Toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc suy thoái hiện nay
Giá khí đốt ở Âu Châu đang tăng chóng mặt thêm ít nhất 30% do một trong những đường ống dẫn chính của Nga, Nord Stream 1, sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn. Lạm phát toàn cầu đã ở mức cao nhất trong nhiều thập niên trong khi chính sách thắt chặt tiền tệ có nguy cơ gây ra suy thoái toàn cầu. Như nhà quản lý quỹ đầu cơ Ray Dalio đã tuyên bố trong cuốn sách của mình, “Trật Tự Thế Giới Đang Thay Đổi” (“The Changing World Order”): “Thời gian sắp tới sẽ hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đã trải qua trong cuộc đời mình, mặc dù tương tự như nhiều lần trước đây.”
Toàn cầu hóa cho phép mua nguyên liệu hiệu quả về mặt chi phí, sản xuất ở hải ngoại, và mở rộng ra các thị trường hải ngoại để tăng lợi nhuận. Ví dụ, khoảng một nửa doanh thu của Facebook là ở hải ngoại. Hơn một nửa doanh thu kinh doanh của Apple thường được tạo ra bên ngoài Hoa Kỳ, và trung bình Tesla thu về 25% doanh thu chỉ riêng ở Trung Quốc. Thuê ngoài đã cho phép các ý tưởng sáng tạo, việc làm mới, và mức sống cao hơn nói chung trên toàn thế giới. Nếu không có lợi ích của toàn cầu hóa, trung bình iPhone sẽ tốn thêm 600 USD để sản xuất, và về căn bản các mặt hàng vải vóc sẽ có giá cao hơn giá bán lẻ hiện tại của chúng.
Khi thế giới kết nối với nhau như vậy, sự suy thoái ở một quốc gia có thể có khả năng ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Có vô số các yếu tố xảy ra cùng lúc dẫn đến mức giá cao như vậy.
Theo Business Insider, cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến giá dầu và khí đốt tăng đột biến do hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Lúa mì và nhôm đã tăng mạnh kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, do Nga là một nhà sản xuất lớn.
Theo VentureBeat, Ukraine cung cấp 90% neon cấp độ bán dẫn của Hoa Kỳ, và 35% palladium có nguồn gốc từ Nga. Do đó, việc sản xuất vi mạch máy điện toán và chất bán dẫn đã trở nên căng thẳng hơn. Những linh kiện này rất cần thiết cho xe hơi, trò chơi điện tử, điện thoại, tấm pin quang năng, và mọi thứ có liên quan đến máy điện toán.
Giá xe hơi đã qua sử dụng tăng là một ví dụ rõ ràng về tác động của việc khan hiếm vi mạch điện toán cho xe hơi mới. Theo dữ liệu trong tháng từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, Chỉ số Giá Tiêu dùng, một thước đo lạm phát, đối với xe hơi và xe tải đã qua sử dụng đã tăng 7.5% trong khoảng thời gian từ tháng 08/2021 đến tháng 08/2022.
Chính sách zero COVID của Trung Quốc đã cản trở việc phân phối chuỗi cung ứng. Kết quả là, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại một cách nghiêm trọng, với mức tăng trưởng quý 2 chỉ là 0.4%. Như Bloomberg đã đề cập, sự suy thoái ở Trung Quốc đã dẫn đến việc xuất cảng vào Hoa Kỳ ít hơn. Đức và Ý đã có dấu hiệu suy thoái với tư cách là hai trong số các nền kinh tế lớn nhất Âu Châu.
Nhìn chung, một nền kinh tế đi xuống có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của một nền kinh tế khác, đồng thời làm tăng chi phí của một nền kinh tế khác và gây ra các tác động phân tầng cho những nền kinh tế khác.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times