Sự bi quan của nhà đầu tư tăng đến mốc chưa từng thấy trong gần 13 năm
Các nhà đầu tư đang ngày càng trở nên bi quan đối với chứng khoán khi tình trạng lạm phát cao dai dẳng đã buộc Cục Dự trữ Liên bang tích cực tăng lãi suất, với các nhà phân tích của Bank of America và Hiệp hội các Nhà đầu tư Cá nhân Hoa Kỳ (AAII) đều nói rằng sự bi quan của nhà đầu tư đã đạt mốc chưa từng thấy kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính 2008–09.
Cuộc khảo sát tâm lý mới nhất từ AAII cho thấy tỷ lệ các nhà đầu tư cá nhân mô tả triển vọng sáu tháng của họ đối với cổ phiếu là “bi quan” đã tăng mạnh từ 14.9 % lên 60.9 %. Lần cuối cùng thước đo mức độ bi quan của nhà đầu tư AAII cao hơn là vào tháng Ba năm 2009, khi nó đạt 70.3%.
Các nhà phân tích của Bank of America cho biết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây rằng các nhà đầu tư đang đổ xô vào tiền mặt khi họ tránh xa các tài sản rủi ro, với tâm lý nhà đầu tư “chắc chắn” là tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, AAII cho biết, tâm lý lạc quan vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử là 38% trong bốn mươi tư tuần liên tiếp. Tổ chức này cho biết chỉ số đo lường tâm lý lạc quan của họ đã giảm từ 8.4 % xuống 17.7 %, nằm trong số 20 chỉ số thấp nhất trong lịch sử của cuộc khảo sát.
AAII cho biết: “Các chỉ số tâm lý bi quan rất bất thường trong lịch sử cũng đã được theo sau bởi lợi nhuận trên trung bình và trên trung tính trong sáu tháng của S&P 500,” điều này cho thấy chứng khoán Mỹ có thể đang bắt đầu tăng điểm.
Còn khả năng giảm điểm
Một số nhà phân tích thị trường cho rằng chứng khoán Hoa Kỳ sẽ giảm điểm nhiều hơn khi các chỉ số kinh tế phát ra dấu hiệu cảnh báo và Fed đang trong chu kỳ tăng lãi suất.
Ông Nick Reece, phó chủ tịch nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư tại Merk Investments, nói với The Epoch qua thư điện tử: “Với chính sách thắt chặt tiền tệ, tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang diễn ra chậm lại, và định giá tương đối cao, thị trường cổ phiếu tiếp tục chứng kiến viễn cảnh không mấy tươi đẹp.”
Ông Reece nói thêm: “Lãi suất danh nghĩa và thực tế tiếp tục tăng gây áp lực lên bội số định giá, đặc biệt đối với các cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn. Thị trường có vẻ như có cơ hội để ‘bắt kịp’ mức lãi suất thực hiện tại, và rất có thể lãi suất thực tế sẽ tiếp tục tăng dựa trên khuôn khổ của Fed.”
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 21/09 rằng lạm phát “đang ở mức quá cao” và cảnh báo rằng lãi suất đang tăng cao hơn và sẵn sàng duy trì ở mức hạn chế trong “một thời gian”.
Ông Powell nói với các phóng viên, “Dữ liệu lịch sử cảnh báo mạnh mẽ trước chính sách nới lỏng quá sớm.” Đồng thời ông nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương nhận định lãi suất quỹ liên bang đạt đỉnh 4.6% vào cuối năm 2023, trước khi giảm xuống 2.9% vào cuối năm 2025.
Cảnh báo suy thoái rõ nét hơn
Trong khi đó, thước đo kinh tế quan trọng từ Conference Board đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng Tám, với “động lực chính” là việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ.
Conference Board cho biết hôm 22/09, Chỉ số Kinh tế Hàng đầu (LEI) của Hoa Kỳ, một thước đo hướng tới tương lai bao gồm 10 chỉ số riêng lẻ, đã giảm 0.3% trong tháng Tám.
Ông Ataman Ozyildirim, Giám đốc cao cấp phụ trách kinh tế tại Conference Board, cho biết: “Chỉ số LEI của Hoa Kỳ giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp, có khả năng báo hiệu một cuộc suy thoái.”
Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ đáp ứng định nghĩa thông thường về suy thoái khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm hai quý liên tiếp vào đầu năm nay, thì suy thoái lại phải được chính thức xác định bởi một hội đồng các nhà kinh tế tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER).
Các nhà kinh tế của NBER sử dụng một định nghĩa rộng hơn so với quy tắc hai phần tư, dựa trên một loạt các chỉ số, bao gồm cả thị trường lao động, vốn vẫn đang ở trên một nền tảng tương đối vững chắc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times