Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất giữa những suy đoán về cắt giảm
HOA THỊNH ĐỐN — Với việc lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2% của Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed), các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang phải đối diện với — và trong một số trường hợp còn đang thúc đẩy — những hy vọng rằng họ sẽ thực hiện một thay đổi mang tính quyết định trong chính sách để cắt giảm lãi suất vào năm tới, có thể là ngay từ mùa xuân.
Một hành động như vậy sẽ làm giảm chi phí đi vay trên toàn nền kinh tế, giúp cho các khoản vay mua nhà, vay mua xe hơi, và vay kinh doanh trở nên ít tốn kém hơn. Giá cổ phiếu cũng có thể tăng, mặc dù giá cổ phiếu vốn dĩ đã tăng do kỳ vọng cắt giảm lãi suất và do vậy có thể sẽ không tăng đáng kể nữa.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã hạ thấp ý kiến cho rằng việc cắt giảm lãi suất đang đến gần. Với việc ngân hàng trung ương sẵn sàng giữ nguyên mức lãi suất ngắn hạn chính trong cuộc họp vào tuần này, ông Powell vẫn chưa cho thấy tín hiệu rằng Fed đã hoàn thành việc tăng lãi suất. Trong buổi nói chuyện gần đây tại Đại học Spelman ở Atlanta, Chủ tịch Fed đã cảnh báo rằng “sẽ là quá sớm để kết luận một cách tự tin” rằng Fed đã tăng mức lãi suất cơ bản lên đủ cao để dập tắt hoàn toàn lạm phát.
Tuy nhiên, cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed kết thúc vào thứ Tư (13/12) sẽ đánh dấu lần thứ ba liên tiếp các quan chức của họ giữ nguyên lãi suất cơ bản, càng tăng thêm sức nặng cho quan điểm phổ biến rằng việc tăng lãi suất đã kết thúc.
Xét cho cùng, nền kinh tế đang đi theo hướng mà Fed mong muốn khi vào hôm thứ Ba (12/12), chính phủ Hoa Kỳ công bố báo cáo lạm phát tháng Mười Một dự kiến mức tăng giá tiêu dùng hàng năm sẽ chậm lại còn 3.1%, giảm mạnh so với mức đỉnh 9.1% vào tháng 06/2022, theo cuộc khảo sát các nhà kinh tế của FactSet.
Và cơ hội việc làm đã giảm, điều đó có nghĩa là các công ty có ít nhu cầu tuyển dụng hơn và cảm thấy bớt áp lực tăng lương đột ngột hơn, vốn là một yếu tố có thể đẩy nhanh lạm phát. Người tiêu dùng vẫn chi tiêu, dù với những khoản chi khiêm tốn hơn, và nền kinh tế vẫn đang phát triển.
Những xu hướng như vậy cho thấy tiến bộ hướng tới kịch bản mà các nhà kinh tế gọi là “hạ cánh mềm,” trong đó lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu 2% của Fed mà không gây ra suy thoái kinh tế. Các nhà phân tích cũng cảm thấy mạnh dạn hơn nhờ những gì mà họ cho là một sự điều chỉnh suôn sẻ bất thường hướng tới giảm lạm phát.
Viễn cảnh tươi sáng hơn thể hiện một sự chuyển biến trong cách nghĩ. Năm ngoái, nhiều nhà kinh tế đã nhấn mạnh rằng để chống lạm phát sẽ cần đến một cuộc suy thoái mạnh và tỷ lệ thất nghiệp cao. Trên thực tế, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs vừa mới viết trong một báo cáo gần đây, rằng lạm phát giảm mà không kèm theo suy thoái kinh tế hay mất việc làm là “chưa từng có trong lịch sử.”
Ông Austan Goolsbee, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press hồi tháng trước rằng Hoa Kỳ đang trên đà đạt được mức giảm lạm phát hàng năm nhanh nhất lịch sử trong năm nay. Nếu như vậy thì theo ông Goolsbee, kết quả có thể là một “cuộc hạ cánh mềm hơn so với những gì mà cách nghĩ thông thường tin là có thể xảy ra.”
Điều đó nói lên rằng, việc hạ cánh mềm khó có thể là điều chắc chắn. Ví dụ, nếu Fed tính toán sai và giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài, thì cuối cùng Fed có thể làm chệch hướng nền kinh tế và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
“Có nhiều nguy cơ xảy ra suy thoái hơn là lạm phát tái tăng tốc ở mức lãi suất này,” bà Julia Coronado, chủ tịch của MarcoPolicy Perspectives, một công ty nghiên cứu kinh tế, cho biết. “Vì vậy, cuối cùng, hành động tiếp theo có thể sẽ là cắt giảm lãi suất vì lý do đó.”
Thời điểm cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào hiệu suất của nền kinh tế. Một cuộc suy thoái — hoặc mối đe dọa của một cuộc suy thoái — có thể sẽ thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất nhiều hơn, và sớm hơn.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng Mười Một được công bố hôm thứ Sáu (08/12) cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang tạo thêm việc làm với tốc độ ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3.9% xuống mức thấp 3.7%. Những con số như vậy đã cho thấy cuộc suy thoái được mong đợi nhất trong nhiều thập niên vẫn chưa xảy ra. Kể từ đó, các nhà đầu tư đã lùi kỳ vọng của họ về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed từ tháng Ba đến tháng Năm.
Fed có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục phát triển, chừng nào lạm phát tiếp tục giảm. Xu hướng tốc độ tăng giá chậm lại dần dần sẽ có tác động làm tăng lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát, do đó làm cho chi phí đi vay cao hơn dự định của Fed. Trong kịch bản này, việc giảm lãi suất sẽ chỉ đơn giản là giữ cho chi phí đi vay được điều chỉnh theo lạm phát không tăng lên.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát thấp hơn có thể mất nhiều thời gian hơn Wall Street dự kiến, vì Fed sẽ muốn chắc chắn rằng lạm phát đã được kiểm soát trước khi thực hiện một hành động như vậy.
Ông Jim Bullard, cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis và hiện là hiệu trưởng trường kinh doanh của Đại học Purdue, nói rằng mặc dù ông cho là Fed đang trên đà hướng tới hạ cánh mềm, nhưng các nhà hoạch định chính sách phải thận trọng về việc cắt giảm lãi suất.
Ông Bullard nói: “Tôi không nghĩ quý vị muốn đạt được điều đó quá sớm, bởi vì nếu quý vị bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất chính sách và sau đó lạm phát tăng trở lại, thì tôi nghĩ điều đó có thể gây ra nhiều vấn đề.” Việc cắt giảm sớm như vậy được cho là nguyên nhân dẫn đến thất bại của Fed trong việc dập tắt lạm phát trong những năm 1970.
Và nếu việc làm và tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định, thì có lẽ việc cắt giảm lãi suất không cần thiết phải xảy ra sớm, ông Bullard nói thêm.
“Tại sao phải hạ lãi suất chính sách nếu nền kinh tế thực đang hoạt động tốt?” ông hỏi. “Quý vị có thể chỉ cần ngồi lại và tận hưởng quá trình giảm lạm phát.”
Dù sao đi nữa, khi Fed công bố các dự báo kinh tế hàng quý vào thứ Tư (13/12), họ sẽ đưa ra dự báo về mức lãi suất cơ bản vào cuối năm 2024 mà các nhà hoạch định chính sách của Fed đang lên kế hoạch. Bà Coronado dự báo sắp tới sẽ chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất — một nửa số lần cắt giảm mà thị trường tài chính hiện đang kỳ vọng.
Nếu Fed cắt giảm lãi suất hai lần vào năm 2024, thì lần đầu tiên có thể không xảy ra cho đến cuối mùa thu. Bà Nancy Vanden Houten, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Hoa Kỳ tại Oxford Economics, cho biết công ty của bà không dự liệu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ xảy ra cho đến quý 3/2024.