Biên bản FOMC tháng Bảy: Fed vẫn không thấy bằng chứng về việc giảm áp lực lạm phát
Biên bản cuộc họp tháng trước từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tiết lộ hôm 17/08 (pdf) rằng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không thấy nhiều bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát trên diện rộng đang giảm bớt, đồng thời cho biết lạm phát cao trong 40 năm sẽ mất thời gian để giải quyết.
Biên bản viết: “Những người tham gia đồng ý rằng có rất ít bằng chứng cho thấy áp lực lạm phát đang giảm xuống. Họ đánh giá rằng lạm phát sẽ phản ứng với việc thắt chặt cung ứng tiền tệ và điều tiết liên quan đến hoạt động kinh tế với sự chậm trễ và có thể sẽ ở mức cao khó chịu trong một đoạn thời gian.”
“Những người tham gia cũng quan sát thấy rằng trong một số danh mục sản phẩm, tốc độ tăng giá có thể còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn, với mức tăng thêm đáng kể trong chi phí thuê nhà ở đặc biệt có khả năng xảy ra.”
Việc các quan chức ngân hàng trung ương tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 cho thấy bối cảnh hoạt động lao động mạnh mẽ.
Các quan chức Fed lưu ý rằng tốc độ tăng lãi suất chậm hơn có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó. Những người tham gia lưu ý rằng có những mối đe dọa đối với nền kinh tế nếu ngân hàng trung ương thắt chặt hơn những gì cần thiết để giúp giảm giá nhiều hơn. Các thành viên Ủy ban thừa nhận rằng có nhiều rủi ro khác nhau đối với tốc độ tăng trưởng GDP thực, bao gồm thắt chặt các điều kiện tài chính, điều kiện kinh tế liên quan đến đại dịch kéo dài, và các diễn biến địa chính trị.
Họ cũng quan sát thấy rằng có những dấu hiệu mới về sản lượng và mức tiêu thụ suy yếu, mặc dù những con số này đã được bù đắp bằng mức tăng việc làm mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Fed lưu ý rằng một trong những giải pháp để giảm lạm phát là giảm nhu cầu. Những người tham gia cuộc họp khác cho rằng lãi suất chính sách sẽ cần phải tăng lên mức hạn chế để kiểm soát lạm phát, điều có thể sẽ mất một thời gian dài.
Biên bản nêu rõ, “Với lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của Ủy ban, những người tham gia đánh giá rằng việc chuyển sang lập trường chính sách hạn chế là cần thiết để đáp ứng nhiệm vụ lập pháp của Ủy ban nhằm thúc đẩy việc làm tối đa và ổn định giá cả.”
“Một số người tham gia chỉ ra rằng một khi lãi suất chính sách đã đạt đến mức đủ hạn chế, có khả năng sẽ là phù hợp để duy trì mức đó trong một thời gian để bảo đảm rằng lạm phát chắc chắn trên con đường quay trở lại 2%.”
Cuối cùng, ngân hàng trung ương thừa nhận rằng sẽ là phù hợp để tăng lãi suất tiền gửi chuẩn lên 75 điểm cơ bản và tiếp tục giảm bảng cân đối kế toán khoảng 9 ngàn tỷ USD.
Trong khi các thị trường tài chính cắt giảm một số khoản lỗ sau khi biên bản của Fed được công bố, các chỉ số chuẩn hàng đầu vẫn chìm trong sắc đỏ.
Fed chiến thắng lạm phát?
Khi tỷ lệ lạm phát hàng năm của tháng Bảy giảm xuống 8.5% và Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng đạt mức 0%, các thị trường tài chính bắt đầu cân nhắc khả năng lạm phát đạt đỉnh điểm.
Các dấu hiệu khác cho thấy một số tin tốt về lạm phát. So với tháng trước, Chỉ số Giá sản xuất (PPI) giảm 0.5%, trong khi giá xuất cảng giảm 3.3%. Kỳ vọng lạm phát tiêu dùng cũng giảm bớt trong tháng Tám, mặc dù các nhà quan sát đã rất ngạc nhiên khi thước đo kỳ vọng lạm phát 5 năm của Đại học Michigan bất ngờ tăng lên 3% vào tháng Tám.
Ông John Lynch, Giám đốc đầu tư tại Comerica Wealth Management, cho biết trong khi câu chuyện về lạm phát đạt đỉnh điểm đang tăng lên, điều quan trọng là không nên nhầm lẫn nó “với sự kết thúc của lạm phát hay sự kết thúc của lãi suất cao hơn.”
“Thật không may, môi trường hiện tại bao gồm đầu ra yếu kém với mức lương không thể theo kịp với lạm phát. Về căn bản, các doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động nhiều hơn để sản xuất ít hơn,” ông viết hôm 15/08 (pdf). “Do đó, các công ty hoặc sẽ phải chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng, duy trì áp lực lạm phát hoặc chịu tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, đè nặng lên lợi nhuận và giá cổ phiếu. Không có sự lựa chọn nào có vẻ phù hợp với hoạt động của thị trường gần đây.”
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Minneapolis Neel Kashkari cho rằng dữ liệu CPI tháng Bảy đưa ra “gợi ý đầu tiên” rằng lạm phát của Hoa Kỳ có thể đang chậm lại. Nhưng ông cũng bác bỏ niềm tin của các nhà đầu tư rằng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong năm tới.
Ông Kashkari đã nói tại cuộc họp thường niên của Nhóm Chiến lược Kinh tế Aspen hồi tuần trước như sau: “Tôi chắc chắn vui mừng hơn khi thấy một điều bất ngờ theo chiều hướng tích cực.”
“Tôi nghĩ một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn rất nhiều là chúng ta sẽ tăng lãi suất đến một lúc nào đó, và sau đó chúng ta sẽ ngồi đó cho đến khi chúng ta tin rằng lạm phát đang trên đường giảm xuống 2%.”
Ông Tom Barkin, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond, muốn tăng lãi suất cho đến khi có một “thời kỳ duy trì” lạm phát được kiểm soát.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC: “Người tiêu dùng thực sự không thích lạm phát và một thông điệp mà tôi nhận được rất rõ ràng khi đi lang thang quanh vực của mình là ‘Chúng tôi không thích lạm phát.’”
Ông Charles Evans, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago, thừa nhận rằng các số liệu giá mới nhất là “tích cực”, nhưng “không ai có thể hài lòng” với chỉ số CPI hàng năm 8.5%.
Cuộc họp chính sách FOMC kéo dài hai ngày tiếp theo được lên lịch vào ngày 20-21 tháng Chín.
Theo CME FedWatch Tool, thị trường chủ yếu hướng tới một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào cuộc họp vào tháng tới, mặc dù nó có thể phụ thuộc vào dữ liệu việc làm và lạm phát trong tháng Tám.
Hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm?
Kể từ khi chiến dịch thắt chặt của Fed bắt đầu vào mùa xuân vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng ngân hàng trung ương có thể điều hướng hạ cánh mềm — chống lạm phát trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sau những quý liên tiếp của GDP âm, không rõ liệu điều đó có khả thi hay không.
Goldman Sachs cho rằng việc đánh bại lạm phát thành công và giữ cho nền kinh tế nguyên vẹn là “khả thi”, nhưng là một “con đường khó khăn”.
Nhà kinh tế David Mericle của Goldman cho biết trong một lưu ý khách hàng hôm 14/08: “Kết luận chung của chúng tôi là có một con đường khả thi nhưng khó khăn dẫn đến hạ cánh mềm, mặc dù một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed có thể làm giảm bớt hoặc phức tạp con đường đó và tăng hoặc giảm khả năng thành công.”
Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp FOMC vào tháng trước (08/08), ông Powell cũng nói như vậy, nói với các phóng viên rằng con đường dẫn đến một hạ cánh mềm “rõ ràng đã bị thu hẹp.”
Hành động tung hứng của Fed đã là một mối quan tâm suốt thời gian qua. Nhưng kết quả sau một vài tháng của chu kỳ thắt chặt là gì?
Giá xăng, vốn đã tăng vượt quá 5 USD một gallon, hiện trung bình dưới 4 USD, mặc dù điều đó đã được bù đắp bởi chi phí thực phẩm và chỗ ở tăng vọt. Tâm lý người tiêu dùng vẫn ở mức thấp, trong khi chi tiêu vẫn mạnh mẽ. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã trả lại 528,000 việc làm cho thị trường lao động, trong khi thị trường nhà ở đã rơi vào suy thoái.
Sau dữ liệu mạnh mẽ trong tháng Bảy, một số con số đầu tháng Tám cho thấy xu hướng kinh tế Hoa Kỳ chậm chạp.
Chỉ số Sản xuất New York Empire State đã giảm xuống mức âm 31.3 trong tháng Tám, dưới mức đồng thuận của thị trường. Chỉ số Thị trường Nhà ở NAHB đã giảm trong tháng thứ tám liên tiếp, xuống 49, mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020. Các đơn thất nghiệp ban đầu đã tăng lên mức cao nhất trong chín tháng là 262,000 trong tuần kết thúc hôm 06/08 (pdf).
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict.