm 45% kể từ đầu năm 2022.
Theo Chỉ số Freightos Baltic, chi phí vận chuyển một container 40 foot từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ hiện vào khoảng 3,441 USD/container, giảm khoảng 75% so với tháng Một năm 2022. Chi phí vận chuyển một container từ Á Châu đến Âu Châu là khoảng 7,278 USD, giảm khoảng 40% so với đầu năm.
Ngoài ra, FedEx Corp., được xem là một đầu tàu thổi bùng sức sống kinh tế Hoa Kỳ, đã khiến các thị trường ngạc nhiên hôm 15/09 bằng cách rút lại dự báo thu nhập năm tài khóa 2023 sau khi thu nhập giảm nhiều so với kỳ vọng.
Ông Raj Subramaniam, Giám đốc điều hành hãng FedEx, cho biết ông “rất thất vọng” về kết quả mà công ty đã công bố trong quý đầu tiên của năm tài khóa, với lý do chính là sự sụt giảm khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Phân tích của S&P Global Market Intelligence cho thấy sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa đã dẫn đến khối lượng thương mại toàn cầu chậm lại và chi phí vận chuyển giảm, trong khi Nikkei Asian Review phân tích rằng việc nới lỏng tắc nghẽn hàng hải có liên quan đến việc Fed tăng lãi suất.
Tăng lãi suất đã kìm nén lĩnh vực nhà ở và chi tiêu của người tiêu dùng
Cục Dự trữ Liên bang hôm 21/09 đã công bố mức tăng 75 điểm cơ bản, nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang lên từ 3.00% đến 3.25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ năm của Fed cho đến thời điểm này trong năm nay và là lần thứ ba liên tiếp tăng 75 điểm cơ bản, mức cao nhất và mạnh nhất kể từ năm 1981.
Kể từ tháng Ba, Fed đã tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản để đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt, nhưng lạm phát vẫn chưa giảm đáng kể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng Tám đã tăng 0.1% so với một tháng trước đó và 8.3% so với một năm trước đó, theo dữ liệu do Cục Lao động công bố hôm 13/09. Mức tăng hàng năm vẫn ở mức cao so với trước đây.
Việc Fed tăng lãi suất khiến lãi suất thế chấp tăng lên, từ đó khiến thị trường nhà đất sụt giảm. Theo Bộ Thương mại, giá nhà ở bắt đầu giảm 9.6% trong tháng Bảy so với tháng trước. Theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới Quốc gia, doanh số bán các căn nhà hiện có cũng giảm trong tháng thứ 6 liên tiếp vào tháng Bảy. Doanh số bán nhà thấp hơn cũng sẽ dẫn đến doanh số bán các hàng hóa liên quan thấp hơn.
Hàng tồn kho tăng báo hiệu kinh tế suy giảm
Tàu container được sử dụng chủ yếu để vận chuyển đồ đạc, đồ điện gia dụng, và các loại hàng hóa khác. Theo ông Takuma Matsuda, giáo sư chuyên về vận chuyển hàng hải tại Đại học Takushoku, Nhật Bản, đồ nội thất và thiết bị gia dụng chiếm khoảng 25% hàng hóa được vận chuyển từ Á Châu đến Hoa Kỳ.
Ông Matsuda nói với Nikkei Asia : “Tồn kho đồ nội thất và các mặt hàng khác đang tăng lên ở Hoa Kỳ. Ngành hậu cần hàng hải đang bước vào ột giai đoạn mới.”
Ví dụ như, tính đến hôm 08/05, Costco có 17.623 tỷ USD hàng tồn kho, tăng 26% so với năm ngoái, trong khi hàng tồn kho của gã khổng lồ bán lẻ toàn cầu Walmart tăng 25% so với năm ngoái.
Các nhà bán lẻ cho biết họ đang hủy một số đơn đặt hàng để cân bằng mức tồn kho. Vào tháng Tám, ông John Rainey, Giám đốc tài chính của Walmart, cho biết công ty đã hủy bỏ hàng tỷ USD để “giúp điều chỉnh mức tồn kho phù hợp với nhu cầu dự kiến”. Target, tập đoàn cửa hàng bách hóa lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, cũng cho biết họ đã hủy các đơn đặt hàng trị giá hơn 1.5 tỷ USD để giảm lượng tồn kho của hàng hóa không thiết yếu.
Theo dữ liệu của Bloomberg, trong hai tuần cuối tháng Năm, hàng tồn kho của các công ty trong chỉ số tiêu dùng S&P có giá trị thị trường hơn 1 tỷ USD đã tăng 44.8 tỷ USD, tăng 26% so với một năm trước đó. Citi Research đã phân tích kết quả quý đầu tiên của 18 nhà bán lẻ lớn tính đến ngày 22/05. Trong số 18 nhà bán lẻ đó, 11 nhà bán lẻ có hàng tồn kho tăng nhanh hơn 10 điểm % so với doanh số bán hàng.
Sự tích tụ của hàng tồn kho bán lẻ thường báo hiệu sự thiếu động lực trong tiêu thụ, là dấu hiệu báo trước sự suy giảm kinh tế hoặc thậm chí suy thoái.
Nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng
Một dấu hiệu chính khác của suy thoái toàn cầu là sự đình trệ của tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Báo cáo Phong vũ biểu Thương mại Hàng hóa mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới, được công bố vào tháng Tám cho thấy khối lượng thương mại hàng hóa thế giới chậm lại 3.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm nay, giảm từ 5.7% trong quý thứ tư năm 2021. Điều này là phù hợp với khối lượng giảm và giá vận chuyển giảm mạnh.
Hôm 15/09, Ngân hàng Thế giới cũng công bố một báo cáo chỉ ra một cuộc suy thoái toàn cầu có nguy cơ gia tăng. Theo báo cáo này , thế giới có thể đang tiến tới một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023 khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất để chống lạm phát. Hàng loạt cuộc khủng hoảng tài chính có thể xuất hiện ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Báo cáo cho biết các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất “với mức độ đồng bộ” chưa từng thấy trong 50 năm qua và xu hướng đó có khả năng tiếp tục diễn ra sang tận năm tới. Các nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất chính sách tiền tệ toàn cầu lên gần 4% vào năm 2023, cao hơn 2 điểm % so với mức trung bình năm 2021.
Báo cáo cho biết: “Trừ khi gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động giảm bớt, những đợt tăng lãi suất đó có thể khiến tỷ lệ lạm phát cơ bản toàn cầu (không bao gồm năng lượng) ở mức khoảng 5% vào năm 2023 – gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước đại dịch.”
Theo báo cáo, các ngân hàng trung ương có thể cần phải tăng lãi suất thêm 2 điểm % để đưa lạm phát xuống mức phù hợp với mục tiêu của họ. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng GDP toàn cầu chậm lại 0.5% vào năm 2023 và GDP bình quân đầu người giảm 0.4%, đáp ứng định nghĩa kỹ thuật của một cuộc suy thoái toàn cầu.
Kinh tế gia: Khả năng ‘100%’
Theo một cuộc khảo sát vào tháng Chín của CNBC với các nhà kinh tế, quản lý quỹ, và chiến lược gia, có 52% khả năng Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, nói với CNBC rằng ông tin rằng khả năng Hoa Kỳ suy thoái là 80%.
Ông Hanke đổ lỗi cho ngân hàng trung ương Hoa Kỳ về việc lạm phát gia tăng.
Ông nói: “Lý do cho điều đó là vì Fed đã bùng nổ nguồn cung tiền, bắt đầu từ đầu năm 2020 với tốc độ chưa từng có. Họ đã thực sự tìm kiếm lạm phát và nguyên nhân của lạm phát ở nhầm chỗ. Họ đang xem xét mọi thứ có thể, trừ nguồn cung tiền.”
Nhà kinh tế Hoa Kỳ Davy Jun Huang tin rằng xác suất Hoa Kỳ suy thoái trong 12 tháng tới là hơn 55% và trong 24 tháng tới, xác suất Hoa Kỳ suy thoái là 100%.
Ông Huang nói với The Epoch Times: “Kết hợp với chiến tranh Nga-Ukraine và mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khả năng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ về căn bản là chắc chắn.”
“Cộng đồng kinh tế đã tranh cãi từ đầu năm nay rằng việc Fed nới lỏng không giới hạn để đối phó với đại dịch là quá mạnh và quá lâu, và đã được bồi thêm bằng sự hỗ trợ kinh tế lớn và các ưu đãi thuế mà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã đưa vào thị trường.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times