Fed lo sợ suy thoái chứ không lo về lạm phát, thứ lẽ ra là ‘kẻ thù’ của cơ quan này
Nam ca sĩ John Lennon đã hát trong ca khúc “Quyền Lực Cho Người Dân” (“Power To the People”) như sau: “Một triệu người lao động làm việc chẳng vì điều gì. Tốt hơn là quý vị nên cung cấp cho họ những gì họ thực sự sở hữu.” Với mức độ lạm phát chưa từng thấy trong 40 năm qua đang tàn phá tiền lương của người lao động ngày nay, họ phẫn nộ khi bị cướp đi số tiền mà họ kiếm được. Đó là lý do tại sao ở một quốc gia tự do thấu hiểu và trân trọng thị trường tự do, chúng ta cách ly ngân hàng trung ương khỏi những đam mê chính trị bằng cách biến cơ quan này trở thành độc lập và thực thi sự độc lập đó, để ngân hàng có thể chống lạm phát mạnh mẽ khi cần.
Nhưng sự độc lập về luật pháp không bao giờ có thể che chắn một cách hoàn hảo cho các ngân hàng trung ương của chính phủ. Như ông Milton Friedman đã lưu ý vào năm 1962 trong một bài luận có lẽ có ảnh hưởng nhất trong việc thúc đẩy sự độc lập của ngân hàng trung ương, “Ngay cả khi các ngân hàng trung ương được cho là hoàn toàn độc lập, họ chỉ thực hiện sự độc lập của mình chừng nào không có xung đột thực sự giữa họ và phần còn lại của chính phủ.”
Ngày nay, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ thực hiện một mục tiêu mà chủ tịch và các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này biết là bất khả thi ở Hoa Thịnh Đốn ngày nay. Ngay cả những đợt tăng lãi suất ngắn hạn giữa các ngân hàng của Fed ở mức 75 hoặc thậm chí 100 điểm cơ bản cũng sẽ không thể sánh ngang với tỷ lệ lạm phát 8.5% hiện nay. Chủ tịch Jerome Powell và các đồng sự trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của ông sẽ không nhận được sự khen ngợi vì đã chinh phục được giá năng lượng và hàng tiêu dùng ngày càng tăng bất cứ lúc nào trong tương lai gần, nếu có bao giờ được như vậy. Nhưng có một nguy cơ lớn là họ sẽ bị đổ lỗi cho cuộc suy thoái đã bắt đầu, đặc biệt nếu cuộc suy thoái này chứng tỏ là một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Ông Paul Tucker thuộc Trường Chính phủ Kennedy của Harvard, tác giả cuốn sách “Quyền Lực Không Được Bầu Chọn: Cuộc Truy Tìm Tính Hợp Pháp trong Ngân Hàng Trung Ương và Nhà Nước Điều Tiết” (“Unelected Power: The Quest for Legitimacy in Central Banking and the Regulatory State”), đã cảnh báo rằng “trong khi cơ quan quản lý tiền tệ độc lập khách quan, được cách ly khỏi chính trị hàng ngày, có thể giúp củng cố một hệ thống chính phủ theo hiến pháp, các chủ ngân hàng trung ương không được bầu chọn chắc chắn cần phải bị ràng buộc bởi luật pháp.”
Kể từ năm 1977, luật liên bang với ý định hạn chế đã cố gắng đạt được mục tiêu kép này. Quốc hội đã giao cho Fed nhiệm vụ “thúc đẩy hiệu quả các mục tiêu về việc làm tối đa, giá cả ổn định, và lãi suất dài hạn vừa phải.” Luật đó cũng có thể bằng như yêu cầu ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vẫy chiếc đũa phép của mình và tạo ra toàn dụng lao động mà không có lạm phát vĩnh viễn, trong tương lai xa — cùng với sự thịnh vượng cho mỗi công dân của quốc gia khi đang thực hiện mục tiêu đó.
Điều này không có nghĩa là Fed không thể đẩy lùi lạm phát với ở một mức độ hiệu quả nào đó ngày nay, nhưng không phải là khi nội bộ không tồn tại mặt trận thống nhất. Cục Dự trữ Liên bang ngày nay đang bị chia rẽ. Chẳng hạn, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis James Bullard vừa nói với Wall Street Journal, ông ấy muốn tăng thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng tới “để tiếp tục đưa lãi suất chính sách cao hơn vào vùng hạn chế.” Ông Bullard nói rõ rằng ông không lo lắng về một cuộc suy thoái, nhưng theo chủ tịch ngân hàng Fed Minneapolis Neel Kashkari, “chúng ta càng tiếp tục tăng lãi suất, chúng ta càng tiếp tục tăng chi phí vay nợ trên toàn nền kinh tế, giả dụ vậy, thì điều đó sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ, và điều đó sẽ khiến nhiều khả năng chúng ta sẽ rơi vào suy thoái.”
Biên bản cuộc họp FOMC tháng Bảy cho thấy các thành viên đã suy ngẫm lại rằng “có khả năng sẽ thích hợp vào một thời điểm nào đó để làm chậm tốc độ tăng lãi suất chính sách…” Và vì vậy, ngay cả khi lạm phát ở mức những năm 1970, Fed vẫn xin lỗi vì các chính sách mà họ đang dùng để giải quyết vấn đề, vốn sẽ còn lâu mới đủ để tiêu diệt lạm phát.
Họ sợ bị đổ lỗi cho một cuộc suy thoái là lỗi của Tổng thống Joe Biden và một Quốc hội chi tiêu lớn, do Đảng Dân Chủ thống trị — vốn chắc chắn sẽ rất vui khi có một con dê thế tội gần đó và là những người đầu tiên sẽ chỉ tay vào các chủ ngân hàng trung ương. Ông Paul Volcker quá cố, hay hút xì gà, gây-chú-ý-về-tầm-vóc-cao-hơn-6-foot-7 (2 mét), người thực sự nghiêm túc trong việc chinh phục lạm phát vào đầu những năm 1980 — tại một thời điểm vào năm 1981 đã đặt lãi suất của Fed ở mức 20% — bị khinh miệt và bị chỉ trích công khai khi còn nắm quyền. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày nay nên cân nhắc rằng sau đó ông đã được cấp bằng danh dự từ hơn 20 trung tâm đào tạo giáo dục bậc cao, bao gồm Dartmouth, Georgetown, Notre Dame, NYU, và Princeton.
Nhờ có hệ thống trường công lập do nghiệp đoàn thống trị về mặt chính trị của chúng ta, có rất ít người lao động Mỹ hiểu được ngay cả những kiến thức cơ bản về kinh tế học, hoặc tự do kinh tế hài hòa như thế nào với những thực tế của bản chất con người. Trong những tháng tới, họ có thể tham gia vào việc chỉ trích một Fed chí ít đã làm được một phần công việc của mình; họ thậm chí có thể đòi hỏi “quyền lực cho người dân” một cách ngu ngốc dưới hình thức một cuộc cải cách lập pháp nhằm chính trị hóa Fed. Nhưng cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi thuốc đắng dã tật.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Thomas McArdle từng là người soạn diễn văn tại Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống George W. Bush. Ông viết cho IssuesInsights.com.